Nhu cầu công chúng và biện pháp công nghệ mới

Ứng dụng công nghệ mới sẽ tăng cường việc đáp ứng nhu cầu khán giả xem truyền hình như thế nào? Hàng loạt câu hỏi đang đặt ra với hoạt động báo chí truyền hình để tiếp tục giành và giữ vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh truyền thông nhằm giữ được sự chú ý của khán giả.
0:00 / 0:00
0:00
Phóng viên VTV tác nghiệp tại Sea Games 31. Ảnh: Hoài Thu
Phóng viên VTV tác nghiệp tại Sea Games 31. Ảnh: Hoài Thu

1. Một câu chuyện diễn ra tại SEA Games 32 năm 2023 cho chúng ta thấy công nghệ có thể đáp ứng nhu cầu của công chúng truyền hình như thế nào: tại SEA Games 32, do không có đủ thiết bị ghi hình và kinh phí, nước chủ nhà không thể sản xuất và phát sóng trực tiếp hết các trận thi đấu bóng đá. Việt Nam muốn hỗ trợ nước chủ nhà thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nên đã đề xuất giúp bạn truyền hình trực tiếp các trận bóng đá quan trọng.

Bài toán đặt ra là, do quá gấp và chi phí tốn kém nên phía Việt Nam không thể mang thiết bị ghi hình và truyền dẫn tín hiệu chuyên nghiệp như xe mầu, vệ tinh,... sang hỗ trợ. Một ý tưởng nảy sinh: chỉ cần cử ba quay phim lấy hình ảnh từ các sân vận động, có kết nối qua các thiết bị nhỏ gọn sử dụng sim 4G, truyền qua điện toán đám mây và các đạo diễn của VTV ngồi tại Hà Nội cũng có thể trộn hình, bổ sung đồ họa và thông tin để có thể sản xuất trực tiếp các trận thi đấu… Và thế là 11 trận đấu đã được truyền trực tiếp cho khán giả toàn Đông Nam Á theo dõi.

Có thể khẳng định: Công nghệ truyền hình kết hợp với công nghệ viễn thông đã và đang tạo ra những sự thay đổi chóng mặt với các khả năng hội tụ, tích hợp, tương tác… trong các dạng thức sản xuất và truyền dẫn mới đáp ứng nhu cầu của công chúng.

2. Nhu cầu của công chúng thúc đẩy đổi mới công nghệ, hay ngược lại, chính những đổi mới công nghệ đã tạo ra sự thay đổi nhu cầu xem, nghe của công chúng? Và sự chuyển dịch sang sử dụng truyền thông mạng xã hội mạnh mẽ đang cho thấy điều gì về nhu cầu của công chúng?

Lý thuyết truyền thông với hướng tiếp cận lấy người dùng làm trung tâm (sử dụng và hài lòng) đã giả định rằng con người chủ động tiếp cận phương tiện truyền thông để thỏa mãn những nhu cầu cụ thể của họ. Những nhu cầu mà người dùng được thỏa mãn thông qua phương tiện truyền thông là nâng cao kiến thức, thư giãn, tương tác xã hội, tìm sự đồng hành, đa dạng hóa hoặc trốn thoát thực tại… người dùng chịu trách nhiệm chọn ra phương tiện truyền thông để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của họ để đạt được sự hài lòng.

Các phương tiện truyền thông đang cạnh tranh với các nguồn thông tin khác để mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Vì vậy, đáp ứng nhu cầu khách hàng đòi hỏi độ sẵn sàng cung cấp thông tin cao của các phương tiện truyền thông về dữ liệu, đánh giá trải nghiệm, thời lượng sử dụng, thời điểm sử dụng,... của khách hàng.

Trong cuộc cạnh tranh hiện tại giữa truyền hình truyền thống với truyền thông mạng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng, cần làm rõ những khác biệt đang tồn tại giữa hai loại hình này, trong việc cung ứng sản phẩm dịch vụ.

Thứ nhất, tính tương tác. Yếu tố tương tác trên truyền hình có thể gợi ra cuộc đối thoại trong tâm thức khán giả bằng những câu hỏi, lời dẫn, text…Tuy nhiên đó vẫn là tín hiệu một chiều. Dù có đang là chương trình truyền hình trực tiếp thì khán giả cũng khó lòng gửi ý kiến của mình, để được thể hiện ngay trên sóng truyền hình.

Cần có sự kết nối từ điện thoại di động của khán giả với phần mềm của Trung tâm điều khiển MCR, mà hiện tại công nghệ truyền dẫn truyền hình chưa đáp ứng điều này. Trong khi đó, trên các video của mạng xã hội, người dùng có thể nhấn nút bày tỏ thái độ, có thể gửi ý kiến của mình để hiển thị ngay trong dòng bình luận về video. Khả năng chia sẻ nhanh hơn với những ý kiến bình luận cũng là điều mà người dùng nhận thấy nhu cầu tìm sự hưởng ứng hoặc nói lên chính kiến của mình được đáp ứng hết sức dễ dàng.

Thứ hai, xem lại và xem chậm. Công nghệ truyền hình tạo ra điểm hẹn để khán giả xem trực tiếp khi phát sóng trên thiết bị thu hình, tạo nên hiệu ứng có mặt (người xem có cảm giác như đang có mặt tại sự kiện), hiệu ứng tức thời (người xem có cảm giác đang nghe và nhìn thấy những gì diễn ra ngay thời điểm phát sóng và có sự hưởng ứng về cảm xúc và tâm trí khi tiếp nhận thông tin tức thời).

Song, các đoạn video trên mạng xã hội có thể được phát lại, xem lại tùy thích. Khán giả vẫn có được cảm xúc có mặt và vẫn có thể lặp lại những cảm xúc này khi xem lại video. Điều này giúp cho những thông tin từ video được tiếp thu đầy đủ trọn vẹn và kỹ lưỡng hơn.

Thứ ba, khả năng đề xuất. Video trên mạng xã hội được đề xuất và gợi ý liên tục, thí dụ trong mục Video to Watch do công nghệ AI đã phân tích tổng hợp nhu cầu của người xem, điều này đáp ứng được nhu cầu xem liên tục chủ đề mình quan tâm. Với truyền hình thì nhu cầu xem được nghiên cứu và từ đó thiết kế khung phát sóng có tính đến khả năng sản xuất, thời điểm phát sóng…

Đôi khi công nghệ AI hiểu sai nhu cầu của người xem, dù đã có nghiên cứu trên từng đối tượng. Còn truyền hình, như một phương tiện truyền thông đại chúng, đã tính toán và sắp xếp khung phát sóng để thỏa mãn nhu cầu của số đông. Thang đo đáp ứng nhu cầu chính là chỉ số người xem truyền hình, con số quan trọng đó thường xuyên được phân tích làm căn cứ, để tiếp cận và thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khán giả.

3. Sự dễ dàng tiếp cận và độ thỏa mãn nhu cầu của công chúng đã tạo ra sức hấp dẫn cho việc xem video trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn những nguy cơ tác động vào nhận thức công chúng bằng những video có chất lượng nội dung và thể hiện không đạt chất lượng, không chính xác, thiếu công bằng, thiếu trung thực, thiếu khách quan, thiếu tính giáo dục…, chưa kể tới những video tạo dựng thông tin sai sự thật, mang tính xuyên tạc chống phá đường lối quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Sự tổng hợp ngẫu nhiên và có thể bị ảnh hưởng bởi định kiến của AI sẽ tác động không tốt tới quá trình xem và nghe của công chúng, gây hoang mang hoặc sai lệch nhận thức trước dòng video được gợi ý. Yếu tố niềm tin cũng là điều đáng cảnh báo, khi công chúng có xu hướng dễ dàng tin vào những thông tin được mời xem trên mạng xã hội. Đã có hiện tượng một số tác giả video lợi dụng hình ảnh thương hiệu hoặc logo gợi nhớ các cơ quan báo chí chuyên nghiệp để tạo ra lòng tin, hòng thao túng công chúng.

Thí dụ: Lấy đồ họa, hình ảnh và mầu sắc phông nền gần giống Bản tin Thời sự 19giờ hoặc các bản tin khác của VTV để thiết kế cho phần điểm tin của mình. Khi đọc dòng bình luận có thể thấy những người xem nhầm lẫn đây là sản phẩm được làm ra bởi bình luận viên, biên tập viên của Đài Truyền hình quốc gia. Điều này cho thấy: Việc nỗ lực giành lại người xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với các đài truyền hình.

Đài Truyền hình Việt Nam, trong những năm qua, đã phát triển nhiều phương án công nghệ để gắn kết khán giả với các nội dung của mình, đặc biệt trong điều kiện các nền tảng số đang phát triển mạnh mẽ và tạo khả năng kết nối, tương tác realtime, khác biệt hẳn so phương thức truyền dẫn phát sóng cũ.

Nhiều chương trình của Đài đã áp dụng phương án bình chọn, chấm điểm trực tuyến ngay trên ứng dụng VTVGo để làm căn cứ cho việc lựa chọn đội chơi, ứng viên, nội dung như: SV2020, VTV Award, Trạng nguyên nhí... Các kết quả bình chọn, chấm điểm online này góp phần tăng “quyền lực” của khán giả đối với các chương trình, giúp người dùng gắn kết hơn với nền tảng trực tuyến VTVGo cũng như với các kênh sóng của VTV.

Để mở rộng các phương án tương tác với khán giả, VTV cũng đang nghiên cứu thử nghiệm một số công nghệ mới như Gamification ứng dụng công nghệ Blockchain, xây dựng những kịch bản tương tác với nội dung như QuizGame, BlackBox,... giúp khán giả giành nhiều thời gian trải nghiệm hơn trên nền tảng VTVGo, VTVNews.

Khả năng tương tác còn được thể hiện ở phương án chia sẻ nội dung với bạn bè, người quen qua mạng xã hội. Các nội dung của VTV trên VTVGo/VTVNews đều có nút Chia sẻ để người xem dễ dàng chia sẻ nội dung này trên các mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok, Zalo... và từ đây lan tỏa nội dung của VTV tới lượng khán giả đông đảo hơn.

Việc thu thập hành vi người dùng trên các nền tảng của VTV như VTVGo/VTVNews cũng được chú trọng, toàn bộ các hành vi nghe, xem, theo dõi của khán giả đều được lưu lại trên hệ thống Bigdata của Đài, từ đó đưa ra các phân tích về thói quen, thiết bị, thông tin vùng miền, giới tính, độ tuổi của khán giả.

Căn cứ trên các dữ liệu này, người dùng sẽ được hệ thống tự động gợi ý các nội dung phù hợp như: nội dung theo thói quen, sở thích của người xem, nội dung được nhiều người cùng độ tuổi, giới tính theo dõi,... Đây cũng là điểm quan trọng trong việc cá nhân hóa nội dung cho người dùng, mỗi người dùng tùy theo sở thích, thói quen sẽ có các gợi ý nội dung riêng biệt khi trải nghiệm các nền tảng của Đài.

Ngày nay, công nghệ AI đang ngày một trở nên phổ biến hơn và là một cuộc cách mạng trong mọi lĩnh vực trong đó có báo chí và truyền thông. Với truyền hình, AI đã và sẽ được ứng dụng rộng rãi trong việc tìm kiếm và lựa chọn đề tài, thiết kế nội dung phù hợp nhu cầu của công chúng.

4. Nghiên cứu những tác động lâu dài của các phương tiện truyền thông, chủ yếu là truyền hình, cho thấy: Nhận thức thực tế xã hội của những người thường xuyên tiếp xúc với phương tiện truyền thông trong thời gian dài có nhiều khả năng bị ảnh hưởng, đến cả thái độ và hành vi của họ.

Nhu cầu công chúng và biện pháp công nghệ mới  ảnh 1

Phóng viên VTV tác nghiệp tại Sea Games 31. Ảnh: Hoài Thu

Do đó, việc tìm hiểu xem những nhu cầu nào của người xem sẽ phù hợp với nhu cầu chung của xã hội là điều rất quan trọng. Thí dụ, thể hiện những cảm giác tiêu cực là một nhu cầu của người dùng khi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Tuy nhiên, khi nó dựa trên những thông tin không được xác thực, được thể hiện thiếu cân nhắc và gây ra tác dụng tiêu cực tới xã hội, thì việc đáp ứng, lan tỏa, khuyến khích những hành vi đó có hại cho môi trường truyền thông.

Nhu cầu của công chúng không phải là trung bình cộng của các nhu cầu. Có những nhu cầu cá nhân nằm ngoài mục tiêu phục vụ của báo chí cách mạng. Những nhu cầu hướng đến Chân - Thiện - Mỹ; những nhu cầu về thông tin đáng tin cậy, khách quan trung thực; nhu cầu thưởng thức cái hay, cái đẹp và nuôi dưỡng lòng nhân ái, lòng khát khao tri thức và hiểu biết; nhu cầu tự hào về đất nước, về bản sắc, về khí chất và trí tuệ của con người Việt Nam… là những nhu cầu cần được báo chí ra sức đáp ứng. Nhu cầu được giao tiếp, tương tác, thể hiện ý kiến, quan điểm của bản thân là những nhu cầu hết sức chính đáng và ngày càng cần được đầu tư những công nghệ mới, để mang lại sự hài lòng cho người dân.

5. Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã căn dặn báo chí: “ Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng” (Hồ Chí Minh toàn tập 2011, t.5, tr.345).

Điều này cho thấy Bác coi hiệu quả tiếp nhận của quần chúng là tiêu chí đánh giá sự tiến bộ của người làm báo, tiêu chí đánh giá thành công của báo chí. Người luôn nhấn mạnh chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng: “Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng” (Hồ Chí Minh toàn tập 2011, t.8, tr.205).

Và mục tiêu của báo chí cách mạng, trên hết, như Người luôn nhấn mạnh, là vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Chưa bao giờ con người được sống trong một môi trường truyền thông đa dạng, phong phú, mở rộng và đa chiều như hiện nay. Từ vai trò tiếp nhận thụ động, công chúng chuyển sang vai trò chủ động, tham gia trực tiếp vào quá trình truyền thông. Trong khi đó, công nghệ đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ cho hoạt động truyền hình để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng. Các vấn đề như tối ưu quy trình và chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng nội dung và nâng cao trải nghiệm người xem đã và đang được đặt ra trong những giải pháp đổi mới công nghệ.

Quay trở lại câu chuyện SEA Games 32, mục đích phục vụ khán giả Đông Nam Á và Việt Nam có được trải nghiệm tốt nhất đã làm nảy sinh cách thức đạt mục tiêu truyền đi những trận bóng đá hay, và như vậy, đã làm xuất hiện những sáng kiến công nghệ mới. Có thể khái quát, trước hết, điều quan trọng là xác định đúng mục đích, sau đó mới là các biện pháp kỹ thuật hay công nghệ - những công cụ để đạt được mục tiêu đó.

Có thể khẳng định: Công nghệ truyền hình kết hợp với công nghệ viễn thông đã và đang tạo ra những sự thay đổi chóng mặt với các khả năng hội tụ, tích hợp, tương tác… trong các dạng thức sản xuất và truyền dẫn mới đáp ứng nhu cầu của công chúng.