Chỉ khi lễ kết nghĩa Mẹ-Con này được tái hiện tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ Tuần Đại Đoàn kết dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam, nhiều du khách, khách tham quan mới được biết đến nghi lễ đặc biệt này.
Nghi lễ do đồng bào người Ê-đê đến từ buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) thực hiện. Hai nghệ nhân thể hiện Mẹ nuôi-Con nuôi là Hyum Niê và Y Vâng Brông.
Chia sẻ về tục kết nghĩa này, chị Hyum Niê cho biết, lễ kết nghĩa thường được xây dựng theo quan hệ cha mẹ-con cái, anh-em, chị-em. Người kết nghĩa có thể cùng làng hoặc có thể đến từ một làng khác. Đặc biệt, đối với nam giới sau khi lập gia đình ở làng khác, khi đến ở nhà vợ thì họ thường chọn một người phụ nữ lớn tuổi, chị gái, em gái hoặc một gia đình nào đó để kết nghĩa. Người được nhận là con kết nghĩa sẽ được hưởng những quyền lợi nhất định về tinh thần và vật chất. Đồng thời, người con kết nghĩa sẽ có trách nhiệm đối với bố mẹ nuôi, hoặc anh chị nuôi của mình.
Chuẩn bị lễ vật. (Ảnh: PHẠM TIỆP) |
Chị Hyum Niê cũng chia sẻ, thông thường khi chàng trai đi lại với gia đình cô gái một thời gian, sẽ làm quen và thăm hỏi cả những gia đình chung quanh, như hàng xóm láng giềng, họ hàng… của gia đình cô gái. Từ những mối quan hệ này, chàng trai sẽ lựa chọn một gia đình phù hợp nhất, đến thưa chuyện với người phụ nữ lớn tuổi trong gia đình, xin phép được kết nghĩa mẹ con. Nếu người phụ nữ đồng ý, chàng trai sẽ về thưa chuyện với gia đình và sau đó hai bên người lớn sẽ gặp gỡ, chứng kiến nghi lễ.
Các lễ vật được trao tại buổi lễ. (Ảnh: PHẠM TIỆP) |
Khi đó, bên người con trai nuôi sẽ chuẩn bị lễ vật gồm 1 chăn đắp, 8 chiếc vòng đồng, 1 cái bát đồng, 1 con gà và 1 ché rượu cần. Chị Hyum Niê cho biết, chiếc chăn tượng trưng cho sự ấm áp của một gia đình mới dành cho người con trai ở xa gia đình, để anh cảm thấy không xa lạ ở vùng đất mới, để anh thấy nơi này như gia đình của mình.
Tiếng chiêng rộn rã suốt buổi lễ. (Ảnh: NGỌC TRÂM) |
Nghi thức được bắt đầu với bài chiêng “Drông tuê’’ tức là Đón khách. Đây là bài chiêng báo cho các vị thần và linh hồn ông bà, những người đã khuất về chứng giám và phù hộ cho gia đình, đồng thời thông báo và mời gọi họ hàng của hai gia đình cùng về dự lễ kết nghĩa Mẹ-Con, cùng chứng kiến sự gia nhập của một thành viên gia đình mới, cùng chung vui buổi lễ kết nghĩa Mẹ-Con.
Nghi thức đeo vòng. (Ảnh: PHẠM TIỆP) |
Để tỏ lòng quý mến, yêu thương, gắn kết nhau, trong lễ kết nghĩa Mẹ-Con sẽ diễn ra nghi thức đeo vòng của dòng họ. Già làng đeo chiếc vòng đồng cho Mẹ nuôi, Con nuôi, những người trong gia đình, cùng với lời chúc sức khỏe, cầu mong điều tốt lành đến với gia đình; thể hiện tình cảm, sự quan tâm đùm bọc và gắn kết mẹ con.
“Cái vòng này thần linh sẽ phù hộ cho sức khỏe, cuộc sống no đủ, xuống suối có thần sông, lên rừng có thần núi phù hộ…’’ – lời của già làng.
Mọi người quây quần nghe già làng kể K'han. (Ảnh: PHẠM TIỆP) |
Kế tiếp là nghi thức kể K’han lời cổ, để hai bên họ hàng cùng giao lưu, gắn kết mật thiết với nhau, gần gũi với nhau hơn. Kể K’han là một thể loại sử thi trường ca, một loại hình văn hóa độc đáo của dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Ê-đê nói riêng. Mọi người cùng nghe lời kể K’han để nhớ lại công lao của ông bà cha, mẹ ta đi trước, với những lời nhắn nhủ đoàn kết, thương yêu đùm bọc nhau, những tình cảm thiêng liêng của con người dành cho nhau.
Già làng cũng tuyên bố với hai gia đình và những người chứng kiến, từ nay hai người Hyum Niê và Y Vâng Brông đã chính thức là Mẹ-Con. Y Vâng Brông sẽ có nghĩa vụ giúp đỡ, tham gia vào những công việc mà gia đình mẹ cần, thăm hỏi, phụng dưỡng mẹ. Còn Hyum Niê từ nay có thêm một người con để chở che, chăm sóc, chia sẻ nhiều điều.
Nghi thức mời rượu cần. (Ảnh: PHẠM TIỆP) |
Người Ê-đê có truyền thống mẫu hệ, thể hiện sự kính trọng với người mẹ mang nặng đẻ đau, vì thế người phụ nữ được mời cần rượu đầu tiên, rồi trao cho người kế tiếp trong dòng họ.
Dàn cồng chiêng của người Ê-đê. (Ảnh: NGỌC TRÂM) |
Lễ kết nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc thể hiện tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, sinh hoạt được được dân tộc Ê-đê trân trọng, gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Việc kết nghĩa được làm hoàn toàn tự nguyện, không vụ lợi, mang ý nghĩa tốt đẹp nhằm mong muốn cho mọi người sống chan hòa thân thiết và gắn bó với nhau như anh em một nhà, cùng chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn.
Tiếng chiêng báo tin vui tới buôn làng. (Ảnh: NGỌC TRÂM) |
Một ý nghĩa đặc biệt nữa của lễ kết nghĩa Mẹ-Con, là từ nay người con trai xa nhà không chỉ tìm thấy một gia đình mới, một chỗ nương tựa ngoài gia đình vợ, mà còn thể hiện tính cộng đồng, sự kết nối tình cảm trong cộng đồng làng buôn.