Mùa hoa trên những lối sông

Châu thổ Cửu Long, miền đất của dân bạt gió giang hồ. Những con người cùng đường tận lối về sinh kế hay sự bế tắc trong nghịch cảnh tâm hồn mà rời xứ. Những người vượt lề thói đưa cả nhà xuống xuồng bơi ngược con nước theo sông ghé lại bến vắng nào đó che chòi, che trại trồng tỉa, bắt cá, hái rau sống qua ngày.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: Việt Anh
Minh họa: Việt Anh

Giữa hoang vu và rừng thiêng nước độc, cái họ quan tâm là no và đói, vui và buồn, là thương và giận, sống và chết. Hạnh phúc là gió, là mưa, là tự do với thiên nhiên hào sảng nhất. Những màu mè hoa lá là món gì đó đã bị chối từ ngay lúc dứt áo ly hương.

Miền đồng bằng phì nhiêu cây xanh hoa, cỏ tốt tươi. Hoa được phát hiện sớm là hương vị ẩm thực khẩn hoang độc đáo khi người miền Tây dân dã đã khéo lựa, khéo bày để thành nồi canh chua, nồi mắm kho hay cuộn hoa lá với bánh xèo, bánh hỏi rồi chấm nước mắm chanh gừng ớt tỏi. Từ bông so đũa trắng ngần cho tới bông súng mang sắc hồng ngọt ngào; bông điên điển vàng ươm, bông sầu đâu xanh biếc tới bông lục bình tím hồng lãng mạn tất cả đều được thấm đẫm, hòa quyện với mắm cá linh non. Mùa hoa rộn rịp những ngày đầu mở đất không phải là mùa xuân mà là những mùa nước nổi. Hoa súng bập bềnh đầy những mảng nước đồng trước ruộng sau. Cặp bờ sông bông điên điển nở vàng rũ từng chùm xuống màu nước lũ. Những xuồng bông đẹp nhất là những xuồng chở đầy bông súng, bông điên điển rao bán dọc theo sông. Bông vô bếp, bông vô bữa ăn đơn giản ngày thường. Bông mặn ngọt chua cay chớ không phải bông lả lướt thắm hồng lung linh kiều diễm.

Trên những lối sông mùa nông nhàn đó, nếu bông để làm đẹp thì chỉ có trẻ con gắn bông lên tóc, lên mái nhà lá chuối làm đám cưới giả hay giả đoàn hát cải lương.

Vậy rồi cũng tới lúc an cư dù chưa lạc nghiệp. Bông được nghĩ tới để làm đẹp cho người lớn. Là bông dừa bông đủng đỉnh được người khéo tay kết mành mành cho cổng đám cưới của những cặp tân hôn.

Năm tháng qua đi, cư dân lạc trôi bắt đầu già, bắt đầu cảm thấy gắn bó với những xóm làng góc cây bờ cỏ. Những mái nhà sàn nho nhỏ liu xiu trong nước. Một cái bàn thờ để thắp nén nhang thưa gởi với tổ tiên. Hoa được nghĩ tới nhiều hơn nhưng lại là hoa cho người đã khuất.

Vạn thọ mang sứ mạng tiền hiền mở cõi giới hoa để ngày Tết miền Tây bắt đầu thơm tho tươi tắn. Bởi vì hoa được dành cho việc thờ cúng chớ không phải hoa để ngắm hay để làm nghệ thuật nên vạn thọ cứ nguyên bó cắt sạch rễ cắm đầy bình. Còn cạnh lư hương trong những ngày đầu năm, cùng với những thịt thà bánh mứt là ba cái ly nhỏ nhỏ, cắm một bông trùm phủ đầy cả mặt ly.

Là vạn thọ chớ không phải là hồng nhung hay những loài hoa cầu kỳ sang trọng khác. Bởi trồng vạn thọ dễ dàng như trồng liếp dưa liếp cải. Đủ sáu mươi ngày là bông lớn bông nhỏ nở xòe.

Đất miền Tây lũ lụt nửa năm ròng. Nửa năm còn lại thì nước rút hụt sâu cách xa sân vườn đôi ba chục thước. Phù sa pha cát, nước tưới đằng trước khô khốc đằng sau. Gánh nước để tưới cà tưới rau nấu cơm nấu nước đã mệt lắm rồi. Người ta lười hoa cỏ. Vạn thọ thiêng liêng nên như một món ưu tiên. Nó được vun bồi xen lẫn những liếp hành hẹ cải rau. Dần dà, như một sự phân công tùy hứng, những vùng đất chuyên canh được tạo nên. Hoa nở có làng bởi những bàn tay chuyên nghiệp. Vạn thọ nở rộn ràng, nở đều nở đẹp giá cả lại rất nhẹ nhàng. Nhà giàu mua vạn thọ lớn cây, bông sum suê đầy đặn. Nhà nghèo thì rón rén chở về những chậu thấp lùn bông nở lưa thưa. Hoa cho nhà giàu hay nhà nghèo gì thì vạn thọ vẫn cứ rạng ngời vẫn cứ ngạt ngào trọn vẹn những mùa sum vầy hội tụ. Hễ Tết là vạn thọ chất đầy những nấc thang nhà. Những nấc thang hoa gác đầu lên hàng hiên ngạt ngào hương.

Những ghe vạn thọ lần theo lối nước về các chợ quê. Những chiếc xuồng đi chợ mang về những thịt thà dưa hấu cùng là những chậu vạn thọ đã nở vàng. Trên mũi ghe của giới thương hồ, bên cạnh cây bẹo củ sắn, dừa khô, chuối xiêm, dưa hấu là những bình bông vạn thọ. Trên mui ghe cũng đối xứng những hàng chậu vạn thọ đầy bông. Những chậu bông xuôi ngược theo sông không phải để mua để bán mà chỉ để trưng bày. Trên bờ ăn Tết thì “bà cậu” dưới sông cũng tưng bừng Tết. Không phải ghe nào cũng được cập bến nhà ngày Tết vì đặc thù món hàng buôn bán. Nhưng cứ có vài cặp vạn thọ trên mui hay trên sạp ghe đã nghe Tết xôn xao lối nước. Người chưng vạn thọ không đơn thuần là cầu vạn thọ mà chẳng qua để tạo cho chiếc ghe mình thơm nồng mùi Tết. Nó như nhắc nhớ về một sự khởi đầu cho những chuyến hàng năm mới đầy mầu sắc lẫn thơm tho. Một sự khởi đầu đẹp bởi vì hoa bao giờ cũng là đại diện của cái đẹp.

Khi con người quan tâm tới cái đẹp ngang với cái ăn, bông chưng bàn thờ bàn khách cũng được nâng cấp theo túi tiền hợp với trào lưu. Đất không còn khô hạn vì nước máy tràn trề. Vạn thọ không còn là hoa độc quyền mùa Tết nữa. Cái nhan sắc giản dị, cái mùi hương ngào ngạt quê quê có chất cộc cằn đang dần được thay thế. Những cẩm chướng, lay ơn bắt đầu đua nhau từ xứ hoa về xứ rau xứ cải. Vạn thọ khép nép góc chợ bên cạnh những chậu cúc đại đóa cao bằng những đầu người.

Không vì lẽ đó mà vạn thọ lùi xa. Những thói quen chơi Tết cùng vạn thọ vẫn được đồng hành. Song hành với mai, vạn thọ vẫn là loài hoa Tết của miền Tây. Cúng này cúng nọ thì người nội trợ vẫn cảm thấy tự tin nhất khi lựa được những bó vạn thọ đẹp cho mâm cơm Tết. Dường như phối với khói nhang, không có mùi nào nghe lòng dạ hoài cổ ấm áp hơn mùi vạn thọ.

Vậy đó mấy trăm năm trôi, cứ vạn thọ nở đầy những bờ kè cạnh những bến sông là Tết tràn về. Cứ vạn thọ nở đầy trên những mui ghe là con nước miền Tây được rộn ràng ăn Tết. Cứ thế sông nước Cửu Long khởi đầu mùa thơm tho tươi mới từ một loài hoa dân dã.