1. Nguồn gốc lịch sử:
Do người Xtiêng không có chữ viết và không có tư liệu lưu giữ về lịch sử bản tộc nên lịch sử nguồn gốc tộc người này chủ yếu dựa trên các truyền thuyết dân gian và một số kết quả nghiên cứu khảo cổ học, nhân chủng học.
Dân tộc Xtiêng (Stiêng) có tên tự gọi là Điêng - còn có nhiều tên gọi khác như: Xa Điêng, Xơ Điêng, Xa Chiêng, là dân tộc sinh tụ lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và miền đông Nam bộ.
Nam nữ Xtiêng trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam) |
Tộc người Xtiêng được xem là có rất nhiều nhóm địa phương, trong đó tiêu biểu là bốn nhóm Bù Dip, Bù Đek (Bu Đêh), Bulac và Bù Lơ.
2. Phân bố địa lý:
Người Xtiêng cư trú tập trung ở địa bàn tỉnh Bình Phước và một số địa phương của các tỉnh lân cận.
3. Dân số, ngôn ngữ:
- Dân số: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người XTiêng: 100.752 người; dân số nam: 48.391 người; dân số nữ: 52.361 người; quy mô hộ: 4.4 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 95.1%.
- Ngôn ngữ: Người Xtiêng nói tiếng Xtiêng, một ngôn ngữ thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ me trong ngữ hệ Nam Á.
(Ảnh: Thành Đạt) |
4. Đặc điểm chính:
- Thiết chế xã hội truyền thống: Người Xtiêng quần cư theo làng, và gọi đơn vị cư trú của mình là “bon”, “poh” hay “wang” tùy theo địa phương sinh sống. Trong làng truyền thống của người Xtiêng, người có địa vị cao nhất là Chủ làng (tom wang hay tom bon). Đây là những người được chọn trong số những người đứng đầu dòng họ hoặc hàng “người lớn” (bu kuông).
Ngoài chủ làng, trong xã hội dân tộc Xtiêng, người có địa vị cao trong làng là “bu kuông” (Già làng) – đó là những người già có uy tín và hiểu biết. Xã hội truyền thống của người Xtiêng về cơ bản chia thành ba tầng lớp. Tầng lớp thứ nhất là những người giàu có (bu khưng). Họ là người chủ của các gia đình có nhiều chiêng, ché quý, nhiều trâu, voi và tôi tớ trong nhà. Tầng lớp thứ hai là những người tự do nhưng là người nghèo (lươi). Tầng lớp thứ ba là những người tôi tớ (kon đek). Họ là những người chịu thân phận tôi đòi như một tầng lớp nô lệ gia đình.
- Nhà ở: Người Xtiêng cư trú trong các ngôi nhà sàn dài hoặc nửa sàn. Theo nếp xưa, mỗi làng chỉ gồm một vài ngôi nhà dài, nơi nhiều thế hệ người Xtiêng cùng sinh sống. Nhưng ngày nay, người Xtiêng chủ yếu ở nhà ngắn theo từng hộ riêng biệt.
- Trang phục: Thông thường, đàn ông Xtiêng đóng khố, ở trần, còn đàn bà mặc áo, quấn váy. Họ thích đeo nhiều trang sức, thậm chí một cánh tay đeo tới trên 20 chiếc vòng. Họ cũng thích đeo hoa tai lớn bằng ngà voi. Hiện nay, đàn ông Xtiêng mặc như người Việt, nữ thì mặc áo cánh, sơ mi.
Nhà dài của người Xtiêng. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển) |
- Tôn giáo, tín ngưỡng: Người Xtiêng tin vào tôn giáo đa thần, vạn vật hữu linh, mọi vật đều có hồn. Vì vậy họ thờ thần sấm sét, trời, đất, mặt trăng, mặt trời, núi, sông,...
- Ẩm thực: Đồng bào Xtiêng thường ăn cơm nấu từ gạo tẻ. Thức ăn chính của đồng bào là cơm, sắn luộc, cá và các loại rau. Trước đây, người Xtiêng có thói quen ăn bốc, nhưng nay họ đã biết dùng thìa, đũa.
- Nhạc cụ: Người Xtiêng rất yêu âm nhạc. Nhạc cụ quan trọng nhất, đồng thời là một trong số gia tài quý trong xã hội truyền thống của người Xtiêng là cồng và chiêng.
- Giáo dục: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 62.6%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 99.2%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 57.3%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 17.7%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 35.3%.
- Hôn nhân: Dân tộc Xtiêng thực hiện chế độ hôn nhân nội tộc và ngoại hôn dòng tộc.
- Lễ tết: Có rất nhiều lễ cúng lớn nhỏ khác nhau trong đời sống của người Xtiêng. Trong đó, lễ hội đâm trâu là lớn nhất. Tết của người Xtiêng được gọi là "lễ cúng rơm", được tiến hành sau khi tuốt lúa rẫy xong, trước khi đốt rẫy vụ sau, nhằm tạ ơn thần lúa sau một mùa nương rẫy.
(Ảnh: Thành Đạt) |
5. Điều kiện kinh tế:
Người Xtiêng sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhóm Bù Lơ sống ở cao, sâu hơn thì hoàn toàn làm rẫy. Còn nhóm Bù Ðeh (Bù Ðêk) ở vùng thấp thì làm ruộng nước từ khoảng 100 năm trước. Phương thức canh tác của đồng bào vẫn còn thô sơ, với công cụ làm rẫy chủ yếu gồm rìu và dao xà gạc, cây cào tre,… dùng tay tuốt lúa.
Ngoài ra, các hoạt động kinh tế hái lượm, săn bắt, chăn nuôi gia súc gia cầm cũng mang lại nguồn thức ăn đa dạng cho đồng bào. Bên cạnh đó, người Xtiêng còn có nghề dệt vải và đan lát. Họ thường dùng vật đổi vật với người Việt, Khơme, Mnông, Mạ và cả với bên Campuchia trong quan hệ trao đổi hàng hoá.
Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc XTiêng có: Tỷ lệ thất nghiệp 3.98%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 2.1%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 31.8%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 0.3%; Tỷ lệ hộ nghèo: 13.8%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 8.5%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 86.5%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 97.9%.
● Français: L’ethnie S’tiêng
● English: S’tieng ethnic group