Lục lạc hồng

Pằng xốc đứa con trai nhỏ sáu tháng tuổi lên lưng, tay chùng chình thắt nút dải dây địu trước bụng. Đôi mắt hoe đỏ khẽ liếc về phía Peng thêm một lần rồi cô xòe ô, che lên đầu hai mẹ con, bước ra mưa đầy vẻ dứt khoát. Mưa cuối mùa đông liu riu khiến con đường đất đỏ dấp dính, nhớp nháp. Đất đỏ bám chặt vào đế giày. Đất như muốn giữ người ở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: VIỆT ANH
Minh họa: VIỆT ANH

Nhà Pằng rất nghèo. Bố đi làm thuê bên kia biên giới không trở về từ mười năm trước. Một mình mẹ quần quật vất vả mới lo nổi cho bốn đứa con nheo nhóc đủ miếng cơm ăn, đủ cái áo mặc. Pằng là con lớn, chỉ học hết lớp năm rồi ở nhà giúp mẹ làm nương rẫy, chăm em nhỏ. Mười sáu tuổi, mẹ cho Pằng ra phố học nghề may. Khéo tay lại sáng dạ nên sau hai năm quay về bản, Pằng đã trở thành cô thợ may có tiếng rồi. Đã thế, Pằng lại xinh đẹp nên khách xa gần đến đặt may nhiều lắm. Cuộc sống của năm mẹ con từng bước lần hồi vượt qua khó khăn. Hôn nhân, nếu xem là lần đầu thai thứ hai của phụ nữ, thì lần này, Pằng có vẻ may mắn hơn. Nhà Peng kinh tế ổn định. Peng có đủ bố mẹ, ông bà. Bên trên Peng có anh trai đã lấy vợ làm nhà ở riêng. Bên dưới Peng có em gái đã đi lấy chồng. Điều duy nhất khiến Pằng buồn lòng là bị mẹ chồng công khai ghét bỏ từ khi cưới về. Sau đám cưới nửa năm, hai vợ chồng được ra ở riêng đúng như mong muốn của Pằng với điều kiện tự lo lấy hết mọi thứ. Nơi vợ chồng Pằng cất nhà là một sườn núi, phía dưới cửa hang Gió. Nhà nhìn xuống dòng suối Bun và thung lũng rộng lớn. Nơi ấy từ xa xưa đã từng là một bản nhỏ. Nhưng vì không ai chịu được tiếng gió hú mà lần lượt rời đi. Chỗ ấy vốn là nương ngô nhà Peng mà. Cây ngô mọc được thì người sống được. Pằng nghĩ đơn giản thế.

Ở riêng rồi mới thấy, vô vàn khó khăn ập vào cuộc sống của hai vợ chồng trẻ, che chắn phía nào cũng không kín. Pằng thì bụng mang dạ chửa, ngồi máy khâu liên tục không được nên cũng không thể đi may thuê. Còn làm tại nhà thì, ở chỗ heo hút, khách không đến. Món nợ vay làm nhà giống như một đống mối đùn ngay dưới gầm giường. Nó khiến giấc mơ của Pằng trở nên chênh vênh và khiến tình cảm của hai vợ chồng nghễnh ngãng như bát canh đổ thêm nước. Ngày Pằng sinh con, bố mẹ chồng đến trạm xá nhìn cháu chiếu lệ. Ánh mắt ông bà vuốt ve đứa cháu trai đỏ hỏn một cách qua quýt như heo may vờn lá non rồi họ ra về. Pằng thấy tủi thân vô cùng, nhưng không dám để chồng thấy nước mắt. Đàn bà khóc khi sinh con là điều kiêng kỵ.

Hôm ấy, giữa tháng chín, con trai đầy ba tháng, Pằng cõng con về nhà mẹ đẻ chơi. Peng không đi cùng vợ con mà đến nhà chú ruột có việc. Chiều tối, Peng hốt hoảng gọi điện thoại báo tin cho vợ là lở núi rồi. Nhà của hai vợ chồng bị đẩy trôi xuống suối Bun mất rồi. Ngôi nhà mới cất chưa đầy năm bị bùn đất vùi lấp hoàn toàn. Cả tháng trời, người dân vùng này sống trong thấp thỏm, đêm đêm không dám ngủ say, sợ núi bất thình lình sạt xuống. Nhìn gần, những vạt núi trượt lở toang hoác như những nhát chém phũ phàng đỏ ối. Nhìn xa, núi non trập trùng với hàng trăm vết cào xước điên cuồng của đất trời trong cơn thịnh nộ, giống như một bức tranh người ta cố tình vẽ như thế. Khắp nơi bị sạt lở, lũ quét tàn phá tang thương, người mất, nhà mất. Pằng sau khi trấn tĩnh thì hối hả cõng con trở về. Dòng suối ngầu đục đang gầm rú vùng vẫy như con trăn khổng lồ bị đả thương. Gió quật đổ hết cây cối khiến miệng hang Gió trơ trọi, ngoác ra như quái thú bị siết cổ, nhìn rõ từng cột nhũ đá nom tựa những chiếc nanh xỉn mầu. Đất bên dưới cửa hang đã lở gần hết. Trời vẫn tầm tã mưa. Pằng cõng con quay về bản Bun, cúi đầu hối lỗi. Cô con dâu hai mươi tuổi biết rằng, từ giờ trở đi, cô không có quyền đòi ra ở riêng nữa.

Peng theo đám trai trong bản về xuôi làm công nhân. Pằng ở nhà làm nương rẫy và chăm con. Một đêm, dậy xuống bếp lấy nước nóng pha sữa cho con, Pằng đi ngang qua cửa buồng của bố mẹ chồng và cô tình cờ nghe được chuyện của hai người. Tiếng bố chồng rỉ rả. Người trong thiên hạ, có máu mủ gì đâu, mà họ lại thương con cháu mình thế. Họ cho quần áo, cho gạo, cho cả tiền mua lợn giống để nuôi. Thì tại sao con mình đẻ ra, mình lại ghét. Tiếng bà mẹ chồng nhấm nhẳng. Chính ông thuyết phục tôi cho nó ra ở riêng để mẹ con đỡ va chạm còn gì. Giờ ông lại bảo tôi cay nghiệt. Cái loại con dâu, thấy ông bà ốm đau thì xúi chồng ra ở riêng để khỏi phải mất công chăm sóc. Hoạn nạn lại cắp con về đây, không biết ngượng. Bà đến hay, nếu bà thương con trai thì nên đối tốt với con dâu. Vì chúng nó ăn đời ở kiếp với nhau chứ không phải với bà.

Pằng thấy dịu lòng. Ít ra, ở nhà này, còn có người thương cô, bênh vực cô. Ngày ngày ở nhà cõng con trên lưng, Pằng cuốc đất, trồng một vườn bắp cải, su hào và nuôi năm con lợn. Số tiền các nhà hảo tâm và chính quyền trợ giúp, Pằng không dám ăn một đồng quà, để mua ngan con về nuôi. Pằng muốn mua một cái máy khâu mới, nhưng không còn đủ tiền. Hỏi xin Peng thì Pằng không dám. Tết chỉ cách bếp nhà có bốn phiên chợ nữa thôi. Đào núi đã lác đác bói hoa. Nhưng mà, thấy mẹ chồng bảo cả vùng Pờ Sì Ngài năm nay không ăn Tết, chẳng ai may vá gì đâu.

Peng đột ngột trở về. Anh nói, về chuyến này rồi xuống làm tới Tết. Pằng nhân lúc chồng vui vẻ, mở lời nhờ anh chở đi xem một cái máy khâu cũ ở bản bên. Cô còn chìa ra bàn tay với những đầu ngón tím bầm vì kim chọc vào để chồng biết khi khâu quần áo bằng tay, vải dày quá, tay sẽ đau như thế. Nào ngờ, Peng vứt bàn tay của Pằng ra khỏi đùi mình, phũ phàng. Em không đòi ra ở riêng thì bị mất nhà cửa à? Giờ anh phải đi làm vất vả để kiếm tiền trả nợ, em còn chưa vừa lòng sao? Pằng thu tay lại, cứng cỏi. Sạt lở núi đâu phải do em? Hàng trăm người không bao giờ được về ăn Tết với gia đình kia, cũng là chọn lựa của họ hay sao? Peng trừng mắt nhìn vợ. Em giờ cãi giỏi lắm rồi. Đi xem chỗ nào sung sướng mà ở, anh không lo được.

Những lời nói của chồng khiến Pằng rùng mình. Giữa biển đời mênh mông, sao Pằng lại nghe trúng tiếng khèn của Peng để mà thổn thức và gửi gắm tất cả yêu thương? Để đến tận ngày nhà người ta đến hỏi, Pằng mới biết, bố của Peng từng là chồng sắp cưới của mẹ và là kẻ phụ bạc mẹ từng kể. Hóa ra đất trời này đâu có rộng quá, rừng núi này đâu có thể che giấu vĩnh viễn những bí mật của con người. Những ngày Peng đi làm, xa mặt cách lòng, đã chẳng trách. Nhưng, lửa ngay gần mà rơm không bén, cứ lạnh tanh. Thì tiếc nuối gì đây?

Một ngày qua đi, tối đến, không thấy Pằng về, Peng bỗng sợ. Gọi điện thoại thì mới biết Pằng không mang theo điện thoại. Chắc là Pằng về nhà mẹ đẻ rồi. Nhưng giờ mà đi đón, chẳng phải Pằng sẽ được nước lấn tới hay sao? Nửa đêm, nghe tiếng khóc tỉ tê của thằng Páo vọng tới, Peng giật mình ngồi dậy, đi ra sân, dỏng tai nghe ngóng. Lại không thấy gì. Trong đầu Peng bỗng lởn vởn cành lá ngón. Peng thấy lồng ngực mình như bị ai đè xuống, ngột ngạt quá. Vợ con mà có bề gì thì anh sống thế nào đây. Nhưng mà, còn con nhỏ đang bú, chắc Pằng không làm điều dại dột đâu. Pằng hiền lành chăm chỉ, xinh đẹp và khéo tay, có bao nhiêu thằng trai si mê cô ấy, nhưng Pằng đã chọn Peng, chọn mối tình đầu tiên. Vậy mà Peng lại đối xử với vợ như thế. Chỉ để làm vừa lòng mẹ. Cái thằng đàn ông hai mươi lăm tuổi, sức dài vai rộng mà mở miệng nói không lo nổi cho vợ con, bảo vợ đi tìm nơi sung sướng mà ở. Thật là tồi tệ. Peng cứ thầm dằn vặt mình tới sáng. Con gà còn lim dim ngái ngủ dưới gầm giàn mướp, Peng đã mang xe máy ra, chạy lên phố, chọn mua cho vợ một cái máy khâu mới, chở về. Thấy món quà này, hẳn là Pằng mừng lắm. Mang máy khâu về rồi mà chưa thấy người về, Peng phóng xe đến nhà mẹ vợ ở bản trên. Nhưng tới nơi, không thấy vợ con, Peng lạnh hết tay chân. Người đàn bà muộn chồng, muộn con, lại lam lũ vất vả nên gầy yếu, nghe nói con gái cõng cháu đi từ sáng hôm trước mà con rể không đi tìm ngay thì ôm ngực ngã xuống. Peng vội đỡ mẹ vợ lên. Nhưng bà gạt tay con rể ra, nghẹn ngào. Biết ngay mà, bùn nhão chẳng thể trát tường. Tử tế thế nào thì anh cũng là con của kẻ bội bạc. Peng tái mặt chạy xe ra khỏi nhà mẹ vợ. Các em của Pằng nghe tin chị gái cõng con bỏ nhà đi thì khóc um lên rồi nháo nhác chia nhau đi tìm.

Peng thất thểu trở về nhà sau một ngày dài tìm kiếm. Anh hình dung Pằng đang nghiêng đầu bên chiếc máy khâu mới. Pằng xinh đẹp mơn mởn như một bông hoa rừng lúc ban mai, như cái tên của cô. Sao bây giờ Peng mới biết, khi Pằng ngồi bên chiếc máy khâu, là khi Pằng đẹp nhất. Peng hình dung tiếng kim chỉ xâu vào sợi vải lanh xành xạch dịu dàng. Hình dung Pằng đang bặm môi, nheo mắt, tay búp măng xe sợi chỉ mảnh. Mọi hình dung của Peng giờ chỉ là ảo ảnh. Rồi Peng chợt nghĩ, hay là Pằng cõng con về nơi ấy?

Từ xa, Peng thấy vết sẹo núi được phủ xanh mầu ngô non nõn nà. Là ngô Pằng trồng và có lần khoe với Peng, nhưng anh chẳng để tâm. Peng nhìn xuống bờ suối, thấy bóng người loay hoay bên đám bùn đất đã quánh lại như tìm kiếm thứ gì. Lại gần, thấy vợ đã đào được một hố to và sâu, vần lên mặt đất chiếc máy khâu, vốn là quà cưới của mẹ tặng cho con gái khi về nhà chồng. Pằng đang dùng một cái que cứng để cạy đất bùn đắp đầy thân máy. Mới có ba tháng xa rời bàn tay của Pằng, chiếc máy khâu đã ra nông nỗi ấy. Bàn gãy lìa, dây curoa tuột đâu mất. Thằng con đang ngủ thiếp trên lưng mẹ. Peng nắm bàn tay đầy bùn đất của vợ giục giã. Đi về nhà thôi.

Pằng không một lần liếc mắt tới cái máy khâu mới rất đẹp mà Peng trang trọng kê gần cửa sổ. Peng đã trở lại khu công nghiệp tiếp tục làm việc trong xưởng ván ép. Những đêm không tăng ca, Peng vẫn gọi điện về rủ rỉ nói chuyện với vợ, nhưng Pằng đáp lại những nhiệt tình của chồng bằng thái độ hờ hững lạnh nhạt. Vì thế, câu chuyện giữa hai người rời rạc như mèn mén đồ chưa chín. Cái hố vô hình giữa hai vợ chồng cứ ngày một hoắm sâu.

Một hôm, chị dâu và anh trai đưa nhau về, khiêng cái máy khâu Peng mới mua cho Pằng lên xe, chằng buộc lại và nói ráo hoảnh. Em chê không dùng thì chị mượn về may hàng Tết. Pằng cũng không nói gì cả. Pằng biết là mẹ chồng gọi họ đến lấy.

Cái máy không còn, khoảng trống bên cửa sổ trở nên thênh thang trống trải. Pằng nhờ người ra suối mang chiếc máy khâu lấm lem bùn đất về cọ rửa sạch sẽ. Rồi cô thuê người đóng bàn mới, ra chợ mua dây curoa và các thiết bị khác về thay thế những bộ phận bị hỏng hóc. Chưa đầy hai ngày, chiếc máy khâu là món quà của mẹ đã được Pằng sửa sang đâu đấy. Pằng lại say sưa may vá. Ánh sáng bên cửa sổ là thứ ánh sáng đẹp nhất. Bởi nó sưởi ấm cõi lòng hiu hắt của một cô gái chưa kịp nếm hết vị ngọt của thanh xuân thì đã đi làm dâu, làm mẹ và bị nhấn chìm vào cái bể ân oán đắng đót. Ánh sáng ấy rọi vào từng đường kim mũi chỉ khiến Pằng không còn tâm trí để miên man với những ưu tư. Ai nói rượu uống để quên? Bố chồng Pằng uống rượu, thi thoảng có một trận say. Nhưng ông không quên gì cả. Mỗi lần say, ông lại âu yếm nhìn Pằng như nhìn con gái ruột. Ánh mắt của ông khiến Pằng vừa thấy khó chịu, vừa thấy ấm lòng. Cuộc chiến đoạn tuyệt với quá khứ giày vò bốn con người đến rã rời mệt nhọc. Peng vì sợ mẹ buồn mà không dám thể hiện tình cảm với vợ. Bố Peng thì chỉ khi say mới dám nói lời phải trái với vợ và lời tử tế với con dâu. Nhưng lời say thường không được tính. Còn mẹ của Peng thì lưới rách giữ mùi. Ghen tuông, nếu xem là bệnh thì đó là thứ bệnh chưa có thuốc chữa.

Pằng mải mốt may vá, thêu thùa. Những cuộn vải lanh dựng đó cứ nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến mất. Trên sào, những tấm áo lanh dài đủ mầu sắc treo ngay ngắn cạnh nhau, quyện hơi nhau thành một khối mùi ấm áp, mùi của Tết. Người ta cứ đến lấy dần đi. Tết cứ thong thả về gần. Chiếc váy sặc sỡ của Pằng cũng đã may xong, vắt trên miệng cở. Chỉ đêm nay là Peng về nhà rồi. Mẹ chồng thấy con dâu đi ra, đi vào đầy vẻ sốt ruột thì ngứa mắt lắm.

Giờ gà lên chuồng thì Peng về đến nhà. Một ba-lô quần áo. Một túi quà Tết rõ to, lại cả một cành đào bích bông đỏ như son, Peng mua ngoài phố huyện. Mẹ chồng Pằng há hốc miệng. “Ơ, thấy bảo năm nay cả bản không ăn Tết mà. Mua đào làm gì”. Peng ngạc nhiên. Mẹ làm sao thế. Người đi đã đi rồi, người ở lại thì vẫn phải sống chứ. Tết đến mà không đón là có tội với đất trời, với thần linh. Bao lâu rồi mẹ chưa ra khỏi nhà. Mẹ thử đi một vòng quanh bản mà xem. Mẹ đi đi, xuân về, bản ta đẹp thế này mà không ăn Tết thì tiếc lắm. Mẹ chồng ngó vào mặt bố chồng hỏi đầy nghi ngờ. Bản ta năm nay vẫn ăn Tết à? Bố chồng đang bế cháu nội trên tay, gật đầu. Vẫn chứ. Mẹ chồng cuống lên. Giờ đã hai sáu Tết rồi, tôi chưa chuẩn bị gì cả. Bố chồng gãi tai. Bà không phải lo. Bố con tôi đã chuẩn bị xong hết rồi. Nhưng tôi còn chưa có váy áo mới. Con dâu cũng may rồi. Cả tháng nay nó may ngày, may đêm mà bà không biết à? Nhà có thợ may giỏi mà còn phải lo quần, lo áo. Nói rồi, ông liếc mắt về phía con dâu, khẽ cười. Ông bùi ngùi nhớ lại hôm con dâu cõng cháu nội của ông lủi thủi ra khỏi nhà ngay trước mắt con trai. Ông vội chạy tắt đón đường, khuyên nhủ con dâu quay về theo lối vườn sau, đi về phía căn nhà cũ của ông bà nội Peng. Kể từ khi hai cụ chuyển lên nhà lớn vui vầy cùng con cháu thì nhà cũ khóa cửa để đấy. Đưa con dâu vào đó ông bảo hai mẹ con cứ nghỉ ngơi ở đây. Bố sẽ đem đồ ăn đến. Bố khóa cửa ngoài, nếu muốn đi đâu thì mở cửa ngách mà ra. Làm đàn bà, hiền quá chồng bắt nạt đấy. Khi cần, cũng phải biết bỏ nhà đi cho nó sợ. Nó sợ mất thì mới lo mà giữ. Quả nhiên, khi Pằng ôm cháu đi, cả hai mẹ con bà ấy nháo nhào cả lên. Mất ăn mất ngủ. Phải thế mới chừa thói bắt nạt con cái. Ở nhà người ta, nó là vàng, là bạc đấy, lẽ gì mà về nhà mình lại biến thành rơm rạ?

Buổi tối, Pằng ngồi chống cằm lên mặt bàn máy khâu ngẫm nghĩ. Peng bước lại, kéo đầu vợ vào sát ngực mình, tay cầm bông hoa đào đỏ thắm cài lên tóc vợ và nịnh. “Vợ ai mà xinh thế này nhỉ”. Pằng ngúng nguẩy “Không biết”. Peng năn nỉ vợ. Nói cho anh biết đi, đêm ấy, hai mẹ con ở đâu? Pằng ngẩng đầu nhìn chồng, thương lượng. Nếu em nói, anh tặng em cái gì? Peng nhìn vợ bằng ánh mắt của kẻ si tình nhưng phải che giấu bấy lâu. Anh sẽ tặng em một món quà mà em nhất định sẽ thích. Pằng chớp chớp mắt như muốn hỏi quà gì. Peng lấy tay bịt mắt vợ và bảo cô đứng dậy đi theo anh.

Peng dẫn vợ đi ra ngoài vườn. Đến lúc anh bỏ tay ra khỏi mắt vợ và nói. Em nhìn đi. Quà của em đấy. Pằng dụi mắt, nhìn vào chiếc chuồng ngựa cũ đã được dọn sạch sẽ, điện bật sáng choang, trong ấy, có một con nghé mập mạp, lông vàng óng mượt, cổ khoang trắng, mũi đen phập phồng, mắt ướt đen nhánh đang nhìn Pằng lạ lẫm. Pằng ngạc nhiên như không tin vào mắt mình. Anh tặng em thật à? Thật chứ, tặng em. Chẳng bao lâu, em sẽ có cả đàn trâu. Pằng vội vàng chạy vào nhà, một lát đã chạy ra, đem theo chiếc vòng lục lạc bằng thép, phía ngoài lồng một ống dây nhựa mầu xanh, riêng quả lục lạc, không biết từ khi nào mà Pằng đã sơn lên mầu hồng rất điệu. Pằng cẩn thận đeo vòng lục lạc vào cổ nghé con và âu yếm nựng: “Đây là quà Tết của em”.

Peng nhìn vợ, lòng lâng lâng hạnh phúc. Nhớ lại ngày nhà mới bị núi lở vùi lấp, hai vợ chồng đi chợ phiên mua ít đồ, Pằng cứ loanh quanh ở hàng lục lạc không muốn rời đi. Từ lúc ấy, trong đầu Peng đã nghĩ tới món quà tặng vợ. Chỉ là dành dụm mãi, tới tận hôm nay, anh mới có đủ tiền mua. Pằng hết tiến gần lại lùi xa để ngắm nghía món quà rồi gật gù kết luận. Trời rét thế này, chắc chắn còn thiếu một cái áo nữa mình ơi!