Nhìn lại Đại hội Thể thao Đông Nam Á- SEA Games 32

Đầu tư trọng tâm và phù hợp, thể thao Việt Nam duy trì sự vượt trội

Với định hướng các môn Olympic, ASIAD, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, Đoàn Thể thao Việt Nam đã giành vị trí số một toàn đoàn tại SEA Games 32 vừa qua.
0:00 / 0:00
0:00
Các VĐV điền kinh Việt Nam nỗ lực thi đấu, đoạt nhiều HCV tại SEA Games 32. (Ảnh DŨNG PHƯƠNG)
Các VĐV điền kinh Việt Nam nỗ lực thi đấu, đoạt nhiều HCV tại SEA Games 32. (Ảnh DŨNG PHƯƠNG)

Trong tổng số 136 Huy chương vàng (HCV), có 69 HCV thuộc về các nội dung thi đấu Olympic, chiếm hơn 50% số HCV, gần bằng tỷ lệ tại kỳ SEA Games 31, khi chúng ta là nước chủ nhà (58%). Các vận động viên (VĐV) Việt Nam cũng đã phá 14 kỷ lục SEA Games, trong đó có sáu kỷ lục ở nội dung thi đấu Olympic.

SEA Games 32 được đánh giá là đại hội thành công nhất của thể thao Việt Nam khi thi đấu ở nước ngoài. Trong bảng thành tích chung, có bốn tấm HCV được đánh giá là ấn tượng nhất: bóng đá nữ, bóng rổ, golf và bóng bàn. Lần thứ tư liên tiếp, thầy trò huấn luyện viên Mai Đức Chung đứng trên bục nhận HCV.

Trên sân bóng rổ, Việt Nam lần đầu tiên giành HCV nội dung 3x3 nữ. Góp công đầu trong việc giành HCV này là chị em song sinh lớn lên tại Mỹ là Trương Thảo My (Kayleigh Trương) và Trương Thảo Vy (Kaylynne Trương). Năm 2022, hai cô gái này đã giúp tuyển nữ giành Huy chương bạc (HCB) bóng rổ 3x3 đầu tiên trong lịch sử tại SEA Games.

Ở sân golf, tay golf 15 tuổi Lê Khánh Hưng cũng lần đầu giành HCV cho thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games sau 20 năm phát triển mạnh mẽ của môn thể thao này.

Tấm HCV bóng bàn của hai tay vợt Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc sau 26 năm chờ đợi cũng là một bất ngờ mở ra hướng đầu tư trọng điểm vào các nội dung đôi của bóng bàn Việt Nam bởi trình độ cá nhân của các VĐV trong khu vực đã tiến bộ rất nhanh.

Thành công của thể thao Việt Nam cũng đến từ nhiều nội dung thi đấu trong chương trình Olympic. Nổi bật là các VĐV Judo với tám HCV, vượt chỉ tiêu tới bốn HCV. Việc các nước như Campuchia, Thái Lan nhập tịch các võ sĩ từ Nhật Bản càng cho thấy tính cạnh tranh quyết liệt ở môn võ này.

Thế nhưng, võ sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy thắng thuyết phục trước VĐV Yanagiha của Campuchia (VĐV nhập tịch từ Nhật Bản) ở chung kết hạng dưới 52kg nữ đã khẳng định sức mạnh của Judo Việt Nam.

Điền kinh vẫn là môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam khi giành 12 HCV. Tuy chưa đạt thành tích như mong đợi, song cũng cần ghi nhận những nỗ lực rất lớn của nhiều VĐV đã vượt khó để giành HCV như Nguyễn Thị Oanh (giành bốn HCV dù quãng nghỉ giữa hai nội dung thi đấu quá ngắn), Nguyễn Thị Huyền bảo vệ được HCV 400m rào nữ, Nguyễn Thị Thu Hà bất ngờ giành HCV trên đường chạy 800m, Nguyễn Linh Na xuất sắc bảo vệ thành công HCV nội dung bảy môn phối hợp.

Thực tế, thành tích của điền kinh Việt Nam sút giảm do nguyên nhân là việc làn sóng nhập tịch VĐV của nhiều nước khiến sự cạnh tranh trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Ở kỳ đại hội này, đội tuyển bơi lội chỉ giành được bảy HCV. Theo lãnh đạo Tổng cục Thể dục-Thể thao, một trong những nguyên nhân chính là môn thi đấu này đang hướng trọng tâm vào đấu trường ASIAD, bởi thế các VĐV thi đấu không đúng "điểm rơi" phong độ trong tập luyện, thi đấu.

Trong thành phần đội tuyển bơi cũng như điền kinh đã xuất hiện một số nhân tố trẻ, nhưng rất khó để họ nhanh chóng trưởng thành và giành nhiều huy chương.

Trong số các nội dung Olympic, sự ổn định được ghi nhận ở hai môn vật và thể dục dụng cụ. Đội tuyển vật tiếp tục thể hiện ưu thế vượt trội khi giành tới 13 HCV, giữ vững ngôi đầu Đông Nam Á.

Bảy tấm HCV ở môn thể dục dụng cụ từ các VĐV kỳ cựu cũng như các VĐV trẻ cho thấy môn thể thao này đã phát triển theo xu hướng thể thao đỉnh cao và đang hướng tới những đấu trường lớn hơn của châu lục và thế giới.

Sau đại dịch Covid-19, các kế hoạch tập huấn và thi đấu ở nước ngoài đã được nối lại. Cũng nhờ có sự chuẩn bị nhiều năm qua, nhóm các môn thể thao có trong chương trình thi đấu ASIAD như Karatedo hay Aerobic đều giành năm HCV ở SEA Games 32, trong đó các VĐV Aerobic đã giành trọn bộ cả năm HCV của Đại hội.

Đây cũng là đội tuyển đã có thành tích châu lục và thế giới vừa qua. Hai đội tuyển vốn là thế mạnh của thể thao Việt Nam và thuộc nhóm môn cốt lõi là Taekwondo và cử tạ cùng giành bốn HCV và tiếp tục được kỳ vọng vươn tầm.

Tuy nhiên, để đạt những đỉnh cao như Olympic, các VĐV Taekwondo và cử tạ cần sự đầu tư tốt hơn nữa, mở ra sự tự tin hơn trong tương lai cho các VĐV, nhất là Taekwondo Việt Nam. Đội tuyển cử tạ nước ta giành bốn HCV, trong đó phá nhiều kỷ lục SEA Games là một trong những thành công tại đại hội lần này.

Tại SEA Games 32, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có những trận đấu hay, kịch tính để tiếp tục giành HCB. Trong điều kiện tập huấn tương đương từ nguồn kinh phí nhà nước thì rất cần sự thay đổi ở Liên đoàn Bóng chuyền để đầu tư tập huấn cọ xát, thuê chuyên gia giỏi cho cả hai đội tuyển bóng chuyền.

Trong nhóm các môn thể thao không nằm trong chương trình Olympic và ASIAD, sự đầu tư trọng điểm giúp Việt Nam giành 14 HCV môn lặn, bảy HCV Vovinam, bốn HCV Pencak silat, hai HCV Billiards… Đây được xem là thành tích bền vững vì từ sau SEA Games năm 2003 lần đầu tổ chức ở nước ta, các môn thể thao này vẫn tiếp tục được duy trì và tạo ra một hệ thống đào tạo ổn định, xã hội hóa tốt.

SEA Games 32 đã khép lại, phía trước thể thao Việt Nam là những đấu trường lớn của châu lục và Olympic. Đầu tư trọng tâm, đúng hướng và đi vào thực chất không chỉ mang về thành tích mà còn góp phần thúc đẩy phát triển phong trào thể thao Olympic trong cả nước.