XÃ HỘI HÓA HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT:
Thay đổi tư duy, tạo đà phát triển


Xã hội hóa văn học, nghệ thuật là quá trình huy động nguồn lực từ cộng đồng để sáng tạo, phổ biến và thưởng thức nghệ thuật. Xã hội hóa không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là sự chuyển đổi về tư duy quản lý văn hóa để tạo sự phát triển bứt phá.
Tạo luồng gió mới


Từ sau ngày đất nước thống nhất, các hoạt động văn học, nghệ thuật nằm dưới sự quản lý tập trung của Nhà nước và sử dụng ngân sách. Trong bối cảnh này, khái niệm “xã hội hóa” hầu như chưa xuất hiện. Sau một thời gian phát huy hiệu quả trong sự hình thành và phát triển hệ thống các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cùng các thiết chế văn hóa ở cơ sở, cùng với sự thay đổi của đời sống xã hội, cơ chế này dần bộc lộ một số hạn chế: sáng tác thiếu đa dạng, việc phổ biến tác phẩm khó khăn do nguồn lực có hạn, văn học, nghệ thuật phát triển kém linh hoạt, không có động lực cạnh tranh.
Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) với tinh thần “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật” đã tạo ra một luồng gió mới đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn học, nghệ thuật. Sau Đại hội, chính sách “cởi trói” được thể hiện rất rõ qua Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị trong việc khuyến khích sự tự do sáng tạo của các văn nghệ sĩ, phá bỏ những rào cản cũ và mở cửa cho sự tham gia của các lực lượng xã hội. Năm 2008, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” trong đó nhấn mạnh việc khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia, cũng như tạo điều kiện cho sự sáng tạo và hội nhập. Gần đây, Kết luận 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW một lần nữa khẳng định vai trò của xã hội hóa. Song song đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để hiện thực hóa chủ trương này, tiêu biểu như Nghị quyết số 90-CP Về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa (đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 1997) ban hành ngày 21/8/1997; Luật Điện ảnh (sửa đổi) 2022… tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước, hoạt động xã hội hóa văn học, nghệ thuật đã phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Trong lĩnh vực xuất bản, sự ra đời của các công ty tư nhân và mô hình xuất bản với sự hợp tác giữa đơn vị Nhà nước và đơn vị tư nhân đã góp phần đa dạng hóa thị trường sách, kích thích sự sáng tạo của các văn nghệ sĩ. Các cuộc thi sáng tác văn học do các đơn vị ngoài nhà nước tổ chức ngày càng tạo được ảnh hưởng trong đời sống. Trong lĩnh vực nghệ thuật, sự tham gia của khu vực tư nhân vào sản xuất phim, tổ chức triển lãm, biểu diễn sân khấu và âm nhạc đã tạo nên một bức tranh sống động, thay đổi mô hình hoạt động chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Một thí dụ điển hình là sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc với sự tham gia sôi nổi của các nhà sản xuất tư nhân trong việc ghi âm, phát hành băng đĩa, tổ chức các chương trình biểu diễn âm nhạc quy mô lớn. Gần đây có thể kể đến các concert Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi góp phần đưa âm nhạc Việt Nam tiếp cận gần hơn với công chúng. Trong hoạt động điện ảnh, sự tham gia của các đơn vị tư nhân vào sản xuất phim không chỉ đạt giá trị nghệ thuật mà còn thành công về mặt thương mại. Đồng thời, sự hợp tác liên doanh với các đối tác nước ngoài ngày càng được mở rộng dưới nhiều hình thức đa dạng như các festival nghệ thuật quốc tế, Liên hoan phim quốc tế, Lễ hội âm nhạc quốc tế…
Từ bức tranh sôi động trên đây cho thấy hiệu quả rõ ràng của hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Về mặt kinh tế, các ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ, đóng góp đáng kể vào GDP. Năm 2024, ngành công nghiệp văn hóa ghi nhận đóng góp hơn 4% GDP, trong đó điện ảnh và âm nhạc là những lĩnh vực có đóng góp nổi bật chính nhờ sự tham gia mạnh mẽ của khối tư nhân. Đồng thời xã hội hóa đã thúc đẩy sự phát triển phong phú, đa dạng và sáng tạo, từ thể loại, nội dung đến hình thức thể hiện, trong mọi lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Xã hội hóa giúp nâng cao khả năng hội nhập quốc tế trong hoạt động văn học, nghệ thuật. Ngày càng có nhiều đầu sách, bộ phim Việt Nam được phát hành ở các quốc gia trên thế giới, hoặc triển lãm mỹ thuật được tổ chức ở nước ngoài nhờ sự tài trợ của tư nhân đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) với tinh thần “đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật” đã tạo ra một luồng gió mới đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn học, nghệ thuật.
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa 2023
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Gió Mùa 2023
Xã hội hóa đã thúc đẩy sự phát triển phong phú, đa dạng và sáng tạo, từ thể loại, nội dung đến hình thức thể hiện, trong mọi lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Tiếp tục đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam vươn xa


Bên cạnh những thành tựu nổi bật, quá trình xã hội hóa văn học, nghệ thuật ở Việt Nam cũng bộc lộ không ít hạn chế và thách thức, đòi hỏi cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Thứ nhất là tình trạng thương mại hóa quá mức dẫn đến suy giảm chất lượng nghệ thuật. Thứ hai, sự chênh lệch về đầu tư giữa các lĩnh vực văn học, nghệ thuật gây ra mất cân đối trong phát triển văn hóa. Trong khi điện ảnh và âm nhạc đại chúng thu hút hàng nghìn tỷ đồng từ các nhà đầu tư tư nhân, thì các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương lại rơi vào cảnh thiếu kinh phí trầm trọng. Thứ ba, khoảng cách vùng miền trong tiếp cận văn hóa ngày càng gia tăng bởi quá trình xã hội hóa hiện nay chủ yếu tập trung tại các đô thị lớn. Thứ tư, sự quản lý có lúc, có nơi còn lỏng lẻo tạo kẽ hở cho các sản phẩm phản văn hóa xuất hiện. Việc giảm bớt cơ chế “tiền kiểm” tuy khuyến khích tự do sáng tạo, nhưng cũng dẫn đến tình trạng thiếu kiểm soát chất lượng nội dung. Thứ năm, thiếu chiến lược dài hạn và sự phối hợp đồng bộ giữa các thành phần tham gia dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, làm giảm hiệu quả tổng thể của quá trình xã hội hóa.
Những hạn chế trên cho thấy, xã hội hóa văn học, nghệ thuật là bài toán đòi hỏi sự cân bằng giữa tự do sáng tạo, lợi ích kinh tế và trách nhiệm bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc. Trong giai đoạn tới, để xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật phát huy hiệu quả, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, trong đó, khuyến khích sáng tạo có chiều sâu như tạo các quỹ hỗ trợ tài chính cho các dự án văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng cao; tổ chức các giải thưởng uy tín để tôn vinh những tác phẩm xuất sắc, giảm bớt xu hướng chạy theo lợi nhuận ngắn hạn. Đồng thời, cần quy định rõ tiêu chí đánh giá chất lượng nội dung trước khi phát hành hoặc áp dụng cơ chế hậu kiểm hiệu quả hơn để thẩm định, xử phạt nghiêm các sản phẩm phản văn hóa.
Các hội chợ sách thu hút nhiều đơn vị tư nhân tham gia, giúp độc giả có thể lựa chọn những tác phẩm hay.
Các hội chợ sách thu hút nhiều đơn vị tư nhân tham gia, giúp độc giả có thể lựa chọn những tác phẩm hay.
Song song đó, cần chú trọng giáo dục thẩm mỹ công chúng, đẩy mạnh các chương trình giáo dục thẩm mỹ trong trường học và trên truyền thông đại chúng. Xây dựng mô hình hợp tác công-tư (PPP) nhằm phát huy hiệu quả sự đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội trong phát triển văn hóa. Cần lập kế hoạch tổng thể, trong đó xác định rõ vai trò của xã hội hóa, phân bổ nguồn lực cụ thể cho từng lĩnh vực và khu vực, tránh tình trạng thiếu đồng bộ hoặc chênh lệch đầu tư giữa các lĩnh vực. Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghệ thuật truyền thống, đồng thời khuyến khích các dự án xã hội hóa lớn dành một tỷ lệ kinh phí nhất định để bảo tồn di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động quảng bá nghệ thuật truyền thống; tận dụng công nghệ số để đưa các loại hình này đến gần hơn với công chúng trẻ. Thu hẹp khoảng cách vùng miền trong tiếp cận văn hóa thông qua việc xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư vào các vùng nông thôn, miền núi. Tăng cường học hỏi quốc tế, có thể tham khảo kinh nghiệm từ Hàn Quốc (hỗ trợ nghệ thuật truyền thống bằng quỹ đầu tư công-tư) hoặc Nhật Bản (phát triển văn hóa địa phương qua mô hình “One Village, One Product” - Mỗi làng một sản phẩm) để áp dụng linh hoạt vào Việt Nam, vừa bảo tồn bản sắc vừa thúc đẩy kinh tế văn hóa.
Xã hội hóa là phương thức hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển của đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong thời đại toàn cầu hóa. Bởi vậy trong giai đoạn tới, hoạt động này cần được đẩy mạnh hơn nữa, trên nguyên tắc cân bằng giữa lợi ích kinh tế và giá trị văn hóa, góp phần đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam vươn xa.
Nội dung: Phong Điệp
Trình bày: Thùy Lâm