Tháng 7/2023, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Mai Đức Chung đã làm nên lịch sử khi lần đầu giành tấm vé tham dự FIFA World Cup.
Từ những đội bóng phong trào hoạt động ở địa phương vươn đến các giải đấu lớn nhất trong khu vực và trên thế giới, hành trình của bóng đá nữ Việt Nam trong 3 thập kỷ qua là một hành trình vượt khó đáng ngưỡng mộ.
Các nữ cầu thủ Việt Nam đã viết nên một câu chuyện đầy cảm hứng về sức mạnh của ý chí và lòng quyết tâm.
40 năm trước, ông Trần Thanh Ngữ - người được coi là “cha đẻ” của bóng đá nữ Việt Nam nhận công tác tại Trung tâm Thể dục thể thao quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ở vị trí này, ông bắt đầu manh nha ý tưởng thành lập các đội thể thao nữ, và đội bóng đá nữ quận 1 đã ra đời. Phía đầu cầu miền bắc, ông Hoàng Vĩnh Giang, khi ấy đang là Giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội, đã đứng ra thành lập đội bóng Hoa Học Trò. Đây là những viên gạch đầu tiên trong công cuộc xây dựng nền bóng đá nữ nước nhà.
Đến năm 1997, đội tuyển nữ Việt Nam danh chính ngôn thuận “mang chuông đi đánh xứ người” tại SEA Games 19 ở Indonesia và có ngay tấm Huy chương Đồng trong lần đầu tham dự.
Trong những năm mà “Giấc mơ vàng SEA Games” là niềm đau đáu của nền bóng đá Việt Nam thì ông Trần Thanh Ngữ đã cười phớ lớ tuyên bố rằng: “Đời tôi chắc không đợi được huy chương vàng SEA Games của mấy tay đàn ông đá bóng, nhưng với chị em thì tin tôi đi, chả mấy chốc là có ‘vàng’!”.
Lời tiên đoán đã thành sự thật chỉ sau đó 4 năm, nhưng có lẽ kể cả trong mơ, ông Ngữ cũng không nghĩ tuyển nữ Việt Nam có thể giành được tới 8 tấm Huy chương Vàng SEA Games, và còn giật luôn chiếc vé đi World Cup.
Tuy nhiên, không có hành trình nào bằng phẳng và trải thảm đỏ. Đặc biệt là đối với bóng đá nữ.
Những năm đầu mới thành lập, ông Trần Thanh Ngữ cùng các nữ cầu thủ phải vượt qua định kiến xã hội để tồn tại. Cơ sở vật chất thiếu thốn, có thời kỳ các cô gái phải ra sân tập luyện với đôi chân trần. Tại kỳ SEA Games đầu tiên, ông Trần Thanh Ngữ còn bỏ cả tiền túi ra lo cho chị em đá bóng, đồng thời với chuyên môn dược, ông kiêm nhiệm cả việc chăm lo y tế.
Khi đội tuyển giành tấm Huy chương Vàng SEA Games đầu tiên vào năm 2001, cứ ngỡ mọi thứ đã sang trang, nhưng không. Ngày tập luyện, tối đi bán bánh mì dạo là thực tế cuộc sống của Nguyễn Thị Kim Hồng - “người gác đền” của bóng đá nữ Việt Nam những năm đầu tiên. Cựu tiền vệ Quách Thanh Mai khi chia tay bóng đá đã làm công việc sửa chữa xe máy phụ giúp gia đình. Những chị em khác thì đi bán nước mía, bán xôi, bán chè… để trang trải cuộc sống khi theo nghiệp quần đùi áo số đầu những năm 2000.
Sự vất vả không làm họ ngã lòng, cuộc sống khó khăn không khiến họ chùn bước. “Người gác đền” Kim Hồng ngày nào giờ đã là huấn luyện viên dẫn dắt thủ môn Kim Thanh đến World Cup 2023. Lứa tuyển thủ vàng với những Lưu Ngọc Mai, Đoàn Thị Kim Chi, Văn Thị Thanh, rồi đến Đỗ Thị Ngọc Châm, Đặng Thị Kiều Trinh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt… cùng những thành công đạt được đã làm thay đổi cái nhìn của mọi người. Bóng đá nữ bắt đầu được chú trọng đầu tư hơn trước.
Khi gánh nặng mưu sinh phần nào vơi bớt cũng là lúc đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam làm nên kỳ tích. Năm 2022, đội tuyển nữ Việt Nam tham dự vòng loại Asian Cup giành vé World Cup. Sau 2 trận thắng áp đảo Maldives và Tajikistan, đội tuyển đã có trong tay tấm vé vào vòng chung kết, cùng bảng với các đối thủ mạnh là Nhật Bản, Hàn Quốc và Myanmar.
Trong trận đấu tranh suất vào tứ kết, 2 lần đội Myanmar vượt lên dẫn trước cũng là 2 lần Tuyết Dung và Huỳnh Như lần lượt gỡ hòa; Việt Nam trở thành đội đứng thứ 3 có kết quả tốt nhất. Tại tứ kết, Việt Nam lại một lần nữa gặp khó khăn khi thất bại trước Trung Quốc, phải bước vào vòng play-off với Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).
Dẫu vậy, như câu nói “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”, bằng ý chí của mình, các cầu thủ nữ đã vượt qua mọi thử thách. Cho tới khi trọng tài nổi hồi còi kết thúc trận đấu giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), với tỷ số 2-1 được bảo vệ đến phút chót, cảm xúc của ban huấn luyện cho tới các cầu thủ và người hâm mộ đều vỡ òa.
Sau trận đấu, khi được FIFA phỏng vấn, Huỳnh Như đã phát biểu: “Tôi muốn gửi thông điệp tới các cầu thủ trẻ của bóng đá nữ Việt Nam, đó là: Hãy luôn nỗ lực cố gắng, các chị làm được thì các em cũng sẽ làm được!”.
Các thế hệ tuyển thủ "vàng" cứ thế nối tiếp ý chí sắt đá, nung nấu một con đường, một mục tiêu cao cả. Vinh quang luôn thuộc về những con người đầy ý chí, nỗ lực.