Cất cánh cùng đại bàng

Sự dịch chuyển trong dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện nay là cơ hội hiếm có để Việt Nam tạo bước ngoặt trong tiến trình hợp tác đầu tư nước ngoài hướng đến hai mục tiêu lớn: Tăng số lượng vốn đăng ký và chọn lọc vốn chất lượng cao, nâng vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng lợi nhuận bốn nhà máy Samsung tại Việt Nam đạt 1,89 tỷ USD trong quý III/2023, cao nhất kể từ năm 2017. (Ảnh: Trần Hải)
Tổng lợi nhuận bốn nhà máy Samsung tại Việt Nam đạt 1,89 tỷ USD trong quý III/2023, cao nhất kể từ năm 2017. (Ảnh: Trần Hải)

Bức tranh toàn cảnh về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2023 không nằm ở các con số định lượng cụ thể về số lượng dự án, tổng vốn đăng ký, vốn giải ngân mà nằm ở xu hướng rất tích cực trong sự chuyển động của dòng vốn quan trọng này.

Những cơ hội đáng kinh ngạc

Các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) vừa trải qua một năm bận rộn tại thị trường Việt Nam với nhiều sự kiện nhằm triển khai các công việc liên quan hợp tác phát triển ngành bán dẫn - một trong những nội dung quan trọng của Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Riêng đối với cá nhân Chủ tịch SIA, ông John Neuffer đã ba lần đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong năm 2023 để thúc đẩy triển khai hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp thành viên với các đối tác Việt Nam nhằm mang đến những cơ hội mở rộng thị trường cũng như nâng cao năng lực của Việt Nam trong ngành công nghiệp mới này. Ông cho biết nhiều thành viên của SIA bao gồm Intel, Marvell, Synopsys, Qualcomm, Ampere, Infineon… đã có các khoản đầu tư đáng kể vào Việt Nam và đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư. “Những khoản đầu tư này là minh chứng cho vai trò then chốt và ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn; nhà đầu tư cũng nhận thấy những cơ hội đáng kinh ngạc để Việt Nam phát triển dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu”, ông John Neuffer nói.

Còn đối với ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn sản xuất chíp lớn nhất thế giới Nvidia, Việt Nam đã để lại cho ông nhiều ấn tượng tốt đẹp ngay từ chuyến công du đầu tiên vào tháng 12/2023. Sau buổi tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và tham dự Tọa đàm “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) tổ chức, người đứng đầu Nvidia chia sẻ: Tôi cảm thấy mình được chào đón tại quốc gia này và cam kết sẽ sớm thành lập pháp nhân tại Việt Nam, biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của mình và mong muốn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư có thể chỉ định ra một đối tác để Nvidia có thể hợp tác, từng bước hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một Việt Nam mới. Tại Việt Nam, Nvidia đang là đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT, Vingroup… với doanh thu mỗi năm khoảng 500 triệu USD.

Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu sụt giảm và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, để thu hút nguồn lực quan trọng này, Việt Nam vẫn nổi lên là điểm đầu tư hấp dẫn. Niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố, các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và có nhiều dư địa trong trung và dài hạn. Đáng lưu ý, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố, mở ra xu hướng hợp tác với nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử tên tuổi trên thế giới.

Cất cánh cùng đại bàng  ảnh 1
Lắp ráp thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Stronics Việt Nam, Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang). (Ảnh: Trần Hải)

Nâng tầm doanh nghiệp Việt

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) Nguyễn Văn Toàn nhận định, đất nước đang đứng trước bước ngoặt lớn với cơ hội rộng mở để “nâng chất” dòng vốn FDI. Vị chuyên gia phân tích: Năm 2008, Việt Nam cũng có cơ hội bùng nổ về thu hút vốn FDI nhờ hiệu ứng tích cực từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Khi đó, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thương mại quốc tế, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam cũng tăng vọt nhưng kết quả thực hiện lại không tương xứng do chúng ta chưa chuẩn bị tốt điều kiện để tiếp nhận. Một lần nữa, cơ hội mới lại mở ra cho Việt Nam trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo nhờ bước tiến lớn trong quan hệ ngoại giao với các đối tác lớn của nền kinh tế như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU)…

Để không vuột mất cơ hội, cần có sự chuẩn bị chu đáo từ phía “chủ nhà”. Tình thế hiện nay đã khác, ưu đãi về thuế và nhân công rẻ không còn là điểm cộng trong thu hút FDI vì nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đều tuyên bố áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024. Việc thực hiện các giải pháp truyền thống như đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn lực đất đai, mặt bằng sạch… là cần thiết, nhưng để đón dòng vốn chất lượng cao, Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong các ngành công nghiệp mới và nâng tầm doanh nghiệp để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Nâng cao năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp trong nước tự tin liên kết, tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI là vấn đề mang tính cấp thiết hiện nay. Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không nên hiểu theo nghĩa chỉ đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng mà cần hỗ trợ, kết nối cho các doanh nghiệp Việt Nam có tên tuổi, quy mô lớn tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở vị thế dẫn dắt bằng chính thương hiệu của mình như FPT, Vingroup…”, ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Làn sóng FDI mang theo nguồn vốn lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao năng lực sản xuất. Tuy nhiên, Việt Nam không chỉ xây tổ đón đại bàng mà còn đặt mục tiêu bay cùng đại bàng để kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn. Để thực hiện khát vọng này, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động khá cụ thể và nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng ban đầu cho các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao và ngành công nghiệp bán dẫn và hiện được đánh giá là một quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ cao ■

Theo nhận định của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vai trò là trung tâm tăng trưởng kinh tế mới của châu Á với vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và liên tục nhận nguồn đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia.