Xác lập vị thế

Thành phố nhạc trưởng

Xây dựng một mô hình quản lý phát triển vùng có tính đặc thù là giải pháp giúp Hà Nội phát triển kinh tế và tạo dựng vị thế, gìn giữ bản sắc. Ảnh: Quang Vinh

Xây dựng một mô hình quản lý phát triển vùng có tính đặc thù là giải pháp giúp Hà Nội phát triển kinh tế và tạo dựng vị thế, gìn giữ bản sắc. Ảnh: Quang Vinh

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là dấu mốc đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đô thị nghìn năm tuổi này. Để hiện thực hóa những định hướng đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của Nghị quyết, tạo nên bước chuyển mang tính đột phá trong hành trình xác lập vị thế, bản sắc “Thành phố nhạc trưởng” của vùng Thủ đô và cả nước, rất cần sự nỗ lực, chung sức và những giải pháp quyết liệt, triệt để.

Đột phá trong quy hoạch vùng Thủ đô

Theo Quy hoạch 490 (gọi tắt theo số Quyết định phê duyệt), vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ có chức năng kinh tế tổng hợp của quốc gia và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng. Thủ đô Hà Nội là đô thị hạt nhân đặc biệt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 là đồ án quy hoạch xây dựng vùng, tiếp nối đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 490/QĐ-TTg, ngày 5/5/2008) với tầm nhìn giữ nguyên tới năm 2050, nhưng thay đổi về thời gian nghiên cứu và phạm vi gồm toàn bộ ranh giới của Thủ đô Hà Nội (đã được mở rộng địa giới hành chính) và chín tỉnh chung quanh là: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.314,7 km2.

Cầu Nhật Tân góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Huy Hùng

Cầu Nhật Tân góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Ảnh: Huy Hùng

Dự báo Thủ đô Hà Nội sẽ có dân số đạt ngưỡng gần 10 triệu người, tham gia vào hệ thống các siêu đô thị (Mega city gồm các đô thị có 10 triệu dân trở lên) như Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc)... góp phần tạo thành chùm đô thị cực lớn vành đai châu Á-Thái Bình Dương. Dân số ước tính đến năm 2030 khoảng 21-23 triệu người và tỷ lệ đô thị hóa 55-60%, trong đó khoảng 12-13 triệu lao động tại chỗ và nhập cư.

Trên cơ sở vị trí, vai trò, điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội, các tỉnh trong vùng tạo thành các mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh và toàn vùng.

Kiên trì mục tiêu

Thủ đô Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là tam giác tăng trưởng mạnh nhất vì đây là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao; có vị trí trung tâm của toàn vùng trên cơ sở vị thế của Thủ đô Hà Nội với các vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, trong đó nổi bật là các thế mạnh về công nghiệp, đào tạo, nguồn nhân lực và các điều kiện hạ tầng; các chức năng cấp vùng, quốc gia và quốc tế được tăng cường thông qua việc thiết lập các trung tâm tài chính-thương mại, nghiên cứu-phát minh khoa học, hội nghị-hội thảo, thể dục-thể thao, không gian di sản và du lịch quốc tế...

Trong đó, Hà Nội với vị thế Thủ đô - trung tâm đầu não chính trị, hành chính của quốc gia, là trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo và khoa học-kỹ thuật quan trọng của cả nước; là một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, thương mại, dịch vụ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Phát huy vai trò là trung tâm động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại, tài chính lớn của quốc gia (trung tâm tài chính bắc sông Hồng; trung tâm hội chợ; trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa tây Hồ Tây...), các khu nghiên cứu-đào tạo công nghệ cao (Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc...); Trung tâm văn hóa-lịch sử lớn (Hoàng thành Thăng Long; Vườn Quốc gia Ba Vì...), Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, năm đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (khu vực nông nghiệp, làng xóm, di tích văn hóa-lịch sử, bảo tồn thiên nhiên...).

Các đô thị tỉnh lỵ và các đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong Vùng trên cơ sở tăng cường sự liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (vành đai 4, vành đai 5); các trục, hành lang kinh tế (Lào Cai-Hà Nội-Quảng Ninh, Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, Lạng Sơn-Bắc Giang-Hà Nội, Hà Nội-Hà Nam, Hà Nội-Thái Nguyên); khai thác, chia sẻ và liên kết các chức năng lợi thế riêng của từng đô thị, đặc biệt là các đô thị trung tâm nhằm phát huy thế mạnh của đô thị; tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đô thị; cấu trúc đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên (núi, sông, suối, hồ...), ưu tiên hình thành các vùng không gian xanh nông, lâm nghiệp; sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế phát triển theo mô hình đô thị lan tỏa; hình thành hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại và các công trình hạ tầng cấp vùng.

Cách tiếp cận mới trong quản lý đô thị

Quá tải về dân số, dẫn đến quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là tình trạng đang xảy ra ở nhiều đô thị, trong đó, Thủ đô Hà Nội được xem là thí dụ điển hình. Song, hiện nay, rất ít người quan tâm đến việc kiểm soát quy mô dân số, các quy định về kiểm soát dân số còn lỏng lẻo. Ở những đô thị có lực hút lao động ngoại tỉnh lớn, đây là vấn đề cấp thiết.

Câu chuyện bốc thăm xin vào học trường mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tạm lắng, khi năm học mới đã bắt đầu. Dù không muốn, các hộ gia đình cũng phải thu xếp cho con cái nhập học tại một trường tư thục, hay nhóm trẻ nào đó. Chính quyền quận Hoàng Mai đang vội vã tìm biện pháp xây thêm trường mầm non. Nhưng đó là chuyện của… tương lai.

Năm sau, nhiều khả năng, các phụ huynh sẽ vẫn tiếp tục phải tham gia cuộc chơi may rủi để tìm kiếm một suất học cho con qua lá thăm. Ai cũng biết, phường Hoàng Liệt là một "siêu phường", với khoảng 80 nghìn dân. Nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của những "rừng cao ốc", Hà Nội đang có nhiều phường "tiến nhanh, tiến chắc" để theo kịp phường Hoàng Liệt. Và câu chuyện bốc thăm xin học, nếu tái diễn ở một địa bàn khác, cũng không phải là điều bất ngờ.

Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, yếu tố dân số được đề cập một cách mờ nhạt. Ảnh: Thành Đạt

Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, yếu tố dân số được đề cập một cách mờ nhạt. Ảnh: Thành Đạt

Bốc thăm xin học chỉ là một trong nhiều câu chuyện xảy ra ở những khu vực "quá phát" về dân cư. Ngoài ra, còn vô vàn vấn đề khác như: Ùn tắc giao thông, quá tải về rác thải, ô nhiễm môi trường... Tuy nhiên, khi nói về nguyên nhân của những bất cập, phần lớn mọi người thường chỉ xoay quanh vấn đề xây dựng, quy hoạch, sự "yếu kém" trong quản lý quy hoạch và xây dựng, rất hiếm người đề cập đến việc kiểm soát dân số. Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, yếu tố dân số được đề cập một cách mờ nhạt.

Quy hoạch đưa ra dự báo đến năm 2030, quy mô dân số của Hà Nội đạt 10 triệu người. Thực tế, con số này đã lỗi thời từ lâu. Tại thời điểm Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, dân số Hà Nội đạt 8,053 triệu người. Nhưng thành phố còn vài triệu người ngoại tỉnh sống và làm việc chưa có hộ khẩu. Nhiều chuyên gia ước tính, số người cư trú thường xuyên tại Hà Nội đạt khoảng 11 triệu người.

Nếu tính tổng thể, mật độ dân cư của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hay những đô thị khác chưa phải vấn đề nghiêm trọng. Vấn đề nằm ở sự phân bố không đều. Việc "quá phát" tại nhiều địa bàn gần như là tất yếu.

Cầu Long Biên nhìn về phía nội đô. Ảnh: Khiếu Minh

Cầu Long Biên nhìn về phía nội đô. Ảnh: Khiếu Minh

Ngoài sự yếu kém trong quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng, còn phải tính đến một nguyên nhân khác, đó là những lỗ hổng trong hệ thống các quy định, bởi ngay cả ở những nơi đang trong tình trạng quá tải mà mật độ dân số vẫn tăng, trong khi việc quản lý, về cơ bản vẫn được xem là "đúng quy trình".

Những địa bàn có quy mô, mật độ dân số quá cao luôn là những địa bàn có các khu đô thị, nhà chung cư cao tầng. Hiện nay, các quy chuẩn về xây dựng chung cư đã được ban hành khá nhiều, các quy định khá cụ thể, nhất là về mật độ xây dựng, mật độ công trình, chiều cao công trình, diện tích bãi đỗ xe... Song, trong các văn bản pháp lý về chung cư, các quy định về quản lý quy mô dân số cũng được cho là khá lỏng lẻo.

Giữ gìn phong độ riêng của văn hóa

Không một tỉnh, thành phố nào trên cả nước có nhiều di sản văn hóa như ở Hà Nội. Có di sản vật thể sừng sững, có di sản phi vật thể phải thật tinh mới cảm nhận được, đó là lối ứng xử ý nhị, tế vi. Văn hóa Hà Nội đa dạng, phong phú cũng dễ hiểu vì là nơi hội tụ bốn phương và liên tục gần 800 năm, Hà Nội là kinh đô, từ thế kỷ 20 là Thủ đô của đất nước.

Trong một nghiên cứu về văn hóa dân gian Hà Nội, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng đã nhận định: "Văn hóa Hà Nội có phong độ riêng". Phong độ riêng là có nhiều di sản tầm cỡ thế giới và rất nhiều di sản được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Trải qua thời gian, có văn hóa lưu truyền đến ngày nay, song cũng có văn hóa bị lãng quên vì không phù hợp quan điểm của xã hội đương thời, hoặc sai lầm trong nhận thức.

Các sản phẩm văn hóa không chỉ để thưởng thức, hưởng thụ mà còn là niềm tự hào của một địa phương, quốc gia, nên nó là tài sản quý. Từ thời Lê đến thời Nguyễn, các vua đã ban sắc phong Nhân thần hay Huyền thần ở các địa phương trên cả nước. Vì Nhân thần và Huyền thần được thờ tự ở các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo nên địa phương đó có trách nhiệm bảo vệ, hư hỏng, xuống cấp phải trùng tu. Với các thần có tầm ảnh hưởng rộng lớn, triều đình sẽ lấy ngân khố để sửa chữa, trùng tu khi nơi thờ tự xuống cấp.

Múa rồng bên tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ảnh: Nguyễn Đăng

Múa rồng bên tượng đài vua Lý Thái Tổ. Ảnh: Nguyễn Đăng

Để bảo vệ, gìn giữ không thể chờ trông vào ý thức tự giác vì không phải ai cũng hiểu giá trị của di sản văn hóa. Thậm chí ngay cả khi người ta nhận thức được thì việc xâm phạm vẫn xảy ra. Nhiều di tích văn hóa ở Hà Nội do các địa phương quản lý sau khi trùng tu đã mang dáng vẻ xa lạ. Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa và trong Luật Thủ đô cũng có điều khoản về bảo tồn, gìn giữ văn hóa Hà Nội. Tuy nhiên, không luật nào có thể điều chỉnh hết các hành vi trong xã hội. Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Tuy nhiên, nếu đi qua phố Lê Thái Tổ vẫn thấy khách sạn đang xây lừng lững che chắn hết không gian. Phần xây dựng của khách sạn không hề xâm phạm vào phạm vi di sản, nhưng giá trị một di sản còn bao hàm cả không gian chung quanh. Chính không gian chung quanh tôn thêm cái đẹp của di sản. Nếu quanh Hồ Gươm có nhiều công trình cao tầng thì hồ Hoàn Kiếm truyền thuyết sẽ trở thành "ao làng".

Vẻ đẹp giản dị ở làng quê Hà Nội cần được gìn giữ. Ảnh: Diên Khánh

Vẻ đẹp giản dị ở làng quê Hà Nội cần được gìn giữ. Ảnh: Diên Khánh

Từ nhiều năm nay, trong điều kiện ngân sách không dư dả nhưng Hà Nội đã dành hàng nghìn tỷ đồng để di dời các hộ dân sống trong phạm vi các di tích. Hà Nội đã ưu tiên trùng tu, tôn tạo các di tích tiêu biểu bị xuống cấp. Nhưng danh sách di sản văn hóa cần trùng tu trong thành phố là khá dài. Ở Ba Vì, Sơn Tây có nhiều làng cổ có các ngôi nhà xây bằng đá ong, nội thất gỗ với họa tiết độc đáo, tính biểu thị văn hóa cao có tuổi đời hơn trăm năm đến ba trăm năm đã xuống cấp.

May mắn là chúng đã được xếp hạng di sản văn hóa và không may là thành phố chưa có kinh phí nên chủ nhà vẫn đang tiếp tục phải sống trong nỗi lo. Trong lần trò chuyện với giám đốc một doanh nghiệp lớn, hỏi ông sao có doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ rất lớn cho các sự kiện giải trí nhưng lại không sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để trùng tu di sản văn hóa. Ông này nói rằng, xã hội hóa là tất yếu để đỡ gánh nặng cho ngân sách, hỗ trợ ít thì không là vấn đề, nhưng hỗ trợ lớn cần phải có cơ chế rất cụ thể, trong đó có tính đến lợi ích doanh nghiệp.

Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại" là một trong những mục tiêu được xác định trong Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hà Nội cần nhiều giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu quan trọng này.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Sự thật là Hà Nội đang dần đánh mất bản sắc và những vẻ đẹp đặc trưng của mình. Đô thị hóa đã có phần bị hiểu sai lệch khi thực thi trên những vùng văn hóa đặc biệt như Hà Nội và biến Hà Nội trở thành một đô thị chung chung như mọi đô thị khác.

Để tìm ra những vẻ đẹp làm nên Hà Nội, người ta phải "săn lùng" nó trong một thế giới bê-tông. Cụm từ "chưa thực sự tương xứng" là rất nhẹ so với sự "biến dạng" của Hà Nội; lẽ ra phải nói: "Một đô thị Hà Nội hiện nay đang lấp chìm một Hà Nội văn hiến". Nhưng chúng ta cũng thấy rằng, các nhà quản lý và người Hà Nội đã nhận ra sự cần thiết hồi sinh vẻ đẹp văn hóa Hà Nội tuy quá trình hồi sinh này là một chặng đường rất dài; đây là việc cấp bách rồi đấy.

Việc Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực thiết kế thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng chính là sự ghi nhận của mạng lưới toàn cầu này về sự độc đáo và đầy bản sắc của một thành phố đã, đang và sẽ định vị thương hiệu của mình bằng sự sáng tạo và đa dạng văn hóa.

Vẻ đẹp đó, bản sắc đó đã được hiện diện ở đâu? Từ góc nhìn của một người tham gia quá trình xây dựng hồ sơ, chúng tôi nhận thấy, vẻ đẹp, bản sắc của Hà Nội là sự đa dạng, hài hòa của hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, từ những kiến trúc chứa đựng "nhiều lớp lịch sử" đến mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp vùng ngoại ô, cùng cộng đồng sáng tạo phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, giới khoa học-công nghệ và các không gian sáng tạo trên toàn thành phố. Chính những chất liệu truyền thống và sự đa dạng của tài nguyên văn hóa đã và đang giúp Hà Nội định hình bản sắc mới.
PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Chiều Hồ Tây. Ảnh: Quang Vinh

Chiều Hồ Tây. Ảnh: Quang Vinh

Item 1 of 1

Chiều Hồ Tây. Ảnh: Quang Vinh

Chiều Hồ Tây. Ảnh: Quang Vinh

Ngày xuất bản: 8/10/2022
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, VĂN HỌC, NGÔ TRUNG HẢI, NGUYỄN NGỌC TIẾN, ĐÀO MAI TRANG, TRÚC LÂM, CAM LÂM.
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG