Cùng xây ngôi nhà mơ ước

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định: Thế giới đang trong giai đoạn chuyển mình và cộng đồng quốc tế đứng trước thời khắc vô cùng quan trọng, thậm chí là “cơ hội duy nhất trong thế hệ này”, để thống nhất về tầm nhìn và hành động kiến tạo tương lai tốt đẹp hơn. Trên hành trình xây “ngôi nhà mơ ước”, cách thức tốt nhất là cùng nhau, cùng đề cao chủ nghĩa đa phương, cùng đối thoại và hợp tác, cùng phát triển thịnh vượng và bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước vì tương lai. Ảnh: UN News
Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Hiệp ước vì tương lai. Ảnh: UN News

Kế hoạch đột phá cho tương lai

Tháng 9/2024, tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, các nước thành viên Liên hợp quốc đồng thuận thông qua Hiệp ước vì tương lai, với niềm tin vào con đường tới tương lai tươi sáng hơn cho nhân loại. 56 hành động được nêu trong Hiệp ước nhấn mạnh những yêu cầu cấp bách, từ tăng cường chủ nghĩa đa phương, đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, đến ứng phó biến đổi khí hậu, xóa đói nghèo, định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)...

Được đánh giá là bước đột phá quan trọng cho hành trình xây đắp tương lai hòa bình, phát triển, thịnh vượng và công bằng, “bản kế hoạch tương lai” cũng cho thấy những thách thức toàn cầu, mà Liên hợp quốc mô tả là “đang tiến dần tới giới hạn khả năng giải quyết của cộng đồng quốc tế”.

Xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt sau gần ba năm và tiếp tục là điểm nóng căng thẳng giữa Nga với phương Tây. Giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza bước sang năm thứ hai, cũng là lúc mối lo xung đột toàn diện ở Trung Đông lên đỉnh điểm. Israel trên cả hai mặt trận tấn công các lực lượng Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon, cùng lúc ứng phó mối đe dọa đáp trả từ Iran và hoạt động không kích của nhóm Houthi ở Yemen. Giao tranh ác liệt gây thương vong lớn, tàn phá cơ sở hạ tầng, kéo theo khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và lực lượng Hezbollah đạt được, song triển vọng hòa bình vẫn mong manh. Giải pháp hai nhà nước càng trở nên cấp thiết để giải quyết xung đột Israel-Palestine.

Cùng xây ngôi nhà mơ ước ảnh 1

Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở miền nam Lebanon. Ảnh: UN News

Kinh tế thế giới duy trì đà phục hồi, song tốc độ chậm và không đồng đều, với “cảnh báo đỏ” về nợ công toàn cầu tăng mạnh, chạm mức kỷ lục 100.000 tỷ USD, tăng ở cả những nền kinh tế lớn. Khối nợ khổng lồ ngày càng phình to, trở thành “hòn đá tảng” cản bước các quốc gia, nhất là nước nghèo, thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Hơn 1,1 tỷ người tại 110 quốc gia vẫn sống trong cảnh nghèo cùng cực, cho thấy tình hình đói nghèo toàn cầu ở mức nghiêm trọng. Liên minh chống đói nghèo toàn cầu, do Brazil khởi xướng, ra mắt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 làm nổi bật vai trò và trách nhiệm của các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu.

Khủng hoảng khí hậu tiến gần “điểm giới hạn”, mức tăng nhiệt trung bình toàn cầu cũng đến sát ngưỡng 1,50C, theo báo cáo của Liên hợp quốc. Sau một năm thế giới chứng kiến kỷ lục về nhiệt độ cao bị phá vỡ, tình trạng hỗn loạn khí hậu gây ra những thảm họa tồi tệ, từ cháy rừng, nắng nóng đến lũ lụt, tàn phá mọi ngóc ngách trên hành tinh, mục tiêu giảm khí thải, tăng nỗ lực thích ứng, tăng tài trợ hành động khí hậu càng trở nên cấp bách. Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đạt thỏa thuận vào phút chót, với cam kết của các nước phát triển tài trợ ít nhất 300 tỷ USD/năm, từ nay đến năm 2035. Tuy nhiên, các nước nghèo, chịu tác động nhiều vẫn cho rằng khoản đóng góp này là quá thấp.

Cùng xây ngôi nhà mơ ước ảnh 2

Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Ảnh: Reuters

Trong bản giao hưởng của thời đại

Hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững toàn cầu đứng trước những thách thức chưa từng có. Thế giới chỉ còn một phần ba chặng đường để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra từ năm 2015, trong khi 80% số chỉ tiêu SDG có nguy cơ “lỡ hẹn” vào năm 2030. Thách thức càng lớn, yêu cầu hợp tác càng cấp thiết khi quốc gia đơn lẻ không thể tự mình giải quyết và tiếng nói của mọi quốc gia đều cần được lắng nghe. Phát biểu tại Khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: Mỗi quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại.

Năm 2024 tiếp tục là một năm sôi động các hoạt động đối ngoại cấp cao của đất nước, với dấu ấn đặc biệt về ngoại giao đa phương và đóng góp nổi bật của Việt Nam. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu trực tiếp tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc; lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham gia, đóng góp sáng kiến quan trọng tại các diễn đàn, hội nghị ASEAN, APEC, BRICS, G20..., qua đó khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hữu nghị và hợp tác, chuyển thông điệp về Việt Nam hòa bình, ổn định, đổi mới, năng động, tin cậy và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Chia sẻ tầm nhìn về tương lai hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững, tại các diễn đàn đa phương, cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn nhấn mạnh mục tiêu đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế và hợp tác toàn cầu, cùng chia sẻ trách nhiệm giải quyết thách thức chung và kiến tạo tương lai tốt đẹp và bền vững.

Cùng xây ngôi nhà mơ ước ảnh 3

Bức tranh tường vẽ bằng tro cháy rừng ở Brazil. Ảnh: Reuters

Cùng thế giới bước vào kỷ nguyên mới, kết nối và hội nhập sâu rộng, kỷ nguyên của công nghệ thông minh và đổi mới sáng tạo, Việt Nam khẳng định ủng hộ và đề xuất thiết lập khuôn khổ quản trị toàn cầu thông minh, với tầm nhìn mới, tư duy mới, cách làm mới; với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện. Cộng đồng tiếp tục khơi thông, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững, đặt con người ở vị trí trung tâm, trong đó ưu tiên các “vùng trũng” trong thực hiện SDG, hỗ trợ các nước đang phát triển cất cao tiếng nói, tăng cường vị thế trong hệ thống quản trị toàn cầu.

Cạnh tranh địa chính trị, xung đột vũ trang, đói nghèo, khủng hoảng khí hậu vẫn là những thách thức lớn, song mức độ nghiêm trọng hơn, đòi hỏi sự phối hợp toàn cầu cao hơn.