Xoay xở nhiều cách, vẫn khó trăm bề!

Dù không ngừng nỗ lực tìm cách giải bài toán kinh tế báo chí trong bối cảnh mới, song phần lớn các cơ quan báo chí vẫn phụ thuộc hai nguồn thu chủ yếu là quảng cáo và phát hành, rất ít đơn vị thực hiện thành công đa dạng nguồn thu. Tạo nguồn thu vẫn là bài toán nhọc nhằn, khổ lắm, biết rồi… vẫn phải nói mãi.
0:00 / 0:00
0:00
Ê kíp của HanoiTV thực hiện một chương trình cầu truyền hình.
Ê kíp của HanoiTV thực hiện một chương trình cầu truyền hình.

Các cơ quan báo chí đứng trước bài toán khó: Làm thế nào để tìm kiếm doanh thu trước sức ép ngày một lớn đến từ các mô hình truyền thông mới, quảng cáo trực tuyến dường như đang lên ngôi, dòng tiền đang đổ dồn về các nền tảng số?

Trăn trở với nguồn thu trên đa nền tảng

Tổng Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội Nguyễn Kim Trung (Nguyễn Khiêm) cho rằng, bối cảnh hiện nay không hề dễ dàng đối với Đài khi bị đặt vào tâm của vòng xoáy suy giảm quảng cáo trên truyền hình. Việc các nhãn hàng chuyển đổi một phần sang nền tảng online, dẫn đến việc doanh thu của Đài bị sụt giảm quá mạnh, thêm nữa là gánh nặng nợ thu nhập của người lao động từ 2018…

Nhưng ông Trung cũng tin tưởng rằng, Đài vẫn còn cơ hội để thay đổi và phát triển, "Một trong những cơ hội đó chính là sự bình đẳng tương đối của các đơn vị khi chuyển đổi sang hoạt động trên môi trường số" – ông Kim Trung cho biết.

Nắm bắt "khe cửa hẹp" này, Đài bắt đầu sản xuất nhiều chương trình nghe nhìn với mục tiêu phân phối đa nền tảng như: phát sóng trên truyền hình, phát sóng phát thanh và Podcast online, phân phối trên các ứng dụng và nền tảng mạng xã hội…

Từ đó, lượng công chúng của Đài qua phát thanh và truyền hình, thông tin điện tử trên internet và mạng xã hội đều đang tăng. "Một tín hiệu khả quan rất cụ thể khác là doanh thu của Đài Hà Nội, sau những năm sụt giảm liên tục, năm 2022 bắt đầu tăng trở lại, dù mức tăng còn chưa lớn, mới ở mức hơn 10% so với năm 2021" - Tổng Giám đốc Kim Trung chia sẻ.

Đặc biệt, Tổng Giám đốc cũng đặt mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái nội dung cho Hà Nội và về Hà Nội mà dù trên bất cứ phương tiện hay thiết bị đầu cuối nào, từ TV thông minh, radio, máy tính, điện thoại di động và các thiết bị được kết nối… thì mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận những nội dung phù hợp mà họ cần. Dù nhiều năng lượng để bước vào đường ray phát triển nhưng người đứng đầu Đài Hà Nội vẫn không khỏi trăn trở với công cuộc chuyển đổi số và quá trình sản xuất, phân phối tin tức trên đa nền tảng hiện nay.

"Áp lực với chúng tôi là bắt kịp với các cơ quan báo chí đi trước mình và muốn tồn tại thì chúng tôi còn phải tìm ra lợi thế của riêng mình, hướng đi của riêng mình, thì từ đó mới có khán giả, có doanh thu, có vị thế... Và khó khăn hơn nữa là vì bắt đầu muộn nên trong thói quen, tư duy cách làm của cả bộ máy chưa hình thành tác phong mới, hệ thống chuyển động còn chậm thì chắc chắn phải tốn nhiều công sức để xây dựng được một đường ray cho cả hệ thống chuyển động đồng tốc…" – ông Trung cho hay.

Rõ ràng, đối với các cơ quan báo chí địa phương, dù việc thu tiền từ nội dung số còn có nhiều khó khăn, thậm chí có thể chưa thực hiện được ngay nhưng trên lộ trình phát triển, đó vẫn là một trong những giải pháp để đa dạng nguồn thu mà các cơ quan báo chí hướng tới… Báo chí thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, nhưng yêu cầu đặt ra là, công nghệ phải chiếm được ít nhất 30% hoạt động sản xuất của cơ quan báo chí.

Điều này tự thân các cơ quan báo chí, nhất là báo chí địa phương khó mà thực hiện được ngay. Do đó, cần có sự đầu tư mạnh mẽ của ngân sách cho các cơ quan truyền thông phục vụ cho sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Nhà nước.

Xoay xở nhiều cách, vẫn khó trăm bề!  ảnh 1

Ekip HanoiTV tác nghiệp phát sóng trực tiếp tại SeaGames 31.

Tháo gỡ vướng mắc từ cơ chế

Không đầu tư vào hướng thu phí, Báo Giao thông thuộc Bộ Giao thông vận tải là một trong số những tờ báo ngành rất năng động với nhiều hoạt động đa dạng nguồn thu, như tổ chức các dịch vụ, các sự kiện, thậm chí còn in ấn, phát hành sách về an toàn giao thông…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Kiên– Tổng Biên tập Báo Giao thông rất trăn trở: "Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ truyền thông theo nhiệm vụ chính trị được giao thì chúng tôi phải được bù đắp nguồn kinh phí xứng đáng, phù hợp. Như thế thì các cơ quan báo chí sẽ yên tâm tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng tác phẩm, nâng cao đời sống người làm báo trong tình hình mới. Trong vấn đề đặt hàng, báo chí phải là đối tác một cách sòng phẳng của Nhà nước…".

Việc khai thác cơ chế đặt hàng của các cơ quan nhà nước cũng là một trong những phương thức hiệu quả giúp cơ quan báo chí vừa tăng được doanh thu, vừa thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Tuy vậy, theo ông Kiên, dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT về định mức kinh tế, kỹ thuật tối đa cho báo in, báo điện tử, nhưng quá trình thực hiện xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật ở Báo Giao thông suốt một năm nay vẫn chưa triển khai được do vướng mắc nhiều.

Cùng trăn trở về câu chuyện này, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam Phạm Thu Phong phân tích: Nhiều sản phẩm thực tế như longform, infographic, video, Podcast, diễn đàn trực tuyến, talk… chưa được quy định trong Thông tư số 18/2021/TT-BTTTT hay Nghị định số 18/2014/NĐ-CP (quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản).

Dù có hướng dẫn: "Nếu nội dung của các tác phẩm báo chí được sử dụng nhiều hình thức báo chí thì chỉ áp dụng một lần định mức cho công tác xây dựng bản thảo; các hình thức khác còn lại chỉ được tính đối với phần công việc thực tế" và "căn cứ các quy định hiện hành và thực tế của đơn vị để đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt"; tuy nhiên, khi triển khai thực tế, rất khó xác định định mức đối với các thể loại này về các chi phí trực tiếp (nhân công - máy móc - vật tư) như thế nào cho phù hợp, cũng như các chi phí dùng chung để xác định đơn giá của tin, bài đối với các thể loại, sản phẩm báo chí…

"Hiện nay, cách tính mới theo Thông tư số 18 khá phức tạp. Nhiều số liệu mang tính chất thống kê, nhập liệu đòi hỏi tỉ mỉ chi tiết, bao trùm số liệu trải dài của ba năm tài chính. Trong khi đó, nhân lực làm công tác tài chính của các cơ quan báo chí có hạn cả về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cả về số lượng, nên khó thực hiện. Chúng tôi mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường nhiều hơn nữa các cuộc tập huấn, hướng dẫn thực hiện cho các cơ quan báo chí hiểu rõ, nắm chắc để triển khai, đáp ứng yêu cầu đề ra" – ông Phạm Thu Phong nhấn mạnh.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách được kỳ vọng sẽ là "chiếc phao cứu sinh" hiệu quả trong thời gian tới. Song, trên hành trình đón đợi những giải pháp, báo chí vẫn cần được tháo gỡ các vướng mắc trong cơ chế đặt hàng, giảm thuế, đa dạng nguồn thu...