Có một Tây Nguyên Như thế !

Tây Nguyên, nơi tôi đang sống, có những người từng đi ra với rộng dài đất nước, mở “túi khôn” để góp sức, góp tài với cộng đồng và cũng có những người chỉ sống trọn cuộc đời giữa không gian buôn làng mà trí tuệ và tâm hồn thẳm sâu như đã trải qua một dặm dài du hành văn hóa. Từ họ và cùng họ, tôi muốn ngược nguồn kiếm tìm dấu xưa trong minh triết đại ngàn...
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: KHÁNH AN
Lễ hội của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: KHÁNH AN

Những “người phán xử” trong xã hội cổ truyền

Ngày xưa, các dân tộc thiểu số Tây Nguyên sống theo hình thức cộng đồng khép kín, đơn vị xã hội cao nhất trong xã hội cổ truyền là làng. Làng là một chỉnh thể, được điều hành bởi già làng và hội đồng già làng - tập hợp những người bản lĩnh và giỏi giang nhất. Hội đồng già làng điều hành mọi hoạt động của làng bằng luật tục, kinh nghiệm, kỹ năng và sự thông thái của mỗi cá nhân.

Già làng và hội đồng thông thái của ông chính là những người nắm trong tay cán cân quyền năng là luật tục. Những “người phán xử” này không mang tính cường quyền mà được cộng đồng chọn trao bởi tôn trọng, kính phục. Mỗi già làng là một kho báu về tri thức, về kinh nghiệm, ứng xử, là kết tinh sự cao quý của những con người tài hoa trong các bộ tộc. Họ là người biết giải mã giấc mơ, thay dân làng đối thoại với thần linh và tìm kiếm sự che chở của Yàng (Giàng, Trời). Hành xử mỗi ngày, họ lựa chọn phương án phù hợp nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng. Trong các cuộc đối ngoại, già làng cất lên tiếng nói thể hiện thông điệp của làng với cộng đồng bên ngoài. Ngày xưa, chuyện lớn, chuyện nhỏ trong làng đều do một tay già làng phán quyết. Tiếng nói của già làng không phải là duy nhất nhưng có giá trị cao nhất của buôn làng. Bởi vậy, trong xã hội cổ truyền Tây Nguyên, các già làng là những người thông thái.

Cùng với các già làng, những trí thức, nghệ nhân cũng góp phần xử lý việc buôn làng. Gần đây, tôi đã gặp nhiều người như thế. Đó là các ông Ya Duck, Ya Loan (dân tộc Chu Ru); ông K’Điệp, ông K’Tiếu (dân tộc Cơ Ho); ông K’Noi, K’Brình (dân tộc Mạ); rồi ông Chamalé Âu (dân tộc Ra Glai), ông Ywăn R’tung (dân tộc Mnông), ông Điểu Lên (dân tộc Xtiêng) và các lão bà như Cil Ca, Ma Bio, Ma Tham, Narakia…

Họ là người miền rừng, sống đạm bạc vật chất nhưng giàu có thiên nhiên, giàu có sự trong lành. Trí tuệ của họ, một phần thông qua sự học, nhưng chủ yếu được đắp bồi từ hệ minh triết rừng và tâm hồn hướng thượng. Không gian bí ẩn của đại ngàn đã chi phối suy nghĩ, tâm tính của những con người sống giữa hoang dã. Núi vời vợi, phong nhiêu tạo nên sự trầm mặc, trí huệ và cốt cách riêng. Không gian sinh tồn ấy, những tộc người, những con người ấy đã tạo nên những hệ giá trị, tri thức, làm nên một bề dày văn hóa chứa đầy hấp lực. Để rồi, những minh triết ấy là tảng nền vững chắc cho lớp trí thức trẻ Tây Nguyên hôm nay kế thừa, vững vàng hội nhập với thời hiện đại…

Có một Tây Nguyên Như thế !  ảnh 1

Cô giáo và học sinh mầm non người dân tộc Cơ Ho (huyện Đam Rông, Lâm Đồng).

Những trí thức mới Tây Nguyên

Trong những tháng năm bom đạn chiến tranh, có một lớp trí thức Tây Nguyên đã kế thừa truyền thống và minh triết của đại ngàn hiến dâng trọn cuộc đời cho quê hương. Người trực tiếp tham gia chiến đấu, người tập kết làm đại diện cho Tây Nguyên bất khuất giữa lòng miền bắc. Nhiều người trong số họ có danh tiếng trong lĩnh vực mà họ công tác, được đồng nghiệp, công chúng, nhân dân nhớ mãi. Có thể kể đến thầy giáo Nay Der (dân tộc Gia Rai), bác sĩ Y Ngông Niê Kdam (dân tộc Ê Đê), bác sĩ Tou Prong Hiu (dân tộc Chu Ru); rồi các văn nghệ sĩ lớn như Xu Man, Y Brơm, H’Ben, Y Zơn, Rơ Chăm Pheng, Măng Thị Hội, Kim Nhất…

Dòng sữa thơm từ thế hệ ông bà, cha mẹ đã nuôi dưỡng cho một lớp cháu con tiếp nối. Lớp trí thức mới Tây Nguyên, họ là ai? Đó là Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan, người đã tạ thế mà tiếng hát còn lay động đại ngàn. Là các nhà nghiên cứu Linh Nga Niê Kdăm, Điểu Câu, Krajan Plin, Krajan Dick ngày đêm đau đáu với văn hóa tộc người. Là nhạc sĩ Y Phôn K’Sor với những ca khúc thốt lên từ chính gan ruột và sự tự tin mãnh liệt.

Để khẳng định, để “hát giữa mọi người không ngại ngần” (lời một ca khúc của Y Phôn K’Sor), những người trẻ Tây Nguyên đã phải vượt qua biết bao chướng ngại. Anh bạn K’Lào, người Cơ Ho, mồ côi cả cha lẫn mẹ đã “trốn đàn trâu đang chăn thuê để đi thi đại học” và nhờ thế mà bây giờ, được làm cán bộ công tác dân tộc. Rồi cô Y Trung (Phạm Thị Trung), người Xơ Teng (một nhánh nhỏ của dân tộc Xơ Đăng) làm các nhà nghiên cứu dân tộc học sửng sốt với luận văn thạc sĩ xuất sắc: “Linh hồn người và các nghi lễ liên quan đến linh hồn người Xơ Teng làng Tu Mơ Rông, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum”. Ka Chăm, Y Pốt, Rolan Ka Liêng học lên cao rồi về buôn lập nghiệp mà sản phẩm kinh doanh chính là những đặc sản của vùng đất bazan. Cô giáo dạy văn giỏi Ma Hiêng, người Chu Ru, hay nhà thiết kế trẻ nổi tiếng K’Jôna, người Cơ Ho, cũng vậy…

Hồi mới đến Tây Nguyên, tôi đã rất ngạc nhiên khi được tiếp xúc với cộng đồng Cơ Ho ở buôn Ka Ming (xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Cả buôn chỉ có hơn 50 nóc nhà mà có tới 60 em tốt nghiệp hoặc đang học cao đẳng, đại học. Tôi cũng đến Xã Lát (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) và biết rằng, vùng đất này có nhiều người thông thạo hai ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp); nhiều con em của họ đã và đang học đại học ở trong và ngoài nước… Hầu như vùng dân tộc thiểu số nào ở Tây Nguyên cũng có những mẫu hình nổi bật về sự học, khẳng định việc làm chủ tri thức, công nghệ và lập nghiệp thành công từ sự tiếp cận với bầu trời văn minh hiện đại.

Viết đến đây, tôi muốn kể tấm gương một thanh niên hiếu học ở huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng), thầy giáo Cil Duin, vị tiến sĩ đầu tiên của dân tộc Cơ Ho.

Hành trình theo đuổi con chữ của Duin, chàng trai trưởng thành từ nghèo khó, đã truyền cảm hứng trong lớp trẻ cộng đồng. Năm 2015, sau ba năm nghiên cứu thành công chuyên ngành Quản lý kinh tế giáo dục, anh là người Cơ Ho đầu tiên nhận học vị tiến sĩ chuyên ngành Quản lý học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh (Trung Quốc). Trở về, anh tiếp tục sự nghiệp “trồng người”, được tín nhiệm giao trọng trách Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Dương quê nhà. Cil Duin, hình mẫu trí thức mới Tây Nguyên, đã trở thành một người thắp lửa…

Xã hội Tây Nguyên của một thời xa xưa được kiến tạo theo mạch sống, mạch ứng xử nương náu dưới tán rừng. Rừng là không gian sinh tồn và không gian văn hóa; rừng cũng tạo nên một cơ chế tâm lý an toàn và có phần bảo thủ. Tây Nguyên ngày nay khác hơn, khác bởi sự chuyển động mạnh mẽ hòa chung trong dòng chảy thời cuộc mới của đất nước. Con người Tây Nguyên bởi vậy, phải khác. Mẫu người mới không thể đứng xa, đứng ngoài sự phát triển chung. Hiện đại hóa là một tất yếu. Trong sự đổi thay ấy, chủ nhân của vùng đất này phải trụ vững bằng bản lĩnh văn hóa, tự xây dựng một hệ kháng thể trước những tác động nghịch chiều. Gắn bó và đối thoại với người Tây Nguyên, trong tôi hình thành một niềm tin vững chắc về chiều sâu của họ. Họ là những con người có đủ tố chất để đương đầu và tìm ra phương cách phù hợp với những sự đổi thay.