Bảng lảng Xuân cửa ô

Nếu nói những con phố nào xuân nhất ở Hà Nội, có lẽ đó là Bạch Mai và Nguyễn Lương Bằng. Sao lại là hai con phố ấy? Chúng chính là hai con đường mang hoa xuân vào nội thành trong nhiều thập niên…
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: VIỆT ANH
Minh họa: VIỆT ANH

Không phải những phố Hàng Lược hay Nghi Tàm, Quảng Bá gắn với chợ hoa truyền thống hay làng trồng hoa, mà lại là hai con đường ngoại ô một thuở, lúc nào cũng mang vẻ lầm lũi, đôi phần nhếch nhác. Điều đọng lại trong ký ức không ít người, ở đây, vào ngày xuân, phố như hồng tươi hơn, đem lại cảm giác đổi thay hơn.

Phố Bạch Mai chỉ dài độ non cây số rưỡi, nằm trên con đường thiên lý xưa, chạy từ cửa ô Cầu Dền đến ngã tư Trung Hiền, nối hai đường vành đai 1 và 2 ngày nay. Phố Bạch Mai tựa như một cái chợ nối dài của chợ Mơ, ngôi chợ lớn nhất phía nam nội thành trước đây. Tuyến đường tàu điện từ Bờ Hồ cũng kéo ra đến cửa chợ này, nằm gần ngã tư Trung Hiền. Người Hà Nội cũng ít gọi là “Trung Hiền” mà gọi là “ngã tư Mơ” cho dễ nhận biết. Những cái tên nôm chỉ có một âm tiết vang lên trong trí óc gợi ra một Hà Nội mộc mạc, lam lũ: Mơ, Vọng, Sở, Bưởi… Chợ và tàu điện đã thành cặp bài trùng trong khung cảnh Hà Nội suốt gần trọn thế kỷ 20: Em ơi! Hà Nội- phố/ Ta còn em tiếng hàng ngày/ Reo vang đường phố/ Lanh canh! Lanh canh!/... Ai xuống Bờ Hồ!/ Ai đi Mơ!/ Ai lên Bưởi!/ Lanh canh!

Lanh canh!/ Một đời cơ nhỡ/ Trăm ngày ngược xuôi (trích trường ca “Hà Nội - phố” của Phan Vũ).

“Ai đi Mơ! Ai lên Bưởi!” – câu thơ mượn lời người soát vé tàu điện kể tên hai ngôi chợ lớn ở hai đầu thành phố, vang vọng âm hưởng một thời, tựa như tiếng kêu thảng thốt hoài niệm. Bây giờ chợ Mơ đã mất đi vị thế thương mại và cả tính chất định vị của nó khi trên khu đất của ngôi chợ cũ, mọc lên một tổ hợp trung tâm thương mại song vắng vẻ đìu hiu, chỉ còn một tầng hầm để duy trì “chợ Mơ truyền thống”.

Trong khi đó, con đường Nguyễn Lương Bằng, từng mang tên Nam Đồng, cũng dẫn từ cửa ô Chợ Dừa xuống gò Đống Đa và tiếp đó là phố Tây Sơn đi ra Ngã Tư Sở, một ngã tư có vị trí trọng yếu tương tự ngã tư Trung Hiền. Nếu con đường Bạch Mai là đường thiên lý thì đường Nam Đồng vốn là Thượng Đạo nôm na là con đường chiến lược quân sự từ nhiều thế kỷ. Trên con đường này, năm 1782, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã lên kinh chữa bệnh cho chúa Trịnh Sâm, thế tử Trịnh Cán. Vào những thế kỷ trước, từ trong các trấn Nghệ An, Thanh Hoa ra Thăng Long, người ta sử dụng tuyến Thượng Đạo theo các rìa rừng núi có phần thuận lợi hơn đường thiên lý qua nhiều sông sâu và vùng trũng ngập úng.

Con đường này đã chứng kiến cuộc tiến quân của nghĩa quân Lam Sơn qua vùng Ninh Kiều-Tụy Động mùa đông năm 1426, để lại chiến tích ghi trong “Bình Ngô đại cáo”: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh trôi vạn dặm/ Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm” (theo bản dịch của Ngô Tất Tố). Cũng lộ trình này ghi dấu chiến thắng đồn Ngọc Hồi-Khương Thượng vào mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789 của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ, mà đời sau mượn cái tên Gò Đống Đa làm tưởng nhớ. Năm tháng qua đi, con đường Nam Đồng mờ dần dấu vết, cửa ô cũ không còn, chỉ là “những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về” (lời ca khúc “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp). Ô Chợ Dừa đã thành một cửa ngõ rộng mênh mông năm, sáu ngả đường, kề cận một di tích để lại tên Xã Đàn, tức là Đàn Xã Tắc. Những ngôi làng chung quanh cửa ô đã thành bao khu dân cư chật chội, những ngôi đình, chùa đã trở nên khiêm nhường hơn giữa bao tòa nhà cao tầng san sát mọc lên.

Nhưng cả Ô Chợ Dừa và ngã tư Chợ Mơ đã có một thời gian được đánh dấu bởi những bức phù điêu đắp bằng xi-măng mầu và gạch men mầu, mang chủ đề “Hà Nội chào mừng” của họa sĩ Trường Sinh. Hai cụm phù điêu này được tổ hợp thành biểu tượng hoành tráng (tất nhiên với quy mô những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước) với hình ảnh cô gái mặc áo dài bay lên trên không gian Hà Nội và hình tượng của khoa học kỹ thuật. Chủ đề các bức tranh này mang một mỹ cảm của thời gian khó nhưng đầy tính vị lai. Cô gái bay lên trên ngôi tháp Rùa và những ánh sao thần thoại, cùng với những gương mặt người thuộc các thành phần xã hội: Công nhân, nông dân, trí thức và thiếu nhi đeo khăn quàng đỏ. Những khối hình có nét hiện thực pha lập thể. Tương phản với những mái cầu chợ cũ kỹ và dãy phố hầu hết mái ngói cũ và những ô cửa đắp hoa văn cổ điển thời thuộc địa xuống mầu thời gian, các bức tranh tường này đem đến thông điệp của hình ảnh mùa xuân trường cửu.

Kiến trúc những dãy phố cũng đặc thù cho loại nhà đầu ô, chủ yếu là một, hai tầng, mái ngói Tây, nhiều nhà có trang trí mặt tiền cầu kỳ, có cả ban công và thường đắp năm xây dựng, thêm tên hiệu bằng chữ Hán bên cạnh chữ Việt đúc xi-măng. Những hiệu Núi Đất, Rồng Điện hay Vĩnh Hưng Long, Thái Lợi… gợi ký ức về sự phồn hoa qua những biến động thời cuộc và chiến tranh, bom đạn.

Ngày giáp Tết, những phiên chợ Dừa, chợ Mơ tràn ra ngoài đường, cả một dòng sông người lẫn trong dòng sông hoa đào tuôn chảy trước các tấm phù điêu, giữa tiếng loa truyền thanh những bài hát về mùa xuân. Điểm xuyết vào đó là tiếng leng keng tàu điện già nua mà như đang cố trẻ lại. Chúng thay các cửa ô canh phòng cẩn mật của thời trước, tạo ra những cửa ngõ rộn ràng của thời bao cấp.

Những bức phù điêu lần lượt biến mất khi các cửa ngõ được mở rộng, những tuyến tàu điện cũng chấm dứt hoạt động đã hơn 30 năm, những ngôi nhà ngói thấp tầng đã biến hình thành các cửa hàng cao sáu, bảy tầng, những hoa văn đắp nổi nhường chỗ cho những biển bạt nhựa hay hộp mica bóng loáng. Hai cửa ngõ có khi nhộn nhịp hơn xưa, nhưng giờ đã nằm lọt giữa nội thành, lại thiếu những dấu tích kiến trúc để định vị… Có lẽ, đi qua đây, giờ, chẳng mấy ai còn mang một cảm xúc của trạng thái “Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng/ Trông khói sương chiều ám trên dòng sông/ Nhị Hà còn kia...” (lời trong “Thăng Long hành khúc ca”, nhạc sĩ Văn Cao). Người ta không còn cần nhìn thấy những vọng lâu, dãy tường thành hay những bức tranh tường hoành tráng mới nhận ra là mình sắp vào thành phố.

Những ngôi nhà dù xây cao lên, nhưng vẫn hẹp lòng, vẫn xúm xít bên nhau. Những lộ giới mở đường đột ngột tạo ra những rẻo đất cho ra đời những ngôi nhà hẹp lòng hoặc vát chéo cao lênh khênh, vẫn không quên đắp gờ phào và cõng thêm những biển quảng cáo quá khổ như muốn chữa lại sự xộc xệch vừa tạo ra. Đến những cửa ngõ này vào những chiều giáp Tết, nếu có điều gì đó không đổi thay thì có lẽ là vẫn có khung cảnh những dòng sông hoa đào, layơn và violet rùng rùng chuyển động, muôn người xe qua lại hối hả mua bán, bất chấp đã có những trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích kề cận. Người ta vẫn thấy đấy là gương mặt của những phố nghèo đầu ô, giờ miên man trong niềm vui khoác lên sự thanh tân của năm mới, như muốn chữa lại vẻ già nua nghèo kém của dòng đời thường nhật.