Người Pà Thẻn. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)
Người Pà Thẻn. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

Dân tộc Pà Thẻn

NDO - Nhiều nghiên cứu cho rằng người Pà Thẻn có mối quan hệ mật thiết với người Hmông và người Dao, là một tộc người thiểu số đặc sắc, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang...

1. Nguồn gốc lịch sử: Pà Thẻn thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, với dân số ít hơn nhiều so với hai dân tộc này. Nhiều nghiên cứu cho rằng người Pà Thẻn có mối quan hệ mật thiết với người Hmông và người Dao. Có nghiên cứu cho rằng người Pà Thẻn là nhóm thứ 8 trong 12 nhóm Dao trước kia đã thiên di từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhưng việc người Pà Thẻn được một số dân tộc gọi là Mèo Lài, Mèo Đỏ, Mèo Hoa… cho thấy sự tương đồng văn hóa của họ với người Hmông. Người Pà Thẻn cùng với người Dao, Mông di cư vào Việt Nam từ khoảng 2-300 năm trước.

Về tộc danh: Ngoài tên Pà Thẻn, còn có tên Pà Hưng, Pà Ửng, Mèo Lài, Mèo Đỏ, Mèo Hoa…

2. Dân số: 8.248 người tính đến thời điểm ngày 1/4/2019. Trong đó, nam là 4.137 người, nữ là 4.111 người (Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc Việt Nam – Tổng cục Thống kê).

3. Ngôn ngữ: Thuộc hệ Hmông-Dao

4. Phân bố địa lý: Người Pà Thẻn cư trú chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang); Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình (Tuyên Quang). Nhìn chung, địa bàn cư trú của người Pà Thẻn thấp hơn so với nhiều tộc người khác, chủ yếu là vùng đồi núi, thung lũng quanh sông Lô, độ cao trung bình 500 - 1.000m, thuận lợi cho việc hình thành các điểm dân cư và phát triển kinh tế nông lâm nghiệp.

5. Đặc điểm chính:

- Nhà ở: Tuỳ từng nơi, người Pà Thẻn quen ở nhà sàn, nhà nền đất hay nửa sàn nửa nền đất. Hiện nay nhiều nơi đồng bào đã dựng nhà cột kê khang trang, vững chãi.

- Cấu trúc gia đình: Phụ hệ.

Dân tộc Pà Thẻn ảnh 1
Phụ nữ Pà Thẻn. (Ảnh: TRẦN THÀNH ĐẠT)

- Trang phục truyền thống: Người Pà Thẻn dùng màu đỏ làm chủ đạo. Bộ trang phục của phụ nữ gồm: áo, váy, khăn trong và khăn ngoài, màu sắc rất sặc sỡ. Một số mô típ trang trí trên quần áo của họ cũng gần giống như của ngươi Dao. Nam giới chỉ mặc đồ truyền thống trong ngày cưới của mình, với một số trang trí như khăn dài có hoa văn, hai đầu có tua; hai bên vai đeo hai miếng vải trắng vắt chéo nhau rồi buộc ở cạp quần sau lưng và trước mặt; đeo vài chiếc vòng cổ…

- Ẩm thực: Chủ yếu ăn cơm tẻ, ngày ba bữa gồm cơm, rau, thịt, gia vị như muối, ớt…

- Lễ tết: Người Pà Thẻn ăn tết nguyên đán và các tết như các dân tộc khác ở vùng Ðông Bắc.

- Tín ngưỡng: Trước kia, do ít tiếp cận với giáo dục, họ vẫn cho rằng thế giới và mọi sinh vật đều do hai ông bà Quơ Vo và Me quơ O tạo ra, bệnh tật do ma làm, chữa bằng cúng bái.

Người Pà Thẻn tin vào sự tồn tại của các siêu linh, vạn vật có linh hồn. Ma quỷ, thần thánh gồm hai loại: lành dữ. Loại lành gồm các thần ở trên trời, tổ tiên, thổ địa...; loại ma dữ như ma sông, ma suối, ma của người chết bất đắc kỳ tử... chúng thường phá hoại mùa màng, làm hại gia súc.

Chủ yếu là thờ cúng tổ tiên trong nhà. Bàn thờ làm bằng tấm gỗ hình chữ U lộn ngược. Mặt bàn để một bát hương và một bát nước lã. Người Pà Thẻn có nhiều tín ngưỡng liên quan đến nông nghiệp như: cúng trước khi tra hạt, lễ cúng cơm mới. Truyền thuyết về sự xuất hiện của cây lúa là do 3 con vật: chó, mèo, lợn lấy trộm giống lúa trên trời về cho con người, nên khi cúng cơm mới phải cho 3 con vật trên ăn trước. Khi hạn hán lâu, dân bản làm lễ cầu mưa. Các nghi lễ liên quan đến chăn nuôi, săn bắn cũng được chú trọng.

Hiện nay, số người Pà Thẻn hiểu biết về các kiến thức phổ thông ngày một tăng lên. Hệ thống ma quỷ, thần linh, quan niệm duy tâm không còn hoàn toàn chi phối đời sống của họ nữa.

Dân tộc Pà Thẻn ảnh 2

Điều kiện kinh tế: Chủ yếu là canh tác bằng nương rẫy, chăn nuôi, trồng rừng, khai thác từ tự nhiên. Ngoài ra người Pà Thẻn còn làm một số nghề thủ công gia đình như dệt, đan lát, rèn, làm mộc, chạm khắc bạc và làm giấy. Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo là 50,2%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 20,6%; Tỷ lệ thất nghiệp: 0,20%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 16,6%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 11,6%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 1,8.

Điều kiện giáo dục: Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 75,4%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 101,4%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 95,5%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 67,1%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 7,8%.

(Nguồn:

- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)

- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)

- Website Ủy ban Dân tộc

- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội 54 dân tộc Việt Nam)

● Français: L’ethnie Pà Thẻn

● English: Pa Then ethnic group