Vị thế mới của nông nghiệp Việt Nam

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước duy trì ở mức hơn 53 tỷ USD. Góp phần quan trọng vào kết quả đó phải kể đến vai trò của khoa học-công nghệ trong phát triển các lĩnh vực, ngành nghề nông nghiệp, mang đến luồng sinh khí mới và bước phát triển nhảy vọt cho nền nông nghiệp Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
 Ứng dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa. (Ảnh: Hà An)
Ứng dụng máy bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa. (Ảnh: Hà An)

Có sáu sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD là: cà-phê, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường mới, thị trường chất lượng cao đều “hút hàng” nông sản Việt, trong khi các đối tác quốc tế cũng đang quan tâm đặc biệt đến tiến trình phát triển sản xuất và tăng trưởng xanh của cả nền nông nghiệp Việt Nam.

Thành quả từ công nghệ

Những ngày cuối năm 2023, ngành nông nghiệp đón nhận tin vui mới khi gạo Việt Nam đoạt giải nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 do The Rice Trader tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu diễn ra tại Cebu, Philippines. Là đơn vị có hai giống lúa Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9 tham gia tranh tài và góp phần vào chiến thắng của lúa gạo Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cũng chính là doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết: Hai giống lúa Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9 đã được Tập đoàn dày công nghiên cứu và phát triển sản xuất. Lộc Trời 28 là giống lúa được chọn từ hơn 2.000 cá thể từ các tổ hợp lai giữa giống Lộc Trời 1 và Basmati từ năm 2014 đến nay, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, hạt gạo dài, trắng trong, thon, cho cơm mềm dẻo, hương thơm kết hợp giữa mùi lài và lá dứa, vị ngọt đậm đà. Nàng Hoa 9 là tâm huyết nghiên cứu, lai tạo của kỹ sư nông nghiệp Lê Hùng Lân, Công ty TNHH Hạt Giống Hoa Tiên, đã trao lại cho Lộc Trời toàn quyền sở hữu, phát triển, đưa vào sản xuất giống phục vụ bà con nông dân từ tháng 5/2023. Nàng Hoa 9 cũng chính là một trong chín giống lúa thơm xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) được hưởng hạn ngạch thuế quan theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

Trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và xuất khẩu trái cây, câu chuyện truy xuất “dấu chân carbon” đối với trái thanh long Việt Nam cũng đã mang đến sự hài lòng, hứng khởi và tin tưởng cho người tiêu dùng và nhiều nhà nhập khẩu “khó tính” nhất thế giới. Đây là mô hình do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện nhằm theo dõi phát thải carbon trong sản xuất, chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Với hệ thống này, người tiêu dùng có thể quét mã QR để truy xuất mức độ thực hành “xanh” trong sản xuất thanh long một cách minh bạch nhất.

Không chỉ trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên biển của Việt Nam cũng đang gặt hái nhiều thành công với những bước tiến mới hướng tới khát vọng trở thành cường quốc nuôi biển số 1 Đông Nam Á trong tương lai. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng: Nuôi biển là lĩnh vực Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển hơn 1 triệu km2 và nhiều công nghệ mới đang được áp dụng. Hiện nay đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới.

Năm 2023, sản lượng nuôi biển của nước ta đã đạt gần 800.000 tấn. Mục tiêu đến năm 2045, công nghiệp nuôi biển sẽ trở thành bộ phận quan trọng của ngành thủy sản, đóng góp hơn 25% tổng sản lượng với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, góp phần quan trọng thực hiện định hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.

Vị thế mới của nông nghiệp Việt Nam  ảnh 1

Đóng gói gạo xuất khẩu sang thị trường EU tại Công ty cổ phần Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). (Ảnh: Nam Phương)

Năng lực xuất khẩu không ngừng lớn mạnh

Năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt mức kỷ lục 4,78 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang dẫn đầu thế giới, vượt qua cả Thái Lan. Năm 2023, Việt Nam đã cung cấp ra thế giới hơn 8 triệu tấn gạo.

Từ một quốc gia chủ yếu xuất khẩu gạo thô đến quốc gia có gạo ngon nhất thế giới, và giờ đây đang nỗ lực để trở thành quốc gia đầu tiên sản xuất, xuất khẩu gạo phát thải thấp..., có thể thấy, ngành hàng lúa gạo đang đứng trước những cơ hội đổi thay ngoạn mục, xác lập vị trí hàng đầu trên bản đồ xuất khẩu gạo thế giới cả về sản lượng, chất lượng và giá trị nhờ nỗ lực không ngừng trong ứng dụng khoa học công nghệ.

Cũng như lúa gạo, con số 5,69 tỷ USD xuất khẩu rau quả của năm 2023 đã làm “nức lòng” những ai quan tâm đến sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Trong đó, những loại trái cây như chanh leo, sầu riêng đang giữ vai trò chi phối sản lượng và giá cả trên thị trường thế giới. Thành tựu không chỉ dừng lại ở đó, vì tiềm năng của ngành hàng rau quả hiện vẫn còn rất lớn. Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - một trong những công ty sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả hiện đại hàng đầu Việt Nam-nhận định: “Tại Tây Nguyên, nếu chuyển những diện tích trồng cây ngắn ngày hiệu quả thấp sang trồng dứa, chanh leo, chuối... cho năng suất cao, thì tôi dám khẳng định, riêng tỉnh Gia Lai sẽ có kim ngạch xuất khẩu rau quả ngang bằng với cả nước hiện nay là khoảng 5 tỷ USD. Tất nhiên là phải làm bài bản, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ và có sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp”.

Tiềm năng này cũng còn có thể khai thác ở nhiều ngành nông nghiệp khác như cà-phê, thủy sản,... để mang lại giá trị gia tăng cao hơn nữa. Trong đó chìa khóa cho tăng trưởng vẫn là công nghệ. Đó cũng chính là lý do mà những năm gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn coi trọng phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng ngành.

Đẩy mạnh triển khai các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học-công nghệ trong các khâu then chốt phát triển nông nghiệp, nhất là tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực xuất khẩu là những bước đi đúng đắn để nâng tầm nông sản Việt Nam ■

Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu có nguy cơ lan rộng, việc Việt Nam xuất khẩu một lượng lớn gạo vừa khẳng định hiệu quả, năng suất cao của nền sản xuất trong nước, vừa khẳng định vai trò của Việt Nam trong thực hiện các cam kết về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.