Dân tộc Gia-rai. (Ảnh: Ủy ban Dân tộc)
Dân tộc Gia-rai. (Ảnh: Ủy ban Dân tộc)

Dân tộc Gia-rai

NDO - Gia-rai là một trong năm dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa Đảo và là một trong những dân tộc tại chỗ thuộc khu vực Tây Nguyên (Việt Nam).

1.Nguồn gốc lịch sử

Dân tộc Gia Rai là một trong những cư dân sớm sinh tụ ở vùng núi Tây Nguyên, lan sang một phần đất Campuchia. Trong xã hội Gia Rai xưa đã có Pơtaoia (Vua Nước) và Pơtaopui (Vua Lửa) chuyên cúng trời, đất, cầu mưa thuận gió hòa... Trước thế kỷ XI người Ê Ðê, Gia Rai được gọi chung một tên là Rang Ðêy.

Vào thế kỷ XV-XVI sử sách phong kiến Việt Nam ghi nhận danh hiệu Thủy Xá (Vua Nước), Hỏa Xá (Vua Lửa). Chỉ có người đàn ông họ Siu mới được làm vua lửa, vua nước và con gái họ Rơchom mới được quyền làm vợ hai vua. Có lẽ chữ Pơtao đồng nghĩa với Mtao của người Chăm, Tạo của người Thái và Thao của Lào, đều chỉ người thủ lĩnh.

Tên gọi khác: Giơ Ray, Chơ Ray.

Nhóm địa phương: Chor, Hđrung (gồm cả Hbau, Chor), Aráp, Mthur, Tơbuân.

2.Dân số, ngôn ngữ:

* Dân số:

Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 1/4/2019: Tổng dân số: 513.930 người. Trong đó, nam: 252.234 người; nữ: 261.696 người. Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 89,5%.

* Ngôn ngữ:

Gia-rai là một trong năm dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai-Đa Đảo và là một trong những dân tộc tại chỗ thuộc khu vực Tây Nguyên, Việt Nam.

3.Phân bố địa lý

Địa bàn cư trú của dân tộc Gia-rai ở Tây Nguyên chủ yếu tại tỉnh Gia Lai, phía tây tỉnh Phú Yên, phía nam tỉnh Kon Tum, và phía bắc tỉnh Đắk Lắk.

4.Đặc điểm chính:

Thực phẩm: Gạo tẻ là lương thực chính; lương thực phụ là ngô. Thức ăn có rau, muối, ớt, canh rau, lâu lâu mới có bữa thịt, cá. Bữa tiệc, lấy chén rượu cần làm trung tâm, quanh đó có các món ăn đựng trên bát, đĩa hoặc lá chuối để vừa ăn, vừa uống. Khi rượu ngà say có hát, nhảy múa, đánh chiêng.

Trang phục: Ðàn ông đóng khố vải trắng kẻ sọc nhiều màu (toai), ngày lễ đóng khố vải chàm dài 4m và rộng 0,30m, có đường viền hoa văn và buông tua chỉ nhiều màu ở hai đầu. Áo màu đen cộc tay, hở nách, đường viền hoa văn chỉ màu chạy dọc hai sườn mang đậm dấu vết kiểu pông-sô.

Pơtao hoặc chủ làng mặc áo chàm che kín mông, tay dài, chui đầu, có một mảng sợi màu đỏ làm khuy và khuyết cài từ cổ đến ngực. Dưới dải cúc là miếng vải đỏ hình vuông khâu đáp vào để làm dấu hiệu là áo. Ðàn bà mặc váy chàm (dài 1,4m x rộng 1m), có đường viền hoa văn chạy quanh gấu. Phần cạp có tua chỉ trắng hoặc màu. Váy không khâu liền thành ống nên khi mặc chỉ cuốn vào thân để chỗ giáp hai đầu về phía trước. Họ mặc áo cánh ngắn bó sát thân, dài tay. Trên cánh tay áo có chiếc được thêu những đường vòng hoa văn chỉ màu. Nơi ở quanh năm nóng nực nên cả nam lẫn nữ ưa thích cởi trần.

Nơi ở: Nhà sàn

Kiến trúc có hai loại: Nhà sàn dài kiểu la-yun-pa, dài 13,5m và rộng 3,5m là kích thước trung bình cho mỗi nhà. Nhà được phân thành hai phần: bên mang và bên óc. Cửa bên óc chỉ quay về hướng bắc và bên óc dành cho những người đàn bà - chủ gia đình mẫu hệ. Trong nhà có hai bếp.

Nhà nhỏ kiểu Hđrung với kích thước rộng 3m x dài 9m. Chiều cao từ đất lên đòn nóc không quá 4,5m. Cửa chính thông ra sàn phơi chỉ quay về hướng bắc. Hai bên cửa chính có hai cửa sổ. Trong nhà chỉ có một bếp.

Ma chay: Người Gia Rai theo tục tất cả người cùng họ mẹ chôn chung một huyệt. Người đàn ông chết phải khiêng về chôn ở huyệt phía mẹ mình. Trong huyệt chung ấy, các quan tài được xếp kề sát bên nhau theo chiều ngang rồi chồng lên theo chiều dọc. Khi quan tài cao bằng miệng huyệt thì lấy ván kê bốn bề để chôn tiếp vài ba lớp nữa mới làm lễ "bỏ mả" (Họa lui, Thi nga hay Bó thi) - một nghi thức lớn trong quá trình tang lễ.

Thờ cúng: Người Gia Rai theo vạn vật hữu linh. Thần linh (Yang) có nhiều loại, trong đó có ba loại nổi bật được nhắc đến trong lễ cúng hàng năm hay nhiều năm một lần:

  • Thần nhà (Yang sang) lực lượng bảo vệ nhà cửa được cúng trong nhà. Khi nhà mới dựng thì phải tiến hành nghi thức lễ đâm trâu và trồng cây gạo.

  • Thần làng (yang ala bôn) và thần nước (yang ia) là lực lượng bảo vệ làng xóm và cuộc sống của mọi thành viên được cúng ở bến nước và chân núi.

  • Thần vua (Yang pó tao) do vua lửa, vua nước, vua gió (ptao agin) tiến hành lễ cầu trời, mưa thuận, gió hoà và mùa màng tươi tốt.

Ngoài ra, người Gia Rai còn tin khi chết các linh hồn biến thành ma. Có hiện tượng gán cho người có ma thuật làm hại gọi là ma lai.

Văn hóa-văn nghệ: Người Gia Rai có nhiều trường ca như Ðăm San, Xinh Nhã, Ðăm Di... thể hiện dưới hình thức hát thơ có đệm đàn Tưng nưng. Những điệu vũ dân gian Gia Rai có một số động tác mô phỏng những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc. Ðàn Tơ rưng, Krông put, Tưng nưng... rất được phổ biến.

Dân tộc Gia-rai ảnh 1

Nghề phụ của các gia đình cộng đồng người Gia Rai thường là đan lát. (Ảnh: Thành Đạt)

5.Điều kiện kinh tế:

Kinh tế trồng trọt là cái gốc của hoạt động sản xuất. Ðất đai là đối tượng tác động lao động được phân chia thành hai loại - đất chưa canh tác có tên: đê, trá, lon, vô chủ và đất canh tác gọi chung là Hma, phần sở hữu của mỗi gia đình. Hma gồm những mảnh đất trồng trọt theo cách nửa vườn, nửa rẫy; nương phát, đốt, cuốc xới đất và chọc lỗ tra hạt. Còn ruộng nước dùng cuốc xới ; sục bùn và đang chuyển sang cày, bừa dùng 2 bò kéo.

Chăn nuôi gia đình có: trâu, bò, ngựa, voi, lợn, gà, chó... Trong đó, trâu là vật ngang giá trong việc trao đổi vật quý như chiêng, ché và hiến sinh trong lễ nghi tín ngưỡng. Nghề phụ gia đình có: mộc, rèn và đan lát. Những người thợ thủ công đã làm ra những chiếc gùi dùng để đựng đồ mặc, trang sức, vận chuyển. Nghề dệt với khung dệt kiểu Inđônêdiêng khá thịnh hành tạo được tấm vải khổ rộng, hoa văn đẹp.

● Français: L’ethnie Gia Rai

● English: Jarai ethnic minority group