Việt Nam cố gắng tiếp cận nhanh nhất, nhiều nhất nguồn vaccine Covid-19



“Tiêm mũi nào an toàn mũi đó”

Gần 20 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 đã được Việt Nam triển khai gấp rút 5 tháng qua. Trong bối cảnh nguồn vaccine trên thế giới khan hiếm, khi chỉ còn hơn nửa năm nữa để đạt mục tiêu tiêm cho 70% dân số, Việt Nam đang khẩn trương triển khai chiến dịch ngoại giao vaccine một cách toàn diện, đồng thời đẩy nhanh quá trình nghiên cứu trong nước để tiến tới có được vaccine nhanh nhất, nhiều nhất nhằm tiêm chủng cho người dân.

An toàn đến từng mũi tiêm


Để đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần tiêm được 150 triệu liều vaccine cho khoảng 70% dân số vào đầu năm 2022. Tính đến ngày 31/8, cả nước đã tiêm được 19.966.724 liều vaccine, trong đó tiêm mũi 1 là 17.347.538 , tiêm mũi 2 là 2.619.186 liều. Tỷ lệ dân số đã tiêm 2 mũi là 3,61%.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phố phía nam, Bộ Y tế đang ưu tiên vaccine cho những điểm nóng này để nhanh chóng đạt được miễn dịch cộng đồng, hạ tới mức thấp nhất tỷ lệ ca nhiễm bệnh, trở nặng. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương có dịch cần tập trung tiêm nhanh chóng và an toàn cho người dân trong "vùng đỏ", cho người trên 50 tuổi.

Tại 19 tỉnh, thành phố phía nam, tính đến ngày 26/8, Bộ Y tế đã cấp 12.306.010 liều vaccine, trong đó đã triển khai tiêm chủng được 10.551.088 liều vaccine (đạt 85.7%), gồm có 9.900.585 liều mũi 1 và 650.503 liều mũi 2. Riêng TP Hồ Chí Minh đã triển khai tiêm chủng được 5.786.586 liều vaccine (đạt 81,6%), trong đó có 5.598.834 liều mũi 1 và 187.752 liều mũi 2.  Các địa phương đang triển khai tiếp nhận 810.150 liều vừa được phân bổ. 

Trong tình thế dịch chưa thể được khống chế, giãn cách xã hội, để nhanh chóng bao phủ tiêm chủng, TP Hồ Chí Minh đã triển khai các xe lưu động tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng tại trạm y tế lưu động hay hình thành đội tiêm lưu động, đội phản ứng nhanh đến tiêm cho các nhóm ưu tiên tại các khu cách ly, phong tỏa; tiêm cho người trên 65 tuổi, người khó khăn, yếu thế...

Để bảo đảm chiến dịch tiêm chủng lưu động an toàn, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, nhóm cán bộ triển khai tiêm lưu động đã được tập huấn, có chứng chỉ, có kiến thức xử trí được phản ứng nặng sau tiêm. Vì thế, dù tiêm lưu động hay tiêm cố định, ngành y tế cũng đặt ra mục tiêu cao nhất là “tiêm mũi nào an toàn mũi đó”.

Thời gian qua, nhiều địa phương cũng tận dụng đối những liều tiêm trong 1 lọ vaccine để tiết kiệm từng mũi tiêm. Tại Quảng Nam, đầu tháng 8, do nguồn vaccine Covid-19 có hạn, trong khi nhu cầu tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch quá lớn nên ngành y tế tỉnh này đã có những cách làm sáng tạo vừa tiết kiệm, đã sử dụng bơm tiêm 1cc, bố trí người tiêm đủ cho 1 lọ vaccine, mở rộng thêm nhiều đối tượng tiêm.

TS, BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế quảng Nam cho biết, với lọ vaccine AstraZeneca có thể tiêm tối đa 12-13 liều, các cán bộ y tế đã tận dụng hết. Đầu tiên là tiêm cho đối tượng ưu tiên, sau đó liều còn dư sẽ tiêm cho những cán bộ y tế tại cơ sở. Nhờ cách làm này, Quảng Nam đã tiêm tiết kiệm gần 3.000 liều vaccine dành cho các đối tượng ưu tiên.

Đánh giá về tỷ lệ phản ứng sau tiêm chủng, GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, không có loại vaccine nào trên thế giới có tính an toàn 100%. Các vaccine phòng Cocid-19 đều có thể có phản ứng không mong muốn, bao gồm phản ứng thông thường (phản ứng tại chỗ đau, sưng và/hoặc đỏ tại chỗ tiêm), phản ứng toàn thân (sốt và các triệu chứng khác như khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, phản vệ... với tỷ lệ rất hiếm gặp.

“Trên thế giới, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm khoảng 4 người/1 triệu mũi tiêm. Hiện nay, Việt Nam có hơn 19 triệu liều vaccine được tiêm, tỷ lệ người đi tiêm gặp phản ứng nặng thấp so với tỷ lệ chung trên toàn thế giới, phù hợp với số liệu chúng ta đã tham khảo, nghiên cứu các quốc gia khác. Việc tiêm chủng tại Việt Nam thời gian qua được Bộ Y tế triển khai an toàn, đạt hiệu quả cao. Chúng tôi khuyến cáo người dân hãy tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế để được tiêm an toàn”

Bộ Y tế khẳng định, tất cả các vaccine về Việt Nam đều được cấp phép lưu hành, trước khi đưa vào sử dụng, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo kiểm định chất lượng vaccine rất chặt chẽ. “Chúng tôi quan tâm đến an toàn cho người đi tiêm, “tiêm đến đâu an toàn đến đó”. Mong người dân tiếp tục hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng”, GS Đức Anh bày tỏ.

Trì hoãn tiêm chủng sẽ bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh Covid-19


Việt Nam đã cấp phép sử dụng khẩn cấp 6 loại vaccine gồm AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Gam-COVID-Vac (tên khác là Sputnik V), Vero Cell của Sinopharm, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, vaccine Janssen. Hiện Việt Nam chưa tiếp nhận vaccine Janssen.

Trong tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu, trong tháng 9 tới đây, nguồn vaccine về Việt Nam sẽ nhỏ giọt. Do đó, trước việc có một bộ phận người dân có suy nghĩ lựa chọn vaccine khác nhau để chờ tiêm chủng, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: “Bất kể vaccine nào được cấp phép lưu hành khẩn cấp bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bộ Y tế đều có tính an toàn như nhau, có tác dụng phòng chống Covid-19 như nhau. Vì thế, tôi khuyến cáo dù có bất kể loại vaccine nào, nếu được tiêm càng sớm càng tốt, không nên có tâm lý lựa chọn vì vaccine nào cũng sinh đáp ứng miễn dịch để chống lại nhiễm SARS-CoV-2”. 

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam chia sẻ, dù chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vaccine có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không nhưng việc tiêm vaccine chắc chắn sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Nhiều y, bác sĩ được tiêm 2 mũi vaccine, đã sinh kháng thể bảo vệ, dù nhiễm nCoV cũng không phải gặp bệnh cảnh nặng nề và họ vượt qua virus này giống như cảm cúm thông thường.

PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, không có vaccine nào là tuyệt đối an toàn, không vaccine nào hiệu quả bảo vệ 100%, vì vậy, mọi người dân cần tích cực đi tiêm chủng vaccine Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho mình và góp phần bảo vệ cộng đồng. Đừng trì hoãn tiêm chủng mà bỏ lỡ cơ hội phòng bệnh Covid-19.

Bộ Y tế cập nhật liên tục các hướng dẫn về tiêm chủng.

Bộ Y tế cập nhật liên tục các hướng dẫn về tiêm chủng.

Các địa phương triển khai tiêm chủng an toàn.

Các địa phương triển khai tiêm chủng an toàn.

Người dân sẽ được khám, tư vấn kỹ khi đến tiêm chủng.

Người dân sẽ được khám, tư vấn kỹ khi đến tiêm chủng.

Tăng cường tiếp cận vaccine cho người dân


Trước tình hình nguồn vaccine trên thế giới tiếp tục khan hiếm nghiêm trọng, ngày 13/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ các đối tác song phương và đa phương; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp cần triển khai.

Ngoại giao vaccine được xác định là một mũi nhọn rất quan trọng, là giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách, vừa lâu dài nhằm bảo đảm nguồn vaccine để bảo vệ sức khỏe nhân dân,

Theo Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chiến lược vaccine và ngoại giao vaccine được triển khai rất quyết liệt, bài bản ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo và tham gia trực tiếp rất quyết liệt, không câu nệ hình thức, ngoại giao song phương hay đa phương, điện đàm hay viết thư cho lãnh đạo các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế như WHO, các doanh nghiệp sản xuất vaccine.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan cùng với hơn 90 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc. Tính tới nay, lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, các đại sứ ta tại các nước đã thực hiện hàng trăm cuộc làm việc, trao đổi, tranh thủ tiếp cận các nguồn vaccine từ các quốc gia.

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Quốc gia với 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 1.060 xã, phường, quận, huyện, thị xã, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “vaccine tốt nhất là vaccine tiêm sớm nhất”; tiêm vaccine khoa học, ưu tiên tuyến đầu, chú ý những người làm dịch vụ, công nhân... Khuyến khích những chỗ nào xét nghiệm, tiêm vaccine thì khoanh vùng, “làm đâu dứt điểm đó”, “xanh hoá vùng vàng”; kết hợp vaccine với thuốc.

Hiện nguồn vaccine đang hiếm do chủng mới lây lan, do một số nước tiêm mũi thứ ba, nhưng Việt Nam phải bảo đảm phục vụ nhân dân trong tình hình này, do đó vẫn thực hiện các biện pháp 5K và công nghệ.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ và các cơ quan đang vào cuộc tích cực để tiếp cận các nguồn vaccine. Việc sản xuất vaccine trong nước đang có triển vọng nhưng phải tuân theo các thủ tục, quy trình, nhưng không vì thế mà để chậm trễ.

Với những nỗ lực trong chiến lược ngoại giao vaccine, tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận gần 24 triệu liều vaccine Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau.

Tại cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine vào chiều ngày 24/8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết, với những biện pháp hiệu quả và quyết liệt, trong tháng 8 và tháng 9 tới đây, mặc dù thế giới rất khan hiếm vaccine, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được thêm  vaccine nhiều hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại vaccine và giao vaccine theo các hợp đồng đã ký kết. Đây là kết quả có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay. Hy vọng từ nay đến cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Việt Nam sẽ bao phủ được vaccine Covid-19 cho 75% dân số.

Đối với nghiên cứu thử nghiệm vaccine Covid-19 trong nước, tại Việt Nam, hiện có 3 ứng viên vaccine Covid-19 được cấp phép thử nghiệm lâm sàng gồm: Vaccine Nano Covax (đang tiêm thử nghiệm giai đoạn 3), vaccine Covivac (chính thức chuyển sang giai đoạn 2) và vaccine ARCT-154 (nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ, đã kết thúc tiêm mũi 1 cho 100 người tình nguyện).

Trong đó, kết quả thử nghiệm giai đoạn 3a của vaccine Nano Covax đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia đánh giá đạt yêu cầu về tính an toàn, chấp thuận kết quả giữa kỳ giai đoạn 3a.

Vaccine Nano Covax đang được thử nghiệm giai đoạn 3. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Vaccine Nano Covax đang được thử nghiệm giai đoạn 3. (Ảnh: Báo Chính phủ)

Ngày 29/8, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đã họp xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vaccine Nano Covax.

Sau thời gian họp một ngày, Hội đồng tư vấn đề nghị doanh nghiệp khẩn trương bổ sung, cập nhật các nội dung hồ sơ dược lý lâm sàng về tính an toàn; tính sinh miễn dịch với các chủng mới; phân tích, bàn luận về mối liên quan giữa tính sinh miễn dịch của vaccine và hiệu quả bảo vệ tối thiểu 50% (theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO) dựa trên các dữ liệu y văn. Sau đó, báo cáo Hội đồng Đạo đức và Hội đồng tư vấn tiếp tục xem xét, thẩm định cuốn chiếu các kết quả nghiên cứu để có thể cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện trong trường hợp cấp bách.

Việt Nam cũng đã nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ một số nhà sản xuất. Trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus cấp giấy phép độc quyền và Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học VinBiocare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154 (dựa trên sáng chế vaccine ARCT-154 của Arcturus). Vaccine này có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…

VABIOTECH gia công, đóng gói vaccine Sputnik V.

VABIOTECH gia công, đóng gói vaccine Sputnik V.

Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm y tế (VABIOTECH) của Việt Nam đã ký kết hợp tác với RDIF về đóng ống vaccine phòng chống Covid-19 Sputnik V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô khoảng 100 triệu liều/năm. Ngày 21/7, đơn vị này đã hoàn thành việc gia công, đóng ống 30.000 liều vaccine Covid-19 Sputnik-V của Nga và hiện đã gửi 10.000 liều sang Nga để kiểm nghiệm...

Với việc thực hiện đồng bộ "kiềng ba chân" gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước, Chính phủ đang cố gắng tiếp cận nguồn vaccine nhanh nhất, nhiều nhất để tiêm chủng cho người dân và bảo đảm chúng ta có nguồn vaccine lâu dài và ổn định.

Tổ chức sản xuất: NGỌC THANH
Thực hiện: THẢO LÊ, THIÊN LAM, DUY KHÁNH, PHAN ANH
Ảnh: DUY LINH, Báo Chính phủ, VNVC