Vững niềm tin và sẵn sàng dấn thân cho những gì cao đẹp

Người thầy, nhà giáo Nguyễn Văn Minh tâm niệm: Hành trình đi đến tương lai, đi đến hạnh phúc của mỗi con người không thể thiếu giáo dục và do đó không thể thiếu người thầy. Hành trình phát triển bền vững của một đất nước không thể thiếu đi sự bồi đắp cội nguồn văn hóa, cốt cách và bản sắc của dân tộc đó, và giáo dục có một sứ mệnh cao cả.

Trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội - nơi đã và đang đào tạo ra bao thế hệ nhà giáo cho đất nước - chia sẻ rằng nghề giáo, trong hoàn cảnh hiện nay cũng có lúc lâm vào sự giằng xé của bổn phận, của tình cảm và khó khăn, các nhà giáo cần giữ bản lĩnh, trau dồi tư cách và giữ trọn tình yêu thương với con trẻ, bởi “Giữ vững niềm tin về những điều chân chính, chính là niềm tin tốt đẹp cho tương lai”.

Hạnh phúc của những người thầy

Hôm nay là một ngày trọng đại đối với chúng ta, những người làm một nghề cao quý, một nghề mà đem lại sự tử tế, sự hiểu biết cho tất cả mọi người. “Tôn sư, trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc ta.

Sinh thời, Bác Hồ đã dặn: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang. Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa”.

Sự trường tồn của một dân tộc được nuôi dưỡng bằng mạch ngầm văn hóa, bằng truyền thống, bằng bản sắc từ đời này sang đời khác, và giáo dục có một sứ mạng hệ trọng hơn tất cả.

Chúng ta có một Việt Nam ngày nay là vì trong huyết quản của mỗi con người qua từng thế hệ được giáo dục, nuôi dưỡng bởi dòng máu Việt và vì vậy họ sẵn sàng xả thân để bảo vệ và xây dựng đất nước yêu dấu của mình. Giáo dục có một ý nghĩa lớn lao và thiêng liêng như vậy và các thế hệ nhà giáo đã thầm lặng, hi sinh làm công việc cao cả của mình cho đất nước này. Chúng ta có quyền tự hào về công việc cao quý đó.

Nhân dịp này, tôi muốn gửi lời tri ân đối với các thế hệ nhà giáo, những người đã dành tâm sức, trí tuệ và tình cảm để bồi đắp giá trị cho mái trường này; tôi gửi lời chúc mừng và chia sẻ với các thế hệ sinh viên trưởng thành từ mái trường này đã và đang vượt quá rất nhiều khó khăn để thực hiện bổn phận cao cả của mình; tôi gửi lời chúc mừng và cảm phục đến các đồng nghiệp trên mọi miền đất nước vì sự đồng hành của họ trên hành trình có rất nhiều cam go, thử thách nhưng đầy tự hào vì ý nghĩa nhân văn.

Ảnh: Thủy Nguyên

Ảnh: Thủy Nguyên

Có thể, trong bạn, trong tôi còn không ít điều day dứt, suy tư và trăn trở. Nhưng thôi, hãy tạm gác nó lại.

Hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là chúng ta nhìn thấy nụ cười trên môi con trẻ, nhìn thấy những cử chỉ ân cần của các em với mẹ, với cha với ông bà và những người thân thiết; và hơn thế đó là sự đổi thay, sự tử tế sau mỗi buổi đến trường.  

Hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là con trẻ ngây ngô mỗi ngày hiểu biết nhiều hơn, khôn lớn hơn, thông minh hơn và dần dà trách nhiệm hơn với chính bản thân, với gia đình và với xã hội.

Hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là chúng ta đang gieo tình yêu thương để yêu thương trỗi dậy trong mỗi con người, vì chỉ có thấu hiểu mới có được yêu thương và yêu thương sẽ xóa đi những nỗi oán hờn. Vui mừng xiết bao, khi mỗi con trẻ lớn lên cảm nhận niềm vui mỗi khi làm điều tốt với người khác, và biết chùng lòng trước những hoàn cảnh đáng thương.

Sự trưởng thành của học trò, sự an vui của mỗi gia đình, của xã hội là niềm sung sướng của mỗi chúng ta, những người đi xây đắp tâm hồn và trí tuệ, đặt lên bệ phóng tương lai cho bao thế hệ.

Chúng ta có quyền tự hào về nghề của chúng ta!

Hạnh phúc vô bờ bến của nghề giáo là chúng ta nhìn thấy nụ cười trên môi con trẻ, nhìn thấy những cử chỉ ân cần của các em với mẹ, với cha với ông bà và những người thân thiết; và hơn thế đó là sự đổi thay, sự tử tế sau mỗi buổi đến trường.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh

Ngọn nguồn của giáo dục là sự tử tế, sự chân chính và yêu thương

Chúng ta đang sống và làm việc trong những ngày tháng có quá nhiều cung bậc cảm xúc, còn rất nhiều suy tư và trăn trở.

Khi người ta chưa vượt qua được cái tôi nhỏ bé, khi người ta chưa thương yêu được người khác như chính thương yêu mình thì sân si sẽ còn làm lòng ta trĩu nặng. Khi còn ý nghĩ hơn người chỉ là hơn về tiền bạc, hơn chỉ về địa vị là trên hết, mà quên rằng cái quý hơn là lẽ sống và cách sống của mỗi người, thì những này kia còn hiển hiện cũng là lẽ thường tình.

Dẫu sao, đừng để những xót xa, trĩu nặng xâm lấn vào hồn con trẻ. Mọi người hãy nhớ rằng, đừng vì những vị kỷ riêng tư, những gì bức xúc, bột phát, những chiều chuộng thái quá mà làm tổn thương thầy cô chân chính để rồi họ bất lực, buông xuôi thì con cái mỗi gia đình sẽ ra sao, trước khi nói đến những điều lớn lao hơn thế.

Với thầy cô, chúng ta đang đối diện với nhiều gian khó, cả về vật chất và tinh thần. Điều lấy làm lạ, đó là khi cuộc sống vật chất đã khá hơn, khi thời đại đã phát triển hơn thì những giá trị, những chuẩn mực đang bị xâm thực nhiều hơn. Đây là câu hỏi xót xa đối với bất kỳ ai tử tế, hơn cả là những người đang chăm sóc thế hệ tương lai.

Những vấn nạn đau lòng, con hỗn với cha, với mẹ; thậm chí đánh cha, đánh mẹ; trò chửi thầy, phụ huynh làm nhục thầy cô; thầy cô vướng vào những chuyện lùm xùm...  rồi anh em giằng xé đất đai và tan nát luôn cả tình máu mủ. Có những biện minh, đó là số ít. Vâng, có thể rất ít, nhưng xin đừng biện minh như thế mà hãy nhìn nhận một cách đúng mức hơn, căn cơ hơn, và hãy dám đối diện với nó để tìm cách hóa giải. Rừng sẽ cháy bắt đầu từ đốm lửa cỏn con, xin đừng quên điều đó.

Những đồng nghiệp của chúng ta giã từ chúng ta, giã từ nghề giáo. Buồn không, rất buồn. Chúng ta chia sẻ với họ và lấy làm tiếc nuối. Vì trong đó, không ít người vẫn đau đáu với nghề, với người; nhưng cơm gạo, áo tiền đã giằng xé họ và cuối cùng đành dứt áo ra đi. Đáng thương hay đáng trách cứ trĩu nặng lòng ta.

Hãy thương yêu học trò như chính thương yêu con cái của mình thì sẽ bớt đi nhiều điều đáng tiếc…; xin các bậc phụ huynh hãy thấu hiểu rằng, tất cả thầy cô chân chính đều mong muốn con cái họ tiến bộ, vì vậy hãy đồng hành với thầy cô, đừng làm tình yêu thương trở thành thương tổn.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh

Ngọn nguồn của giáo dục là sự tử tế, sự chân chính và yêu thương, khi người ta phải đành lòng giã từ những giá trị đó để theo đuổi mục đích khác thì vấn đề rất đáng lưu tâm đối với một xã hội.

Lẽ ra ở trường học chính là nơi có môi trường thân thiện, khoa học và văn minh nhất, nhưng không đơn giản như thế. Sinh viên của chúng ta ra trường, thu nhập là một phần, một phần nữa, chính một số đồng nghiệp chúng ta khi làm quản lý đã tạo nên những vòng kim cô, những cách thức làm việc có khi trái với nguyên lý giáo dục. Lẽ ra khuyến khích sáng tạo, lại gò ép, máy móc, tạo ra tâm lý sợ hãi và đó cũng là ngọn nguồn của chán nản. Có lúc, những thúc ép “ngoài” giáo dục, thúc ép hành chính, thúc ép thành tích đã buộc làm xê dịch lòng tự trọng nhà giáo. Cam chịu có khi thành đồng lõa.

Chúng ta cũng nghiêm túc nhìn lại chúng ta. Khi không tự soi, tự sửa thì khó mà tiến bộ. Có một số chỉ gán cho ngoại cảnh, và còn ai đó bảo thủ, ngại thay đổi, thích làm theo thói quen cố hữu, trong khi thời đại đã chuyển mình. Khi còn tâm lý như thế thì kêu ca và cùng với ngoại cảnh tác động dễ dẫn đến buông xuôi. Khi bản thân chúng ta chưa trân quý công việc của mình, chưa đem hết đam mê vì nó thì khó lòng để người khác tôn trọng việc mình làm.

Ảnh: Thành Đạt

Ảnh: Thành Đạt

Trẻ thơ là thế giới thần tiên, hãy đem đến nụ cười và niềm hứng khởi cho các em. Đừng đem đến cho các em sự hà khắc và nghiệt ngã, sự chán chường và thất vọng; đừng đem những mẹo mực để biến các em thành người mưu mẹo; đừng mở ra quá nhiều khóa học rồi bắt học sinh phải đi học mà hãy tạo nhiều hoạt động bổ ích, gần gũi với các em; đừng vì thành tích mà bắt chuyển trường những học sinh lực học còn khiêm tốn, đừng làm cho các em tổn thương vì mẹ cha còn chạy bữa hàng ngày…

Hãy thương yêu học trò như chính thương yêu con cái của mình thì sẽ bớt đi nhiều điều đáng tiếc; và các cấp quản lý, xin hãy để nhà giáo làm đúng thiên chức của họ; đừng bắt họ làm những điều trái với lương tâm để vấy bẩn lên danh dự người thầy; xin các bậc phụ huynh hãy thấu hiểu rằng, tất cả thầy cô chân chính đều mong muốn con cái họ tiến bộ, vì vậy hãy đồng hành với thầy cô, đừng làm tình yêu thương trở thành thương tổn.

Chúng ta nói đến trường học hạnh phúc và mong ước điều đó, nhưng có thực sự hạnh phúc khi những người xây đắp hạnh phúc đang bị tổn thương, dẫu biết rằng mong muốn là vô cùng và không có ngưỡng, nhưng ngưỡng tối thiểu để tạm hài lòng có dễ được đâu.

Chúng ta kỳ vọng những lời gan ruột của nhà giáo chân chính với sứ mệnh thiêng liêng của họ sẽ được sẻ chia bằng những chủ trương và chính sách thực tiễn hơn, kịp thời hơn và cùng với sự đồng hành của xã hội và của mỗi gia đình.

Ở đây, không phải kêu gọi sự rủ lòng thương mà cần có một sự nhìn nhận, đánh giá đúng mức để họ yên tâm làm tốt công việc của mình và chắc chắn mỗi nhà giáo đều hiểu điều kiện kinh tế xã hội của đất nước.

Giáo dục phải là một chân kiềng trong các trụ cột để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Phải chăng chúng ta đi quá xa hay vì chúng ta đi quá chậm mà sao không làm những việc gần gụi hơn với đời sống hàng ngày?

Vững niềm tin và sẵn sàng dấn thân cho những gì cao đẹp

Chúng ta đang ở giữa sự giằng xé của bổn phận, của tình cảm và khó khăn, trăn trở. Nhưng đừng để sự giằng xé đó lấn át thiện tâm của người thầy. Dù biết rằng, chuyện to, chuyện nhỏ từ nhà trường, đến gia đình, ra xã hội, liên quan đến học sinh, đến phụ huynh; cuối cùng đều quy kết đến giáo dục, đến thầy cô. Dù sao chăng nữa, thì đó là niềm tin vẫn dành cho chúng ta.

Những đồng nghiệp chúng ta đang cõng chữ lên non, đang thầm lặng hi sinh tuổi thanh xuân của họ để những đứa trẻ rẻo cao lớn lên trong khát vọng và  ấm áp yêu thương. Những sinh viên của chúng ta đang nhìn thấy khó khăn và họ đang sẵn sàng dấn thấn cho những gì cao đẹp. Lẽ nào ta lại chùn chân? Hãy cố gắng để những điều tốt đẹp choán nhiều hơn trong mỗi chúng ta, dẫu biết rằng sự bình tâm không hề dễ có.

Ảnh: Thủy Nguyên

Ảnh: Thủy Nguyên

Chúng ta không hề ảo tưởng, nhưng nếu vì những gì đó mà chững lại, mà buông xuôi thì con cháu chúng ta sẽ thế nào?

Những gia đình, xin đừng phó mặc con cái mình chỉ cho nhà trường, cho thầy cô và rồi chỉ đổ lỗi cho giáo dục. Nhà trường chỉ giáo dục những chuẩn mực cốt yếu, còn chính gia đình, chính xã hội là môi trường thực để mỗi học sinh thẩm thấu, chịu tác động nhiều nhất về hành vi và nhận thức của các em. Khi chỉ còn là quy kết, khi chỉ còn là đổ lỗi mà thiếu đi sự đồng hành và trách nhiệm thì khó lòng giáo dục tốt con người.

Hành trình đi đến tương lai, đi đến hạnh phúc của mỗi con người không thể thiếu giáo dục và do đó không thể thiếu người thầy. Hành trình phát triển bền vững của một đất nước không thể thiếu đi sự bồi đắp cội nguồn văn hóa, cốt cách và bản sắc của dân tộc đó, và giáo dục có một sự mệnh cao cả.

Hành trình để chiếm lĩnh tri thức và tạo ra tri thức phải bằng con đường học vấn, và giáo dục là con đường chính thống nhất để mỗi người đạt đến.

Một đứa trẻ lớn lên sẽ thế nào nếu thiếu đi sự giáo dục? Mỗi người hãy hình dung để tìm ra lời giải đáp và xác định trách nhiệm của chính mình.

Chúng ta luôn nhớ rằng, trong bức thư cuối cùng Bác Hồ gửi ngành giáo dục nước nhà, Bác đã căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Ảnh: Thủy Nguyên

Ảnh: Thủy Nguyên

Dù còn điều này, điều kia, nhưng mọi vận hành của xã hội đều phải đi đến tiến bộ và giáo dục là cách thức tối ưu để làm cho xã hội văn minh. Trong hành trình đó, người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng. Chúng ta có tâm tư, có trăn trở, nhưng hơn cả là giữ bản lĩnh, trau dồi tư cách và giữ trọn tình yêu thương với con trẻ. Đừng để nghèo khó bào mòn tình yêu thương và lòng tự trọng. Giữ vững niềm tin về những điều chân chính, chính là niềm tin tốt đẹp cho tương lai.

Đừng để nghèo khó bào mòn tình yêu thương và lòng tự trọng. Giữ vững niềm tin về những điều chân chính, chính là niềm tin tốt đẹp cho tương lai.
Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh

Chúng ta hy vọng xã hội, những bậc cha mẹ sẽ nhận ra và cùng đồng hành, vì ai đều cũng mong muốn con cái mình tiến bộ. Hãy để những nhà giáo chân chính làm đúng bổn phận và lương tâm của họ.

Nhân dịp 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, kính chúc các thế hệ nhà giáo, các thế hệ sinh viên, các đồng nghiệp và các bạn dồi dào sức khỏe, giữ vững niềm tin, bền chí để làm tốt hơn trọng trách cao quý của mình.

Ngày xuất bản: 19/11/2022
Tổ chức thực hiện: XUÂN KỲ - THANH HÀ
Nội dung: THANH HÀ
Trình bày: ĐỨC DUY