Chuyện Ruốc hàu Bavabi

BÁU VẬT TỪ BIỂN KHƠI BÁI TỬ LONG

Tận dụng lợi thế tự nhiên với nguồn cung hàu dồi dào từ tự nhiên và các vựa nuôi khu vực Vân Đồn, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) đã đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại chế biến sâu để chắt lọc tinh hoa của biển Vân Đồn, nâng cao giá trị sản phẩm và hướng tới việc xuất khẩu toàn cầu.

Bỏ Nhà nước về mở công ty… chế biến ruốc

Những ngày đầu tháng 10, CEO Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) Phạm Thị Thu Hiền gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Chị liên tục phải di chuyển liên tục giữa Quảng Ninh và Hà Nội. Bởi vậy, cuộc gặp gỡ với chúng tôi cũng được chị thu xếp vội vàng trong một buổi chiều mưa khá muộn tại xưởng sản xuất ven biển Vân Đồn.

Mở đầu câu chuyện, chị Hiền cho biết, trước khi “bén duyên” với công ty, chị đã có 10 năm nghiên cứu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm cho cơ quan nhà nước. Cũng chính trong giai đoạn này, ý định lập doanh nghiệp đã nảy nở khi chị nhận ra nhiều đề tài nghiên cứu rất hữu ích nhưng chỉ được “nhét ngăn bàn”. Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Vân Đồn, chị luôn đau đáu giấc mơ nâng cao giá trị cho con hàu bản xứ. Làm thế nào để đưa thứ đặc sản này vào được siêu thị lớn và có “định vị” mang tầm quốc gia.

“Bà con ngư dân lâu nay chỉ bán hàu tươi sống mà chưa nghĩ tới việc chế biến sâu, trong khi, Vân Đồn lại sở hữu tiềm năng rất lớn. Những sản phẩm tươi khi đánh bắt lên mang đi tiêu thụ luôn, rất khó trong việc bảo quản và giữ độ tươi ngon”, chị Hiền chia sẻ.

Bà con ngư dân lâu nay chỉ bán hàu tươi sống mà chưa nghĩ tới việc chế biến sâu, trong khi, Vân Đồn lại sở hữu tiềm năng rất lớn. Những sản phẩm tươi khi đánh bắt lên mang đi tiêu thụ luôn, rất khó trong việc bảo quản và giữ độ tươi ngon.
CEO Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) Phạm Thị Thu Hiền

Tới cuối năm 2014, chị Hiền quyết định nghỉ việc và thành lập doanh nghiệp riêng để bắt tay vào dự án Nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến hàu Thái Bình Dương thành sản phẩm hàu sấy khô, hàu tẩm ướt gia vị tại Quảng Ninh. Vào thời điểm này, Bavabi cũng là doanh nghiệp đầu tiên làm các sản phẩm chế biến từ hàu.

Chỉ tay ra bãi đất cũ nằm ngay gần cổng vào nhà máy, chị kể: Ngày đầu “chập chững”, công ty của chị chỉ có một dãy nhà xưởng lợp tôn với khoảng một chục công nhân. Mang tiếng là Giám đốc, nhưng “bà chủ” cũng phải xắn tay làm cùng mọi người. Vốn là dân kỹ thuật, nên thời gian đầu khởi nghiệp kinh doanh, sờ vào đâu chị cũng thấy bỡ ngỡ, thiếu từ kỹ năng đến kinh nghiệm.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) ngày nay.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) ngày nay.

“Tôi phải học từ A - Z, với hàng chục khóa học khác nhau, như tham gia lớp CEO, học tài chính, quản trị nhân sự, học về tiền lương, quản lý đội bán hàng…. Học nhiều không phải để trực tiếp làm, mà để khi thuê nhân sự, mình có đủ kiến thức mà tương tác tốt với họ”, Hiền chia sẻ.

Cứ vừa làm, vừa thử nghiệm và “lần từng bước một”, cuối năm này, sản phẩm ruốc hàu đầu tiên được ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết của tất cả các thành viên. Thế nhưng, gần như ngay lập tức, “đứa con tinh thần” ấy vấp phải khó khăn.

“Bài toán lớn nhất bấy giờ đối với ruốc hàu là phải giải quyết được… mùi tanh”, CEO Bavabi vừa giới thiệu sản phẩm, vừa kể, “Hàu vốn có vị tanh đặc trưng, thịt mềm lại dễ nát. Vì vậy, khâu chế biến đặt yêu cầu rất cao để vừa có độ thơm ngon, vừa bảo đảm giá trị dinh dưỡng đầy đủ”, chị Hiền giải thích.

Bởi vậy, khi mang sản phẩm “thế hệ thứ nhất” đi giới thiệu tại các hội chợ xúc tiến thương mại, nhiều khách hàng đã chê vì không hợp… khẩu vị. Sau mỗi lần như thế, đội ngũ sản xuất lại bắt tay làm mới công thức từ đầu, điều chỉnh, gia giảm cho hợp lý hơn.

Bavabi, là cái tên do nữ doanh nhân gốc Vân Đồn tự nghĩ ra, với hàm ý, báu vật biển. Bavabi hướng tới việc lưu giữ, phát triển và nâng tầm các đặc sản của mảnh đất Vân Đồn trú phú.

Tới năm 2016, sau nhiều cải tiến, sản phẩm ruốc hàu Bavabi mới thực sự được hoàn thiện và đạt chứng nhận sản phẩm duy nhất được tỉnh Quảng Ninh xếp hạng OCOP 5 sao năm 2016. Cũng trong giai đoạn này, Bavabi trở thành đơn vị khởi nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh, được nhận bằng khen của tỉnh Quảng Ninh về việc đạt thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện đề án "Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm".

Ruốc hàu Bavabi được tỉnh Quảng Ninh xếp hạng OCOP 5 sao năm 2016

Ruốc hàu Bavabi được tỉnh Quảng Ninh xếp hạng OCOP 5 sao năm 2016

Nhớ lại giai đoạn đầu tiên đầy thách thức, chị Hiền cho hay: Điều may mắn lớn nhất của chị là luôn được tỉnh Quảng Ninh tạo điều kiện để tham gia rất nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, từ bắc vào nam, thậm chí ra cả nước ngoài. Mỗi chuyến đi lại thêm một bài học mới.

Thêm vào đó, riêng với ngành chế biến thủy hải sản, các doanh nghiệp phần lớn chỉ quan tâm đến chế biến và xuất khẩu các sản phẩm đông lạnh, chưa nhiều doanh nghiệp để ý chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm. “Bavabi sống khỏe được là vì thị trường chưa có đối thủ cạnh tranh”, chị hiểu rất rõ và trân trọng điều đó.

Giờ thì cái tên Bavabi đã rất nổi tiếng, không chỉ tại Quảng Ninh, mà còn trong ngành thực phẩm cả nước vì tiên phong trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm ăn liền cao cấp từ hải sản. Các sản phẩm ruốc hàu, ruốc cá, ruốc tép… mang thương hiệu Bavabi đã sớm chinh phục được người tiêu dùng trong nước.

Đầu tư công nghệ để đi đường dài

Trước khi vào xưởng chế biến, chúng tôi buộc phải sát trùng và thay thế đồ bảo hộ theo đúng tiêu chuẩn. Trong căn phòng “gần như vô trùng”, khoảng 20 công nhân nai nịt gọn gàng đang khẩn trương làm việc.

Giải thích cặn kẽ hơn về quy trình, chị Hiền cho hay, để bảo đảm nguồn cung hàu tươi đạt chất lượng, Bavabi đã tham gia vào mô hình chuỗi liên kết tại địa phương. Trong suốt quá trình nuôi trồng, chủ cơ sở phải cam kết thực hiện đúng quy trình. Mẫu nước và mẫu hàu được gửi 2 tháng/lần sang cơ quan chức năng kiểm định.

Để bảo đảm nguồn cung hàu tươi đạt chất lượng, Bavabi đã tham gia vào mô hình chuỗi liên kết tại địa phương. Trong suốt quá trình nuôi trồng, chủ cơ sở phải cam kết thực hiện đúng quy trình. Mẫu nước và mẫu hàu được gửi 2 tháng/lần sang cơ quan chức năng kiểm định.

“Sau 4-5 tháng, hàu mới được thu hoạch. Lúc này, sản phẩm sẽ được làm sạch rong rêu ký sinh và tách riêng phần thịt. Thịt hàu được sục rửa qua bể ozone rồi rửa nhiều lần với nước muỗi loãng để làm sạch nhớt trước khi đưa vào máy xào”, chủ cơ sở tiếp tục.

Hàu được xào khoảng 15 phút ở nhiệt độ 140-150 độ C, thịt hàu được, sấy khô, xé sợi và chuyển sang phối trộn, cân đo, đóng vào lọ và tiếp tục được khử trùng bằng áp suất nóng trong khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 121 độ C rồi đưa đi dán nhãn, chờ vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Công nhân Bavabi đưa ruốc hàu vào máy.

Công nhân Bavabi đưa ruốc hàu vào máy.

Gần như 100% các công đoạn đều được làm bằng máy, nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và không làm mất đi chất dinh dưỡng trong thịt hàu. Mặc dù không dùng chất bảo quản, nhưng sản phẩm có hạn sử dụng lên đến 12 tháng.

Bên cạnh đó, chị Hiền cho biết thêm, thời gian qua, công ty cũng đã đẩy mạnh công nghệ để có thể… đi đường dài. Cụ thể, Công ty đã chủ động đầu tư dây chuyền rửa, vệ sinh, đóng lọ tự động, khép kín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối, thay thế cho phương pháp thủ công trước đây nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Tách thịt hàu

Tách thịt hàu

Sao ruốc bằng máy công suất lớn, hiện đại

Sao ruốc bằng máy công suất lớn, hiện đại

Ruốc được đựng trong lọ thủy tinh bảo đảm an toàn vệ sinh.

Ruốc được đựng trong lọ thủy tinh bảo đảm an toàn vệ sinh.

Ruốc hàu sau khi đóng lọ tiếp tục được khử trùng bằng áp suất nóng trong khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 121 độ C để tiệt trùng, bảo đảm sản phẩm giữ được lâu.

Ruốc hàu sau khi đóng lọ tiếp tục được khử trùng bằng áp suất nóng trong khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 121 độ C để tiệt trùng, bảo đảm sản phẩm giữ được lâu.

Item 1 of 4

Tách thịt hàu

Tách thịt hàu

Sao ruốc bằng máy công suất lớn, hiện đại

Sao ruốc bằng máy công suất lớn, hiện đại

Ruốc được đựng trong lọ thủy tinh bảo đảm an toàn vệ sinh.

Ruốc được đựng trong lọ thủy tinh bảo đảm an toàn vệ sinh.

Ruốc hàu sau khi đóng lọ tiếp tục được khử trùng bằng áp suất nóng trong khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 121 độ C để tiệt trùng, bảo đảm sản phẩm giữ được lâu.

Ruốc hàu sau khi đóng lọ tiếp tục được khử trùng bằng áp suất nóng trong khoảng 3 tiếng ở nhiệt độ 121 độ C để tiệt trùng, bảo đảm sản phẩm giữ được lâu.

Công ty cũng thường xuyên thay đổi bao bì, đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa tiện ích cho người tiêu dùng. Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty đã được thị trường đón nhận và đánh giá cao. Nhiều sản phẩm đã phân phối vào hệ thống các siêu thị lớn trong nước. Một số sản phẩm cũng đang được ký hợp đồng với các đối tác cung cấp, tiêu thụ ra thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, thông qua các khóa đào tạo, hướng dẫn áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng do tỉnh tổ chức, Công ty đã thay đổi hệ thống cơ sở vật chất để đáp ứng tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP.

Với giá thu mua hàu từ 4.000-12.000đ/kg hàu các loại, sản phẩm ruốc hàu qua công nghệ chế biến sâu có giá bán lên đến 135.000đ/lọ (100g). Từ đó, nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Chị Hiền cho biết thêm, hiện mỗi ngày công ty có nhu cầu thu mua rất nhiều nguyên liệu tươi để chế biến. So với thị trường, chủ các cơ sở khi bán qua Bavabi được hưởng lợi khoảng 10% về giá. Hiện, sản phẩm ruốc hàu được phân phối chủ yếu qua kênh siêu thị và các cửa hàng thực phẩm trên cả nước. Ngoài ra, các sản phẩm của Bavabi cũng được phân phối qua các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.

Tạm “thở phào” với chặng đường đầu tiên, nhưng chị Hiền bảo, thách thức với Bavabi thật ra mới… bắt đầu. 9 năm đầu đời thật ra chỉ là giai đoạn Bavabi khẳng định mình trên “sân nhà”. Về dài lâu, chị muốn đưa sản phẩm về hàu nói riêng, hải sản Vân Đồn nói riêng hướng ra với thế giới.

Về dài lâu, tôi muốn đưa sản phẩm về hàu nói riêng, hải sản Vân Đồn nói riêng hướng ra với thế giới.
CEO Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) Phạm Thị Thu Hiền

Trước mắt, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm khác như ruốc cơ trai, hàu xào, hàu sốt, hàu ăn liền. Ngoài các sản phẩm trên, hiện Bavabi cũng đang quan tâm sản xuất sản phẩm giá trị kinh tế và yêu cầu công nghệ cao là tinh chất hàu làm nguyên liệu cho ngành dược liệu. Đây là sản phẩm có giá trị kinh tế lớn, đòi hỏi có sự đầu tư lớn về dây chuyền công nghệ.

Xa xôi hơn, nữ CEO xứ Vân Đồn muốn xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định để có thể đề phòng được rủi ro từ thiên nhiên; đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào của sản phẩm.

“Tôi nghĩ, để có thể ‘đi đường dài’, chúng ta cần nâng cao tiêu chuẩn, trước hết bắt đầu bằng việc chuẩn hóa hành lang pháp lý, quy hoạch lại vùng nuôi từ chính quyền. Phải làm sao để chúng ta có thể đứng vững trên sân nhà của chính mình, trước khi bắt đầu… bơi ra biển lớn”, chị Hiền đau đáu.

Tôi nghĩ, để có thể ‘đi đường dài’, chúng ta cần nâng cao tiêu chuẩn, trước hết bắt đầu bằng việc chuẩn hóa hành lang pháp lý, quy hoạch lại vùng nuôi từ chính quyền. Phải làm sao để chúng ta có thể đứng vững trên sân nhà của chính mình, trước khi bắt đầu… bơi ra biển lớn.
CEO Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (Bavabi) Phạm Thị Thu Hiền

Chia sẻ thêm về dự định thời gian tới, chị cho biết, doanh nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu cập nhật dây chuyền máy móc, công nghệ để từng bước hiện đại hóa chế biến hàu và các sản phẩm từ hải sản, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tiệm cận với tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

Đánh giá thêm về ý nghĩa của chương trình OCOP, nữ doanh nhân nhận định: “Đây là một chương trình mục tiêu rất nhân văn, khi góp phần thay đổi các sản phẩm từ buôn thúng, bán mẹt, không nhãn mác tiêu chuẩn trở thành sản phẩm mang thương hiệu của vùng đất, thậm chí quốc gia”.

Ngày xuất bản: 01/11/2023
Tổ chức: XUÂN BÁCH
Nội dung: SƠN BÁCH
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: SONG THU-NGỌC BÍCH