Vừa qua, Công an huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa phát hiện một tài khoản facebook đã công khai đăng tải nội dung “báo chốt”, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT để các thành viên biết, né tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng… Để có căn cứ xử lý vi phạm này, Công an huyện Triệu Sơn đã tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc và xác định người đăng tải nội dung “báo chốt” là chị TTP (sinh năm 1977, ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn). Làm việc với các cán bộ Công an huyện, chị P thừa nhận hành vi vi phạm khi đăng tải thông tin về chốt CSGT đang làm nhiệm vụ để cảnh báo người thân, bạn bè tránh né không bị xử phạt. Trước hành vi vi phạm pháp luật của chị P, lãnh đạo Công an huyện quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng.
Trước đó, các cán bộ Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện có hai nhóm Zalo mang tên “Lái Xe Đất Tổ” và “Lái xe Văn Minh” đưa nhiều thông tin lên mạng về vị trí các chốt CSGT, Cảnh sát trật tự đang làm nhiệm vụ, nhất là ở thành phố Việt Trì. Thời điểm bị phát hiện, nhóm “Lái Xe Đất Tổ” có 722 thành viên; nhóm “Lái Xe Văn Minh” có 695 thành viên…
Xác định đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải được ngăn chặn kịp thời, lãnh đạo Phòng PA05 đã triển khai các biện pháp xác minh, làm rõ Phan Quốc Khánh và Trần Thị Thùy Dương là hai cá nhân tham gia thiết lập, quản trị nhóm Zalo có tên “Lái Xe Đất Tổ” và “Lái xe Văn Minh” để “báo chốt” CSGT. Hai cá nhân này đã bị xử phạt hành chính về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”. Mức phạt cho hành vi nêu trên là 7,5 triệu đồng.
Hiện nay, mặc dù các đơn vị nghiệp vụ công an các địa phương đã ngăn chặn, xử phạt nhiều cá nhân đăng tải các bài viết trên mạng xã hội với nội dung thông báo “chốt” CSGT tại các tuyến đường, nhưng vẫn còn tình trạng các hội nhóm báo “chốt” online được lập. Hội nhóm ít thì vài trăm người tham gia, nhóm nhiều thì lên đến hàng nghìn người.
Để tiếp tay cho những hành vi vi phạm giao thông, nhất là về nồng độ cồn, các đối tượng sử dụng nhiều từ “lóng” hoặc ký hiệu riêng như “ngửi mồm”, “bắn chim”, “thổi kèn”… ở trên mạng. Để tìm hiểu về các nhóm này, chúng tôi lên mạng Facebook gõ từ khóa: “thổi nồng độ cồn” thì cho rất nhiều kết quả về các hội nhóm, như: “Hội CA thổi nồng độ cồn”; “Thông chốt và báo chốt 141”… Ngoài ra, còn có các hội nhóm “báo chốt” của các tỉnh, thành phố như: “Hóng chốt thổi nồng độ cồn Đà Nẵng”; “Chốt thổi nồng độ cồn Thái Nguyên”… Các thông tin về những chốt CSGT được cập nhật, đăng tải liên tục bởi các thành viên trong nhóm. Ngoài ra, một số thành viên còn đăng tải cả những điều luật, quy định về giao thông đường bộ; cách lập luận, “cãi” lại lực lượng CSGT làm nhiệm vụ.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Minh, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Phú Thọ, việc chia sẻ thông tin, hành ảnh các chốt kiểm soát của lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự sẽ khiến nhiều người tham gia giao thông vô tư vi phạm; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Ngoài ra, những hành vi vi phạm nêu trên cũng gây khó khăn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông; kiểm tra, kiểm soát, phát hiện người điều khiển phương tiện mang theo vũ khí, vận chuyển chất cấm hoặc tội phạm truy nã…
Để ngăn chặn hiệu quả những hành vi vi phạm này, Phòng sẽ tăng cường phối hợp các lực lượng nghiệp vụ theo dõi, nắm thông tin trên mạng, xử lý nghiêm các trường hợp thu thập chia sẻ trái phép thông tin vị trí tổ công tác CSGT; tích cực tuyên truyền, khuyến cáo mỗi người dân không nên tiếp tay, tham gia vào các hành vi vi phạm này để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Hành vi thu thập thông tin, chia sẻ hình ảnh vị trí CSGT, nhằm tiếp tay cho những vi phạm của người tham gia giao thông là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm,… mà cơ quan có thẩm quyền xử lý người vi phạm theo quy định. Cụ thể, nếu xử phạt hành chính về hành vi “Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật”, được quy định tại điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NÐ-CP ngày 27/01/2022), mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm là 10 triệu đồng và đối với tổ chức vi phạm là 20 triệu đồng.
LÊ THÀNH CUNG, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh