Trang phục của phụ nữ Phù Lá rất rực rỡ. (Ảnh: TUYẾT LOAN)
Trang phục của phụ nữ Phù Lá rất rực rỡ. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

Dân tộc Phù Lá

NDO - Người Phù Lá hiện nay vẫn còn giữ được nhiều phong tục, nghi lễ truyền thống độc đáo trong cuộc sống hằng ngày.

1. Nguồn gốc lịch sử: Dân tộc Phù Lá thuộc ngữ chi Di đang sinh sống tại Tây Nam Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á lục địa như Lào và Thái Lan. Người Phù Lá chuyển cư từ các tỉnh phía Tây Trung Quốc vào Việt Nam được hơn 300 năm đối với nhóm Phù Lá Lão (Xá Phó). Nguyên nhân di cư đến Việt Nam do canh tác nương rẫy “đao canh hỏa chủng” nên họ cần tìm đất đai mới để khai phá làm ăn.

Các nhóm dân tộc: Phù Lá Hoa mặc váy hoa; Phù Lá Đen mặc quần áo dài chấm mắt cá chân, nhuộm chàm; Phù Lá Hán chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán và các nhóm Chù Lá Phù Lá, Phù Lá Trắng, Xá Phó.

Về tộc danh: Ngoài tên gọi Phù Lá, còn có các tên khác như Bồ Khô Pạ, Mu Di Pạ, Xá Phó, Phổ, Va Xơ Lao, Pu Dang.

2. Dân số: Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc Việt Nam – Tổng cục Thống kê, dân số người Dao tính đến thời điểm 1/4/2019 là 12.471 người, trong đó nam là 6.398 người, nữ là 6.073 người.

Dân tộc Phù Lá ảnh 1

Người Phù Lá. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

3. Ngôn ngữ: thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến

4. Phân bố địa lý: sinh sống chủ yếu ở vùng miền núi phía bắc, như Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên.

5. Đặc điểm chính:

- Nhà ở: Tuỳ từng nơi ở nhà sàn, nhà nửa sàn nửa đất hay nhà đất.

- Cấu trúc gia đình: Phụ hệ.

Dân tộc Phù Lá ảnh 2
Phụ nữ dân tộc Phù Lá. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

- Trang phục truyền thống: Trang phục của người Phù Lá chỉ phân biệt về giới tính, không phân biệt theo địa vị xã hội, giữa trang phục lễ hội với ngày thường, không có trang phục riêng cho thầy cúng, chỉ trong đám cưới mới có sự phân biệt về trang phục. Y phục và trang sức của phụ nữ Phù Lá bao gồm: váy, áo, khăn, thắt lưng, vòng cổ, vòng tay, hoa tai và nhẫn. Trang phục của nam gồm: áo, quần, khăn đội đầu. Quần áo của người Phù Lá có màu chàm là màu chủ đạo, đồng thời, họ nhuộm sợi để thêu từ màu của các cây cỏ tự nhiên. Người Phù Lá còn có nghệ thuật trang trí hoa văn hết sức độc đáo, có sự sáng tạo kết hợp với tiếp thu tinh hoa của các tộc người anh em.

Dân tộc Phù Lá ảnh 3
Thầy cúng người Phù Lá làm lễ trước khi thực hiện nghi lễ quét ma. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

- Ẩm thực: Người Phù Lá ăn cơm nếp, xôi nếp, ngô, mèn mén, các loại rau, thường xào rau với mỡ hoặc nấu canh rau lẫn với đỗ tương xay nhỏ quấy đặc, canh măng với thịt, xương hoặc nấu cua, cá… Người Phù Lá còn ăn các loại thịt, cá nướng, muối chua, phơi gác bếp hoặc sấy.

Đồ uống gồm nước suối hoặc nước pha với thảo mộc hoặc rượu. Nước nấu từ lá hay rễ cây rừng thường để bồi bổ sức khỏe hoặc an thần, kích thích tiêu hóa…

- Lễ, Tết: Người Phù Lá ăn tết Nguyên đán, các tết tháng năm, tháng bảy, cơm mới. Lễ cơm mới chủ yếu cúng ở nơi thờ tổ tiên nữ do phụ nữ đại diện và nữ giới trong nhà được ăn cơm trước. Lễ cúng bản thường vào tháng hai hằng năm.

Dân tộc Phù Lá ảnh 4
Lễ quét ma của người Phù Lá. (Ảnh: TUYẾT LOAN)

- Tín ngưỡng: Người Phù Lá theo tín ngưỡng đa thần, thờ riêng tổ tiên nam để phù hộ cho sức khoẻ, tổ tiên nữ phù hộ cho mùa màng. Họ thực hiện nhiều nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp trên nương, ruộng. Chiếc chài mới cũng phải qua lễ cúng mới được dùng.

- Điều kiện kinh tế: làm nương rẫy và ruộng nước, trồng cây lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi, đánh bắt thủy sản, săn bắt hái lượm, làm các nghề thủ công như dệt vải, mộc, rèn, đan lát. Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” của Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê, Tỷ lệ hộ nghèo: 40,3%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 17,9%; Tỷ lệ thất nghiệp: 1,35%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 11,0%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 23,0%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 6,9%.

- Điều kiện giáo dục: Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 71,3%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 100,3%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 82,1%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 29,5%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 22,2%.

(Nguồn:

- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)

- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)

- Website Ủy ban Dân tộc

- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam)