Nuôi ước mơ lớn
“Chị không bị điếc bẩm sinh, mà trong quá trình mang thai, mẹ chị đã dùng nhiều kháng sinh. Dần dần lớn lên, chị nhận thấy mình bị suy giảm thính giác và cho đến năm 10 tuổi thì phát hiện nghe kém và dần dần giảm thính lực tối đa”, chị
Lương Thị Kiều Thúy (sinh năm 1991), người mở tiệm “Giặt là Sáng” kể về cuộc đời mình. Cuộc sống khi ấy cần nhiều cố gắng, nỗ lực của bản thân hơn là ngồi một chỗ nhận sự đồng cảm, chị Thúy đã ý thức được điều đó và lựa chọn trở thành một nhà báo khi thi vào Trường cao đẳng Truyền hình, chuyên ngành Báo chí.
Suốt 5 năm sau đó, quá trình học tập, làm việc không ngừng nghỉ giúp chị Thúy có được nhiều trải nghiệm và ươm mầm về một dự án dành cho những người khuyết tật. Với những người bị giảm hoặc mất khả năng nghe hoàn toàn, việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn rất nhiều, cuộc sống cũng từ đó mà trở nên khó hòa nhập với xã hội. Chính vì lẽ đó, chị Thúy đã khởi xướng dự án “Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người điếc tại Hà Nội”, chị nhận thấy rằng, nghề nghiệp dành cho người điếc nói riêng và những người khuyết tật nói chung đều chỉ xoay quanh công việc phổ thông, thường lặp lại và ít có tính sáng tạo. Công việc này ít cơ hội cho người điếc/khiếm thính hòa nhập xã hội bởi những rào cản khó khăn trong công việc.
Vậy là mô hình “Giặt là Sáng” ra đời từ cuối năm 2020 và vinh dự nhận được giải thưởng Cánh Én Vàng tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp 2020” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, đánh dấu một quá trình phấn đấu, học tập, tích lũy và quyết tâm không bỏ cuộc của chị Thúy.
Mang nhiều giá trị cộng đồng
Tiệm giặt là sử dụng toàn bộ nhân lực vận hành là người điếc/khiếm thính, thời điểm mới mở tiệm cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát, tiệm chung số phận với các ngành khác, đối diện khó khăn chồng chất khó khăn. Để duy trì, chị Thúy và nhân viên đã tương trợ lẫn nhau, cắt giảm lương, chắt chiu chăm sóc từng khách hàng để nhìn về hành trình đi xa hơn cho tiệm.
Tiệm “Giặt là Sáng” gồm những nhân sự đặc biệt nên cách giao tiếp cũng hết sức khác lạ. Khách hàng đến đây sẽ ghi lại yêu cầu của mình lên giấy và các bạn nhân viên sẽ đọc, phản hồi lại cũng qua đó. Sự giao tiếp lúc này chỉ còn là những ánh mắt đầy nghị lực cùng những nụ cười thể hiện tinh thần phục vụ nhiệt tình. Hiện tại, “Giặt là Sáng” đã có năm cơ sở cung cấp dịch vụ giặt là: hai chi nhánh tại Hà Nội, hai chi nhánh tại TP Hồ Chí Minh và một chi nhánh mới mở tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tạo việc làm cho 20 nhân sự/cửa hàng tất cả đều là người điếc/khiếm thính, chỉ trong gần ba năm, “Giặt là Sáng” đã phục vụ hơn 10 nghìn khách hàng. Những con số ấy còn rất thấp so những tiệm giặt là lớn nhưng đã nói lên sự nỗ lực của những người điếc/khiếm thính trong việc phát triển bản thân và chiếm trọn được niềm tin của khách hàng. Đó là thương hiệu tự lập nên của những người khuyết tật tại Việt Nam.
Được biết, toàn bộ lợi nhuận của cửa hàng sẽ được đầu tư vào các lớp học kiến thức và kỹ năng xã hội dành cho người điếc/khiếm thính, giúp họ hoàn thiện bản thân, nâng cao nhận thức để không ai bị bỏ lại phía sau. Chị Hà Dung, một nhân viên mới của cửa hàng chia sẻ: “Bản thân không may mắn khi có tai nhưng lại không thể nghe, nhưng lại may mắn khi biết đến “Giặt là Sáng” và các chị em ở đây. Không chỉ lao động kiếm tiền bằng chính sức mình, ở đây còn được học thêm nhiều điều mới, tham gia các khóa học và khiến cho mình có thêm nhiều tự tin hơn khi bước ra xã hội”.
Ở nơi mà không cần tiếng nói, mọi người vẫn hiểu nhau, chị Thúy luôn mong muốn sẽ phát triển rộng hơn mô hình này, thu hút cả về vốn đầu tư và nguồn khách hàng để có thể giúp nhiều người điếc/khiếm thính hơn. Với tính nhân văn của việc làm và tấm lòng vì cộng đồng, “Giặt là Sáng” luôn đặt chất lượng dịch vụ và mong muốn của khách hàng lên hàng đầu. Những người khiếm khuyết hiểu rằng, hạn chế về mặt cơ thể chỉ là một thử thách để họ biến điểm yếu thành điểm mạnh, khẳng định vững vàng hơn bản thân mình trong xã hội.