Năm 2024, thành phố Hà Nội phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn, với những khó khăn, thách thức đan xen. Song với sự đoàn kết, thống nhất cùng sự đổi mới, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện từ công tác xây dựng Đảng đến phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Những ngày cuối năm 2024, Hà Nội nhận thêm tin vui khi điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được phê duyệt. Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12/12/2024 và Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, đây là những định hướng quan trọng và tiếp thêm nguồn lực cho Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn.

Kết quả này có được là nhờ sự nỗ lực rất lớn với tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng của các cấp, các ngành thành phố.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức hơn so với dự báo, song Đảng bộ thành phố đã phát huy tinh thần chủ động, đoàn kết, trách nhiệm, với quyết tâm chính trị cao, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, nhiệm vụ trọng tâm của thành phố và chủ đề công tác năm 2024 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; các nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển Thủ đô và kịp thời giải quyết tốt các vấn đề phát sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội xem sa bàn điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội xem sa bàn điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Cùng với việc kịp thời tham mưu, báo cáo với Bộ Chính trị và trình Quốc hội, Chính phủ thông qua Luật Thủ đô 2024 và hai quy hoạch quan trọng của Thủ đô, Thành ủy đã chỉ đạo đánh giá tổng kết 40 năm đổi mới trên địa bàn Thủ đô; tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đặc biệt là Lễ kỷ niệm cấp quốc gia để lại dấu ấn sâu sắc đối với nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định, quy chế, quy trình về công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác tổ chức cán bộ theo hướng chuẩn hóa. Tiêu biểu là Quy định số 12-QĐ/TU ngày 8/5/2023 của Thành ủy Hà Nội về “Quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử”, Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hà Nội”.

Lãnh đạo thành phố kiểm tra, đôn đốc tiến độ nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Lãnh đạo thành phố kiểm tra, đôn đốc tiến độ nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.

Các mặt công tác xây dựng Đảng đều được rà soát, xây dựng theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm chặt chẽ, đề cao kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm. Đơn cử như công tác đánh giá tổ chức Đảng và đảng viên, không chỉ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, “số hóa”, Ban Thường vụ Thành ủy còn tiến hành sửa đổi, bổ sung quy định, nhất là hoàn thiện quy định đánh giá xếp loại tổ chức Đảng cấp trên cơ sở, tăng cường trách nhiệm cá nhân của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt thành phố trong đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và cán bộ cấp dưới.

Công tác cải cách hành chính trong Đảng và chuyển đổi số trong hệ thống chính trị được quyết liệt chỉ đạo, triển khai ứng dụng các phần mềm trong các hoạt động tác nghiệp và nhiệm vụ chuyên môn; chỉ đạo xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm tích hợp dữ liệu của Đảng bộ thành phố bước đầu đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng. Thành phố cũng triển khai tới 50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy và 579 xã phường, thị trấn sử dụng phần mềm “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên” phiên bản online và 2.560 đảng bộ, chi bộ cơ sở sử dụng phiên bản offline; thực hiện chuẩn hóa dữ liệu của đảng viên và 3.284 tổ chức đảng trên phần mềm.

Hà Nội là địa phương đi trước, đứng đầu trong cả nước về việc phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Cụ thể, năm 2024, chỉ tính riêng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, thành phố đã thành lập được 104 tổ chức Đảng (đạt 115,56%); kết nạp được 1.024/903 đảng viên mới, trong đó có 13 chủ doanh nghiệp tư nhân. Đến nay, tổng số tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 2.482 tổ chức Đảng.

Chỉ tính riêng tại các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, năm 2024, Hà Nội thành lập được 104 tổ chức Đảng (đạt 115,56%); kết nạp được 1.024/903 đảng viên mới, trong đó có 13 chủ doanh nghiệp tư nhân. Đến nay, tổng số tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 2.482 tổ chức Đảng.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của thành phố Hà Nội sẽ được tinh gọn đáng kể. Trong đó, Thành ủy sẽ giảm một ban đảng, ba ban cán sự đảng, tám đảng đoàn thuộc Thành ủy. Ủy ban nhân dân thành phố cũng sẽ giảm năm sở và cơ quan chuyên môn... Những kết quả quan trọng này thêm một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu của Đảng bộ Thủ đô trong việc đưa các Nghị quyết, quan điểm chỉ đạo mới của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả cao đã thúc đẩy các nhiệm vụ trọng tâm khác của thành phố, nổi bật là thu ngân sách. Dù gặp nhiều tổn thất từ siêu bão Yagi hay khó khăn trong công tác đấu giá đất, nhưng bằng sự chỉ đạo quyết liệt, các địa phương đến thành phố đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Như quận Thanh Xuân, tất cả 25 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2024 đều đạt và vượt kế hoạch, thu ngân sách đạt kết quả tốt, đạt 7.553 tỷ 675 triệu đồng, bằng 114,15% dự toán thành phố và Hội đồng nhân dân quận giao (bằng 122,54% so với cùng kỳ năm 2023).

Năm 2024 là năm đầu tiên huyện Sóc Sơn thu ngân sách đạt hơn 2.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Cũng trong năm 2024, huyện Sóc Sơn có thêm tám xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 7 xã đủ điều kiện công nhận về đích nông thôn mới nâng cao. Đến nay, huyện có 18 xã nông thôn mới nâng cao, 11 xã nông thôn mới kiểu mẫu, vượt chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện Sóc Sơn nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Những kết quả này đã cộng hưởng làm nên thành tích chung của thành phố. Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết, năm 2024, thu ngân sách trên địa bàn của thành phố đạt hơn 511.928 tỷ đồng, đưa Hà Nội trở thành địa phương đứng đầu cả nước về thu ngân sách; đóng góp 23% tổng thu ngân sách của cả nước. Song song với đó, thành phố thực hiện hàng loạt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm không gian sáng tạo tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm không gian sáng tạo tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Nổi bật là thành phố đã về đích trước một năm trong thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo. Đến nay, toàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố giai đoạn 2021-2025.

Hà Nội đã hoàn thành xây sửa 714 nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm thực hiện mục tiêu xóa 100% nhà ở xuống cấp.

Chứng kiến những kết quả ấn tượng, đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy cho rằng, điều này củng cố niềm tin trong nhân dân về những chủ trương, quyết sách mới của Trung ương và thành phố sẽ được triển khai trong thực tiễn.

Mong Hà Nội sẽ vận dụng và phát huy hiệu quả sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ của các bộ, ngành và địa phương trên cả nước để tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, xứng đáng với vai trò là Thủ đô - trái tim của cả nước. Để thực hiện, thành phố cần thận trọng trong xử lý công việc, ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng phát triển mạnh mẽ theo đúng những định hướng mới của Trung ương.

Đồng chí Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tặng quà cho người cao tuổi huyện Chương Mỹ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tặng quà cho người cao tuổi huyện Chương Mỹ.

Theo Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số, hạ tầng số với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện, nhất là cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; đưa công nghệ số vào hoạt động trong các cơ quan Đảng toàn thành phố nhằm phát huy hiệu quả hoạt động và tạo sự đồng bộ với hoạt động chính quyền thành phố; từng bước đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất.

Từ những kết quả đạt được, thành phố tiếp tục gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng bộ máy hệ thống chính trị theo hướng hoạt động hiệu lực, hiệu quả; sớm hoàn thành công tác củng cố, kiện toàn, sắp xếp các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy theo chỉ đạo của Trung ương; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đại hội Đảng các cấp và thành phố thành công tốt đẹp...

Hà Nội cũng tập trung chỉ đạo quyết liệt các biện pháp, giải pháp căn cơ để khắc phục triệt để, có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, nước thải, chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí, các hoạt động có phát sinh khí thải; cấp, thoát nước, chống úng ngập; vận hành các nhà máy điện rác; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông để xây dựng một Thủ đô xanh, sạch, văn minh, hiện đại; kiên quyết xử lý tận gốc nguồn gây ra ô nhiễm, hồi sinh các dòng sông. Trong đó, sông Tô Lịch đang được rốt ráo xử lý, bảo đảm các dòng sông trong nội đô “sạch-sáng”.

Trên tinh thần quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định vị trí trong sự nghiệp xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: THẢO LÊ - VĂN TOẢN
Biên tâBiên tập và trình bày: VÂN THANH - BIỆN DIỆU
Ngày xuất bản: 30/1/2025