
VỀ PÁC BÓ - NƠI BÁC HỒ TRỰC TIẾP LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG VIỆT NAM
Cách đây 84 mùa Xuân, ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về Pác Bó, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngày nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó được xây dựng khang trang, sạch đẹp, xứng tầm, trở thành địa chỉ “đỏ” du lịch về nguồn giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.
"ĐỊA CHỈ ĐỎ" DU LỊCH VỀ NGUỒN
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 55 km. Khu di tích thuộc địa phận xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, thuộc địa phận xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, thuộc địa phận xóm Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Tại nơi đây, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và 5 đồng chí đã trở về nước qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Xúc cảm trước khoảnh khắc thiêng liêng đặc biệt ấy, cố nhà thơ Tố Hữu đã viết những vần thơ còn vang vọng đến hôm nay và mãi mãi mai sau:
...“Ôi sáng xuân nay, Xuân 41
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về...Im lặng. Con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ
Bác đã về đây Tổ quốc ơi
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi người
Ba mươi năm ấy chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi!”...
(Trường ca theo chân Bác)
Nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng của các cấp, các ngành và địa phương, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó đã được xây dựng khang trang, xứng tầm trở thành địa chỉ “đỏ” du lịch về nguồn của đông đảo du khách gần xa.
Đồng chí Đào Văn Mùi, Giám đốc Ban quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng chia sẻ, trong năm 2024, Ban quản lý đã đón tiếp hàng trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, dâng hương, dâng hoa báo công với Bác tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khu di tích.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tọa lạc trên ngọn đồi cao, quanh năm gió lộng.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó tọa lạc trên ngọn đồi cao, quanh năm gió lộng.
Trong khu di tích, tọa lạc trên 1 ngọn đồi cao là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình được xây dựng với sự hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và tỉnh Nghệ An. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, đón khách đến dâng hương, dâng hoa vào tháng 5/2011, nhân dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Người.
Ở phía dưới, đối diện với sân trung tâm trong Khu di tích là cột mốc Km0 đường Hồ Chí Minh. Đây là điểm khởi đầu của một tuyến giao thông huyết mạch quốc gia kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau với tổng chiều dài 3.167 km. Địa điểm cột mốc Km0 đường Hồ Chí Minh là điểm check-in, chụp ảnh lưu niệm được yêu thích khi đến Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Đi tiếp vào phía trong Khu di tích, du khách sẽ đến suối Lê Nin, núi Các Mác, nơi đây, trong những ngày tháng sinh hoạt, làm việc tại Pác Bó, Người đã làm bài thơ Pác Bó hùng vĩ:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê Nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Tiếp tục hành trình, vào phía trong Khu di tích, du khách sẽ được chiêm ngưỡng phong cảnh sơn thủy hữu tình, với dòng suối Lê Nin trong xanh, uốn lượn chảy rì rào như đang kể lại chuyện xưa, năm xưa, Bác đã ở đây, sinh hoạt, làm việc, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Tại cụm di tích đầu nguồn Cốc Bó, có hang Cốc Bó, nơi Bác Hồ đã ở, làm việc trong những ngày đầu mới về nước. Tại nơi đây có chiếc bàn đá Người đã ngồi làm việc trong những năm tháng đó.
Tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, du khách Trần Minh Hưng đến từ Thủ đô Hà Nội xúc động chia sẻ: "Tới Khu di tích giúp tôi thêm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh,vị lãnh tụ kính yêu, Người cha già dân tộc đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì dân, vì nước, vì hạnh phúc của Nhân dân".
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ LỊCH SỬ KHU DI TÍCH
Bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, những năm qua, Ban quản lý các khu di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng quan tâm nghiên cứu, tham mưu, phối hợp thực hiện hiệu quả công tác đầu tư, tôn tạo, phá huy giá trị di tích.
Đồng thời, Ban quản lý quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên vững về nghiệp vụ, truyền cảm trong giọng nói thuyết minh, giới thiệu về Khu di tích.
Hiện, Ban quản lý có đội ngũ hướng dẫn viên 12 người. Trong đó, có hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, sẵn sàng đón tiếp, thuyết minh, phục vụ du khách.
Giúp người dân xóm Pác Bó có sinh kế bền vững, cải thiện, nâng cao thu nhập từ phát triển du lịch, Ban quản lý quy hoạch, bố trí hệ thống quầy hàng bán đồ lưu niệm và sản phẩm địa phương ngăn nắp, phù hợp, tạo điều kiện cho người dân địa địa phương tham gia làm dịch vụ phục vụ du khách.
Đầu năm 1941, Nguyễn Ái Quốc cùng 5 đồng chí đã về nước và ở tại nhà ông Lý Quốc Súng, sau đó chuyển vào hang Cốc Bó, hang Lũng Lạn và lán Khuổi Nặm. Tại đây, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, đã diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã nhận định rõ tình hình trong nước và thế giới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.
Ngày 22/12/1944, tại rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, gồm 34 chiến sĩ, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Trong giai đoạn này, Bác đã biên soạn nhiều tài liệu như: Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô, Cách đánh du kích, Điều lệ Đảng, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Thanh niên cứu quốc và đặc biệt là biên soạn bức thư Kính cáo đồng bào (ngày 06/6/1941), kêu gọi toàn dân đoàn kết đánh kẻ thù chung là thực dân Pháp, phát xít Nhật và Việt gian, giành độc lập, tự do.
Bà Hoàng Thị Phần, ở xóm Pác Bó, xã Trường Hà, là con dâu của lão thành cách mạng Hoàng Thị Khìn (người đưa cơm phục vụ Bác Hồ trong những ngày tháng Bác ở Pác Bó) chia sẻ, vào các dịp lễ, Tết rất đông du khách đến tham quan Khu di tích. Đặc biệt là trong các ngày 30/4, 1/5, dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác 19/5 và Quốc khánh 2/9.
"Nhờ được hỗ trợ, bố trí làm dịch vụ bán hàng, chụp ảnh cho du khách trong Khu di tích, thu nhập của gia đình tôi được cải thiện, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc", bà Phần nói.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã và đang tiếp tục được đầu tư, tôn tạo xứng tầm, trở thành địa chỉ “đỏ” du lịch về nguồn đối với đông đảo du khách gần xa.
Đông đảo du khách thuộc nhiều thế hệ đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó trong những ngày lễ, Tết.
Đông đảo du khách thuộc nhiều thế hệ đến tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó trong những ngày lễ, Tết.
Xuất bản ngày: 30/1/2025
Chỉ đạo nội dung: Lê Hồng Vân
Nội dung: Minh Tuấn
Trình bày: Sơn Bách
Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng, Báo Nhân Dân