Thông điệp đoàn kết và hợp tác, cùng vượt qua thách thức

Hành động vượt qua ngoài tiền lệ

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, với các cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ, diễn ra ngày càng thường xuyên, đan xen, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh và phát triển toàn cầu. Nguy cơ nợ tăng cao ở nhiều nước nghèo và đang phát triển, khoảng cách phát triển và bất bình đẳng tiếp tục gia tăng, nhất là khi các nước lớn tăng cường cạnh tranh chiến lược, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại và đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, như nguy cơ lạm phát, bất ổn về hệ thống tài chính, cùng với các thách thức an ninh phi truyền thống, như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khi hậu…

Dưới sự chủ trì của Nhật Bản, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, có sự tham dự của các nước thành viên cùng tám quốc gia khách mời và lãnh đạo các tổ chức đa phương lớn, gồm Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay tập trung thảo luận ba chủ đề: Hợp tác xử lý đa khủng hoảng, Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vữngHướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Các nhà lãnh đạo thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, thể hiện ủng hộ một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân. (Ảnh: g7hiroshima)

Các nhà lãnh đạo thăm Công viên Tưởng niệm Hòa bình tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, thể hiện ủng hộ một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân. (Ảnh: g7hiroshima)

Hòa bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.

- Thủ tướng Phạm Minh Chính

Hội nghị tại Hiroshima là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới trao đổi, đánh giá và đưa ra những giải pháp ứng phó các thách thức toàn cầu, nhất là trong tiến trình phục hồi kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh y tế, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường… Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng là cầu nối tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước Nam Bán cầu (thuật ngữ chỉ các nước đang phát triển và mới nổi ở các khu vực như châu Á và châu Phi), để các nước phát triển thảo luận với đại diện của các quốc gia đang phát triển và mới nổi về các vấn đề cùng quan tâm.

Thông qua Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đề ra các nhóm giải pháp ứng phó cuộc khủng hoảng lương thực trước mắt, nâng cao tính tự cường nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai và bảo đảm dinh dưỡng cho mọi người dân. Lần đầu tiên Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung, cho thấy nỗ lực dẫn dắt của nước chủ nhà, cũng như quyết tâm mạnh mẽ của các thành viên G7 và quốc gia khách mời trong giải quyết thách thức lương thực cấp bách, vấn đề cơ bản tác động đến nhiều mặt cuộc sống của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận “Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận “Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”. (Ảnh: TTXVN)

Các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng nhất trí, cần tạo các động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc. Hội nghị hoan nghênh Sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII) của G7 và Sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) của nước chủ nhà Nhật Bản; đồng thời nhất trí đẩy mạnh các sáng kiến huy động nguồn tài chính cho phát triển, thúc đẩy hợp tác công-tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới nhiều biến động, các nhà lãnh đạo nhất trí, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ an ninh, an toàn của người dân, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới. Các quốc gia nhấn mạnh bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, như việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Kishida Fumio. (Ảnh: g7hiroshima)

Đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Kishida Fumio. (Ảnh: g7hiroshima)

Đại diện nước chủ nhà, Thủ tướng Kishida Fumio đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố một trật tự quốc tế dựa trên quy định, luật pháp và mong muốn thúc đẩy hợp tác giữa G7 với các nước Nam bán cầu, để cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh G7 là điểm khởi đầu cho các nỗ lực hướng tới xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân trong tương lai.

- Chủ tịch G7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

Đẩy mạnh hợp tác, phát huy nội lực

Đại diện Chính phủ Việt Nam tham dự các phiên họp tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp của Việt Nam, đề cao chủ nghĩa đa phương với cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới để phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế thế giới theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quyết tâm và hành động trên quy mô toàn cầu nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề xuất nâng cao hiệu quả quản trị kinh tế toàn cầu, tăng cường phối hợp chính sách, nhất là về lãi suất, tài chính tiền tệ, thương mại và đầu tư, qua đó, cải cách hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đồng thời, Thủ tướng đề nghị G7 tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua cung cấp tài chính xanh, hợp tác phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, nhất là về giao thông.

Trên tinh thần không để ai, không để quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước G7 và các đối tác phát triển có chương trình hành động cụ thể, tăng cường hỗ trợ nguồn lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững, thu hẹp khoảng cách số, làm chủ công nghệ tiên phong, bảo đảm an ninh nguồn nước xuyên biên giới, thực thi bình đẳng giới và xây dựng các cơ chế hiệu quả để ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phu nhân Kishida Yuko đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Phu nhân Kishida Yuko đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức phức tạp hiện nay, đồng thời cần bảo đảm lấy người dân là trung tâm, động lực, chủ thể, nguồn lực và mục tiêu của phát triển.

- Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nhấn mạnh nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực trọng tâm cho phát triển bền vững của mọi quốc gia và là lời giải cho bài toán vừa tăng trưởng nhanh, vừa bền vững, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các nước G7 và các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, phương pháp quản trị, xây dựng hệ sinh thái phát triển năng lượng sạch. Qua đó, bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu; xây dựng các lộ trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đa dạng, có tính thực tiễn cao và phù hợp với quy luật thị trường.

Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 dù vẫn là nước đang phát triển, đang chuyển đổi, đối mặt nhiều thách thức rất lớn. Nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ Sáng kiến Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) của Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ đề xuất các nước G7 và đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai Thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) một cách thực chất, hiệu quả; góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ về năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn.

Nhận định gió và mặt trời là các nguồn năng lượng không thể bị lấy đi, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ việc Việt Nam vừa công bố Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển bền vững. Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác hiệu quả trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, cũng như ủng hộ Tiểu vùng Mê Công phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận “Cùng hợp tác giải quyết đa khủng hoảng”. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên thảo luận “Cùng hợp tác giải quyết đa khủng hoảng”. (Ảnh: TTXVN)

Hòa bình là mục tiêu tối thượng của hợp tác quốc tế, là giá trị chung của nhân loại; hòa bình bền vững, thượng tôn pháp luật và phát triển bền vững có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ.

 – Thủ tướng Phạm Minh Chính

Khẳng định Việt Nam luôn là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và tích cực đóng góp vào các nỗ lực giải quyết các thách thức chung trên toàn cầu, vì mục tiêu phát triển bền vững, phồn vinh của nhân loại, vì hạnh phúc của người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu; đề nghị G7 và các đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường tham gia và hỗ trợ triển khai các cơ chế hợp tác Nam-Nam và 3 bên về bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam, đề cao cách tiếp cận tổng thể về các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, mong muốn là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Bên lề Hội nghị thượng định G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có các hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các quốc gia khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm. Trong các cuộc thảo luận, các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế-thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo…

Phát triển bền vững quan hệ Việt Nam-Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, ngày 21/5/2023. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, ngày 21/5/2023. (Ảnh: TTXVN)

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng cũng là dịp để Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, nguyên thủ các nước để tăng cường, làm sâu sắc hơn hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Đây cũng là lần thứ 2 Nhật Bản trên cương vị chủ nhà của G7 mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, là minh chứng cho sự tin cậy chính trị cao giữa hai nước.

Thủ tướng đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima, các Hội Hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản, đồng thời, dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt-Nhật; gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Hai nước có nhân duyên với nhau và trong khu vực châu Á, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác, gắn bó chặt chẽ, mật thiết.

- Lãnh đạo Hội Hòa bình và Hữu nghị Hiroshima-Việt Nam Akagi Tatsuo

Nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, sáng 21/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Yuzaki Hidehiko, Thống đốc tỉnh Hiroshima. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, sáng 21/5/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Yuzaki Hidehiko, Thống đốc tỉnh Hiroshima. (Ảnh: TTXVN)

Trong không khí trao đổi chân thành, thân tình và tin cậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã nhất trí cùng nỗ lực đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo đã đạt nhận thức chung về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng,…

Đồng thời, nhất trí tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn giao lưu nhân dân, hợp tác địa phương, giáo dục-đào tạo, du lịch với hình thức phong phú, chất lượng, hiệu quả cao. Đặc biệt, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc thuận lợi tại Nhật Bản, tiếp tục là cầu nối thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới. 

Tại Hiroshima, hai bên đã ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ yen (khoảng 500 triệu USD) cho các dự án Chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh-xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến trao đổi văn kiện ký kết các văn bản hợp tác ODA thế hệ mới giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chứng kiến trao đổi văn kiện ký kết các văn bản hợp tác ODA thế hệ mới giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)

Hợp tác ODA thế hệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại được xem là những định hướng trọng tâm của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản trong giai đoạn mới. Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện mong muốn tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, xử lý nước thải…

Cùng với sự sự tin cậy chính trị cao, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như tại các diễn đàn như Liên hợp quốc, ASEAN, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM), Mê Công… và trong vấn đề Biển Đông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tối 19/5, tại thành phố Hiroshima. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tối 19/5, tại thành phố Hiroshima. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 20/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 20/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: TTXVN)

Item 1 of 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tối 19/5, tại thành phố Hiroshima. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhân dịp dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, tối 19/5, tại thành phố Hiroshima. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 20/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 20/5, tại Hiroshima, Nhật Bản. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: TTXVN)

Là một biểu tượng của tinh thần chống chiến tranh, yêu chuộng hòa bình, thành phố Hiroshima đăng cai sự kiện quan trọng nhất trong năm của G7 bằng sự đón tiếp chu đáo, mến khách và truyền đi thông điệp mạnh mẽ về khát vọng về một thế giới hòa bình.

Sau ba lần được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn, khẳng định vị thế, vai trò và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới, trong thúc đẩy hợp tác quốc tế và kiến tạo môi trường hòa bình, tương xứng sự coi trọng của Nhật Bản nói riêng và G7 nói chung.

>>> ĐỌC THÊM:

TÂM ĐIỂM: THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH DỰ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7 MỞ RỘNG

Ngày xuất bản: 22/5/2023
Chỉ đạo thực hiện: CHU HỒNG THẮNG - PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN - HỒNG DUY
Trình bày: HOÀNG HÀ