KỶ NIỆM 78 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Ăn Tết Độc lập trong bão bùng kháng chiến

Người dân Việt Nam, luôn nhớ về ngày 2/9/1945 như một ngày trọng đại của đất nước - Ngày độc lập! Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt, trong hoàn cảnh khó khăn nơi núi rừng chiến khu, quân và dân ta đã đón Ngày Độc lập ấy với không khí Tết Độc lập như thế nào?
0:00 / 0:00
0:00
Anh hùng LLVT La Văn Cầu kể với thế hệ trẻ về bức ảnh Bác Hồ với bộ đội tại đền Hùng sau “Tết Độc lập” năm 1954. Ảnh: K.MINH
Anh hùng LLVT La Văn Cầu kể với thế hệ trẻ về bức ảnh Bác Hồ với bộ đội tại đền Hùng sau “Tết Độc lập” năm 1954. Ảnh: K.MINH

Vui khí thế chiến đấu giữa chiến khu

Với tinh thần đoàn kết và lòng yêu nước, quân và dân ta vẫn tổ chức kỷ niệm Ngày Độc lập 2/9 rất long trọng, ấm áp. Đúng ngày 2/9/1947, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài tin tưởng vào vận mệnh của đất nước, ra sức đoàn kết, cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.

Không khí ngày Tết Độc lập trong kháng chiến được khắc họa sinh động trong bài viết “Tuần lễ quốc gia” đăng trên báo Cứu Quốc. Khí thế bấy giờ được mô tả rất hào hùng: “Một tuần sôi nổi về Lễ Quốc khánh kỷ niệm Ngày Độc lập 2-9. Khắp nước từ Nam chí Bắc, từ khu bị chiếm đóng cho đến hậu phương, ở chỗ nào dân chúng cũng kỷ niệm một cách trang nghiêm và sôi nổi” (báo Cứu Quốc, 8/9/1947).

Khí thế “trùng trùng” ấy còn được dân gian phổ thành ca dao, “Rượu mừng Độc lập uống rồi/Hăm ba tháng chín lại sôi máu đào/Miền Nam lửa hận đang cao/Sóng hờn muôn ngả chảy vào Cửu Long/Bắc Nam chung một tấm lòng/Hy sinh cùng giọt máu hồng sẻ đôi/Nắm tay thề quyết một lời/Sao cho non nước đời đời quang vinh (báo Cứu Quốc, 5/9/1947). Ngày “hăm ba tháng chín” ở đây chính là ngày kỷ niệm Ngày Nam Bộ kháng chiến.

Cũng theo báo Cứu Quốc, thì ở Việt Bắc, quân và dân ta đã tổ chức “một cuộc duyệt binh lớn, cho ta nhận rõ sự tiến bộ về quân sự của ta sau 8 tháng kháng chiến và gây cho đồng bào một lòng tin tưởng mạnh mẽ vào cuộc thắng lợi cuối cùng” (báo Cứu Quốc, 8/9/1947).

Riêng khu 2 (gồm các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu), ngoài các tổ chức kỷ niệm ở khắp nơi, đáng chú ý là cuộc triển lãm ở Vân Đình, ở Kim Sơn, thu hút mỗi ngày hàng vạn người. Cuộc biểu tình rầm rộ ở Vân Đình và nhất là cuộc duyệt binh của dân quân ở Kim Sơn có hàng nghìn đội viên, với đủ các thứ khí giới, từ thô sơ đến tối tân và rất nhiều lựu đạn, tỏ rõ lối đánh thích hợp cho dân quân, cũng đáng chú ý (báo Cứu Quốc, 8/9/1947).

Ngày 2/9 đầu tiên trên chiến khu ấy, được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi lại trong nhật ký “Những năm kháng chiến” của mình như sau: “Ngày độc lập… Dân chúng ăn mừng độc lập. Anh em thông tin reo vui vỗ tay. Căn nhà sáng trưng. Bày ban thờ Tổ quốc có chuối, hoa đỏ, hạc đồng, ảnh Hồ Chủ tịch, cờ… Những người lớn ngồi bàn. Các trẻ em ngồi dưới. Họ gọi các em ra hát, khích các em này, hoan hô em nọ. Vui. Tiếng hoan hô ầm ầm. Nguyễn Xuân Khoát nói: Có lẽ mình sắp độc lập rồi vì bài nhạc Cỏ độc lập mà nhạc sĩ quên thì nay lại nhớ. Khoái vì cuộc điểm binh. Mưa càng đẹp, vì lưỡi lê càng sáng”.

Còn tại Bắc Kạn, trong tuần kỷ niệm cách mạng thành công và Quốc khánh độc lập 2/9/1949, cũng để mừng ngày Bắc Kạn giải phóng, càng thấy tình cảm quân dân sâu đậm, bền chặt như thế nào: “Đêm. Điệu kèn nhạc binh còn ngân hào hứng trong lòng người. Dân đi dự hội la liệt trên các lề đường, dưới gầm cầu, nhóm bếp lửa thổi cơm ăn. Từ rừng xa 5 - 6 chục cây số, họ đeo gạo về, xem phố và dự hội. Những ánh lửa tưng bừng và người Việt Bắc còn giữ mãi trong lòng nguồn vui hồn hậu, sâu xa và phơi phới của ngày Chiến thắng” (báo Sự Thật, ngày 10/9/1949).

Thậm chí trong những buổi kỷ niệm nơi chiến khu, còn có những buổi lễ đặc biệt có sự tham dự của phái đoàn nước bạn. Đó là vào ngày 2/9/1952, tại trụ sở Ủy ban Liên Việt toàn quốc, đại biểu Mặt trận, đại biểu Chính phủ, các chính đảng, đại biểu các tôn giáo, các đoàn thể nhân dân và Quân đội quốc gia đã hội họp để làm lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh.

“Tới dự có cả phái đoàn Việt Nam và phái đoàn Lào sắp đi dự Hội nghị Hòa bình châu Á và Thái Bình Dương. Cụ Tôn Đức Thắng thay mặt Ủy ban Liên Việt toàn quốc và Ban Thường trực Quốc hội hiệu triệu đồng bào trong nước và ngoài nước. Cụ nhấn mạnh mấy nhiệm vụ mà toàn dân cần cố gắng làm trọn: Thi đua sản xuất và tiết kiệm; đóng nhanh chóng và đầy đủ thuế nông nghiệp và công thương nghiệp; chống âm mưu của giặc “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; ra sức tiêu diệt sinh lực địch; tích cực hưởng ứng và chuẩn bị cho Hội nghị Hòa bình châu Á và Thái Bình Dương và Đại hội Hòa bình thế giới. Tiếp lời cụ, các đại biểu lần lượt lên phát biểu ý kiến. Trong buổi lễ này, các đại biểu tới dự đã chúc thọ cụ Tôn Đức Thắng vừa đúng 64 tuổi” (báo Cứu Quốc, 6/9/1952).

Cũng nhân dịp kỷ niệm Ngày Độc lập 2/9/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã khen thưởng và cấp bằng khen cho những người có thành tích chiến đấu và sản xuất. Trong đó, đủ thành phần và ngành nghề (báo Cứu Quốc, 27/9/1952).

“Quà mừng” Quốc khánh

Cùng với khí thế của quân dân miền bắc, trong chiến trường Nam Bộ, để kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập 2/9, đêm ngày 31/8/1952, bộ đội đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn đã tổ chức đốt kho dầu xăng và dầu nhớt, nhà kho bom đạn của Pháp tại Phú Thọ (Sài Gòn). Kết quả là “3 đồn lớn, 2 đồn nhỏ, 9 hầm, 4 toa chứa dầu và nhiều thùng chứa đầy xăng cộng chừng trên 3 triệu lít, và 10 ngàn thùng dầu nhớt cộng trên 2 triệu lít hoàn toàn phát hỏa. 24 hầm chứa trên 1.000 bom 500 cân và napan, 1 kho và 7 hầm chứa trên 2 triệu viên đạn nổ tung. Tiêu diệt đơn vị canh gác của địch và gây cho địch nhiều thiệt hại” (báo Cứu Quốc, 4/10/1952). Chiến công vang dội đó đã được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp khen thưởng và trân trọng tuyên dương công trạng.

Còn trong bài viết: “Nhân dân Hà Đông tích cực đấu tranh chống giặc và đẩy mạnh chiến tranh du kích”, các hoạt động đấu tranh trong dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập cũng diễn ra rất sôi nổi: “đồng bào từ các thôn xóm sau khi vượt các cánh đồng lầy lội đến địa điểm làm mít-tinh kỷ niệm, liền phân tán nhau đi phá hoại đường 75, đào hơn 100 thước đường đá để chặt què chân giặc. Cùng trong dịp này, đồng bào thôn N, Phú Xuyên đã liên tục phá hoại con đường 73 được hơn 700 thước, làm xe cơ giới địch không sao đi được. Cùng với công tác phá hoại, đồng bào còn nỗ lực đẩy mạnh đấu tranh chống thuế, chống bắt phu bắt lính” (báo Cứu Quốc, 11/10/1952).

Tại miền biên giới, dân quân ta cũng tích cực tấn công địch để kỷ niệm Ngày Độc lập 2/9. Cụ thể, “tại Lạng Sơn, dân quân mấy làng gần biên giới Lạng Sơn đã kỷ niệm Ngày Độc lập bằng cách tấn công những đội bảo an của Pháp. Chúng bị thiệt hại lớn phải rút lui về Bản Chang và đang bị ta bao vây” (báo Cứu Quốc, 30/9/1947).

Một câu chuyện cảm động nữa về tình quân dân trong ngày kỷ niệm 2/9, đó là câu chuyện về “Hồ Chủ tịch khao quân”. Nhà báo Vũ Lâm đã thuật lại đầy cảm động: “Ngày 19 tháng 8 vừa rồi, Người tuyên bố với toàn dân: “Cuộc kháng chiến của nước nhà đã gần tới thắng lợi hoàn toàn”. Để khao thưởng binh sĩ, Người viết thư hiệu triệu đồng bào, mỗi gia đình bán rẻ 10 cân gạo (với giá 5 đồng một ki lô) để Người khao quân. Thật là một cuộc khao quân vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam. Nó đánh dấu một giai đoạn chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta. Nó sẽ khuyến khích bộ đội thêm phấn khởi khi xung phong diệt địch, dồn địch ra khỏi đất nước, trong giai đoạn Tổng phản công sắp tới. Chúng ta hẳn ai cũng hiểu rằng: Nhiều khi bộ đội chịu đói rét mà vẫn đánh giặc rất hăng. Trước tình trạng ấy, nhiệm vụ công dân thúc giục ta phải đặc biệt lưu tâm đến vấn đề làm sao cho bộ đội đủ cơm no, áo ấm. Việc bán gạo khao quân này chính là một dịp để chúng ta tỏ lòng kính yêu Cụ Hồ và biết ơn bộ đội. Năm nay kỷ niệm Ngày Độc lập, đồng bào toàn quốc thi đua bán gạo rẻ để Cụ khao quân. Chúng ta cùng gắng sức thực hiện ý định của Cụ để khỏi phụ lòng Cụ thiết tha mong mỏi. Cuộc thi đua thiết thực và cảm động này sẽ làm cho tình Cha con ngày thêm nồng nàn và lòng quân dân ngày thêm khăng khít” (báo Lao Động, 1/9/1949).

“Từ các ngả trong châu thành cuồn cuộn/Dòng thác người dồn đổ lại công trường/Tất cả nồng say, vui sướng, điên cuồng!/Máu chiến thắng đẫm rừng cờ trước gió/Trời hồng hồng! Đây hàng vạn con dân/Đứng trang nghiêm, kỷ luật, đạo hùng quân…” (báo Lao Động, 5/9/1949). Ngày Độc lập trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn ấy đã chứng kiến tinh thần bất khuất và quyết tâm phi thường của quân và dân ta. Đó là biểu tượng sống của sự hy sinh và lòng yêu nước, khi mọi khó khăn vẫn không thể làm mất đi niềm tin, lòng tự hào dân tộc và khao khát độc lập, tự do!