1/ Đến đầu thôn Tang Xá, hỏi nhà thầy giáo Công, tôi được hỏi lại: “Công gỗ chứ gì?”. Tôi được chỉ vào ngôi nhà thuần Việt, do Công thiết kế. Ngay từ đầu ngõ đã nghe tiếng đục đẽo. Anh Triệu Tiến Công (Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam) đang hăng say làm việc. Nhiều bức điêu khắc gỗ đã được hoàn thiện. “Tôi đã làm được 75 bức rồi, đủ 100 bức điêu khắc gỗ, tôi sẽ làm triển lãm”, Công chia sẻ.
Qua nhiều năm sáng tác, anh Công đã có nhiều tác phẩm điêu khắc gốm và không ít lần triển lãm. Đợt này, anh tập trung điêu khắc gỗ. Anh cũng chọn đề tài phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số để biểu đạt tình yêu văn hóa, vùng miền, đặc biệt để tri ân những người phụ nữ Việt Nam. Nhiều bức tả chân thực người phụ nữ đầy sức sống, phồn thực song cũng không ít tác phẩm có tính khái quát cao. Anh đã chọn những dân tộc tiêu biểu và mang tính đại diện. Mỗi người phụ nữ ở các dân tộc đều có trang phục, trang sức khác nhau nên anh phải tìm hiểu, tính toán để tạo dáng hợp lý. Làm sao, từ những khúc gỗ có thể bố trí hợp lý các khối lồi lõm. Người phụ nữ có các đường cong, nên trong điêu khắc, Công phải khéo léo để tạo những đường cong uyển chuyển, nhằm diễn tả chính xác hình thể của họ. “Để làm được những tác phẩm này, bản thân tôi phải thích thú và đam mê. Khi đắm mình vào sáng tạo và cố gắng làm nên chất riêng, nhất là đi sâu vào một đề tài rộng, tôi được thỏa sức sáng tạo. Nhưng điều đó cũng tạo nên áp lực, vì tôi phải tạo ra những bức điêu khắc có hồn, không trùng lặp”, nhà điêu khắc Triệu Tiến Công bày tỏ.
2/ Vợ chồng anh Công hiện là giáo viên Trường THCS Tiên Lương, xã Tuy Lộc (Cẩm Khê, Phú Thọ). Ngay từ hồi còn nhỏ, Công đã thích nặn tượng các con vật bằng đất bùn ao quanh nhà. Nhiều khi trốn học chỉ để thỏa mãn sở thích được nặn và tô tượng. Lớn hơn, Công bắt đầu tạc tượng gỗ. Học lên THPT thì niềm đam mê lớn dần, anh đã có thể khắc hình trên những vật liệu khó hơn như nhôm, đồng và bắt đầu vẽ tranh. “Để thỏa ước mơ, tôi thi vào Khoa Sư phạm nghệ thuật của Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phú. Tại đây, tôi từng bước tiếp thu và thể hiện vốn tri thức trên con đường hoạt động nghệ thuật”, Công nhớ lại.
Ngày đó, sinh viên Triệu Tiến Công đã mày mò, chuyển tải ý tưởng thành nhiều tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm sinh viên và triển lãm nhóm cùng bạn bè ở bên ngoài nhà trường và được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Tốt nghiệp, Công trở về quê hương, bắt đầu công việc của một thầy giáo. Song anh vẫn liên tục tự học điêu khắc. Công cũng thường về các làng gốm để học về điêu khắc gốm, đồng thời học hỏi các thế hệ đi trước như nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Đỗ Bá Quang, Lưu Danh Thanh, Ngô Xuân Bính…
Hiện nay, ngay cả công việc dạy học cũng giúp anh rèn nghề. Anh quan niệm, nghề giáo là môn mỹ thuật chắp cánh cho thế hệ sau. Để vừa dạy tốt, vừa được làm nghệ thuật, Công phải bố trí hợp lý thời gian cho mỗi việc, đặc biệt là dành ngày nghỉ để sáng tạo. “Vợ tôi cũng làm giáo viên nên hiểu và thông cảm cho đam mê của tôi. Làm điêu khắc mất nhiều thời gian, tốn kém về kinh tế. Lúc đầu, gia đình tôi cũng gặp khó khăn lắm. Song, nhờ nhiệt huyết, vợ tôi giúp đỡ, thông cảm cho chồng nên bao khó khăn đã qua đi”, Triệu Tiến Công tâm sự.
100 bức điêu khắc gỗ là mục tiêu lớn của anh giáo làng Triệu Tiến Công.