Thanh niên Mnông cưỡi voi. (Ảnh: Thành Đạt)
Thanh niên Mnông cưỡi voi. (Ảnh: Thành Đạt)

Dân tộc Mnông

NDO - Hình thành và phát triển ngay tại vùng núi rừng Tây Nguyên, dân tộc Mnông có khá nhiều phong tục tập quán truyền thống, mang tính đặc trưng và thực sự trở thành một trong những chủ nhân của văn hóa vùng.

1. Nguồn gốc lịch sử:

Mnông là 1 trong 12 dân tộc tại chỗ, sinh sống lâu đời ở khu vực Tây Nguyên. Họ là một trong những chủ nhân văn hóa vùng. Nói cách khác, dân tộc Mnông có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, cũng như gìn giữ và phát huy văn hóa Tây Nguyên.

Dân tộc Mnông còn có tên gọi khác là: Pnông, Mnông Nông, Mnông Pré, Mnông Bu đâng, ĐiPri, Biat, Mnông Gar, Mnông Rơ Lam, Mnông Chil, Mnông Kuênh, …

2. Phân bố địa lý:

Người Mnông phân bố tại 51 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Nhưng địa bàn tụ cư truyền thống của người Mnông là khu vực tây nam Tây Nguyên (thuộc hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước và tây nam các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng).

Dân tộc Mnông ảnh 1

Thiếu nữ Mnông bên voi. (Ảnh: Thành Đạt)

3. Dân số, ngôn ngữ:

- Dân số: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019, tổng dân số người Mnông: 127.334 người; dân số nam: 62.002 người; dân số nữ: 65.332 người; quy mô hộ: 4.5 người/hộ; tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 93.8%.

- Ngôn ngữ: Tiếng nói dân tộc Mnông thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ-me. Tuy nhiên, trong vốn từ vựng Mnông ít nhiều chịu ảnh hưởng của tiếng Ê-đê thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa đảo (ngữ hệ Nam Đảo).

4. Đặc điểm chính:

- Thiết chế xã hội truyền thống: Người Mnông quần cư thành Bon (làng). Trong đó, người đứng đầu Bon là Trưởng Bon do dân bầu và hoạt động theo nhiệm kỳ. Trong một Bon nhỏ thường có độ mươi nóc nhà, còn Bon lớn có khi tập trung đến vài chục nóc - nơi nhiều thế hệ đồng bào Mnông cùng sinh sống. Các gia đình trong Bon có quan hệ láng giềng, quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân với nhau. Trong đó, quan hệ huyết thống tính theo dòng họ mẹ.

- Nhà ở: Tuỳ theo vùng và từng nhóm địa phương, người Mnông xây cất nhà trệt hoặc nhà sàn thấp. Riêng nhóm Mnông Rlâm ở vùng hồ Lắc xây cất nhà sàn cao theo kiến trúc của người Ê-đê.

Tuy nhiên, hiện nay người Mnông thường ở trong những ngôi nhà có kiến trúc kiểu người Kinh thay cho ngôi nhà đất và nhà sàn truyền thống bởi tính bền vững và an toàn cao hơn.

Dân tộc Mnông ảnh 2
Một nghi thức trong lễ cúng cổng bon. (Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển)

- Trang phục: Vào mùa nóng, đàn ông Mnông xưa thường đóng khố ở trần; còn đàn bà thì quấn váy tấm và cũng ở trần. Vào mùa lạnh, họ khoác thêm trên mình một tấm mền. Tuy nhiên, hiện nay trang phục người Mnông đã tiếp thu nhiều yếu tố Việt. Trang sức được người Mnông ưa chuộng là các loại vòng vàng, đồng, chuỗi hạt cườm nhiều màu.

- Tôn giáo, tín ngưỡng: Hiện nay, xét về mặt đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, có thể chia dân tộc Mnông thành hai nhóm: nhóm theo tín ngưỡng truyền thống và nhóm theo đạo Tin Lành, Thiên Chúa giáo. Nhóm những người Mnông theo tín ngưỡng truyền thống coi vạn vật là hữu linh và họ thờ rất nhiều các vị thần mà họ cho rằng tồn tại, tác động, chi phối đến lối sống và đời sống mình. Ngược lại, nhóm Mnông theo đạo đặt niềm tin tuyệt đối vào một vị thần duy nhất là Chúa trời, từ bỏ các tập quán truyền thống của dân tộc.

- Ẩm thực: Người Mnông ăn cơm gạo tẻ nấu trong những nồi đất nung, xa xưa thì phổ biến là cơm lam. Khi đi làm rẫy, họ thường ăn món cháo chua đựng trong những trái bầu khô. Người Mnông rất thích uống rượu cần, hút hoặc “nhai” thuốc lá.

- Nhạc cụ: Nhạc cụ cửa người Mnông khá đa dạng, có cồng chiêng, kèn bầu, kèn sừng trâu, kèn môi, đàn độc huyền, đàn 8 dây, sáo dọc. Người ta cũng tìm thấy ở vùng cư trú của người Mnông bộ đàn đá nguyên thủy nổi tiếng từ giữa thế kỷ XX.

Dân tộc Mnông ảnh 3
Khố đen của nam giới Mnông. (Nguồn: Báo Dân tộc và phát triển)

- Giáo dục: Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 73.3%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 104.1%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 72.1%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 34.3%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 24.9%.

- Hôn nhân: Trong xã hội người Mnông xưa, nội hôn được quy định khá nghiêm ngặt, nhưng nay đã xuất hiện hôn nhân ngoại tộc. Người Mnông thường ở nhà vợ sau hôn nhân, một số nơi xuất hiện hình thức luân cư rồi ra ở riêng.

- Lễ tết: Lễ hội đâm trâu là lễ hội cổ truyền quan trọng nhất của người Mnông. Kết thúc mùa thu hoạch lúa hằng năm, mỗi làng đều tổ chức tết ăn mừng cơm mới, tạ ơn trời đất và thần lúa.

5. Điều kiện kinh tế:

Người Mnông chủ yếu sống bằng làm rẫy với phương pháp "đao canh hoả chủng": phát, đốt rồi chọc lỗ tra hạt; thu hoạch theo lối tuốt lúa bằng tay. Ngoài ra, họ trồng lúa nước bằng phương pháp "đao canh thuỷ nậu" trên những vùng đầm lầy, dùng trâu để quần ruộng cho nhão đất rồi gieo hạt, không cấy mạ như ở đồng bằng. Ði đôi với nền sản xuất nông phẩm, việc săn bắn, hái lượm cũng giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của họ.

Người Mnông còn có nghề đan đồ gia dụng, trồng bông dệt vải. Trong mỗi làng còn có một số người biết làm gốm thô, nặn bằng tay và nung lộ thiên. Ðặc biệt ở vùng Buôn Ðôn, cư dân có nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng rất nổi tiếng.

Dân tộc Mnông ảnh 4
Lễ cúng cơn mưa đầu mùa của người Mnông. (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam)

Theo số liệu điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/ 2019: Dân tộc Mnông có: Tỷ lệ thất nghiệp 1.07%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 5.4%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 6.1%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 1.7%; Tỷ lệ hộ nghèo: 42.2%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 15.4%; Tỷ lệ hộ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh: 88.5%; Tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới để thắp sáng: 97.7%.

● Français: L’ethnie M’Nông

● English: Mnong ethnic group