1. Nguồn gốc lịch sử
Người Xinh Mun là tộc người có nguồn gốc ở Tây Bắc Việt Nam và Bắc Đông Dương, một trong những tộc người thuộc lớp cư dân có mặt sớm nhất ở vùng Tây Bắc.
Tên tự gọi: Xinh Mun
Tên gọi khác: Puộc, Xá, Pnạ
Nhóm địa phương: Xinh, Mun Dạ, Xinh Mun Nghẹt.
2. Dân số:
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/ 2019: 29.503 người trong đó dân số nam là 14.793 người và dân số nữ là 14.710 người. Quy mô hộ: 4,7 người/hộ. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 99,4%.
Trang phục của người Xinh Mun giống trang phục của người Thái (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
3. Phân bố địa lý:
Tập trung ở một số huyện vùng biên giới Việt - Lào: Yên Châu, Sông Mã, Mộc Châu, thuộc tỉnh Sơn La (đa số) và một số ít cư trú ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên,...
4. Ngôn ngữ:
Thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (ngữ hệ Nam Á). Người Xinh Mun giỏi tiếng Thái. Trước đây, một số người biết sử dụng chữ Thái, nay dùng chữ phổ thông.
Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/ 2019: Tỷ lệ người Xinh Mun từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 64,7%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 99,5%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 80,7%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 23,6%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 21,8%.
5. Đặc điểm chính:
Ăn: Người Xinh Mun ăn cơm nếp, cơm tẻ, thích gia vị cay, uống rượu cần, có tập quán ăn trầu, nhuộm răng đen.
Trang phục: Giống người Thái.
Nhà ở truyền thống của người Xinh Mun (Ảnh: Ủy ban Dân tộc) |
Nhà ở: Nhà truyền thống của người Xinh Mun thuộc loại nhà sàn (ziêng). Người Xinh Mun thường kiến tạo mái hồi nhà theo kiểu hình khum tròn hình mai rùa.
Quan hệ xã hội: Gia đình nhỏ, phụ quyền là chủ yếu, nhưng những đại gia đình gồm ba thế hệ hay các anh em trai đã có vợ vẫn sống chung trong một nhà còn tồn tại khá đậm nét. Số lượng thành viên trong nhà khoảng 10-15 người, cũng có nhà lên tới 20-30 người. Người Xinh Mun có nhiều họ nhưng phổ biến nhất là hai họ: Vì và Lò.
Cưới xin: Phổ biến tục ở rể. Trước đây con trai phải ở rể khoảng 8-12 năm hoặc ở rể suốt đời nếu bên vợ không có con trai. Trong lễ cưới đi ở rể, cô dâu, chú rể phải đổi tên của mình lấy một tên mới chung cho cả hai người. Tên chung này do bố mẹ vợ, ông cậu đặt cho, đôi khi lại phải bói xin âm dương để tìm tên chung. Ngay trong hôm cưới đi ở rể, đôi vợ chồng mới cưới trở về nhà trai 2, 3 ngày rồi mới sang ở hẳn nhà gái cho đến hết thời gian ở rể. Lễ cưới đưa dâu về nhà trai tổ chức sau khi hết thời gian ở rể, lúc đó đôi vợ chồng đã có một hoặc vài con. Lễ lại mặt tổ chức sau đó vài ngày, hay một năm.
Sinh đẻ: Phụ nữ có mang vẫn đi nương, đi rừng cho đến tận ngày sinh. Trẻ gần một tuổi mới mời thầy cúng về, làm lễ đặt tên.
Nhà mới: Người Xinh Mun có tập quán ai dựng nhà thì cả bản đến giúp. Họ thường làm nhà vào dịp sau vụ gặt và chọn đất dựng nhà bằng cách bói xem đất dựng nhà có hợp với các thành viên trong nhà không. Ngày nước (các ngày 2, 6, 8, 9 trong tháng) thích hợp với việc làm nhà. Kiêng ngày hoả tức các ngày 1 và 7.
Ma chay: Tiếng súng trong nhà báo hiệu có người chết, cùng lúc đó người con trai ném ông đầu rau vào nơi thờ cúng tổ tiên bày tỏ một sự giận giữ truyền thống. Không dùng quan tài gỗ mà chỉ bó cót. Chọn đất đào huyệt bằng cách ném trứng trên khu vực định sẵn, trứng vỡ ở đâu thì huyệt được đặt ở đó. Nhà mồ được làm cẩn thận, có đủ thứ cần thiết tượng trưng cho người chết. Người Xinh Mun không có tục cải táng và tảo mộ.
Thờ cúng: Thờ cúng tổ tiên hai đời, bố mẹ và ông bà. Biểu trưng cho nơi thờ tổ tiên là một chiếc xương hàm lợn, ít trầu đựng trên nắp giỏ cơm, ống tre đựng nước. Cúng vào các dịp cơm mới, đám cưới, nhà mới. Việc thờ cúng tổ tiên, tuỳ nơi, có thể chỉ do anh cả, cũng có thể do các anh em trai cùng đảm nhiệm. Bố mẹ vợ được thờ riêng ở một chiếc lán nhỏ, bên cạnh nhà, cơm nước cúng được nấu ở ngoài nhà. Lễ cúng bản hàng năm rất được coi trọng.
Một buổi làm ruộng của người Xinh Mun (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
6. Điều kiện kinh tế:
Sau năm 1954, nhất là từ khi Đảng và Nhà nước tiến hành cuộc vận động định canh định cư và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, người Xinh Mun bắt đầu có những thay đổi về phương thức trồng trọt. Ngoài canh tác nương rẫy, họ đã biết nhiều hơn việc làm thủy lợi nhỏ để khai phá ruộng bậc thang và canh tác lúa nước. Ngoài các loại gia súc, gia cầm, nhiều nơi người Xinh Mun còn đào ao nuôi cá.
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Tỷ lệ hộ nghèo: 65,3%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 9,4%; Tỷ lệ thất nghiệp: 0,28%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 2,1%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 2,3%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 0,3%.
● Français: L’ethnie Xinh Mun
● English: Xinh Mun ethnic group