1. Nguồn gốc lịch sử:
Tổ tiên của người Bố Y là một chi của người “Lạc Việt” trong khối Bách Việt phát triển thành. Người Bố Y tự gọi mình là Bố Y, Bố Trọng, Bố Man và Liêu, Trọng Gia, Lý Liêu, Di Liêu (có thể từ thời cổ đại).
Tộc danh Bố Y ở Việt Nam hiện nay là chỉ hai nhóm: Nhóm Bố Y (tên tự gọi là Pu Y) ở tỉnh Hà Giang và nhóm Tu Dí ở tỉnh Lào Cai.
2. Phân bố địa lý:
Nhóm Bố Y ở tỉnh Hà Giang đi theo sông Nhiệm và sông Nho Quế vào cư trú ở một số xã thuộc huyện Đồng Văn và Quản Bạ.
Một điệu múa truyền thống của người Bố Y (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
3. Dân số
Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019: dân số dân tộc Bố Y là 3.232 người, trong đó, dân số nam là 1.695 người và nữ là 1.537 người.
4. Ngôn ngữ:
Nhóm Bố Y nói ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai), còn nhóm Tu Dí nói ngôn ngữ Hán (ngữ hệ Hán - Tạng).
Giáo dục: Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông chiếm 80,0%, tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp tiểu học chiếm 100,6%. Tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp trung học cơ sở là 96,1%, tỷ lệ đi học chung của trẻ em ở cấp trung học phổ thông là 72,6%, tỷ lệ trẻ em ngoài trường là 7,8%.
5. Đặc điểm chính
Thiết chế xã hội truyền thống: Dưới chế độ phong kiến, địa vị xã hội của người Bố Y bị cho là thấp kém, họ bị quản lý bởi bộ máy hành chính cũ: lý trưởng, chánh tổng và phó tổng đều là người Nùng. Dưới thời Pháp thuộc, Quản Bạ có 2 đơn vị hành chính là Đại Miên và Tiểu Miên. Vùng người Bố Y sinh sống thuộc Tiểu Miên do người Tày làm chánh tổng, phó tổng là người Hmông và người Dao. Dưới tổng là các làng, đứng đầu các làng là Páo tả mua, thường là thầy cúng biết chữ Nho, có uy tín và am hiểu phong tục, tập quán nắm giữ trọng trách này.
Tôn giáo, tín ngưỡng: Quan niệm về vũ trụ và linh hồn, trong tâm thức của mỗi dân tộc đều có hệ thống tín niệm về sự tồn tại của một hay nhiều thế giới ngoài thế giới sự sống của con người. Người Bố Y quan niệm vũ trụ gồm ba tầng, chia theo trục dọc: giữa là trần gian, nơi con người sinh sống, phía trên trần gian là nơi trú ngụ của thần linh và dưới cùng là mường của những người tí hon (pầu cúng kính) sống trong lòng đất.
Nghi lễ trong đám cưới của người Bố Y (Ảnh: Báo Dân tộc) |
Nhà ở: là cư dân nông nghiệp làm ruộng nước, người Bố Y ở huyện Quản Bạ khi chọn đất làm nhà thường chọn những nơi gần nguồn nước để thuận tiện cho việc sinh hoạt, cày cấy. Để chọn đất làm nhà, người Bố Y thường chọn những chỗ đất bằng phẳng, rộng khoảng 40 - 50m2, sau đó làm lễ cúng thổ địa trên nền đất đó để cầu mong cho ngôi nhà mình sắp làm sẽ bền vững, làm ăn phát đạt, các thành viên trong gia đình khỏe mạnh.
Trang phục: Nam giới thường mặc áo cổ viền, loại áo cánh ngắn, tứ thân; quần lá nhuộm màu chàm bằng vải tự dệt. Phụ nữ Bố Y mặc áo ngắn năm thân xẻ nách phải, cổ, ống tay áo, chỗ cài cúc được trang trí và viền vải khác màu, hoa văn sặc sỡ. Trang sức người Bố Y trước đây cũng có chạm bạc nhưng ít và manh mún.
Ẩm thực: Người Bố Y gắn bó với ruộng nương và hoạt động trồng trọt, nền kinh tế chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp. Hiện nay gạo được sử dụng làm cơm là chủ yếu, còn ngô lại được sử dụng để làm hàng hóa tăng thêm thu nhập và chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tết “Sử Giề Pà – Lễ Tạ ơn trâu” của người Bố Y, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Ảnh: Báo Dân tộc) |
6. Điều kiện kinh tế:
Người Bố Y có truyền thống làm ruộng nước và có trình độ canh tác nông nghiệp cao. Hiện nay, rừng đã được giao cho các hộ gia đình chăm sóc và bảo vệ nên người Bố Y không còn canh tác theo lối quảng canh như trước nữa mà đã đi vào thâm canh và xen canh. Người Bố Y ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai ngoài trồng lúa, ngô, sắn... còn trồng ớt, đậu tương, chè, thuốc lá, mía. Ớt vừa là loại cây gia vị ưa thích của đồng bào, vừa được coi là loại cây hàng hóa đem lại thu nhập cho người dân.
Chăn nuôi là hoạt động sinh kế bổ trợ cho hoạt động trồng trọt của người Bố Y. Gia cầm, đặc biệt là gà được người Bố Y nuôi nhiều. Gà cũng là một lễ vật cúng không thể thiếu trong các dịp lễ, tết và đáp ứng nhu cầu thực phẩm của gia đình. Chăn nuôi gia cầm của người Bố Y cũng chủ yếu theo hình thức thả rông.
Người Bố Y ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai ngoài trồng lúa, ngô, sắn... còn trồng ớt, đậu tương, chè, thuốc lá, mía (Ảnh: THÀNH ĐẠT) |
Người Bố Y đã làm nhiều nghề thủ công như dệt may, đan lát, làm mộc, rèn, nấu rượu. Đan lát là nghề thủ công truyền thống của nam giới Bố Y, để tạo ra các vật dụng sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của gia đình như các loại rổ, rá, gùi, giần, sàng, đồ đựng. Nghề mộc của người Bố Y vẫn được duy trì cho đến nay. Nấu rượu ngô là một nghề thủ công khá phát triển của người Bố Y.
Trước đây, săn bắn là hoạt động của nam giới Bố Y vừa để bảo vệ mùa màng, vừa cung cấp thực phẩm cho đời sống hằng ngày. Sản phẩm của săn bắn bao gồm các loại thú rừng, chim, chuột, cá, cua.
● Français: L’ethnie Bố Y
● English: Bo Y ethnic group