Bắt kịp xu thế, bằng công nghệ

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đang thay đổi mạnh mẽ thói quen và cách xem truyền hình của khán giả. Các đài truyền hình cũng vì vậy mà phải đổi mới, thúc đẩy chuyển đổi số, nhằm đáp ứng được thị hiếu của người xem.
0:00 / 0:00
0:00
Bắt kịp xu thế, bằng công nghệ

Phát biểu tại trụ sở chính, tòa Broadcasting House tại London, Tổng Giám đốc BBC Tim Davie nhấn mạnh: Tập đoàn truyền thông Anh có kế hoạch sắp xếp lại các dịch vụ của mình để ưu tiên nền tảng kỹ thuật số. Tổng Giám đốc Davie công bố kế hoạch phát triển BBC thành một tổ chức của thời đại kỹ thuật số, hoạt động với ba trụ cột truyền thông cốt lõi: thông tin, giáo dục và giải trí.

Theo ông, hiện nay, khoảng 85% thời gian người dùng dành cho BBC là với các chương trình phát sóng tuyến tính (theo lịch phát sóng), khiến quá nhiều nguồn lực của BBC tập trung vào phát sóng truyền hình, chứ không phải nền tảng trực tuyến. Đồng thời, chưa đến 10% lượt sử dụng của BBC trên internet được đăng nhập, do đó, BBC chưa thể cung các cấp dịch vụ phù hợp với mỗi cá nhân. Ông nhận định: Nếu không phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thời đại số, BBC sẽ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.

Theo kế hoạch, khoảng 300 triệu bảng Anh sẽ được BBC tái đầu tư nhằm thúc đẩy Chiến lược ưu tiên kỹ thuật số, vào các dịch vụ OTT (dịch vụ truyền thông được cung cấp trên internet) của BBC, như iPlayer và nền tảng âm nhạc Sounds. Mục tiêu của BBC là có 75% số người xem truy cập iPlayer mỗi tuần, trong đó, tin tức, bản tin hay các dịch vụ thông tin địa phương đều sẽ được điều chỉnh để phục vụ khán giả tốt nhất bằng nền tảng kỹ thuật số.

Các khoản đầu tư ngày càng tăng, tập trung hơn cho số hóa sẽ thúc đẩy cá nhân hóa trải nghiệm, giúp mọi người sử dụng và theo dõi các dịch vụ của BBC tốt hơn. Đến năm 2025, BBC đặt mục tiêu đầu tư 50 triệu bảng Anh mỗi năm vào phát triển sản phẩm. Ông Davie nhấn mạnh: Khán giả đã và sẽ tiếp tục rời xa các dịch vụ phát sóng tuyến tính, không chỉ đối với truyền hình mà cả với đài phát thanh. Do đó, các phương tiện truyền thông cần bảo đảm đã chuẩn bị sẵn sàng và có thể thích ứng. Các dịch vụ theo yêu cầu và nội dung được chọn lọc, cá nhân hóa sẽ ngày càng được đầu tư, phát triển, vì khán giả sẽ mong đợi những dịch vụ như vậy.

Trong bối cảnh các xu hướng truyền thông mới nổi lên, Tập đoàn truyền hình Nhật Bản NHK đang tập trung đầu tư vào các sáng kiến mới, trong đó tận dụng tối đa sự phát triển của công nghệ. Hướng đến khán giả nước ngoài, nhiều bản tin và chương trình bằng tiếng Anh được NHK phát sóng trên truyền hình ở nhiều nước, đồng thời đăng tải trên trang web và ứng dụng điện thoại của hãng. Để phục vụ người xem từ nhiều quốc gia hơn nữa, NHK áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo phụ đề tự động bằng nhiều thứ tiếng cho hầu hết các bản tin, chương trình trên internet.

Cũng áp dụng công nghệ AI, một hệ thống được NHK phát triển nhằm sản xuất các bản tin do người dẫn chương trình ảo hay phát thanh viên ảo đọc. Hiện NHK mới áp dụng hệ thống này trong một số bản tin thời tiết, lịch phát sóng trên truyền hình. Trong thời gian tới, NHK sẽ triển khai hệ thống này trên nhiều nền tảng khác; xây dựng người dẫn chương trình, phát thanh viên ảo nói tiếng Nhật tự nhiên và trôi chảy hơn.

Hướng đến khán giả khiếm thính, NHK đã phát triển một ứng dụng trên trang mạng nhằm cung cấp thông tin sinh động về các trận thi đấu thể thao, trong đó áp dụng các biểu đồ, phụ đề, ngôn ngữ ký hiệu để bình luận về tỷ số, vận động viên... Ứng dụng công nghệ nắm bắt chuyển động (motion capture) và AI, NHK cũng đang nghiên cứu và phát triển một dạng bình luận viên ảo sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, trước mắt là để tường thuật các chương trình thể thao trực tiếp.

Bắt kịp xu thế, bằng công nghệ  ảnh 1

Một chương trình truyền hình được thực hiện tại trường quay của Thai PBS.

Có trụ sở nằm ở quốc gia chịu nhiều thiên tai, NHK không ngừng cải thiện hạ tầng kỹ thuật nhằm bảo đảm việc phát sóng khi thảm họa xảy ra, góp phần vào nỗ lực cảnh báo, hướng dẫn người dân tự bảo vệ hay sơ tán. Từ kinh nghiệm sau thảm họa kép tại Nhật Bản năm 2011, NHK nhận thấy việc sử dụng camera điều khiển từ xa giúp quá trình truyền tải hình ảnh trực tiếp diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và an toàn hơn. Đã có sẵn camera tại hàng trăm địa điểm ở Nhật Bản, NHK đang thúc đẩy lắp đặt thêm nhiều camera hơn nữa. Nhờ quá trình nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, trong trường hợp thiên tai khiến trung tâm phát thanh truyền hình của hãng đặt tại Tokyo phải tạm ngừng hoạt động, việc phát sóng trên toàn quốc vẫn được duy trì bởi đài NHK tại Osaka.

Là kênh truyền thông đại chúng phi lợi nhuận đầu tiên được thành lập ở Thái Lan, Thai PBS (Public Broadcasting Service) chính thức bắt đầu phát sóng ngày 15/2/2008. Để bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại kỹ thuật số và thích nghi với sự thay đổi trong hành vi tiếp nhận nội dung của khán giả, nhất là thế hệ trẻ, Thai PBS đang thúc đẩy một chiến lược chuyển đổi số mang tên “Digital First”.

Theo PGS, TS Wilasinee Phiphitkul, Tổng Giám đốc Thai PBS: “Các thế hệ mới như thế hệ Z chắc chắn sẽ không quay trở lại với cách chỉ tiếp nhận thông tin và giải trí qua truyền hình như trước đây. Hiện nay họ có rất nhiều kênh truyền thông để lựa chọn, có thể xem trên nhiều thiết bị như điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng”.

Với “Digital First”, các nội dung của Thai BPS sẽ được thiết kế để khán giả có thể xem trên tất cả các thiết bị số. Một tin tức có thể được phát sóng đồng thời theo ba dạng trình bày cho các loại thiết bị khác nhau mà không phải chờ phát trên truyền hình trước, sau đó mới biên tập lại thành các clip ngắn để phát trên mạng như trước đây. Bà Wilasinee chia sẻ: “Chúng tôi đang nỗ lực thay đổi tư duy làm việc của các phóng viên tại Thai PBS để họ thay đổi cách xử lý nội dung từ “TV First” sang “Digital First”. Đồng thời, Thai PBS cũng đẩy mạnh đào tạo tư duy, kỹ năng làm việc kỹ thuật số, nội dung trực tuyến cho các phóng viên, biên tập viên.

Cuối năm 2022, Thai PBS đã thiết kế mới và tái cấu trúc trang chủ Thai PBS theo khái niệm “Thai PBS Now, bấm vào mỗi ngày, bắt kịp mọi sự kiện”. Là một phần của chiến lược “Digital First”, trang chủ Thai PBS mới được tích hợp đầy đủ các nền tảng nội dung như kênh tin tức, giáo dục, Podcast, streaming, VIPA…., trở thành một trung tâm nội dung, giúp người dùng dễ dàng truy cập các nội dung một cách toàn diện. Thai PBS cũng đang nỗ lực phát triển một hệ thống dữ liệu phân tích hành vi của người dùng theo thời gian thực, kết hợp với các thông tin từ các nghiên cứu, hệ thống thu thập dữ liệu back-end trên trang Thai PBS để xem xét hành vi của người xem.

Thai PBS đặt mục tiêu trong ba năm tới sẽ hoàn tất việc chuyển đổi “Digital First”, kết nối tất cả các phòng ban trong tập đoàn vào một mối. PGS, TS Wilasinee khẳng định: “Từ nay trở đi, Thai PBS không chỉ là một nhà sản xuất nội dung đơn thuần, mà sẽ trở thành một trung tâm cung cấp nội dung của Thái Lan, sẵn sàng hỗ trợ các nhà sáng tạo nội dung có tiềm năng và mở ra không gian giúp họ trao đổi, trình bày công việc để phát triển hơn nữa”.