Xuân về cưới lại vợ mình

Tết này, bản Sín Chải của người Hà Nhì, ở xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) ửng hồng màu hoa đào trong làn sương trắng mỏng buông ngang những ngôi nhà trình tường bằng đất, mái lợp cỏ gianh dày hàng mét, lun phun những đám rêu xanh qua mưa nắng thời gian, đẹp như bức tranh thủy mặc. Năm nay, người Hà Nhì ăn tết “Khô già già” truyền thống to và vui hơn, vì được mùa ngô lúa, nhà nào cũng treo tràn trên gác; thảo quả sấy khô xếp cao áp mái nhà, tỏa hương thơm ngào ngạt.

Ngôi nhà của Chu Thó San sáng choang ánh điện, như rộng hơn, đầy ắp tiếng cười của lũ thanh niên đến giúp trang trí, dán giấy hồng điều trước cửa nhà, mổ lợn, giã bánh nếp... để gia chủ đã gần 50 tuổi làm lễ “zà mì gù lá”, tiếng địa phương có nghĩa là cưới vợ lần hai, nhưng là cưới lại... vợ mình.

Tôi là người may mắn, vì nghe phong tục này của người Hà Nhì đã lâu nhưng nay mới có dịp được tận mục sở thị, lại còn được dự vui, uống rượu bằng bát để mừng cặp vợ chồng đã có cháu nội, cháu ngoại làm đám cưới.

Bên bếp lửa hồng, nhấp chén rượu mầm thóc nấu bằng men lá rừng thơm nồng, già làng Phu Lò Dé râu tóc bạc trắng như cước giải thích tục này chỉ riêng người Hà Nhì mới có.

Thanh niên dân tộc Hà Nhì.

Thanh niên dân tộc Hà Nhì.

Thanh niên Hà Nhì được tự do kết hôn, nếu bạn gái yêu mình thì chàng trai dẫn về nhà thưa chuyện với cha mẹ xin cưới làm vợ. Cả nhà đồng ý thì làm lễ trước bàn thờ "kính báo" với tổ tiên gia đình mình có cô con dâu mới. Nhà chú rể làm cỗ mời cả họ hàng và dân bản tới cùng vui.

Nếu có điều kiện thì nhà trai mang sang cho nhà cô dâu một ít tiền (trước đây là mấy đồng bạc trắng, nhiều năm gần đây là tiền mặt), một con lợn khoảng 50kg, 50 lít rượu trắng, một đôi gà sống, cùng xôi nếp và trứng gà chia đều làm hai gói…

Đây là lần cưới đầu tiên của trai bản Hà Nhì đối với vợ mình. Người vợ từ đó trở đi phải mang họ nhà chồng. Khi đẻ con xong hoặc kinh tế gia đình khá giả thì người chồng phải tổ chức đám cưới lần thứ hai… với chính vợ mình, như thế mới trọn nghĩa vẹn tình.

Theo phong tục của người Hà Nhì, sau đám cưới đầu tiên, khi đẻ con xong hoặc kinh tế gia đình khá giả thì người chồng phải tổ chức đám cưới lần thứ hai… với chính vợ mình, như thế mới trọn nghĩa vẹn tình.

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai.

Phụ nữ dân tộc Hà Nhì ở Bát Xát, Lào Cai.

Chủ tịch UBND xã Y Tý Tao Văn Sinh tiếp lời: Xuân này, không chỉ bản Sín Chải mà hơn bốn nghìn người Hà Nhì định cư ở Lao Chải, Chỏn Thẻn, Mò Dề... nơi chót mũi dãy núi Nhìu Cồ San (núi Sừng Trâu) vùng cao biên giới cực bắc của tỉnh rất vui, vì Nhà nước đầu tư nâng cấp đường, xây trường học lớn, quy hoạch Y Tý thành đô thị du lịch vệ tinh của Khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Không chỉ ăn Tết to mà vui nhất là hàng chục cặp vợ chồng trong bản đã có con trai, con gái nhưng háo hức, hồi hộp làm lễ “zà mì gù lá”, giữ phong tục tập quán tốt đẹp của tổ tiên. Đó cũng là nhờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc Hà Nhì, chỉ có hơn bốn nghìn người đang sinh sống nơi đây có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn.

Bấm đốt ngón tay, trưởng bản bảo, sau đám cưới này, mình còn phải đi uống rượu cưới lại vợ của nhà Tráng, Lúy, Dia, Sa... Làm ăn khấm khá, năm nay, đàn ông bản Sín Chải rủ nhau cưới lại vợ mình, đúng là vui như Tết.

Từ đầu câu chuyện, bà Chu Thó Dâng vừa bế đứa cháu nội ba tuổi trên tay, vừa rót rượu cho chồng và mọi người, ánh mắt rạng rỡ, đôi má ửng hồng như trẻ lại trong ngôi nhà ấm cúng, hạnh phúc.

Xuân đã về thật rồi, trong sắc hoa đào hồng và trong lòng người Hà Nhì nơi được mệnh danh là xứ mưa, xứ rét Y Tý. Tôi nâng bát rượu mừng vợ chồng San-Dâng thắm tình vợ chồng, bền nghĩa keo sơn như cây pơ-mu mãi xanh cành lá, như dòng suối Thiên Sinh không bao giờ cạn nước, giữ cho ruộng bậc thang Sín Chải những mùa vàng no ấm.

Ngày xuất bản: 07/02/2024
Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH
Nội dung: ĐINH QUỐC HỒNG
Trình bày: BÔNG MAI