Quyết liệt phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

Bài 2: Vì một môi trường thương mại an toàn

Buôn lậu, gian lận thương mại, kể cả trực tiếp hay diễn ra trên không gian mạng, đều là một phần không thể tách rời ở bất cứ nền kinh tế nào trên toàn cầu, vì thế, mục tiêu của mỗi nền kinh tế là hạn chế những tác hại của hoạt động này đối với đời sống kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không ngoại lệ khi mà đất nước đang ngày càng chuyển mình mạnh mẽ thì “cuộc chiến” chống buôn lậu, gian lận thương mại diễn ra ngày càng quyết liệt...
0:00 / 0:00
0:00
Trong kho hàng tại Khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, phần lớn là sản phẩm không tem, nhãn, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. (Ảnh QUYÊN LƯU)
Trong kho hàng tại Khu đô thị Đô Nghĩa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội, phần lớn là sản phẩm không tem, nhãn, chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. (Ảnh QUYÊN LƯU)

Xây dựng “vành đai lửa” nơi tuyến đầu

Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục phòng chống Ma túy và Tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chia sẻ: Do đặc thù đường biên giới dài, tiếp giáp nhiều nước nên con đường thẩm lậu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, qua đường ngang, lối tắt trên toàn tuyến biên giới nước ta rất khó kiểm soát. Những năm gần đây, trên tuyến phía bắc hoạt động buôn lậu nhỏ lẻ, việc thuê người dân mang vác hàng hóa qua biên giới giảm nhiều. Tuyến biên giới phía nam vẫn luôn “nóng bỏng” từng ngày. Mặc dù các mặt hàng các đối tượng buôn lậu ở phía nam chỉ là hàng hóa nhu yếu phẩm có giá trị không cao, như đường cát, thuốc lá, nước ngọt, mỹ phẩm... Nhưng để kiểm soát hoạt động của các đối tượng buôn lậu với hàng nghìn phương tiện từ thô sơ đến ô-tô, xe máy đời mới, ghe xuồng cao tốc là điều không đơn giản. Trong khi đó, lực lượng biên phòng trên tuyến biên giới có hạn, lại không đủ phương tiện cần thiết cho nên vẫn còn những lỗ hổng cho hàng hóa từ bên kia biên giới thẩm lậu vào nội địa.

Từ những vụ việc đã được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý trong khoảng 5 năm trở lại đây, ông Trịnh Văn Nhuận, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Hoạt động buôn lậu qua biên giới đã giảm đáng kể, nhưng hoạt động gian lận thương mại lại phát triển mạnh. Hàng hóa nhập khẩu qua đường chính ngạch qua cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh tính bằng container. Mỗi ngày có hàng trăm, container được các doanh nghiệp đang ký xuất, nhập qua cửa khẩu và cảng biển. Với lực lượng của tất cả các đơn vị và phương tiện hiện có, để kiểm soát, kiểm tra đối chiếu từng món hàng từ hóa đơn và hàng hóa trong mỗi container là điều không thể.

Lợi dụng điểm này, nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi gian dối như không kê khai, kê khai thiếu, không đúng chủng loại, kê khai hàng giá trị thấp, che giấu nguồn gốc, đánh tráo, rút ruột... Thậm chí, có cả những mặt hàng cấm được thẩm lậu vào nội địa bằng con đường này. Ngoài ra, hiện nay những hoạt động này có dấu hiệu gia tăng trên tuyến biển. Hàng hóa chủ yếu là dầu DO, hàng cấm, hàng giá trị lớn. Với đặc thù tuyến biển, vùng biển nước ta rộng, lại nằm trên tuyến đường hàng hải sôi động bậc nhất thế giới, việc phòng chống hoạt động phạm pháp trên biển là điều hết sức khó khăn.

Trên thực địa đã khó như thế, việc đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trên không gian mạng càng phức tạp hơn. Theo Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Đức Lê, hiện nay các quy định hiện hành rất chung chung, không chặt chẽ, không theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh của loại hình thương mại điện tử (TMĐT). Ngoài ra, lực lượng, phương tiện còn thiếu và yếu, sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chức năng, địa phương chưa thật sự chặt chẽ đã tạo nhiều kẽ hở cho loại tội phạm này. Theo thống kê sơ bộ, trung bình trong mỗi 100 đơn đặt hàng mỗi ngày, sẽ có khoảng 40% là hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng quảng cáo sai sự thật. Phương thức chủ yếu các đối tượng sử dụng là thực hiện giao dịch qua sàn giao dịch điện tử và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua đường chuyển phát nhanh. Một số trường hợp còn lợi dụng xe bưu chính hoạt động công vụ để gửi kèm hàng hóa vào nội địa.

Lợi nhuận mang lại cho các đối tượng chủ mưu từ hoạt động này rất lớn, còn thiệt hại, Nhà nước và người dân mua hàng gánh chịu... Nhiều thời điểm, do nhu cầu mua hàng qua mạng của người dân tăng cao như giai đoạn dịch Covid-19, hiệu suất từ TMĐT cao hơn hoạt động thương mại truyền thống. Hiện có khoảng 600 đơn vị đăng ký hoạt động và đội ngũ người giao hàng (shipper) hùng hậu là một minh chứng rõ nét cho điều đó.

Và đồng bộ nhiều giải pháp

Phòng chống hoạt động buôn lậu, GLTM không chỉ là “cuộc chiến” của một ngành, một lực lượng riêng lẻ nào. Tầm quan trọng của nhiệm vụ này được Chính phủ cụ thể hóa bằng việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Thành phần của Ban Chỉ đạo nòng cốt là lực lượng quản lý thị trường, hải quan, bộ đội biên phòng, công an... Tuy nhiên, mỗi lực lượng có địa bàn riêng và đôi lúc còn thiếu sự thống nhất đối với mọi hoạt động. Đặc biệt, là thiếu kỹ năng để phòng chống hiệu quả đối với các thủ đoạn gian lận thương mại điện tử. Chưa có giải pháp kịp thời đối với các trang mạng, đầu số, sàn giao dịch TMĐT có dấu hiệu lừa đảo, gian lận thương mại, nhất là đầu số, máy chủ đăng ký ở nước ngoài. Việc đấu tranh với đối tượng chủ mưu, chủ hàng chưa hiệu quả bởi hầu hết các đối tượng này tạo lập kho hàng ở nước ngoài, hoặc những địa điểm khó tiếp cận, khó truy xét. Thông tin về người bán hàng không rõ ràng...

Ngoài việc khắc phục những hạn chế, bất cập, các đơn vị chức năng cần thực hiện các giải pháp cụ thể, như: Quản lý hàng hóa theo địa bàn; tăng cường phối hợp chính quyền địa phương; tuyên truyền, cảnh báo người dân đối với các đầu số, trang mạng... có dấu hiệu lừa đảo hoặc bán hàng giả, kém chất lượng; tăng cường kiểm tra, rà soát doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm để ngăn chặn kịp thời; tìm giải pháp đối với loại hình vận chuyển logistics, nhất là đối với các loại xe gắn mác bưu chính, vận chuyển thư, báo (các lực lượng không được tùy tiện kiểm tra do vướng Luật Bưu chính và Công ước quốc tế). Đặc biệt, lực lượng chuyên trách cần trang bị giải pháp công nghệ thích hợp để giám sát các hoạt động thương mại điện tử; gắn mã định danh hàng hóa đối với doanh nghiệp, cá nhân, sàn giao dịch... tổ chức bán hàng online. Kiểm soát chặt nguồn vào đối với hàng hóa qua đường hàng không, cảng biển và tại các cửa hàng bán hàng miễn thuế, hàng “xách tay”. Gắn trách nhiệm đối với các doanh nghiệp viễn thông trong việc quản lý, xử lý đối với các đầu số, tên miền, trang mạng, tài khoản cá nhân vi phạm... Ngoài ra, cần có giải pháp bảo vệ, đẩy mạnh ngành sản xuất trong nước nhằm nâng cao sức “đề kháng” của nền kinh tế. Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giảm giá thành đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh ■

Việc kiểm soát các trang mạng xã hội buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng... hiện nay chưa hiệu quả và rất khó khăn do hầu hết máy chủ đều đặt ở nước ngoài. Người tiêu dùng cần phải trang bị các biện pháp tự bảo vệ khi mua hàng online; chỉ nên mua sắm hàng hóa qua các ứng dụng TMĐT, các trang thông tin uy tín đã được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi nhận hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, các nhãn hàng cũng như những thông tin, tài liệu liên quan, thông tin cá nhân, đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa và yêu cầu bên bán hàng cung cấp hóa đơn bán hàng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm...

ĐỖ ĐÌNH RÔPhó Chánh Thanh tra,
Bộ Thông tin và Truyền thông


--------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 24/1/2024.
(Tiếp theo và hết) (★)