LAN TỎA THÔNG ĐIỆP VỀ MỘT VIỆT NAM NĂNG ĐỘNG, ĐỔI MỚI

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam vừa kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania. Chuyến công tác châu Âu lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là sự kiện đối ngoại quan trọng của nước ta trong năm 2024.

Việc Thủ tướng tham dự diễn đàn toàn cầu có uy tín như WEF Davos là cơ hội quý báu để Việt Nam chuyển tải thông điệp về thành tựu phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế, khẳng định vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Trong khi đó, chuyến thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần gia tăng hơn nữa tin cậy chính trị, làm sống động quan hệ hữu nghị truyền thống, tích cực hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam với Hungary và Romania; đưa những lĩnh vực hợp tác truyền thống như kinh tế, thương mại, lao động, văn hóa, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực… sang một giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thuỵ Sĩ và thăm chính thức Hungary, Romania. Ảnh: TTXVN  

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân lên đường tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thuỵ Sĩ và thăm chính thức Hungary, Romania. Ảnh: TTXVN  

Quốc tế đánh giá Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế nhanh, bền vững

Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF với chủ đề: “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam” là một trong 8 hoạt động đối thoại quốc gia được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 54 WEF Davos 2024, nhằm giới thiệu về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư và những chính sách cụ thể mà Chính phủ sẽ triển khai trong thời gian tới để tạo môi trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Tại Đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Đối thoại chiến lược trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều khó khăn, thách thức; cảm ơn sự hiện diện của các đối tác tại cuộc đối thoại, qua đó cùng Việt Nam củng cố niềm tin, truyền cảm hứng, tạo động lực để hợp tác sâu rộng, hiệu quả hơn. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để thúc đẩy chuyển đổi, kiến tạo, mở ra các động lực tăng trưởng mới, Việt Nam sẽ tập trung vào bốn nhóm giải pháp chính gồm: (1) rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; (2) phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; (3) phát triển nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; (4) cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, công nghiệp bán dẫn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF với chủ đề: “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF với chủ đề: “Chân trời phát triển mới: Thúc đẩy chuyển đổi, mở ra các động lực tăng trưởng mới tại Việt Nam”. Ảnh: TTXVN

Chia sẻ với WEF và các doanh nghiệp về những lợi thế của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị WEF và các thành viên tiếp tục hợp tác với Việt Nam; kêu gọi các nhà đầu tư cùng đồng hành với Việt Nam tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ cao, trong đó có công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; khẳng định Việt Nam luôn đồng hành, hợp tác cùng các nhà đầu tư trên tinh thần cùng thắng, cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Lãnh đạo WEF và đại diện các doanh nghiệp đánh giá cao những thành tựu phục hồi, phát triển, tăng trưởng quy mô kinh tế, quy mô thương mại, cũng như quyết tâm chuyển đổi và triển vọng kinh tế của Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một trong những điểm sáng phục hồi kinh tế của khu vực, đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng và cam kết chuyển đổi năng lượng. Nhiều doanh nghiệp khẳng định hài lòng với các dự án đầu tư tại Việt Nam; bày tỏ ấn tượng với việc Chính phủ Việt Nam có các chính sách, biện pháp quyết liệt để tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, cũng như luôn dành sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu". Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia Đối thoại chính sách "Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu". Ảnh: TTXVN

Tại Phiên Đối thoại chính sách “Việt Nam: Định hướng tầm nhìn toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 54 WEF Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một số định hướng, quan điểm xuyên suốt của Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nêu bật những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong chặng đường gần 40 năm Đổi mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ thành công đó có năm bài học kinh nghiệm lớn. Một là, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Hai là, coi nhân dân là người làm nên lịch sử. Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Bốn là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Năm là, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực; tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp nước ngoài hợp tác kinh doanh, trên cơ sở phát huy tối đa lòng tin, hy vọng, quyết tâm của hai bên và mong muốn các doanh nghiệp gắn sản xuất, tiêu dùng với nghiên cứu và đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với các doanh nghiệp về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp ô-tô và chip bán dẫn và hệ sinh thái. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì tọa đàm với các doanh nghiệp về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp ô-tô và chip bán dẫn và hệ sinh thái. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 WEF Davos 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với nhiều lãnh đạo các nước như Thụy Sĩ, Campuchia, Slovakia, Hội đồng quản trị Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)…, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước cũng như các tổ chức quốc tế. Trong khi đó, tiếp lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam.

Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị WEF năm nay cùng những chia sẻ, đánh giá, đề xuất của Thủ tướng về tình hình, quan điểm, tư duy phát triển ở tầm toàn cầu, giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết các thách thức nổi lên sẽ tiếp tục khẳng định đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển và các vấn đề quan tâm chung, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng
Item 1 of 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Viola Amherd. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Viola Amherd. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị GAVI Jose Manuel Barroso. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Hội đồng quản trị GAVI Jose Manuel Barroso. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Giáo sư Klaus Schwab, Người sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Giám đốc WIPO Daren Tang. Ảnh: TTXVN

Tạo xung lực cho quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary

Chuyến thăm Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Hungary đã có những bước phát triển tốt đẹp trong gần 75 năm qua. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Hungary Viktor Orban, trong không khí chân thành, tin cậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Hungary, đối tác toàn diện đầu tiên của Việt Nam tại Trung Đông Âu.

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hungary được tổ chức trọng thể tại Quảng trường nhà Quốc hội Hungary do Thủ tướng Hungary Viktor Orban chủ trì. Ảnh: TTXVN

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Hungary được tổ chức trọng thể tại Quảng trường nhà Quốc hội Hungary do Thủ tướng Hungary Viktor Orban chủ trì. Ảnh: TTXVN

Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm nâng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hungary lên tầm cao mới. Về hợp tác chính trị-ngoại giao, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực. Về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, hai Thủ tướng nhất trí cho rằng đây là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương; khẳng định cần phát huy hơn nữa các cơ chế hợp tác sẵn có, trong đó thúc đẩy sớm tổ chức Khoá họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Hungary; khuyến khích các cơ quan và doanh nghiệp hai nước tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam–Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hungary tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam xuất hiện nhiều hơn trên thị trường Hungary và khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cửa ngõ để các mặt hàng của Hungary tiếp cận thị trường Việt Nam và ASEAN. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng nhất của Hungary tại châu Á-Thái Bình Dương và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hungary quan tâm mở rộng đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam; hoan nghênh việc hai bên tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hungary nhân chuyến thăm, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trực tiếp trao đổi, kết nối.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: TTXVN  

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: TTXVN  

Hai Thủ tướng đã cùng chứng kiến lễ ký và trao các văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, cơ quan hai nước gồm: Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hungary về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức; Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Hungary; Chương trình hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và Sáng tạo Hungary giai đoạn 2024-2026.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Hungary Katalin Novak; hội kiến Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary Jakab Istvan; cùng Thủ tướng Hungary Viktor Orban dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Hungary... Các nhà lãnh đạo Hungary đều khẳng định, Hungary luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng nhất ở khu vực Đông Nam Á và mong muốn quan hệ hợp tác với Việt Nam tiếp tục phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, trở thành một mô hình kiểu mẫu trong hợp tác Đông-Tây.

Một điểm nhấn của chuyến thăm là Thủ tướng Phạm Minh Chính có bài phát biểu chính sách quan trọng tại Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác giữa một số trường của Việt Nam và Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary. Ảnh: TTXVN  

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến trao thỏa thuận hợp tác giữa một số trường của Việt Nam và Đại học Hành chính công Quốc gia Hungary. Ảnh: TTXVN  

Trước đông đảo đại biểu chính giới, quân sự, ngoại giao, các học giả, nhà nghiên cứu và sinh viên, Thủ tướng chia sẻ 5 bài học kinh nghiệm quý báu qua quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam: (1) Kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (2) Nhân dân làm nên lịch sử; sự nghiệp cách mạng là của toàn dân, do dân, vì dân; (3) Đoàn kết tạo nên sức mạnh, gồm đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; (4) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài; (5) Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Việt Nam đạt được những thành tựu, kết quả nói trên là sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trong đó có Hungary.

Tôi cho rằng quan hệ truyền thống hữu nghị giữa Việt Nam và Hungary vẫn còn nhiều tiềm năng và dư địa hợp tác rất lớn, nhất là khi nhận được sự quan tâm sát sao, gặp gỡ thường xuyên của lãnh đạo cấp cao hai nước, qua đó tiếp tục góp phần quan trọng vào củng cố quan hệ Việt Nam-EU. Đặc biệt trong bối cảnh Hungary đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cho vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu 6 tháng cuối năm 2024 với trọng tâm là cải thiện và phục hồi nền kinh tế, chuyến thăm của Thủ tướng đến Hungary sẽ giúp tháo gỡ những khó khăn đồng thời đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam qua cửa ngõ Hungary thâm nhập thị trường EU.
Đại sứ Việt Nam tại Hungary Nguyễn Thị Bích Thảo

"Tuy xa cách về địa lý, Hungary và Việt Nam luôn luôn gần gũi về tình cảm, đoàn kết và gắn bó, giúp đỡ trong gần 3/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước cũng có sự tương đồng về lịch sử và chia sẻ về nhiều giá trị chung".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Romania

Chuyến thăm chính thức Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Romania, với bề dày hơn 70 năm, đang phát triển tốt đẹp.

Nhiệt liệt chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu nhấn mạnh, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025), góp phần đẩy mạnh sự tin cậy chính trị, tăng cường hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực và làm sâu sắc hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Trong không khí chân tình, tin cậy và cởi mở, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania đã hội đàm, trao đổi về các định hướng lớn và các biện pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hợp tác hữu nghị truyền thống hai nước lên tầm cao mới trong thời gian tới. Về chính trị-ngoại giao, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, trên tất cả các kênh, nhằm tăng cường hơn nữa sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu. Ảnh: TTXVN  

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu. Ảnh: TTXVN  

Hai Thủ tướng khẳng định, hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương; nhất trí đẩy mạnh quan hệ kinh tế-thương mại-đầu tư xứng tầm với quan hệ chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng vai trò cửa ngõ để các mặt hàng của Romania tiếp cận thị trường ASEAN. Trong khi đó, Thủ tướng Romania cho rằng, hai bên cần tận dụng cơ hội thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, logistics, du lịch và biến Romania trở thành cửa ngõ của Việt Nam vào châu Âu trong bối cảnh Rumani sắp gia nhập khu vực Schengen.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực truyền thống như giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, an ninh-quốc phòng, văn hóa-thể thao-du lịch, lao động, y tế-dược phẩm, đồng thời thúc đẩy mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn…

Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến Lễ ký kết 19 văn kiện hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, lao động và giáo dục đào tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Romania. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Romania Ion-Marcel Ciolacu chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác giữa Việt Nam và Romania. Ảnh: TTXVN

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Romania, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Romania; thăm Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania; thăm tỉnh Prahova, làm việc với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova; thăm, làm việc tại Trường đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest; tiếp các đại biểu Hội Hữu nghị Romania-Việt Nam và các hội đoàn, bạn bè hữu nghị Romania với Việt Nam; gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Romania…

Các hoạt động của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Romania đã góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Romania, tạo động lực thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực thế mạnh của Romania và phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, y tế…; đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho quan hệ Việt Nam với EU.

"Với cơ hội, tiềm năng và dư địa hợp tác còn rất lớn, trên cơ sở quan hệ truyền thống tốt đẹp vốn có, Việt Nam mong muốn cùng Romania làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác, củng cố tin cậy chính trị thông qua tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn đa phương và khu vực; tiếp tục tạo đột phá về thương mại, đầu tư trở thành trụ cột trong quan hệ song phương; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà Romania có thế mạnh và Việt Nam có tiềm năng…".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

"Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Romania tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương".

Thủ tướng Romania Ion Marcel Ciolacu

Dư luận, báo chí Romania thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến chuyến thăm chính thức nước này của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Theo TTXVN, Báo điện tử Tiếng nói Maramures đăng bài “Tình bạn giữa hai nước xa nhau về địa lý nhưng gần gũi về tinh thần” nhấn mạnh tình hữu nghị truyền thống giữa Romania và Việt Nam, sự tương đồng giữa hai dân tộc yêu chuộng hòa bình và độc lập; ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện thành công chính sách Đổi mới; khẳng định chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người từng học tập và làm việc tại Romania, sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.

Các trang báo điện tử khác của Romania như hotnews.ro, lumea.ro, ziarulprofit.ro đồng loạt đăng bài, đưa tin về chuyến thăm Romania của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó nhấn mạnh Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bài viết “Quan hệ Việt Nam-Romania bước vào giai đoạn mới” của tờ Cotidianul đánh giá cao Thủ tướng Phạm Minh Chính về tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, đã và đang tạo ra những đột phá trong điều hành đất nước.

Item 1 of 5

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Romania Klaus Iohannis. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nhận hồ sơ sinh viên từ lãnh đạo Trường đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest. Ảnh: TTXVN  

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp nhận hồ sơ sinh viên từ lãnh đạo Trường đại học Kỹ thuật Xây dựng Bucharest. Ảnh: TTXVN  

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Romania. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Romania. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các đại biểu Hội Hữu nghị Romania-Việt Nam và các hội đoàn, bạn bè hữu nghị Romania với Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các đại biểu Hội Hữu nghị Romania-Việt Nam và các hội đoàn, bạn bè hữu nghị Romania với Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Romania. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Romania. Ảnh: TTXVN

Với lịch trình dày đặc hoạt động hiệu quả, thiết thực, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tạo ra xung lực mới thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với WEF, Hungary và Romania; đồng thời góp phần khẳng định Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.

>> ĐỌC THÊM: Tâm điểm THỦ TƯỚNG THAM DỰ HỘI NGHỊ WEF, THĂM HUNGARY VÀ ROMANIA


Ngày xuất bản: 23/1/2024
Chỉ đạo thực hiện: BÍCH HẠNH - TRƯỜNG SƠN
Nội dung: MINH HẰNG - NGUYỄN HÀ
Trình bày: HOÀNG HÀ
Nguồn: Bộ Ngoại giao, TTXVN