Ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, là thời khắc thiêng liêng khắc sâu trong tâm khảm của nhiều thế hệ người dân Việt Nam với niềm tự hào lớn lao: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập.
Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Từ đây, lịch sử của dân tộc chính thức bước sang trang mới, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã tự tin bước lên làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Suốt 80 năm qua, lời thề độc lập và tinh thần chung sức đồng lòng luôn được các thế hệ người Việt Nam trân trọng, gìn giữ và không ngừng phát huy. Mỗi khi đất nước phải đối mặt với những thử thách cam go, lời thề ấy lại vang lên, hiệu triệu những con dân nước Việt tiếp tục sát cánh bên nhau, chung một quyết tâm, chung một ý chí: “Dù ai nói ngả nói nghiêng/Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân/Dù ai rào giậu ngăn sân/Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ!”(★).
Nhớ lại thời điểm cuối năm 1946, khi nước Việt Nam non trẻ chỉ mới vừa bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước thì thực dân Pháp đã trở mặt, bộc lộ dã tâm muốn cướp nước ta một lần nữa. Đỉnh điểm vào tháng 12/1946, quân Pháp tàn sát dân thường, chiếm một số trụ sở của chính quyền, gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải giao lại quyền kiểm soát Thủ đô.
Không thể để giặc ngoại bang cướp nước ta một lần nữa, ngay trong đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ý chí độc lập và tinh thần đoàn kết trở thành ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam trong lúc nguy nan: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!”.
Hai mươi năm sau, vào năm 1966, cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn cam go, khốc liệt nhất. 30 vạn quân đã được đế quốc Mỹ tăng cường cho chiến trường miền nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại miền bắc với quyết tâm “đưa miền bắc quay trở lại thời kỳ đồ đá”.
Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, toàn thể nhân dân Việt Nam, muôn người như một, hợp sức lại, thể hiện quyết tâm sắt đá: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Đại thắng mùa xuân năm 1975 chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền nam, nước nhà hoàn toàn thống nhất. Đây chính là “trái ngọt” kết tinh từ ý chí độc lập, tự chủ, tự cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam, không khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào.
Bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta thực hiện song song hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quyết tâm cao. Tuy nhiên vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước, tình hình thế giới có những biến động to lớn.
Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, nội tại thì sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” góp phần đẩy các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới, đặc biệt là Liên Xô và các nước Đông Âu rơi vào sự khủng hoảng toàn diện, tác động tiêu cực đến sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Khó khăn, thách thức này đòi hỏi các quốc gia trong hệ thống xã hội chủ nghĩa phải khẩn trương tiến hành cải cách, đổi mới đất nước toàn diện. Tại Việt Nam, Đại hội Đảng lần thứ VI (12/1986) đánh dấu bước ngoặt có tính lịch sử thể hiện quyết tâm thực hiện công cuộc đổi mới về mọi mặt, hiện thực hóa khát vọng độc lập dân tộc với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thành tựu đất nước ta đã gặt hái được sau gần 40 năm đổi mới được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Từ xuất phát điểm là một nước nghèo nàn, lạc hậu, chưa có tên trên bản đồ thế giới, chiến tranh liên miên, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, trở thành điểm đến thân thiện của bạn bè quốc tế.
Những năm vừa qua, đất nước ta phải thường xuyên đối phó với dịch bệnh, thiên tai như Covid-19, siêu bão Yagi,… chịu thiệt hại to lớn về người và của, song người dân Việt Nam vẫn luôn kết thành một khối vững chắc, yêu thương, đoàn kết, sẻ chia, “chung lưng đấu cật”, “lá lành đùm lá rách”, không để ai bị bỏ lại phía sau.
“Ta đi tới, không thể gì chia cắt” bởi lẽ “Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!”(★). Đó chính là sức mạnh Việt Nam, là ý chí, nghị lực, tinh thần đoàn kết sắt son đã được tôi luyện qua mọi gian nan, thử thách. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, lời thề độc lập, tinh thần chung sức đồng lòng tiếp tục là “sợi chỉ đỏ” thiêng liêng, kết nối người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài, khơi dậy tinh thần đoàn kết và sự nhiệt huyết trong các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, cùng nhau giữ vững nền độc lập, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ thế bị bao vây, cấm vận đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 32 nước, trong đó có tất cả các nước lớn và toàn bộ năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là thành viên tích cực của ASEAN và hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế, có quan hệ thương mại với hơn 220 nước, vùng lãnh thổ.
(★) Bài thơ “Ta đi tới”, Tố Hữu.