ĐIỆN BIÊN:

THÁO GỠ "ĐIỂM NGHẼN" HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BỨT PHÁ


Xác định rào cản đối với Điện Biên chính là “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo xây dựng, ban hành các nghị quyết cụ thể hóa chương trình hành động, qua đó từng bước cải thiện chất lượng hạ tầng giao thông, tạo đà để Điện Biên tối ưu hóa tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt cơ hội để bứt phá vươn lên.

Động lực mới

từ các công trình trọng điểm

Những ngày này, Cảng hàng không Điện Biên tấp nập du khách đến làm thủ tục check-in. Mặc dù lượng khách có sự gia tăng đột biến do Điện Biên đang trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của Năm du lịch quốc gia, song không hề có hiện tượng ùn ứ cục bộ tại nhà ga hành khách, ngay cả trong các khung giờ cao điểm.

Đây là một trong những kết quả rõ nét nhất của Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2023 sau 22 tháng quyết liệt triển khai, sớm hơn so với tiến độ Bộ Giao thông vận tải đề ra một tháng.

Công trình đi vào sử dụng đáp ứng lòng mong đợi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biện và các du khách khi đến với mảnh đất giàu truyền thống lịch sử này.

Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2023.

Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được hoàn thành và đưa vào khai thác từ cuối năm 2023.

Ông Trần Văn Hồng, Phó Giám đốc Cảng hàng không Điện Biên cho biết, kể từ sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng, Cảng hàng không Điện Biên đã có hạ tầng, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, nhân lực được bổ sung đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ chuyến bay và hành khách qua Cảng.

Kể từ sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng, Cảng hàng không Điện Biên đã có hạ tầng, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, nhân lực được bổ sung đáp ứng tốt yêu cầu phục vụ chuyến bay và hành khách qua Cảng.
Ông Trần Văn Hồng, Phó Giám đốc Cảng hàng không Điện Biên

Hiện nay, Cảng có 1 đường cất hạ cánh dài 2.400m, rộng 45m, sân quay 2 đầu, sân đỗ tàu bay với 4 vị trí đỗ bảo đảm tiếp thu các loại tàu bay thế hệ mới A320, A321 hoặc tương đương, cùng với các hệ thống kỹ thuật khu bay đồng bộ như hệ thống đèn tiếp cận CAT I, hệ thống đường công vụ, hệ thống camera và đèn chiếu sáng an ninh...

Nhà ga hành khách được thiết kế gồm 2 tầng với đường nét kiến trúc hiện đại, hài hòa. Trong đó, tầng 1 bao gồm: khu vực mái sảnh, khu vực hành khách đi và khu vực hành khách đến; tầng 2 là khu vực phòng chờ, phòng khách hạng thương gia, khu vực dịch vụ thương mại và các khu vực phụ trợ phục vụ.

Công suất thiết kế được mở rộng từ 300 nghìn lên 500 nghìn khách/năm, qua đó nâng cao năng lực khai thác, tạo điều kiện kết nối hiệu quả Điện Biên với các vùng kinh tế khác trên cả nước bằng tàu bay phản lực hiện đại, đồng thời cũng là tiền đề cho các đường bay quốc tế trong tương lai, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh-quốc phòng khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.

Kể từ sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng, Cảng hàng không Điện Biên đã có hạ tầng, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại.

Kể từ sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng, Cảng hàng không Điện Biên đã có hạ tầng, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại.

Xác định “Chuyển đổi số” là chiếc chìa khóa vàng để vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ứng dụng chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng số, nền tảng số để chuẩn hoá các quy trình nghiệp vụ tại nhà ga hành khách của Cảng hàng không Điện Biên như: hệ thống cơ sở dữ liệu hoạt động sân bay; hệ thống hỗ trợ giúp hành khách tự làm thủ tục hàng không; hệ thống phát thanh tự động ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát thanh tìm theo tên hành khách...

Bên cạnh đó, để thuận tiện và nhanh chóng trong công tác làm thủ tục hàng không, ACV phối hợp với Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục C06 Bộ Công an triển khai ứng dụng sinh trắc học toàn trình, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, dữ liệu về dân cư đối với hành khách đi tàu bay cùng với hệ thống thiết bị kiểm soát các thủ tục an ninh tự động, áp dụng hệ thống kiểm soát lên tàu bay tự động, đáp ứng kịp thời với sự phát triển của khoa học công nghệ trong nước và trên thế giới, đem lại nhiều thuận lợi cho hành khách.

Ông Phạm Trọng Tài, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên.

Ông Phạm Trọng Tài, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên.

Theo ông Phạm Trọng Tài, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên, dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên được tỉnh xác định là một trong những dự án trọng điểm nhằm từng bước tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, giúp Điện Biên nắm bắt cơ hội giao thương, phát triển kinh tế và tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư.

Công trình đi vào khai thác, sử dụng có nghĩa hết sức quan trọng, mở ra những cơ hội mới trong thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh. Đây cũng là tiền đề thuận lợi để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực tỉnh có tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch.

Trong 6 tỉnh biên giới phía bắc, Điện Biên là địa phương duy nhất có cảng hàng không và được đưa vào khai thác thương mại. Do vậy, việc hoàn thành mở rộng và khai thác trở lại Cảng hàng không Điện Biên sẽ góp phần tăng cường kết nối tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh Sơn La, Lai Châu nói chung với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bằng tàu bay A320, A321, tiếp bước tạo động lực, tạo đà để tỉnh Điện Biên bứt phá vươn lên.

Việc hoàn thành mở rộng và khai thác trở lại Cảng hàng không Điện Biên sẽ góp phần tăng cường kết nối tỉnh Điện Biên nói riêng và các tỉnh Sơn La, Lai Châu nói chung với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh bằng tàu bay A320, A321, tiếp bước tạo động lực, tạo đà để tỉnh Điện Biên bứt phá vươn lên.

Kỳ vọng đến năm 2025, Cảng hàng không Điện Biên sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ giúp Điện Biên nâng khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội thêm khoảng 15 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách địa phương tăng thêm ít nhất 170 tỷ đồng và góp phần tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 8.000 lao động.

Cùng với Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, dự án cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1) cũng đang được tỉnh Điện Biên khẩn trương xúc tiến và kỳ vọng sẽ triển khai xây dựng trong giai đoạn 2026-2030, góp phần tăng khả năng kết nối nội vùng, liên vùng, thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Kết nối giao thông,

tạo đà phát triển

Với phương châm “giao thông đi trước một bước”, ngay khi bắt tay thực hiện các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo xây dựng, ban hành các nghị quyết cụ thể hóa chương trình hành động, nhằm từng bước tháo gỡ “nút thắt” hạ tầng giao thông.

Ngày 29/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Trong đó, trọng tâm là đầu tư các công trình giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; dự án Đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12; thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án Cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1)...

Đây là cơ sở để mạng lưới giao thông vận tải được đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại, tạo liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh.

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết 16-NQ/TU, hạ tầng giao thông tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Nhiều tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp như: Quốc lộ 12 (đoạn Mường Lay-TP Điện Biên Phủ), Quốc lộ 279, Quốc lộ 4H (đoạn Km47-Km147), Quốc lộ 279B (đoạn Nà Tấu-Mường Phăng).

Các công trình đưa vào khai thác bảo đảm chất lượng theo yêu cầu thiết kế, an toàn công trình; đồng thời công tác quản lý, bảo trì ngày càng được chú trọng, tăng cường.

Hệ thống quốc lộ đã được gia cố lề lên 5,5m (2 làn xe), nhiều điểm đen, điểm mất an toàn giao thông đã được xử lý, qua đó góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Điện Biên có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khá đa dạng, bao gồm đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Tuy nhiên, phương thức khai thác chủ yếu vẫn là giao thông đường bộ và đường hàng không.

Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có 9.212km đường giao thông các loại, tăng 874,4km so với năm 2020, với 6 tuyến quốc lộ tổng chiều dài khoảng 750km. Trong khi đó, giao thông đường hàng không là Cảng hàng không Điện Biên đã được nâng cấp, mở rộng và khai thác trở lại vào cuối năm 2023, mang lại ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế Điện Biên nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.

Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có 9.212km đường giao thông các loại, tăng 874,4km so với năm 2020, với 6 tuyến quốc lộ tổng chiều dài khoảng 750km.

Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh hiện có 9.212km đường giao thông các loại, tăng 874,4km so với năm 2020, với 6 tuyến quốc lộ tổng chiều dài khoảng 750km.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được cải tạo, nâng cấp đã góp phần quan trọng “mở đường” đón các nhà đầu tư đến với Điện Biên. Nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào tỉnh tiếp tục gia tăng, tỷ trọng huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước tăng khá.

Theo Cục Thống kê tỉnh, năm 2023, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.330 tỷ đồng, tăng 14,36% so với năm 2022; trong đó, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước đạt hơn 9.800 tỷ đồng, chiếm 53,6%. Riêng quý I/2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt hơn 3.629 tỷ đồng (tăng 0,13% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt hơn 1.976 tỷ đồng, tăng 3,88%. Đồng thời, đã thu hút một số tập đoàn lớn như: Danko, CME, Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư AGroup đã đến tìm hiểu, khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh.

Gỡ “nút thắt” giao thông

giúp người dân thoát nghèo

Mặc dù được chú trọng đầu tư trong thời gian qua, song theo ông Phạm Trọng Tài, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ.

Hiện trạng tỷ lệ chiều dài các tuyến được đầu tư bảo đảm theo quy hoạch chỉ chiếm 32,5% với quy mô là đường cấp III, IV miền núi, còn lại phần lớn đang là quy mô đường cấp V, cấp VI và cấp VI miền núi châm chước, chiếm tỷ lệ 67,5%.

Hệ thống giao thông đường địa phương có tỷ lệ mặt đường chưa được kiên cố hóa lớn, lên đến 47,6%. Đặc biệt, chưa có hệ thống đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Đây là nút thắt lớn, cản trở khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Chia sẻ về “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông hiện nay, ông Phạm Trọng Tài nêu một thực tế, Điện Biên là tỉnh duy nhất trong 6 tỉnh biên giới phía bắc có cảng hàng không, nhưng đồng thời cũng lại là tỉnh duy nhất chưa có đường cao tốc kết nối với các địa phương khác.

Điện Biên là tỉnh duy nhất trong 6 tỉnh biên giới phía bắc có cảng hàng không, nhưng đồng thời cũng lại là tỉnh duy nhất chưa có đường cao tốc kết nối với các địa phương khác.
Ông Phạm Trọng Tài, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên

Dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan chuẩn bị các điêu kiện cần thiết để có thể triển khai ngay dự án (đưa vào quy hoạch Tỉnh, quy hoạch nguồn vật liệu san lấp, bãi thải, quy hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2023-2025).

Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn nhiều hạn chế, đồng thời Trung ương chưa có thông báo bố trí kế hoạch vốn cho dự án nên đến nay chưa phê duyệt chủ trương đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên ngày 9/4 tại thành phố Điện Biên Phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Điện Biên ngày 9/4 tại thành phố Điện Biên Phủ.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tiếp tục và khẩn trương triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh rà soát, đánh giá nhu cầu, khả năng cân đối nguồn lực để lựa chọn phương án đầu tư phù hợp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện chỉ đao của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 28/4/2023, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án trong Quý I năm 2024.

Ông Phạm Trọng Tài cho biết, đến nay, tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan hoàn thiện báo cáo, trong đó dự kiến đề xuất một số cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện Dự án để bảo đảm tính khả thi (như một số dự án được đầu tư theo Nghị quyết 106/2023/QH15 của Quốc hội: tăng tỷ lệ vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án, đáp ứng khoảng 70% tổng mức đầu tư. Tỉnh Điện Biên có trách nhiệm bố trí kinh phí khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).

Để hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện, phát triển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đường bộ giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh Sơn La, Lai Châu, các tỉnh bắc Lào và Vân Nam, Trung Quốc, trong đó có dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang.

Đối với dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện các thủ tuc đầu tự, làm cơ sở thi công trong năm 2025.

Với hệ thống quốc lộ, tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn kinh phí thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì, nâng cấp, cải tạo, xử lý điểm đen, xử lý điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông, nhằm nâng cao năng lực khai thác vận hành, duy trì tuổi thọ công trình và bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác sử dụng. Trong đó, đặc biệt lưu tâm các tuyến giao thông quốc lộ huyết mạch kết nối tỉnh Điện Biên với các tỉnh Sơn La, Lai Châu như tuyến quốc lộ 12, quốc lộ 279, quốc lộ 6.

Đối với phương thức vận tải đường hàng không, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã chủ động làm việc với các hãng hàng không và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến các hoạt động, sản phẩm du lịch để các hãng hàng không có cơ sở nghiên cứu, đưa vào khai thác các đường bay mới cũng như khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ tới các quốc gia trong khu vực.

Đồng thời, trong thời gian tới, đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh trong việc khai thác các đường bay mới và khai thác các chuyến bay quốc tế đến Cảng hàng không Điện Biên, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.

Tỉnh Điện Biên nằm ở cực tây của Tổ quốc, có địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh. Bên cạnh khó khăn về điều kiện tự nhiên, Điện Biên hiện còn khoảng 10% số hộ dân chưa được sử dụng điện. Tỷ lệ hộ nghèo khoảng 34%, trong khi bình quân cả nước chỉ là 2,25%.

Việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là điều kiện tiên quyết để thu hút các doanh nghiệp vào Điện Biên, từ đó, tạo thêm nhiều việc làm, giúp bà con có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Ngày xuất bản: 22/4/2024
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung: VĂN TOẢN
Trình bày: BẢO MINH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, BÁO NHÂN DÂN