Không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi đồng chí Nguyễn Văn Linh được gắn liền với hai chữ Đổi mới. Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội lần thứ VI, mà Đại hội lần thứ VI là Đại hội đề ra đường lối đổi mới và mở đầu cho thời kỳ đổi mới. Đó là một cái lý. Song cái lý lại được chứng minh sâu sắc hơn nhiều, có tính thuyết phục hơn nhiều bởi hoạt động thực tiễn của đồng chí.

Sẽ là không khách quan nếu nói Đổi mới là công trình của một cá nhân nào đó. Không. Đó là công trình của toàn Đảng ta, của Đại hội Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương và của toàn thể nhân dân ta. Những nhân tố đầu tiên của đổi mới xuất hiện sớm hơn nhiều so với Đại hội lần thứ VI và người sáng tạo ra những việc làm đổi mới không phải ai khác mà chính là nhân dân, qua thực tiễn của mình. Đảng là người phát hiện, tổng kết lại thực tiễn ấy, đúc kết kinh nghiệm và đề ra đường lối.

Song cũng sẽ là không khách quan nếu không thấy được vai trò cá nhân của các nhà lãnh đạo trong tiến trình xây dựng đường lối. Xét về mặt này, đồng chí Nguyễn Văn Linh thật sự là một trong những nhà lãnh đạo có công cùng Bộ Chính trị và Trung ương Đảng ta hồi ấy thiết kế nên đường lối đổi mới, và sau đó trong cương vị Tổng Bí thư, đã chỉ đạo và điều hành một cách có hiệu quả các hoạt động của Đảng để đưa đường lối đổi mới vào cuộc sống.

"Nguyễn Văn Linh là người lãnh đạo tiêu biểu cho phong cách "nói thẳng, nói thật"".

Được tham gia Ban Chấp hành Trung ương từ Đại hội lần thứ VI, tôi có ấn tượng sâu sắc về đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ngay từ những ngày đầu đổi mới.

Phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ VI (tháng 12/1986), đồng chí nêu rõ: "Đại hội lần thứ VI này phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước".

Bế mạc Đại hội, đồng chí lại khẳng định: "Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình kế thừa và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức", và nói: "Không một trở lực nào có thể ngăn cản bước tiến của chúng ta về phía trước".

"Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật" là yêu cầu của Đại hội lần thứ VI đối với toàn Đảng, với tất cả cán bộ, đảng viên trong việc xem xét và đánh giá tình hình, xử lý công việc. Đó là một khẩu hiệu hành động cũng là một thái độ chính trị, một tác phong công tác. Nguyễn Văn Linh là người lãnh đạo tiêu biểu cho phong cách "nói thẳng, nói thật".

Ở các hội nghị Trung ương, các buổi làm việc với các cấp ủy Đảng, với lãnh đạo các ngành và đoàn thể, các cuộc tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và quần chúng, cả trong các cuộc đối thoại với phóng viên báo chí nước ngoài, trong khi khẳng định những thành tựu của cách mạng, đồng chí không hề che giấu khuyết điểm, thậm chí những khuyết điểm nghiêm trọng, từ đó đề ra yêu cầu bức bách phải đổi mới. Cách nói của đồng chí chân tình, mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, không rào đón gì.

Đại hội lần thứ VI của Đảng đánh dấu bước chuyển quan trọng trong quá trình kế thừa và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Chỉ ba tháng sau Đại hội lần thứ VI, đầu tháng 4/1987, tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai bàn và giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối, lưu thông, khi phân tích về tình hình lạm phát phi mã đang diễn ra, đồng chí nói: "Không cần phải suy nghĩ nhiều, mỗi chúng ta đều thấy rõ, hiện nay lạm phát đang là vấn đề nghiêm trọng nổi lên trong nền kinh tế nước ta. Nó được biểu hiện trên bề mặt xã hội đến mức mà mỗi bà nội trợ, mỗi người dân đều cảm nhận được hằng ngày. Chỉ trong vòng hơn một năm, khối lượng tiền tệ ném vào lưu thông đã tăng lên gấp nhiều lần...".

Đồng chí còn nói: "Yêu cầu đặt ra cho bước này là thực hiện bốn giảm: giảm tốc độ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm tốc độ lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân lao động".

Và đồng chí chỉ rõ: "Những sai lầm trên lĩnh vực phân phối, lưu thông trong những năm qua bắt nguồn từ những sai lầm trong bố trí cơ cấu kinh tế, trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, từ sự duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp trong quản lý kinh tế".

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội Đảng VI.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Đại hội Đảng VI.

Đến Hội nghị Trung ương lần thứ tư bàn về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ba năm 1988-1990 và năm 1988, ngày 8/12/1987, đồng chí nói thẳng: "Nền kinh tế nước ta hiện nay đang ở trong tình trạng sản xuất không đủ tiêu dùng, thu không đủ chi, xuất khẩu không đủ nhập khẩu, chưa có tích lũy từ nội bộ nền kinh tế quốc dân", và: "Thời gian còn quá ngắn chưa đủ để biến những nghị quyết mà chúng ta mới thông qua được mấy tháng thành hiện thực, chưa đủ để khắc phục mọi khó khăn, vấp váp tích lũy từ nhiều năm nay, chưa xoay chuyển được tình hình".

Nếu tôi không nhớ nhầm thì chính tại diễn đàn Hội nghị này, trong khi đọc bài phát biểu chính thức bế mạc hội nghị, đồng chí đã ngắt lại và nói thêm với Trung ương rằng, tuy không nói công khai, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Cho đến lúc này, khái niệm "khủng hoảng" chỉ được gắn liền với kinh tế tư bản chủ nghĩa mà không được thừa nhận trong kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người đầu tiên nói ra sự thật ấy.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII.

Nói là không nói công khai, thật ra, đến ngày 29/12/1987, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa VIII, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nêu lên hai chữ khủng hoảng ấy.

Đồng chí nói: "Nếu ta không có nỗ lực lớn, không có biện pháp mới quyết liệt mà cứ tiếp tục làm theo đường mòn thì từ tình hình đang xuống dốc hiện nay, chúng ta sẽ lăn xuống đáy dốc. Như vậy thì tình hình nước nhà sẽ khó khăn lắm. Chủ nghĩa tư bản gọi đó là "phá sản", còn chủ nghĩa xã hội thì không được quyền nói như thế. Nhưng chúng ta coi chừng đó, xuống đáy dốc rồi thì leo lên khó lắm".

Bây giờ cái túi của ta rỗng và thủng, ta phải thấy tình hình này, nhưng không bi quan, phải tìm con đường giải quyết.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng chí còn nhấn mạnh: "Những sai lầm do duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp làm cho nhà nước ta làm ăn thua lỗ, chẳng những ăn hết vốn tự có mà còn ăn cả vào vốn các nước bạn bè cho vay và giúp đỡ, ăn cả vào vốn đi vay bằng đô-la của một số nước. Nói nôm na như là nấu nồi cơm, ăn hết cơm nồi, vét cháy ăn, rồi ăn luôn cả nồi. Bây giờ cái túi của ta rỗng và thủng, ta phải thấy tình hình này, nhưng không bị quan, phải tìm con đường giải quyết".

Đấy. Nguyễn Văn Linh là như vậy. Cái gì cũng nói thằng, nói thật, nói tận gốc rễ vấn đề.
Nhà báo lão thành Hà Đăng

Đấy. Nguyễn Văn Linh là như vậy. Cái gì cũng nói thằng, nói thật, nói tận gốc rễ vấn đề. Có thể thấy rõ thêm điều đó qua những câu trả lời phỏng vấn của đồng chí tại Hội nghị bàn tròn các nhà báo châu Á-Thái Bình Dương họp tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 1/1988.

Trả lời câu hỏi của nhà báo Nhật Bản về đánh giá tình hình sau một năm đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu lên những việc đã làm được và cả những khó khăn, rồi nói: "Tôi thường ví xã hội chúng tôi như một người bị ốm nặng, không thể có một vị thuốc thần nào lập tức có thể đứng dậy đi ngay và chạy ngay được".

Trả lời một nhà báo Malaysia hỏi có sự chống đối nào trong Đảng đối với công cuộc đổi mới không, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói: “Tôi thấy bao giờ cũng vậy, trong lịch sử của nhiều nước và cả thế giới, bao giờ có sự đổi mới thì thế nào cùng có những lực lượng tán thành, cũng có những lực lượng lừng chừng và một số ít lực lượng vì chưa tán thành đổi mới cho nên cũng tìm những cách để cản trở. Gọi là phản đối thì trong Đảng chúng tôi chưa có sự phản đối, ai cũng nói đổi mới cả, bất cứ người nào cũng nói đổi mới, từ "đổi mới" đã thành mốt rồi. Cũng có những người tích cực đổi mới, nhưng ngay những người này cũng đang lần mò xem cách đổi mới nên như thế nào cho tốt, chứ không thể nào có những công thức sẵn sàng rút trong túi áo ra là nên đổi mới thế này, thế này; chưa có đâu, cần phải lần mò".

Cũng có những người tích cực đổi mới, nhưng ngay những người này cũng đang lần mò xem cách đổi mới nên như thế nào cho tốt, chứ không thể nào có những công thức sẵn sàng rút trong túi áo ra là nên đổi mới thế này, thế này; chưa có đâu, cần phải lần mò.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Trả lời nhà báo Mỹ Clapton John (báo Người hướng dẫn khoa học đạo Cơ đốc) về câu hỏi dự kiến sự thay đổi cơ cấu Chính phủ sắp tới, đồng chí Nguyễn Văn Linh nói: "Sau Đại hội lần thứ VI, chúng tôi bắt đầu thay đổi một số cán bộ lãnh đạo, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp mà chúng tôi xét thấy có những quan điểm và việc làm không phù hợp với trào lưu đổi mới".

Khẳng định sự cần thiết phải giảm biên chế trong bộ máy nhà nước, giảm bớt các bộ, các cục, vụ, viện trong Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí nói: "Một bộ máy rất cồng kềnh, một bộ máy như vậy không có lợi mà có hại. Tôi tạm dùng một từ tiếng Pháp cho rõ, đó là budgétivore - người ngốn ngân sách. Nếu thay đổi cơ cấu theo kiểu đó thì chúng tôi nhất định sẽ phải thay đổi".

Có người nghĩ rằng đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo thực tiễn tài ba nhưng ít chú trọng lý luận. Hoàn toàn không phải thế. Chỉ hơn bốn tháng sau Đại hội lần thứ VI, ngày 6/5/1987, mặc dù bộn bề công việc, đồng chí vẫn đến dự lễ khai giảng lớp nâng cao trình độ khóa VIII của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc và có bài phát biểu quan trọng, trong đó có những ý chính như sau:

"Hơn bao giờ hết, thực tiễn nước ta đang đòi hỏi cấp bách phải đổi mới cách nghĩ và cách làm một cách sâu sắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực hoạt động...".

"Chính cách nghĩ, cách làm bảo thủ và quan liêu là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng trì trệ, rối ren trong sản xuất và phân phối lưu thông, làm tăng thêm khó khăn về đời sống, làm cho tiêu cực phát triển ngày càng nhiều...".

Có thật sự đổi mới tư duy và phong cách mới hiểu được thực chất của hiện trạng, phân biệt được rõ ràng đúng sai, phát huy được nhân tố tiến bộ, gạt bỏ được sai lầm.

Nói đổi mới tư duy, điều căn bản là phải đổi mới tư duy lý luận.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cắt nghĩa một cách mạch lạc đổi mới tư duy: "Nói đến tư duy là nói đến trình độ nắm bắt các quy luật khách quan, nói đến việc suy nghĩ theo đòi hỏi của các quy luật đó và vận dụng chúng phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước, nói đến quá trình sáng tạo đề ra các ý kiến mới, nói đến việc tìm tòi các biện pháp có hiệu quả cho hành động... Điều này đòi hỏi phải chống chủ nghĩa kinh nghiệm hời hợt trong nhận thức, trong cách suy nghĩ chủ quan, bảo thủ, giáo điều, chống việc tách rời giữa lý luận và thực tiễn".

Về công tác lý luận, đồng chí nói: "Để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào của đời sống xã hội, cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận. Sự khám phá về lý luận phải là tiền đề và điều kiện cơ bản làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn". Đồng chí còn nói: "Nói đổi mới tư duy, điều căn bản là phải đổi mới tư duy lý luận".

Đồng chí phê phán nghiêm khắc lối lý luận suông:

"Có thể nói hoạt động của không ít cơ quan lý luận của chúng ta thường chỉ dựa vào những nguyên lý phổ biến sẵn có trong sách vở, còn nghiên cứu và đề xuất vấn đề từ cuộc sống hiện thực thì quá ít. Nặng về nêu cao những ưu điểm, thành công, còn nhẹ về phân tích phê phán có sức thuyết phục các khuyết điểm, nhược điểm. Không ít trường hợp kêu gọi lòng tin, đạo đức trừu tượng mà không khêu gợi được lý trí".

"Người cán bộ lãnh đạo có trình độ lý luận cao không nhất thiết phải là người thuộc nhiều câu trích dẫn kinh điển và nghị quyết, mặc dù việc đọc rộng, đọc kỹ các tác phẩm lý luận là không bao giờ đủ, mà điều quan trọng hơn là phải có bản lĩnh định hướng được suy nghĩ và hành động của mình trong những hoàn cảnh phức tạp, khó khăn, biết tìm ra "mắt xích quan trọng nhất" mà giải quyết để làm chủ được toàn bộ dây xích...".

Báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp. Báo chí chống tiêu cực không phải bôi đen chế độ, mà là đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn. Như người trồng lúa, phải nhổ cỏ, bắt sâu thì lúa mới lên xanh được
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người rất minh bạch trong khen chê, dám khẳng định thành tích và ưu điểm nhưng không quá lời, mạnh mẽ phê phán khuyết điểm, sai lầm nhưng không làm cho người bị phê phán nản chí.

Đồng chí khen Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc "đã tham gia nghiên cứu, tổng kết những vấn đề thực tiễn phức tạp, tích cực ủng hộ những cách nghĩ, cách làm đổi mới đúng đắn ngay từ lúc mới nảy sinh", nhưng lại nói: "Có lẽ hiện nay, chúng ta nên khen nhau ít thôi vì những điều chúng ta tự vừa lòng còn quá nhỏ mà những điều chưa tự vừa lòng thì quá lớn".

Giống như đối với những người làm công tác lý luận, đồng chí Nguyễn Văn Linh đặc biệt lưu tâm đến các nhà báo và văn nghệ sĩ, đến với họ như những người bạn, người anh, lắng nghe và đối thoại. Đồng chí nói về dân chủ xã hội chủ nghĩa, về tự do tư tưởng và sáng tạo.

Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Tại cuộc gặp thân mật với một số văn nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa ngày 6 và 7/10/1987, đề cập tới yêu cầu của văn nghệ sĩ được "cởi trói" để tự do sáng tạo, đồng chí bày tỏ sự thông cảm:

"Tôi nghe nhiều đồng chí nói văn nghệ sĩ còn bị cấm đoán, sát phạt... Và các đồng chí lo sợ nhất là cái thường lơ lửng đâu đó trong không trung. Các đồng chí sợ nó hơn sợ sự kiểm duyệt. Đó là nỗi sợ những thứ dư luận nào đó kết tội các đồng chí viết không đúng lập trường, chống lại đường lối, chủ trương của Đảng, v.v… Nghe các đồng chí nói lên điều lo ngại này, tôi rất thông cảm. Chính vì thông cảm mà sáng nay khi nghe các đồng chí phát biểu, tôi đã "ngứa miệng" kêu: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu". Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm".

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư từ trái sang) trò chuyện với các văn nghệ sĩ, ngày 7/10/1987.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh (thứ tư từ trái sang) trò chuyện với các văn nghệ sĩ, ngày 7/10/1987.

Đồng chí khuyên văn nghệ sĩ:

"Tôi nghĩ dù thế nào, các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình... Cần luôn luôn ghi nhớ câu của Bác Hồ: "Nay ở trong thơ nên có thép". Có thép, tôi hiểu là phải có tinh thần cách mạng".

"Bệnh quan liêu, ức hiếp quần chúng, thói ăn cắp của công, đầu cơ tích trữ, ăn bám, sống phè phỡn trên lưng những người lao động chân tay và trí óc, những hủ tục như mê tín dị đoan; sự suy đồi, thoái hóa về đạo đức, v.v… cần được ngòi bút của các đồng chí mô tả sắc sảo và lên án mạnh mẽ. Phải làm sao cho toàn xã hội căm ghét cái xấu. Bên cạnh công việc này, các đồng chí cũng cần chú ý xây dựng trong tác phẩm của mình những hình tượng chân thật, truyền cảm, có sức thuyết phục cao về những người lao động chân chính đang lao động quên mình, dũng cảm vượt qua mọi thiếu thốn, khó khăn, vượt qua sự cám dỗ ma quỷ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới mà Đảng ta đã đề ra".

Cần luôn luôn ghi nhớ câu của Bác Hồ: "Nay ở trong thơ nên có thép". Có thép, tôi hiểu là phải có tinh thần cách mạng.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Đồng chí còn nói: “Tả chân xã hội chủ nghĩa nếu không làm cho con người hướng tới tương lai tốt đẹp với một niềm tin lớn để vượt qua khó khăn trong hiện tại thì không đúng với lòng mong muốn của chúng ta. Công chúng khi thưởng thức tác phẩm của chúng ta không thể chỉ thấy tối sầm mà phải thấy được ánh sáng để nhảy qua bóng tối".

Cũng với chủ đề ấy, tại buổi làm việc của Ban Bí thư Trung ương Đảng với các nhà báo trong nước ngày 25/5/1988, đồng chí đã nói rõ quan điểm của mình về hai loại ý kiến "tô hồng" và "bôi đen":

"Báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp. Báo chí chống tiêu cực không phải bôi đen chế độ, mà là đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn. Như người trồng lúa, phải nhổ cỏ, bắt sâu thì lúa mới lên xanh được", và: "Trong sự nghiệp đổi mới, chống tiêu cực mới là một mặt của vấn đề. Một phương hướng khác không thể xem nhẹ là nghiên cứu và biểu dương, cổ vũ nhân tố tích cực, những điển hình tốt xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước ta. Những điển hình này là sự thể hiện sinh động đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong thực tiễn".

Đồng chí căn dặn các nhà báo: "Trong quá trình hoạt động cách mạng trước đây, tôi đã từng viết báo và làm công tác tuyên huấn. Lúc đó, tôi rất tâm đắc với câu tổng kết nôm na cho dễ nhớ về phương pháp công tác của lĩnh vực hoạt động này: "Điều, nghiên, phân, tổng, phổ, tuyên, văn, giáo, huấn, hành" (Điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng kết, phổ biến, tuyên truyền, văn hoá-văn nghệ, giáo dục, huấn luyện, hành động). Tôi cho rằng đó là mục đích và con đường để đạt tới mục đích của công tác tư tưởng nói chung, công tác báo chí nói riêng".

Đồng chí có lòng tin đặc biệt đối với báo chí, bởi đồng chí hiểu một cách sâu sắc rằng: "Báo chí không chỉ là công cụ chỉ đạo, là diễn đàn của quần chúng, mà còn là chức năng trường học, một loại trường học sinh động và đa dạng".

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân, ngày 11/3/1991.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Báo Nhân Dân, ngày 11/3/1991.

Với Báo Nhân Dân, như Bác Hồ và các đồng chí Tổng Bí thư trước đây đã làm, đồng chí Nguyễn Văn Linh có sự chăm lo đặc biệt cho tờ báo của Trung ương Đảng. Báo Nhân Dân đã cử một đồng chí Phó Tổng Biên tập làm đặc phái viên bên cạnh đồng chí để vừa giúp việc, vừa nắm bắt được những ý kiến và sự chỉ dẫn của đồng chí đối với tờ báo.

Bản thân đồng chí đã nhiều lần đến thăm Báo Nhân Dân, chính thức và không chính thức, khi có những chủ trương mới cần tuyên truyền hay có những vấn đề mới nảy sinh mà báo Đảng cần có thái độ. Đồng chí trực tiếp duyệt măng-sét sửa đổi của Báo Nhân Dân, đến dự và phát biểu ý kiến tại buổi lễ Kỷ niệm lần thứ 40 Báo Nhân Dân ra số đầu (ngày 11/3/1991).

Đồng chí "mong muốn đội ngũ những người làm Báo Nhân Dân kiên trì học tập tư tưởng và phong cách làm báo của Bác Hồ", "mong rằng Báo Nhân Dân cố gắng vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, vững vàng trong mọi tình thế, tiếp tục đổi mới, làm cho tờ báo của Trung ương Đảng tiếp tục xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và là người bạn gần gũi, đáng tin cậy của nhân dân".

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Báo Nhân Dân, ngày 24/3/1988.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm Báo Nhân Dân, ngày 24/3/1988.

Những người làm Báo Nhân Dân không bao giờ quên hình ảnh lão đồng chí Nguyễn Văn Linh, trong tư cách một cộng tác viên, đã đích thân mang bài báo đầu tiên dưới bút danh N.V.L đến tòa soạn, mở ra chuyên mục "Những việc cần làm ngay", nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội, từng gây chấn động trong dư luận thời kỳ đầu đổi mới.

Bài báo đầu tiên trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay".

Bài báo đầu tiên trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay".

Về sau, đồng chí nói lại với các nhà văn, nhà báo: "Tôi không phải là nhà văn nghệ, nhà báo nhưng "ngứa ngáy" quá vừa rồi mới viết "Những việc cần làm ngay". Nhiều người hoan nghênh, hưởng ứng nhưng không phải không có những người cho rằng "bôi đen chế độ"...

Bút tích thư tay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi Báo Nhân Dân.

Bút tích thư tay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi Báo Nhân Dân.

Trả lời một nhà báo nước ngoài hỏi tại sao có lúc N.V.L không thấy có bài trên báo, đồng chí nói: “Vì những bài báo của N.V.L chẳng qua cũng như mở máy và nhấn ga cho ô-tô chạy và cái ô-tô đó phải là các nhà báo, là quần chúng… Rồi ra lần lần cũng sẽ có một số bài khác của N.V.L, lần lần cũng phải nhấn ga để cho ô-tô chạy với tốc độ nhanh hơn".

N.V.L trả lời khiêm tốn. Thật ra, cái mà "Những việc cần làm ngay" đạt được đã vượt ra ngoài kích cỡ những bài báo, nó thực tế nêu lên một phong cách làm việc - phong cách nói đi đôi với làm, đã nói là làm. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi N.V.L là ông “Nói và Làm”.

Thật ra, cái mà "Những việc cần làm ngay" đạt được đã vượt ra ngoài kích cỡ những bài báo, nó thực tế nêu lên một phong cách làm việc - phong cách nói đi đôi với làm, đã nói là làm. Và không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi N.V.L là ông “Nói và Làm”.
Nhà báo lão thành Hà Đăng

Suốt cả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VI, trong cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh, bằng những hoạt động lãnh đạo và chỉ đạo phong phú của mình, đã tự khẳng định là một nhà lãnh đạo đổi mới kiên định.

Sau hơn bốn năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, công cuộc đổi mới đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng: Tình hình chính trị của đất nước ổn định; nền kinh tế có những chuyển biến tích cực; sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy; quốc phòng được giữ vững, an ninh quốc gia được bảo đảm. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI đề ra là đúng đắn, bước đi của công cuộc đổi mới về cơ bản là phù hợp.

Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (nội bộ), đồng chí Nguyễn Văn Linh đã "có mấy lời về cá nhân":

"Được Ban Chấp hành Trung ương khóa VI bầu lên, qua hơn bốn năm ở cương vị Tổng Bí thư của Đảng, tôi đã cùng với tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương làm hết sức mình để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI. Tôi còn nhớ trong phiên họp đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương khóa VI, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, tôi đã cảm ơn sự tín nhiệm cao quý của Ban Chấp hành Trung ương và nói rằng: "Trình độ của Tổng Bí thư so với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương không xa cách nhau bao nhiêu, ly lai như sợi tóc, điều cốt yếu là phát huy được trí tuệ của tập thể, bổ sung cho nhau mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Hơn bốn năm qua, tôi đã nhận được sự cộng tác, phối hợp, giúp đỡ chân tình của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, của các cấp ủy đảng, các tập thể và cá nhân đồng chí, đồng bào. Tôi chân thành cảm ơn sự cộng tác và giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí. Dù biết mình có nhiều cố gắng, song tôi vẫn cảm thấy chưa làm được nhiều hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa cho dân tộc, cho đất nước. Đó là điều tôi vẫn thường băn khoăn".

Phải chăng những lời nói khiêm nhường tự đáy lòng đó của đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nói lên với chúng ta tất cả?

HÀ ĐĂNG

Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, Trợ lý Tổng Bí thư

* Những câu trích dẫn trong bài viết này đều lấy từ tác phẩm của đồng chí Nguyễn Văn Linh: Đổi mới để tiến lên, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1991.

* Bài viết được trích từ sách "Nguyễn Văn Linh: Nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2003.