Điệu nhảy “Xé pang” trong lễ hội truyền thống Pang phoóng của dân tộc Kháng ở Điện Biên. (Ảnh: Báo Dân tộc)
Điệu nhảy “Xé pang” trong lễ hội truyền thống Pang phoóng của dân tộc Kháng ở Điện Biên. (Ảnh: Báo Dân tộc)

Dân tộc Kháng

NDO - Người Kháng cư trú chủ yếu ở Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Cộng đồng dân tộc Kháng có nhiều nét văn hóa độc đáo.

1. Nguồn gốc lịch sử:

Từ những tư liệu lịch sử, dân tộc học,... cho phép đoán định người Kháng là chủ nhân ban đầu và lâu đời của vùng đất Tây Bắc Việt Nam trước khi dân tộc Thái từ nam Trung Quốc và dân tộc Khơ Mú từ Lào di cư tới địa bàn này.

Tên gọi khác: Xá Khao, Xá Xúa, Xá Đón, Kháng Huộc, Mkhang Hốc, Mkhang Ái, Ma-háng Béng, Ma-háng Cọi,...

2. Dân số:

Theo số liệu Điều tra 53 dân tộc thiểu số 01/4/2019, dân tộc Kháng có 16.180 người, trong đó dân số nam là 8.170 người và dân số nữ là 8.010 người. Quy mô hộ: 4,5 người/hộ; Tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn: 98,8%.

Dân tộc Kháng ảnh 1

Hai cụ bà dân tộc Kháng (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

3. Phân bố địa lý:

Tập trung tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

4. Ngôn ngữ:

Ngôn ngữ Kháng vẫn được xếp vào nhóm Môn - Khơ-me thuộc ngữ hệ Nam Á. Hiện nay, việc sử dụng song ngữ Kháng - Thái đã diễn ra phổ biến. Trong gia đình, các thành viên (nhất là những người cao tuổi) chủ yếu giao tiếp với nhau bằng tiếng Kháng, nhưng dùng tiếng Thái khi tiếp xúc với các dân tộc cận cư (Thái, Hmông, Khơ-mú,...). Tiếng Thái còn được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng hay khi trình diễn các hoạt động văn hóa dân gian. Lớp trẻ người Kháng hiện thông thạo tiếng phổ thông.

Giáo dục: Theo Điều tra 53 Dân tộc thiểu số tháng 4/2019: Tỷ lệ người Kháng từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 60,8%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 98,1%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 86,5%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 30,4%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 20,0%.

Dân tộc Kháng ảnh 2
Nhà ở truyền thống của dân tộc Kháng (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Sơn La)

5. Đặc điểm chính:

Ăn: Người Kháng thích ăn xôi và các món có vị chua, cay như: cá ướp chua, dưa lá củ ráy ngứa, món hỗn hợp gồm lá lốt, thịt, ớt, tỏi, rau thơm hoà trộn, đồ chín. Tục uống bằng mũi (tu mui) là nét văn hóa độc đáo của họ. Người Kháng quen uống rượu trắng, rượu cần, hút thuốc lá và hút thuốc lào.

Trang phục: Người Kháng mặc giống người Thái.

Nhà ở: Nhà ở có 2 dạng: nhà tạm bợ và nhà kiên cố. Nhà sàn gồm 1 mái và 2 mái, không phủ nóc, không có chái, có cửa chính thông suốt từ đầu này sang đầu kia, thông với cầu thang nên xuống.

Quan hệ xã hội: Nằm trong sự quản lý của các mường Thái trước đây, Người Kháng không có tổ chức xã hội riêng. Chức dịch cao nhất trong bản là: quan cai gần như Tạo bản người Thái. Tiểu gia đình phụ quyền chiếm ưu thế trong bản. Bên cạnh đó cũng tồn tại một số tàn dư của chế độ mẫu hệ: tục ở rể, vai trò ông cậu... Trưởng họ vẫn có vai trò nhất định.

Cưới xin: Ngày xưa, việc lấy vợ, lấy chồng của người Kháng vừa tự do vừa phải qua nhiều nghi thức. Sau bốn năm đêm tìm hiểu ngủ lại nhà người con gái, nếu đôi trai gái ưng ý nhau thì tiến hành ăn hỏi và rất nhiều nghi thức mà đôi trẻ và hai bên nhà trai nhà gái phải thực hiện. Sau 3 năm ở rể, đôi vợ chồng trẻ phải làm lễ ra mắt hai họ, nhà trai mới tổ chức đón dâu. Ðây là lễ quan trọng nhất.

Dân tộc Kháng ảnh 3

Nghi lễ cúng trong lễ Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của người Kháng (Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Điện Biên)

Ma chay: Người Kháng có tục chia của cho người chết gồm những gì khi còn sống người quá cố thường dùng. Ở phía đầu mộ còn chôn một cái cột cao, trên đó buộc treo một hình con chim bằng gỗ và một cái áo mà người chết thường mặc. Sau khi chôn xong, về đến nhà, anh em, bà con phải đứng dưới gầm sàn để ông cậu cắt một nhúm tóc bỏ vào bát nước lã đựng trứng, cá sấy khô rồi đem vứt ở vệ đường vào bãi tha ma để hồn người chết không về quấy rối con cháu, người thân.

Thờ cúng: Họ tin rằng con người có 5 hồn. Một hồn chính ở trên đầu bốn hồn ở tứ chi. Khi chết, hồn chính biến thành ma lành phù hộ con cháu, bốn hồn còn lại biến thành ma dữ hay quấy nhiễu vòi "ăn". Người ta còn tin nhiều loại ma khác như: ma suối, ma bản... Việc cúng bố mẹ được tiến hành 3 năm một lần. Ðây là lễ vui nhất, gia đình thường mời anh em, bà con trong bản tới dự bữa cơm, sau đó xoè, múa thâu đêm.

Lễ Tết: Người Kháng ăn tết Nguyên đán, tết cơm mới và thực hiện các nghi lễ liên quan đến nông nghiệp nương rẫy.

6. Điều kiện kinh tế:

Nương rẫy là hình thái kinh tế chủ đạo với cách thức phát đốt, chọc lỗ tra hạt. Chăn nuôi khá phát triển: lợn, gà, vịt, trâu, bò. Nghề phụ nổi tiếng là đan lát đồ gia dụng (hòm, ghế mây, mây, gùi...) Người Kháng giỏi đóng và đi thuyền độc mộc, thuyền đuôi én, được các dân tộc anh em ưa mua dùng. Những năm gần đây, Nhà nước đã giao khoán đất rừng theo hộ hoặc nhóm hộ gia đình khiến kinh tế rừng đang là một hướng đi mới của người Kháng.

Dân tộc Kháng có: Tỷ lệ hộ nghèo: 51,5%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 12,5%; Tỷ lệ thất nghiệp: 1,03%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 3,5%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 10,1%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 1,2%.

● Français: L’ethnie Kháng

● English: Khang ethnic group