Giành lại lợi thế độc quyền thông tin

Khó khăn và thách thức trong việc duy trì sức sống của báo in ngày càng nhiều hơn trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hấp dẫn của các nền tảng truyền thông trực tuyến. Hướng phát triển của một cơ quan báo chí, nơi mà tờ báo in vốn là nòng cốt, sẽ như thế nào trong mục tiêu thay đổi trở lại thói quen đọc của độc giả? Chung quanh chủ đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số tòa soạn báo trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên.
Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên.

Đừng quên, chúng ta cung cấp sự thật tới bạn đọc!

Phóng viên: Thưa các anh, chị, báo in thoái trào hay hết thời là do xu thế tất yếu hay chúng ta cũng cần đặt câu hỏi phản tỉnh ở góc độ nghề nghiệp?

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên: Sự xuất hiện của internet đã thay đổi hoàn toàn cấu trúc và quy trình làm báo. Các nhà báo và cơ quan báo chí không còn giữ độc quyền thông tin nữa. Giờ đây, mỗi bạn đọc, người dân chỉ cần có một thiết bị thông minh trong tay là có thể ngay lập tức cung cấp một loại thông tin nhất định đến nhiều người khác.

Trong bối cảnh ấy, việc báo in mất dần vị thế vì độ trễ, nguội thông tin do quy trình sản xuất là điều có thể hiểu được. Báo Thanh Niên được xem là nhật báo có số lượng phát hành bản in hàng đầu ở Việt Nam, không thua kém gì một số nhật báo lớn trên thế giới. Trong thời “hoàng kim” của chúng tôi, lượng bản in có khi lên tới 450.000 bản/số báo. Nhưng trong vòng 5-7 năm qua, con số này giảm trung bình 10% mỗi năm. Chúng tôi đã, đang và sẽ phải làm gì trước thực tế này?

Vấn đề quan trọng đầu tiên là thêm một lần nữa, xác định rõ ràng lợi thế duy nhất của báo chí chính thống, cũng chính là tôn chỉ, mục đích làm nghề của người làm báo: Sự xác tín, trung thực của thông tin cung cấp đến bạn đọc. Chúng ta cung cấp sự thật tới bạn đọc.

“Chúng tôi xác định sẽ bán tới bản báo in cuối cùng. Bạn đọc là trụ cột quan trọng nhất bên cạnh nội dung tốt, thương hiệu uy tín và tài chính lành mạnh” - Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh Niên.

Giành lại lợi thế độc quyền thông tin ảnh 1

Độc giả đọc Báo Thanh Niên. Ảnh: Chu Ngọc Thắng

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ: Chúng ta đang là nhân chứng của thời kỳ phát triển mới của báo chí khi công nghệ đang phát triển quá nhanh làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội. Khi phần lớn công chúng quen dần với cách tiếp cận thông tin trên không gian mạng, đương nhiên, báo in truyền thống mất dần bạn đọc.

Giành lại lợi thế độc quyền thông tin ảnh 2

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ.

“Các cơ quan báo chí không chỉ dừng lại với các cách xoay trở đổi mới các sản phẩm cũ mà phải tạo ra các sản phẩm mới trên không gian mạng, mạng xã hội” - Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ.

Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư: Báo in đang rơi vào giai đoạn thoái trào. Sự thay đổi thói quen đọc của độc giả, nhất là lớp độc giả trẻ; sự nhanh nhạy của các kênh tin tức trực tuyến; sự tiện dụng và luôn được cải tiến của các ứng dụng đọc báo điện tử; kể cả sự dễ dãi trong tâm lý khai thác, thẩm định và thụ hưởng thông tin của một bộ phận người dùng… khiến báo in dường như không còn là lựa chọn hàng đầu nữa. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận là duy trì ổn định phát hành báo in đã khó, chưa nói tới việc gia tăng.

Tuy nhiên, nếu đi sâu vào bản chất vấn đề, có thể thấy, nguyên nhân chủ quan mới thật sự là then chốt. Nói cho cùng, điều mà độc giả cần nhất vẫn là được thỏa mãn nhu cầu thông tin, dù là thông tin được cung cấp qua nền tảng hay phương tiện nào. Những bài viết hay, hữu ích, mang đến những góc nhìn, phân tích sâu sắc, đa chiều, mới lạ, có lập luận vững chắc, nguồn tin xác tín chắc chắn vẫn thu hút được sự quan tâm của độc giả trong phân khúc mà tòa soạn hướng đến.

Trong khi đó, thực tế làm báo hiện nay cho thấy, nhiều tác phẩm báo in lại đánh mất lợi thế lớn nhất của mình là độc quyền thông tin, khai thác sâu nguồn thông tin ấy để cắt nghĩa được vấn đề từ đó. Tôi cho rằng, nếu người làm báo in lấy lại được lợi thế ấy, tức là cũng sẽ trả lời được câu hỏi làm thế nào để báo in tồn tại được và thậm chí phát triển tốt hơn. Độc giả không rời bỏ báo in, mà chính là nhiều người làm báo in đang tự xa rời nhu cầu độc giả.

Giành lại lợi thế độc quyền thông tin ảnh 3

Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư.

“Độc giả không rời bỏ báo in, mà chính là nhiều người làm báo in đang tự xa rời nhu cầu độc giả”- Nhà báo Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư.

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Xuất bản báo in đã, đang trải qua thời điểm thách thức rất lớn vì ngoài tác động nhiều mặt từ sự phát triển của công nghệ như chúng ta đã biết, lĩnh vực này còn chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Sau dịch bệnh, rất nhiều sạp báo ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đã không còn nữa. Xu hướng dịch chuyển sang đọc báo trên các thiết bị di động ngày càng phổ biến khiến cho việc phát hành báo in đối diện thêm thách thức.

Tuy nhiên, báo in vẫn có vai trò, vị thế nhất định trong đời sống con người. Việc đọc báo in thường xuyên giúp thúc đẩy trí nhớ, sự ghi khắc thông tin sẽ sâu sắc hơn, người đọc có điều kiện suy nghĩ, tư duy nhiều hơn từ thông tin thu nhận được. Chính vì vậy, trong bối cảnh này, các tòa soạn bắt buộc phải cải tiến báo in sao cho phù hợp hơn đời sống hiện đại, nhất là nội dung thông tin cần đầu tư sâu, thiên về đề xuất giải pháp tháo gỡ các vấn đề thời sự; đồng thời tìm cách củng cố và mở rộng mạng lưới phát hành.

Giành lại lợi thế độc quyền thông tin ảnh 4

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

“Mỗi phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo đều là một “đại sứ thương hiệu” của tờ báo” - Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động.

Mở ra không gian tương tác một cách có trách nhiệm

Phóng viên: Anh, chị có tin vào việc, đến một thời điểm không xa trí tuệ nhân tạo có thể khiến làn sóng thất nghiệp lan đến các tòa soạn? Và việc đổi mới của mỗi cá nhân, mỗi tòa soạn giúp giành lại vị thế của báo chí?

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo: Tôi cho rằng, có ba việc cần chúng ta xem xét và thay đổi.

Thứ nhất, cải thiện về nội dung để giữ được bản sắc và thế mạnh của báo in: các bài bình luận phỏng vấn chuyên sâu, phóng sự điều tra, phóng sự, ký sự có mầu sắc riêng, mang dấu ấn văn hóa, đặc thù địa phương, vùng miền, hoặc lĩnh vực đề cập; tìm và mời được các nhân vật hay, đặc biệt để xuất hiện trên mặt báo, những chuyên gia bình luận tốt về một chủ đề nội dung nhất định mà bạn đọc không thể đọc lướt hoặc tìm thấy trên báo điện tử.

Thứ hai, cần thay đổi công tác tòa soạn trong việc sàng lọc, phân loại, phân tầng thông tin từ nguồn tin đầu vào do phóng viên cung cấp để quyết định nội dung thông tin nào có thể cung cấp ngay đến bạn đọc qua dạng báo điện tử, dạng thông tin nào cần được khai thác để làm nội dung sâu hơn cho số báo in của ngày hôm sau. Tòa soạn cần hỗ trợ đào tạo phóng viên về việc phân loại, phân tầng thông tin như đã đề cập, đồng thời cũng cần cải thiện nền tảng công nghệ hạ tầng để hỗ trợ phóng viên tốt nhất trong mọi điều kiện hoàn cảnh, trong đó có cả việc tích hợp nội dung báo in với báo điện tử.

Thứ ba, thường xuyên tiến hành khảo sát để tìm phân khúc bạn đọc quan tâm báo in để có thể sản xuất nội dung đúng đích, đạt hiệu quả cao nhất.

Nhà báo Lê Trọng Minh: Báo Đầu tư là một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm được xuất bản bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh (Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán, Vietnam Investment Review), đa dạng về phương thức phát hành (bản in và các sản phẩm điện tử). Chính vì vậy, việc làm thế nào để tiếp cận nhiều độc giả hơn luôn là một câu hỏi lớn đối với chúng tôi. Bên cạnh những công việc cơ bản như nắm bắt xu hướng nhu cầu thông tin của độc giả, thường xuyên đổi mới phương thức thể hiện nội dung, hình thức trình bày sản phẩm báo chí…, chúng tôi nỗ lực đưa ra nhiều mô hình sản phẩm bổ trợ, tương hỗ với các ấn phẩm thường kỳ. Trong đó, có thể nói, các sự kiện, diễn đàn, hội thảo, tọa đàm đang mang lại tác động rất tích cực trong việc tăng cường nhận diện thương hiệu, từ đó mở rộng phạm vi độc giả đối với các ấn phẩm của báo Đầu tư.

Nhà báo Tô Đình Tuân: Bản in của Báo Người Lao Động vài năm trở lại đây đã đổi mới cách thể hiện thông tin theo hướng trực diện, súc tích, dễ tiếp cận hơn, hình ảnh chọn lọc và phong phú hơn, cách trình bày hiện đại hơn. Chúng tôi cũng sẽ chuyển định dạng bản in sang e-paper và tích hợp với báo điện tử. Báo Người Lao Động bản điện tử cũng đồng thời được cải tiến, giao diện thân thiện và bắt mắt hơn, trang báo có nhiều tính năng và nhiều tiện ích hơn, đầu tư nhiều cho hình ảnh và video, gia tăng tương tác với bạn đọc. Chúng tôi mở không gian tương tác với bạn đọc một cách có trách nhiệm; những bình luận của bạn đọc có tính nhân văn, có giá trị vì cung cấp thêm thông tin, suy nghĩ tích cực sẽ lập tức được duyệt đăng, góp phần nhanh chóng lan tỏa giá trị của bài viết, thông tin của báo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định mỗi phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Người Lao Động là một “đại sứ thương hiệu” của tờ báo. Mỗi khi có tin, bài hay, sâu sắc, mọi người cùng nhau đăng tải lên các kênh truyền thông xã hội, làm cho tác phẩm được lan tỏa nhanh chóng, mạnh mẽ đến đông đảo công chúng.

Nhà báo Lê Xuân Trung: Tôi chia sẻ với chị Phương Thảo: báo in muốn tồn tại thì phải giữ chân được bạn đọc lâu nay của mình bằng cách cung cấp những thông tin mà bạn đọc không thể dễ dàng tìm thấy trên mạng. Đó là những thông tin riêng (nhanh nhạy, khác biệt), phân tích sâu (về những vấn đề đang gây tranh luận), chuyên đề có tính hệ thống (từ khái quát đến chi tiết về những vấn đề bạn đọc đang quan tâm) … Đồng thời báo in phải phát triển thêm kênh phân phối mới dành cho báo in trên không gian mạng hay ứng dụng đọc báo in trên điện thoại.

Sự thay đổi căn bản của báo in về tổ chức nội dung và cách thức phân phối không chỉ giữ được bạn đọc cũ mà còn tìm thêm được bạn đọc mới, đặc biệt là những người đã bội thực với thông tin miễn phí, cần thông tin chọn lọc. Theo tôi, các cơ quan báo chí không chỉ dừng lại với các cách xoay trở đổi mới các sản phẩm cũ mà phải tạo ra các sản phẩm mới: các loại hình báo điện tử và sản phẩm báo chí trên không gian mạng, mạng xã hội. Đây chính là cơ hội cho các nhà báo năng động, sáng tạo, đặc biệt là các nhà báo trẻ vì họ thích nghi rất nhanh với mọi thứ, mọi điều mới mẻ.

Việc đầu tư công nghệ cũng như tập huấn cách làm mới của tòa soạn có thể truyền thêm cảm hứng cho cả đội ngũ chứ không chỉ cho những người làm sản phẩm mới.

Những người lãnh đạo cơ quan báo chí phải sẵn sàng “cầm cờ” đổi mới

Phóng viên: Chúng ta đang đề cập sự đổi mới phương thức tác nghiệp để duy trì tờ báo in. Tại tòa soạn của các anh, chị, sự thay đổi ấy được thành hình dựa trên một chủ thuyết nền tảng nào?

Nhà báo Đặng Thị Phương Thảo: Với Báo Thanh Niên, chúng tôi xác định sẽ bán tới bản báo in cuối cùng. Chúng tôi đặt bạn đọc là trung tâm để sản xuất nội dung. Nói cách khác, chúng tôi phục vụ bạn đọc, bạn đọc là trụ cột quan trọng nhất bên cạnh ba trụ cột khác là nội dung tốt, thương hiệu uy tín và tài chính lành mạnh.

Nhà báo Lê Xuân Trung: Những người lãnh đạo các cơ quan báo chí phải sẵn sàng “cầm cờ” đổi mới và chỉ huy tiến trình đổi mới các sản phẩm cũ, làm ra các sản phẩm mới một cách năng động, sáng tạo. Nếu người lãnh đạo an phận, ngại thay đổi, không tin tưởng với những ý tưởng mới, đề xuất mới thì khó có thể tạo nên những chuyển biến tích cực trong quản lý, điều hành các cơ quan báo chí đang phải đương đầu với nhiều thách thức mới hiện nay.

Nhà báo Tô Đình Tuân: Báo Người Lao Động có định hướng lâu dài là phát triển thành một tổ hợp truyền thông đa phương tiện.

Chính vì vậy, tôi muốn chia sẻ thêm là: chúng tôi thường xuyên mở các chương trình huấn luyện, đào tạo tại chỗ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên và các nhân viên trong cơ quan để bắt nhịp với tiến trình phát triển của tòa soạn báo chí trong bối cảnh mới. Báo Người Lao Động là một trong số hiếm hoi các cơ quan xuất bản báo in có thu phí báo điện tử (tại chuyên mục “Dành cho bạn đọc VIP”). Cho đến nay, phần tài chính thu được từ dịch vụ này tuy chưa lớn nhưng có tín hiệu rất tích cực, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các anh, chị!

THÙY MINH (thực hiện)