Việt Nam và Brunei đã thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Hai nước đã đạt được bước tiến quan trọng với việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2019. Điều này tạo tiền đề để quan hệ hai nước phát triển ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn. Thời gian qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei tiếp tục giữ đà phát triển tích cực.

Trong suốt chặng đường 30 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, mang lại thành quả trong nhiều lĩnh vực hợp tác.

BRUNEI: HÒN NGỌC XANH
CỦA ĐÔNG NAM Á

Nằm ở Đông Nam Á, Brunei gồm hai phần tách rời nhau nằm lọt trong bang Sarawak của Malaysia. Phía bắc của Brunei giáp Biển Đông, ba mặt còn lại có chung biên giới với Đông Malaysia. Với khoảng 70% diện tích là rừng, Brunei được mệnh danh là Hòn ngọc xanh của Đông Nam Á.

Với nguồn dự trữ dầu mỏ, khí đốt lớn, nền kinh tế Brunei phát triển chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu thô và khí tự nhiên. Với nguồn thu nhập lớn, dân số ít, Chính phủ Brunei đã thực hiện nhiều chính sách xã hội vì lợi ích của người dân, như chăm sóc sức khỏe miễn phí, hệ thống giáo dục tốt, cho người dân vay tiền với lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh…

Sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, quý III/2022, GDP của Brunei đã tăng trưởng trở lại. Brunei xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất vào các thị trường Malaysia, Australia và Singapore, chủ yếu là dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng; nhập khẩu nhiều nhất từ Malaysia, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm từ dầu mỏ như xăng, hóa chất, máy móc, thiết bị, linh kiện, lương thực và thực phẩm.

Trọng tâm của Brunei hiện nay là phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch, tiếp tục khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, các ngành dịch vụ và du lịch, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, nuôi trồng thủy hải sản.

Trọng tâm của Brunei hiện nay là phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch. Nguồn: AP/TTXVN

Trọng tâm của Brunei hiện nay là phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch. Nguồn: AP/TTXVN

Brunei là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Khối thịnh vượng chung…

Brunei có đường lối đối ngoại tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn, coi trọng và đề cao xây dựng Cộng đồng ASEAN, mong muốn thắt chặt quan hệ với các nước láng giềng. Brunei có quan hệ truyền thống với Anh, Singapore, Malaysia, Australia và có quan hệ gần gũi với các nước OIC.

Từ nửa cuối năm 2022, Brunei đã có các hoạt động đối ngoại sôi động, gần như lấy lại nhịp độ trước đại dịch với nhiều chuyến thăm cấp cao song phương, tham gia đầy đủ các khuôn khổ đa phương mà Brunei là thành viên, từ khu vực đến quốc tế, cấp cao và các cấp.

Brunei Darussalam

Thủ đô: Bandar Seri Begawan
Quốc khánh: 23/2/1984
Diện tích: 5.769km2
Khí hậu: nhiệt đới xích đạo, nóng, ẩm.
Dân số: 430.000 (2021)
Dân tộc: người Mã Lai, người Hoa, thổ dân và các dân tộc khác.
Ngôn ngữ: tiếng Mã Lai (chính thức), tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Đơn vị tiền tệ: BND (Brunei Dollar)
GDP: Hơn 18 tỷ BND (khoảng 13,5 tỷ USD) (2021).
GDP/đầu người: khoảng 43.772 BDN (tương đương 31.568 USD) (2021).        
Tôn giáo: Hồi giáo (chính thức), Phật giáo, Thiên chúa giáo, tín ngưỡng bản xứ và tôn giáo khác.

HỢP TÁC
TOÀN DIỆN THỰC CHẤT

TĂNG CƯỜNG
TIN CẬY LẪN NHAU

Trên nền tảng quan hệ Đối tác toàn diện, trong những năm qua, hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực. Sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên tiếp tục được củng cố thông qua duy trì hiệu quả trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, các cấp, cũng như cơ chế hợp tác song phương.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah tại Phủ Chủ tịch, ngày 27/3/2019. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah tại Phủ Chủ tịch, ngày 27/3/2019. Ảnh: VGP

Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo hai nước luôn đánh giá cao quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai bên; bày tỏ tin tưởng khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác sâu rộng, thực chất hơn.

Được thành lập tháng 6/2000, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Brunei Darussalam (JCBC), do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm Chủ tịch phân ban, là cơ chế hợp tác để hai bên rà soát và định hướng phát triển quan hệ hai nước, đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Brunei Darussalam (JCBC), ngày 7/9/2022. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Kỳ họp lần thứ 2 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam-Brunei Darussalam (JCBC), ngày 7/9/2022. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Hai bên đã tiến hành hai kỳ họp vào năm 2017 và 2022, đạt được nhất trí về nhiều nội dung hợp tác trong từng giai đoạn, trong đó có thúc đẩy xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei giai đoạn 2023-2027. Chương trình hành động sẽ tạo khuôn khổ mới thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong những lĩnh vực đã triển khai, cũng như các lĩnh vực tiềm năng.

KHAI THÁC
TIỀM NĂNG HỢP TÁC

Trong bối cảnh đại dịch, hợp tác thương mại giữa hai nước được duy trì và thúc đẩy.

Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 310 triệu USD, tăng 10,3% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu 275 triệu USD, chủ yếu là hóa chất; xuất khẩu 35 triệu USD, chủ yếu là mặt hàng hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 725,8 triệu USD. Ảnh: Quang Hưng

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 725,8 triệu USD. Ảnh: Quang Hưng

Năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều đã có bước tiến tích cực, đạt 725,8 triệu USD, tăng 134% so với năm 2021. Theo đó, kim ngạch thương mại song phương đã vượt mục tiêu 500 triệu USD vào năm 2025 mà lãnh đạo hai nước đã đề ra. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy hợp tác kinh tế giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ và còn nhiều tiềm năng để khai thác.

Trong bối cảnh hai nước đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế hậu đại dịch, hai bên thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực tiềm năng, như: nông lâm thủy sản, thực phẩm Halal, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng; thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác, tham gia vào các liên doanh.

Về đầu tư, tính đến tháng 12/2022, Brunei đứng thứ 26/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 157 dự án có hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 971 triệu USD, tập trung các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và kinh doanh bất động sản. Các dự án đầu tư của Brunei có mặt tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Thái Bình và Phú Thọ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc, tháng 11/2022. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc, tháng 11/2022. Ảnh: TTXVN

Hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác cũng đạt được các bước tiến triển tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.

Về quốc phòng-an ninh, hợp tác giữa hai nước được tăng cường trong khuôn khổ song phương và ASEAN. Hai nước tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng song phương, trong đó trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, trao đổi thông tin và phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn.

Hợp tác biển là một trong những trụ cột chính để triển khai nội hàm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei, vì lợi ích quốc gia của mỗi nước. Nhận thức rõ điều này, hai bên thúc đẩy hợp tác biển và đại dương, trong đó có các hoạt động: triển khai hiệu quả đường dây nóng về hỗ trợ các hoạt động nghề cá, triển khai liên doanh khai thác, mở rộng hợp tác nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, đối phó các thách thức an ninh trên biển…

Công viên quốc gia Ulu Temburong, Brunei. Ảnh: wikipedia

Công viên quốc gia Ulu Temburong, Brunei. Ảnh: wikipedia

Về hợp tác du lịch, Việt Nam và Brunei đã miễn thị thực cho công dân của mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông đi du lịch; đang đàm phán nhằm kéo dài thời hạn miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông, ngoại giao và công vụ. Hai nước có một đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh-Brunei do Hãng hàng không quốc gia Brunei khai thác từ năm 2014. Đều đã mở cửa trở lại, hai bên nhất trí thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm du lịch và khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu mở thêm các đường bay thương mại giữa hai nước nhằm tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế, văn hóa và du lịch.

Thủy sản là một trong những lĩnh vực hai nước đang chú trọng hợp tác. Ảnh minh họa: TTXVN

Thủy sản là một trong những lĩnh vực hai nước đang chú trọng hợp tác. Ảnh minh họa: TTXVN

Về hợp tác nông nghiệp, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản; tiến hành dự án thí điểm trồng lúa nước tại Brunei nhằm hỗ trợ nước này bảo đảm an ninh lương thực. Hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, giáo dục, giao lưu nhân dân… cũng được hai bên chú trọng phát triển.

THÚC ĐẨY
HỢP TÁC KHU VỰC

Trong hợp tác đa phương, Việt Nam và Brunei phối hợp chặt chẽ, hiệu quả tại các diễn đàn, tổ chức khu vực, quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, ASEAN. Hai bên cũng ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong năm 2020 và 2021, Việt Nam và Brunei lần lượt đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN. Hai bên đã tích cực ủng hộ sáng kiến của nhau, góp phần giúp ASEAN duy trì đối thoại, hợp tác và ứng phó kịp thời với những thách thức chưa từng có, đưa các nước thành viên vượt qua dịch bệnh và từng bước phục hồi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Brunei trong khuôn khổ Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN (tháng 4/2021). Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Brunei trong khuôn khổ Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN (tháng 4/2021). Ảnh: VGP

Việt Nam và Brunei tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong ASEAN, cũng như tại các khuôn khổ đa phương khác, nhằm tăng cường vị thế quốc tế của mỗi nước, cũng như góp phần củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, góp phần duy trì hoà bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên cũng chia sẻ quan điểm và nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ, phát huy các nguyên tắc và lập trường chung của ASEAN trong quan hệ với các đối tác, cũng như trong thúc đẩy thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Ngày xuất bản: 9/2/2023
Tổ chức thực hiện: CHU HỒNG THẮNG-PHẠM TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NINH SƠN-NHƯ NGỌC
Trình bày: DIỆU THU
Nguồn tư liệu: Bộ Ngoại giao
Ảnh: Báo Nhân Dân, Bộ Ngoại giao, VGP, TTXVN