SEA Games 32:

Đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu giành thêm 30 đến 40 Huy chương Vàng trong những ngày thi đấu cuối

NDO - Sáng 13/5, tại Làng vận động viên SEA Games 32 (Campuchia), Đoàn Thể thao Việt Nam có buổi gặp mặt báo chí. Trưởng đoàn Đặng Việt Hà chia sẻ thành tích của Đoàn đến thời điểm hiện tại, cũng như mục tiêu cần hoàn thành trong 4 ngày thi đấu còn lại.
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng Đoàn Đặng Việt Hà cùng 2 Phó Đoàn tham dự buổi gặp mặt báo chí của Đoàn Thể thao Việt Nam. (Ảnh: Như Đạt)
Trưởng Đoàn Đặng Việt Hà cùng 2 Phó Đoàn tham dự buổi gặp mặt báo chí của Đoàn Thể thao Việt Nam. (Ảnh: Như Đạt)

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt nhấn mạnh, trong những ngày qua, Đoàn Thể thao Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, người hâm mộ và sự đồng hành, “đồng cam cộng khổ” của các cơ quan thông tấn báo chí.

Thông tin về quá trình thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho biết, tính đến hết ngày 12/5, Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 71 Huy chương Vàng, 68 Huy chương Bạc, 78 Huy chương Đồng, xếp vị trí thứ 1/11 quốc gia tham dự Đại hội.

Đặc biệt, số Huy chương Vàng giành được ở các môn thể thao Olympic là 28 Huy chương Vàng, 31 Huy chương Bạc, 27 Huy chương Đồng.

Cụ thể, Điền kinh: 12 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng; Thể dục dụng cụ: 4 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng; Bơi: 7 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng;

Ba môn phối hợp: 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng; Bóng rổ 3x3: 1 Huy chương Vàng; Golf: 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng; Taekwondo: 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Nhiều môn Olympic vẫn đang tiếp tục thi đấu.

Qua những ngày thi đấu đầu tiên, chúng ta đã phá 4 kỷ lục Đại hội.

Đầu tiên do công của vận động viên Phạm Thanh Bảo ở môn Bơi, nội dung 100m bơi ếch (1:00.97), phá kỷ lục cũ (1:01.17) do chính Thanh Bảo lập tại SEA Games 31, và nội dung 200m bơi ếch (2:11.45), phá kỷ lục (2:11.93) do vận động viên Singapore lập tại SEA Games 31.

2 kỷ lục còn lại được phá ở môn Lặn, thuộc nội dung 4x200m nam vòi hơi chân vịt (5:50.03), đội tuyển Lặn Việt Nam phá kỷ lục (5:55.20) do chính họ lập tại SEA Games 31, cùng với đó là nội dung 4x200m nữ vòi hơi chân vịt (6:19.69), phá kỷ lục (6:21.08) do đội Indonesia lập tại SEA Games 31.

Dự báo về khả năng đoạt huy chương trong những ngày thi đấu còn lại, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nhận định, chúng ta có thể giành thêm từ 30 đến 40 Huy chương Vàng.

Trong đó dự kiến nhóm môn Olympic sẽ giành thêm gần 20 Huy chương Vàng ở các môn Judo, Đấu kiếm, Cử tạ, Bóng bàn, Bóng đá nữ, Bóng đá nam, Vật.

Đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu giành thêm 30 đến 40 Huy chương Vàng trong những ngày thi đấu cuối ảnh 1

Quang cảnh buổi gặp mặt. (Ảnh: Như Đạt)

Trả lời phỏng vấn báo chí về một số môn đã kết thúc nhưng chưa hoàn thành chỉ tiêu huy chương là Điền kinh (thiếu 2 Huy chương Vàng), Bơi (thiếu 1 Huy chương Vàng); Vovinam (thiếu 1 Huy chương Vàng), Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cùng 2 Phó đoàn Hoàng Quốc Vinh và Ngô Ích Quân cho biết, so với chỉ tiêu huy chương đoạt được tại SEA Games 31 thì các môn này chưa hoàn thành chỉ tiêu. Thế nhưng, SEA Games 31 là kỳ đại hội chúng ta gặp khá nhiều thuận lợi, Việt Nam sớm khống chế đại dịch Covid-19 nên có sự chuẩn bị về lực lượng tốt hơn các nước.

Bên cạnh đó, lịch thi đấu năm nay được điều chỉnh liên tục nên vận động viên của chúng ta bị mất "Vàng" ở khá nhiều nội dung như ở môn Bơi, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng phải tranh chung kết liên tiếp 2 nội dung 200m bơi bướm nam và 400m bơi tự do nam với quãng nghỉ chỉ tầm 10 phút.

Bên cạnh đó, các vận động viên Việt Nam cũng phải đối mặt với các vận động viên nhập tịch của các nước. Vậy nên chúng ta cũng hụt mất số lượng huy chương đáng kể trong những ngày thi đấu vừa qua.

Trả lời câu hỏi về chủ trương nhập tịch của thể thao Việt Nam, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngành Thể thao là sẽ không nhập tịch các vận động viên không có dòng máu Việt Nam.

Các vận động viên Việt kiều nếu mong muốn được về đóng góp cho quê hương thì thể thao Việt Nam sẵn sàng chào đón, như trường hợp của cặp song sinh Thảo My và Thảo Vy ở môn bóng rổ, có cha mẹ là người Việt. Tuy cả 2 sinh ra và lớn lên tại Houston, Texas (Mỹ) nhưng thích ăn món ăn Việt, mong muốn được khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu.

“Các vận động Việt kiều cũng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của thể thao Việt Nam”, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.