Gợi mở cho bài toán tạo nguồn thu

Trước thực trạng doanh thu ngày càng giảm, trong khi chi phí sản xuất, phân phối thông tin ngày càng tăng, một số cơ quan báo chí, truyền thông trên thế giới đã nghiên cứu, chủ động đưa ra những cách làm mới để cải tiến nội dung, tạo nguồn thu duy trì hoạt động và phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023. Ảnh: TTXVN
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023. Ảnh: TTXVN

Đăng ký dài hạn: Kể từ báo cáo Số lượng trả phí digital dài hạn Toàn cầu (GDS) đầu tiên vào năm 2018, số lượng bạn đọc trả phí cho riêng nội dung kỹ thuật số đã tăng gấp đôi, từ 10 triệu lên gần 20 triệu người vào mùa thu 2019. Con số này thật sự ấn tượng vì thời điểm năm 2018, Deloitte dự báo sẽ phải đến cuối năm 2020 mới đạt được 20 triệu người đăng ký dài hạn trên toàn cầu cho phiên bản digital của các cơ quan báo chí.

Doanh thu từ khách hàng đăng ký dài hạn không chỉ tăng, mà còn biến hình, mở rộng ra những mô hình đăng ký dài hạn theo ngách nhỏ, bán hàng doanh nghiệp B2B (Business To Business, hình thức kinh doanh, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp) có lợi nhuận, đăng ký dài hạn các sản phẩm nội dung chất lượng cao, và quan trọng nhất là tất cả các phòng, ban đều tập trung vào việc giữ chân bạn đọc đã đăng ký. Việc chuyển trọng tâm sang nguồn thu từ độc giả là diễn biến mà tạp chí truyền thông Folio gọi là "tư duy lại một cách sâu sắc về tạp chí".

Chúng ta cũng chứng kiến việc thành lập phòng, ban hoàn toàn mới với nhiệm vụ duy nhất là giữ chân bạn đọc đăng ký dài hạn. Hồi cuối năm 2016, The Washington Post không có người phụ trách dịch vụ chăm sóc nhóm bạn đọc đăng ký này. Hiện nay, họ có 25 người. Tương tự, từ năm 2015 đến 2017, tờ The New York Times tăng gấp ba lần số lượng nhân viên phòng này. Theo Kjersti Thorneus, Giám đốc quản lý sản phẩm tại tập đoàn truyền thông Schibsted: "Lôi kéo được độc giả đăng ký dài hạn thì chưa kiếm được tiền, mà phải giữ được họ ở lại".

Môi giới dữ liệu: Bán dữ liệu như một dịch vụ (DaaS) đã được chứng minh có thể sinh lợi lớn cho một số công ty. Thành công đó đã chứng minh tài tiên tri của Prescott Shibles - Phó Chủ tịch cao cấp phụ trách dữ liệu của công ty quảng cáo Randall-Reilly. Ông phát biểu tại Connectiv Executive Summit rằng: "Dữ liệu nhắm trúng đích sẽ sớm có giá trị hơn các vị trí quảng cáo". Còn Fred Marthoz - Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp Dữ liệu Lotame, chia sẻ trên WhatsNewInPublishing.com: "Chúng ta thường nói về chuyển hướng sang video hay sang podcast. Nhưng, chuyển hướng sang dữ liệu mới là cơ hội lớn nhất trên thị trường hiện nay".

Trong khảo sát do NewVantage Partners thực hiện năm 2020, có 91,6% số lãnh đạo điều hành cho biết, đầu tư vào dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu đang tăng, và 87,8% xác nhận cần đầu tư vào những công nghệ này gấp rút hơn.

Sự kiện: Hầu hết các báo không có đội ngũ tổ chức sự kiện hùng hậu, một số còn chẳng có nhân viên đảm trách việc này. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí có hầu hết những thứ sau đây để tổ chức sự kiện thành công: nội dung phù hợp; chuyên môn sâu về lĩnh vực ngách; người dùng trung thành trong lĩnh vực ngách đó; danh sách email cụ thể; dữ liệu khách hàng thuộc lĩnh vực ngách; quan hệ có sẵn với nhà tài trợ tiềm năng; nền tảng truyền thông với lượng người theo dõi lớn để quảng bá sự kiện. Đó là những thứ không thể mua được.

"Nền kinh tế trải nghiệm" đang tạo ra lợi nhuận ngày càng lớn từ các sự kiện. Theo báo cáo Sự kiện trong Hoạt động Tạp chí của FIPP năm 2019, 78% số người thuộc thế hệ Thiên niên kỷ chọn tiêu tiền vào trải nghiệm họ mong muốn hơn là sản phẩm vật chất. "Hiện nay mọi người có quá nhiều trải nghiệm kỹ thuật số, họ khát khao có nhiều trải nghiệm thực hơn", Michael Caruso- Tổng Biên tập Tạp chí Smithsonian chia sẻ.

Khai thác nội dung đã xuất bản: Trong báo cáo Đổi mới sáng tạo của The New York Times, một trong những cơ hội lớn nhất bị bỏ lỡ và được nhắc tới là khai thác nội dung đã xuất bản. Lucia Moses của Digiday viết: "Đây là một trong những lợi thế lớn nhất các cơ quan báo chí lâu đời so các công ty mới hoạt động: Tiếp cận được nội dung chất lượng cao trong nhiều năm, nội dung có thể khôi phục, đóng gói và bán cho cả bạn đọc và nhà quảng cáo".

Gợi mở cho bài toán tạo nguồn thu  ảnh 1

Trụ sở của The New York Times tại khu Manhattan, New York, Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Theo dữ liệu từ tác phẩm của mình tại Gado Images, đồng sáng lập Thomas Smith nhận thấy kho tư liệu số hóa được quản lý chuyên nghiệp có thể đem về doanh thu 0,15-4 USD mỗi tấm ảnh mỗi năm và là doanh thu bền vững. Tờ The New Yorker tái sản xuất nội dung lưu trữ theo tuyển tập in, theo chủ đề từ… mèo tới ẩm thực. Họ cũng chuyển những cuốn sách dày thành bản kỹ thuật số. Độc giả đã tải xuống hơn một triệu bản, một số trả tiền (2,99 USD trở lên) và một số nằm trong gói đọc đăng ký đọc dài hạn. Ngách nội dung Nấu ăn và Ô chữ của The New York Times đã sử dụng nội dung xuất bản cũ để bán cho một triệu người đọc đăng ký dài hạn trả $1,25/tuần (ẩm thực) và $0,81/tuần (ô chữ).

Ngoài ra, còn những mô hình khác như: câu lạc bộ; đại diện truyền thông; cung cấp công nghệ thông tin; nhượng quyền thương hiệu; phi lợi nhuận; giáo dục; thương mại điện tử; đầu tư… cũng đang được nhiều cơ quan báo chí, truyền thông trên thế giới tích cực triển khai, mang lại những hiệu quả đáng kể trong việc tạo nguồn thu, là những gợi mở quý cho các hoạt động kinh tế báo chí ở Việt Nam hiện nay.

Riêng đối với quảng cáo: Ngành quảng cáo đang đối mặt "nhu cầu phải thay đổi mang tính sinh tồn", theo báo cáo năm 2019 do công ty nghiên cứu Forester công bố. Dù có những điểm tích cực và tiêu cực, lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Thách thức nằm ở chỗ làm thế nào để bạn có phần của mình?

Vào mùa thu năm 2018, The New York Times thử nghiệm loại hình quảng cáo dựa vào cảm xúc mà mỗi bài viết tạo ra. Tới giữa 2019, Dự án Cảm xúc (Project Feels) đã tạo ra 50 chiến dịch, hơn 30 triệu lượt hiển thị và kết quả doanh thu tốt (tờ báo không cho biết cụ thể). Với 150 nghìn điểm dữ liệu, đội ngũ phân tích Project Feels xác định được các bài viết nào tạo ra cảm xúc mạnh. Thuật toán sau đó ngay lập tức chỉ ra những cảm xúc mà người xem sẽ có. The Times và các nhà quảng cáo của họ có thể lần theo, khá chính xác, xem quảng cáo đi kèm có hiệu quả hơn so quảng cáo ngẫu nhiên không. Một số quảng cáo tạo ra lượt hiển thị nhiều hơn 80% so quảng cáo mục tiêu hành vi thông thường. Mức tăng trung bình là 40%. Thành công như vậy, nên có thể đòi hỏi mức phí cao hơn.

Nếu muốn cạnh tranh để có những nguồn doanh thu chưa bị các nền tảng lấy mất hay dịch vụ chặn quảng cáo phá hoại, thì giải pháp duy nhất cho các cơ quan báo chí là sửa chữa mô hình quảng cáo trực tuyến đang có vấn đề hiện nay.

Jessica Rovello - CEO công ty nội dung Arkadium- nhấn mạnh: "Vòng xoáy đi xuống" của hệ thống hiện tại là do các định dạng quảng cáo kỹ thuật số nghèo nàn, dẫn tới bị chặn quảng cáo, khiến doanh thu giảm, số lượng quảng cáo trên mỗi trang nhiều hơn và cuối cùng là trải nghiệm người dùng tồi tệ. Xử lý được vấn đề này sẽ giúp cho người đọc cảm thấy thu hút hơn, ít bị các quảng cáo kỹ thuật số đeo bám khắp nơi. Từ đó, sẽ dẫn tới "vòng xoáy đi lên".