1. Nguồn gốc lịch sử:
Đến nay, đa số các nhà nghiên cứu đều cho rằng người Co là một trong những cư dân bản địa ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên.
Tên tự gọi: Cor, Col.
Tên gọi khác: Cua, Trầu.
2. Dân số:
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019, dân tộc Co có 40.442 người. Trong đó, dân số nam là 20.548 và dân số nữ là19.894. Số hộ dân cư (Hộ) 9.897; Quy mô hộ (Người/hộ) 4,1; Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 96,5%.
3.Phân bố địa lý:
Người Co sống tập trung ở Trà Bồng và Trà Mi thuộc tây bắc tỉnh Quảng Ngãi và tây nam tỉnh Quảng Nam. Người Co cũng cư trú rải rác ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Thừa Thiên Huế.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Co (Ảnh:THÀNH ĐẠT) |
4. Ngôn ngữ:
Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me (ngữ hệ Nam Á), tương đối gần gũi các dân tộc khác trong vùng bắc Tây Nguyên và lân cận như: Hrê, Xơ Ðăng, Ba Na... Chữ viết ra đời từ thời kỳ trước năm 1975 trên cơ sở dùng chữ cái La-tinh nhưng nay không không phổ biến. Ở những vùng giáp với người Hrê như huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, người Co nói được tiếng Hrê. Tuyệt đại đa số người Co biết tiếng phổ thông.
Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019: Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 75,2%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 102,2%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 87,8%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 49,2%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường:14,4%. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, viết chữ dân tộc mình: 0,8%.
Các cô gái Co say sưa điệu múa Cà Đáu mềm mại trong Lễ mừng nhà mới (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam). |
5. Đặc điểm chính:
Nhà ở truyền thống: Là nhà sàn dài, cửa ra vào ở hai đầu hồi. Trong nhà chia dọc thành 3 phần: lối đi ở giữa, một bên được ngăn thành từng buồng nhỏ cho các gia đình sinh hoạt riêng, còn một bên dùng làm nơi sinh hoạt chung (tiếp khách, họp bàn, tổ chức lễ hội, ăn uống đông người, đan lát, vui chơi...).
Trang phục: Ðồ mặc của người Co chủ yếu mua của người Xơ Ðăng và người Việt. Theo nếp truyền thống, nam đóng khố, ở trần, nữ quấn váy, mặc áo cộc tay; mùa lạnh thì khoác tấm vải choàng. Bộ quần áo dài với khăn xếp du nhập từ đồng bằng lên từng được dùng trưng diện trong ngày lễ hội, nhất là những bô lão khá giả.
Quan hệ xã hội: Mỗi làng có ông "già làng" được mọi người kính trọng và nghe theo.
Cưới xin: Hình thức hôn nhân cư trú đằng chồng là phổ biến. Phong tục cho phép nếu vợ chết có thể lấy tiếp em hoặc chị của vợ, nhưng vợ goá không thể lấy em chồng; nếu 2 anh em trai lấy 2 chị em gái thì phải anh lấy chị, em lấy em; nếu con gái nhà này đã làm dâu nhà kia thì 2 - 3 đời sau nhà kia mới gả con gái cho nhà này. Con cô - con cậu, con gì - con già, con có chung cha mẹ đều không được lấy nhau. Ðám cưới đơn giản, gọn nhẹ, không tốn kém nhiều.
Ma chay: Quan tài gỗ, đẽo theo kiểu độc mộc. Người chết được chôn trong bãi mộ của làng, đặt không xa chỗ ở. Tang gia "chia của" cho người mới chết, đưa ra mộ không chỉ vật dụng và tư trang của người ấy, mà cả ché, chiêng...
Thờ cúng: Những đỉnh núi cao được người Co gọi là núi Ông núi Bà. Họ cho rằng có "thần linh" trú ngụ ở đó. Hệ thống "ma" (ka muych) và "thần" (kơi, ma) rất đông: ma người chết bình thường, ma người chết bất bình thường, ma quế, ma cây đa, ma nước, thần bếp lửa...
Thầy cúng thực hiện lễ cúng trong nhà trong Lễ cầu mưa của người Co (Ảnh: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam). |
Lễ Tết: Người Co có nhiều lễ, lớn nhất là lễ có đâm trâu tế thần - đây cũng là ngày hội lớn trong làng. Ngoài ra, tết gắn với sự kết thúc một mùa lúa rẫy là dịp sinh hoạt nhộn nhịp.
Lịch: Cách tính ngày tháng tương đương với âm lịch của người Việt, nhưng chỉ có 10 tháng, tiếp đến là thời gian nghỉ ngơi sau vụ canh tác.
Văn nghệ: Ưa thích âm nhạc, dùng bộ chiêng 3 chiếc là phổ biến: nhạc cụ còn có trống, các loại đàn nhị. Múa chỉ xuất hiện trong lễ đâm trâu. Các điệu dân ca Xru (Klu), Agiới được lưu truyền rộng rãi. Vốn truyện cổ khá phong phú, có huyền thoại, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn... Nghệ thuật trang trí tập trung nhất ở cây cột lễ và cái "gu" trong lễ hội đâm trâu.
Biểu diễn múa cồng chiêng của người Co (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
6. Điều kiện kinh tế:
Kinh tế rẫy là nguồn sống chủ yếu, lúa rẫy là nguồn lương thực chính. Canh tác theo hình thức phát rừng, đốt, chọc lỗ tra hạt giống, tuốt lúa bằng tay. Trầu không và quế của người Co nổi tiếng lâu đời. Người Co nuôi trâu, lợn, gà trước hết để cúng tế; chó hầu như nhà nhà đều có. Nghề dệt và rèn không phát triển. Ðồ đan đẹp và phong phú.
Tỷ lệ hộ nghèo của dân tộc Co là 57,1%, Tỷ lệ hộ cận nghèo 16,7%. Tỷ lệ thất nghiệp: 2,08%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 8,0 %; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp:12,4 %; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 3,6%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 0,12%.
● Français: L’ethnie Co
● English: Co ethnic minority group