Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010 dưới sự bảo trợ của UNESCO. Đây là công viên địa chất đầu tiên ở Việt Nam và là thứ hai ở Đông Nam Á. Sau khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là công viên địa chất, tỉnh Hà Giang quan tâm bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ môi trường, sinh thái.
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích hơn 2.356km2, trải dài trên bốn huyện vùng cao phía bắc là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Đây là vùng núi đá vôi chứa đựng những giá trị di sản địa chất, địa mạo, văn hóa, đa dạng sinh học.
Khoanh vùng bảo vệ di sản
Đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết: “Tỉnh đã ban hành quy định quản lý di sản, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần bảo tồn, phân vùng khu vực quản lý. Phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, chính quyền địa phương, người dân trong việc bảo tồn giá trị di sản. Đó là cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, bảo tồn di sản trên vùng công viên địa chất”.
Công tác bảo tồn di sản được tỉnh triển khai với ba nội dung chính: Bảo tồn giá trị di sản địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử, đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức cộng đồng, quảng bá giới thiệu hình ảnh; thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, tạo sinh kế, nguồn thu nhập cho cộng đồng.
Tri thức địa phương “trồng ngô trên đá” trong cộng đồng người H'Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Đến nay, tỉnh tiến hành khoanh vùng 30 cụm với hơn 150 điểm di sản để bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý và bảo vệ. Trong đó có một số cụm, điểm di sản được công nhận là di sản cấp quốc gia như: Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng; danh lam thắng cảnh núi đôi Quản Bạ; di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Tay cuộn xã Ma Lé, huyện Đồng Văn; di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Huệ biển tại Lũng Pù, huyện Mèo Vạc.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Phó Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cho biết: “Việc khoanh vùng, bàn giao các cụm di sản cho địa phương quản lý có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn di sản được bảo vệ nguyên vẹn trước những tác động của con người và thiên nhiên”.
Về đa dạng sinh học, vùng công viên địa chất có ba khu vực được công nhận là rừng đặc dụng, vườn quốc gia, đó là Vườn quốc gia Du Già - Cao nguyên đá Đồng Văn; rừng đặc dụng Bát Đại Sơn (Quản Bạ); rừng đặc dụng Chí Sán (Mèo Vạc). Các vườn quốc gia, rừng đặc dụng được các lực lượng chức năng bảo vệ nghiêm ngặt, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch.
Tỉnh tiến hành khoanh vùng 30 cụm với hơn 150 điểm di sản để bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý và bảo vệ. Trong đó có một số cụm, điểm di sản được công nhận là di sản cấp quốc gia như: Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng; danh lam thắng cảnh núi đôi Quản Bạ; di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Tay cuộn xã Ma Lé, huyện Đồng Văn; di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh khu vực hóa thạch Huệ biển tại Lũng Pù, huyện Mèo Vạc.
Phát huy giá trị văn hóa bản địa
Lưu giữ di sản văn hóa qua hoạt động dạy văn hóa truyền thống trong trường học tại Trường mầm non xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ. |
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về di sản công viên địa chất được tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Một trong những điểm nhấn trong công tác tuyên truyền đó là tỉnh đã đưa nội dung giáo dục di sản vào các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn bốn huyện vùng công viên địa chất. Qua công tác tuyên truyền, người dân vùng cao nâng cao nhận thức về công viên địa chất, hiểu biết về giá trị các loại hình di sản nơi mình đang sống.
Nhiều địa phương chủ động tham gia giữ gìn, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản thông qua các hoạt động cụ thể trong đời sống. Tại xã Pải Lủng, nơi có di sản danh lam thắng cảnh đèo Mã Pì Lèng. Trong những năm qua, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về các giá trị di sản. Nhờ đó, ý thức bảo vệ di sản của người dân được nâng cao.
Ông Lý Văn Đông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết: “Cộng đồng người H'Mông nay không còn đập các mỏm đá tai mèo ven đường về làm bờ rào đá, kè đá như trước. Các thôn trong khu vực đèo Mã Pì Lèng cũng đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, gìn giữ nét văn hóa vật thể, phi vật thể”.
Trong công tác gìn giữ nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc, tỉnh chú trọng xây dựng các làng văn hóa gắn với phát triển du lịch. Hiện nay, tỉnh có 35 làng văn hóa du lịch cộng đồng, chủ yếu tại các huyện vùng công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.Nổi bật như làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăn, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ đang xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN; làng văn hóa du lịch thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc xây dựng theo mô hình kiểu mẫu; làng văn hóa du lịch thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: “Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa, đó là nhận thức xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa trên các huyện vùng cao núi đá. Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể cũng đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh và góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng dân cư”.
Từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, với sự quyết tâm, nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, cuộc sống của người dân có sự chuyển biến rõ nét. Nổi bật là lĩnh vực du lịch có sự tăng trưởng cao, bình quân tăng gần 20%/năm.
Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang cho biết, để tiếp tục gìn giữ, bảo tồn các giá trị di sản, tỉnh sẽ tập trung giải quyết từng lĩnh vực. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là người đứng đầu về bảo tồn, phát triển các giá trị di sản theo hướng khai thác phát triển đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa, di sản địa chất.