Quyết liệt phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại

Thời gian gần đây, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ở trong nước lại bùng phát mạnh. Bên cạnh thủ đoạn ngày càng tinh vi theo phương thức "truyền thống" còn rất nhiều thủ đoạn của những đối tượng thông qua không gian mạng. Điều đó đặt ra trách nhiệm càng cao cho lực lượng chức năng chuyên trách, những người tiên phong trong "cuộc chiến" không tiếng súng với loại tội phạm này.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng liên ngành tỉnh Long An tuần tra tại các địa điểm, khu vực biên giới "nóng" về buôn lậu. (Ảnh THANH PHONG)
Lực lượng liên ngành tỉnh Long An tuần tra tại các địa điểm, khu vực biên giới "nóng" về buôn lậu. (Ảnh THANH PHONG)

Bài 1: Nhiều thủ đoạn tinh vi

Trên mặt trận đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng hiện nay, ngoài các tuyến đường qua biên giới thì không gian mạng là "mặt trận" mới rất sôi động, phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao, phương thức tinh vi, manh động, có hệ thống. Những vụ việc được phát hiện cho thấy hàng hóa vi phạm có số lượng lớn, giá trị cao, nhiều chủng loại.

Gian nan trên các tuyến đường biên giới

Những năm trước đây, Quảng Ninh là một trong những địa bàn trọng điểm của hàng hóa buôn lậu vào nội địa. Hiện nay, do tình hình kiểm soát tại các cửa khẩu nghiêm ngặt, các đường ngang, lối mở hầu hết bị bịt kín nên hoạt động buôn lậu nhỏ lẻ rất hạn chế. Cách thức phổ biến của các đối tượng hiện nay là nhập hàng hóa với số lượng lớn, đóng trong container, tận dụng các "luồng xanh" để thông quan. "Phương thức này khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, phát hiện. Một phần do mỗi ngày số lượng container làm thủ tục thông quan quá lớn trong khi số cán bộ chuyên trách không đủ. Hơn nữa, trong mỗi container lại chứa rất nhiều mặt hàng khác nhau. Để kiểm tra từng mặt hàng đó, mỗi tổ công tác khoảng 10 người phải mất khoảng 5 ngày...", Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh Trịnh Văn Nhuận cho biết.

Khác với tuyến biên giới phía bắc, hình thức buôn lậu nhỏ lẻ vẫn diễn ra sôi động ở hầu khắp các tỉnh phía nam có chung đường biên giới với Campuchia. Đơn cử như Long An là tỉnh có hơn 134 km đường biên, trong đó có một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia, hai cửa khẩu phụ và tám lối mở. Đây là cửa ngõ đi Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ. Các đối tượng thường tập kết hàng hóa ở bên kia biên giới, thuê người dân lợi dụng đêm tối, qua các lối mở, đường sông, kênh rạch vận chuyển vào nội địa.

Theo báo cáo của các cơ quan phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại của tỉnh, năm 2023, Bộ đội Biên phòng Long An đã phát hiện, xử lý 41 vụ vi phạm, thu giữ 102.420 gói thuốc lá ngoại; 134,6 kg pháo nổ; 9,97 g ma túy tổng hợp; 4,5 tấn đường cát... cùng nhiều tang vật. Lực lượng Công an phát hiện, xử lý 527 vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, nhập lậu; thu giữ gần 1,4 triệu gói thuốc lá ngoại; 347 điếu thuốc lá điện tử; 12,6003 kg heroin; 194,5 tấn đường cát; 10 tấn gỗ.

Hoạt động buôn lậu trên tuyến biên giới Long An hiện nay khá phức tạp do có những đường dây, có đối tượng cầm đầu và nhiều mắt xích cả trong và ngoài nước. Điển hình như vụ án buôn lậu hơn 200 tấn đường cát tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, lực lượng chức năng đã khởi tố 25 bị can.

"Lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tập trung điều tra mở rộng các vụ án buôn lậu và xử lý triệt để đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Chúng tôi phối hợp với lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các khu vực trọng điểm ở biên giới...", Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường - Công an tỉnh Long An cho biết.

Khó khăn chống buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng

So với "mặt trận" truyền thống, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng, nhất là các mạng xã hội như Facebook, TikTok và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) có mức độ và cường độ cao hơn nhiều lần. Theo ước tính của cơ quan chức năng, có hơn 80% số hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được tiêu thụ, được mua bán trên mạng. Do đặc thù, việc kiểm soát những mặt hàng giao dịch trên không gian mạng gần như không thể.

Chỉ riêng năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 1.022 vụ vi phạm liên quan đến TMĐT. Trong đó, xử phạt hành chính 928 vụ với số tiền hơn 15 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 6,3 tỷ đồng... Những con số cho thấy, tình trạng kinh doanh, mua bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan và công khai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh, cũng như niềm tin của người tiêu dùng...

Vừa qua, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) và Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai phối hợp Công an thành phố Pleiku kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên. Tại thời điểm kiểm tra, nhân viên đang livestream bán hàng, chốt đơn thông qua Facebook Ngọc Quyên Gia Lai. Kết quả kiểm tra, xác định hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên đã có các hành vi vi phạm gồm: Buôn bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet; kinh doanh hàng hóa nhập lậu... Tổng số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 482 triệu đồng.

Trước đó, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) phối hợp lực lượng chức năng tỉnh Tuyên Quang kiểm tra cửa hàng và kho hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Thu Đông đã phát hiện 34.797 sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Chỉ trong 1 tháng cuối năm 2023, Cục Nghiệp vụ đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh được quảng cáo trên các website như: phoxedien.com; hamachi.vn; thegioixechaydien.com.vn, qua đó đã phát hiện và thu giữ hàng trăm xe đạp điện có dấu hiệu vi phạm về tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như quảng cáo sản phẩm trên mạng internet...

Đó mới chỉ là bề nổi của "ma trận" hàng hóa gian lận thương mại trên không gian mạng. Việc bán hàng online dễ dàng, lợi nhuận mang lại rất lớn cho nên nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng mọi kẽ hở của pháp luật để giao dịch trên mạng; quảng cáo trực tuyến kèm khuyến mại rầm rộ nhằm thu hút người mua. Mặt khác, một số đơn vị, cá nhân cũng nhập lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay... bán tràn lan với quy mô ngày càng lớn...

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê, để thực hiện trót lọt các hành vi vi phạm, người bán hàng thường sử dụng những sản phẩm hàng hóa chính hãng để giới thiệu trên các website hoặc các mạng xã hội Facebook, TikTok,... Nhưng khi khách hàng đặt mua, nhận được lại đa phần là hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn. Bởi trên các website bán hàng hoặc qua các mạng xã hội, các chủ shop thường không ghi địa chỉ cụ thể, chỉ có điện thoại để giao dịch. Hơn nữa, vì là không gian, địa chỉ ảo trên mạng cho nên người bán hàng dễ dàng gỡ bỏ thông tin nhằm xóa dấu vết, gây cản trở việc thu thập chứng cứ, chứng minh vi phạm... Cũng có một số chủ shop còn thuê các căn hộ chung cư cao cấp có lực lượng bảo vệ từ xa để vừa sinh hoạt, vừa làm điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa; gây khó khăn cho công tác tiếp cận, trinh sát của lực lượng chức năng. Tinh vi hơn, để tránh bị phát hiện, xử phạt, nhiều đối tượng đã livestream bán hàng tại các kho hàng bên kia biên giới hoặc quảng cáo, bán sản phẩm ở những thành phố lớn, nhưng hàng hóa thường tập kết ở những nơi xa xôi, hẻo lánh...

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên không gian mạng còn nhiều lúng túng, chưa theo kịp được tốc độ phát triển "chóng mặt" của loại tội phạm này.

(Còn nữa)

Trong thị trường nội địa, lợi dụng hoạt động quảng cáo, giới thiệu sản phẩm qua sàn TMĐT; hoạt động mua bán trực tuyến qua mạng xã hội, các đối tượng đã trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để kinh doanh. Sau đó, các hàng hóa này được các đơn vị chuyển phát nhanh, bưu điện vận chuyển đến người tiêu dùng... Tuy nhiên, kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường TMĐT, các mạng xã hội còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình thực tế.

NGUYỄN MINH TUẤN
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia