Bước chân trên mây của vận động viên Vũ Lan - phóng viên Báo Nhân Dân.

Bước chân trên mây của vận động viên Vũ Lan - phóng viên Báo Nhân Dân.

Những ngày thu tháng 10, các diễn đàn, hội nhóm đam mê xê dịch lại xôn xao, náo nức với từ khóa “mùa hoa chi pâu mỗi năm chỉ nở một lần” hay “chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù” trong những bài “review” (đánh giá) ngập tràn cảm xúc, những khung hình lung linh như chốn bồng lai tiên cảnh… Tuy vậy, bạn có biết “chi pâu” là hoa gì? Đỉnh núi Tà Chì Nhù nằm ở đâu? Rằng còn có hẳn một ca khúc rất hay và độc đáo dành riêng cho giới phượt thủ leo Tà Chì Nhù?

Săn mây, đón gió, thưởng trăng, ngắm hoa…

Trận mưa rất to trên đỉnh núi cũng không làm giảm niềm hạnh phúc của những tốp vận động viên lên sau.

Trận mưa rất to trên đỉnh núi cũng không làm giảm niềm hạnh phúc của những tốp vận động viên lên sau.

Lán nghỉ 2.400m quanh năm ẩn hiện trong mây.

Lán nghỉ 2.400m quanh năm ẩn hiện trong mây.

Bước chân trên mây của vận động viên Vũ Lan (phóng viên Báo Nhân Dân).

Bước chân trên mây của vận động viên Vũ Lan (phóng viên Báo Nhân Dân).

Tôi đã mường tượng ngay hành trình của mình như vậy khi may mắn biết đến và đăng ký thành công giải leo núi “Bước chân trên mây”, do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cùng Công ty du lịch Hưng Việt tổ chức đầu tháng 10 vừa qua. Và mặc dù đã từng đi trekking vài đỉnh núi khác, lần này, tôi vẫn mang tâm thế như lần đầu tiên. Cũng đúng thôi, đây chính xác là lần đầu tiên có một giải leo núi dành riêng cho các phóng viên, nhà báo trên cả nước. Cùng với gần 100 đồng nghiệp, tôi sẽ trải qua một thử thách về sức khỏe và ý chí giữa núi rừng hùng vĩ, để chạm tới đỉnh núi cao nhất tỉnh Yên Bái và cao thứ bảy ở Việt Nam: Tà Chì Nhù.

Đỉnh Tà Chì Nhù nằm trên địa bàn xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là một phần của khối núi Pú Luông thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn. Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m, độ khó trung bình - theo kinh nghiệm của dân leo núi truyền nhau. Sau 260km từ Hà Nội lên thị trấn Trạm Tấu, chúng tôi được ban tổ chức tiếp đón chu đáo tại hai khu lưu trú rất đẹp và gần gũi thiên nhiên.

Bước chân trên mây của porter H’Mông, vừa đi anh còn vừa thổi khèn động viên tinh thần đoàn nhà báo.

Bước chân trên mây của porter H’Mông, vừa đi anh còn vừa thổi khèn động viên tinh thần đoàn nhà báo.

Tinh mơ hôm sau, các vận động viên đã sẵn sàng trang phục và tinh thần được xe đưa từ trung tâm huyện di chuyển qua xã Hát Lừu, xã Xà Hồ, qua bản Sáng Pao để đến điểm tập kết là khu Mỏ Chì. Trời mưa tầm tã suốt mấy ngày trước đó, đúng đến hôm thi đấu thì tạnh. Chúng tôi đều phấn chấn, song cũng lường trước đường sẽ trơn trượt, mây mù.

Sau bữa sáng gọn nhẹ, hiệu lệnh xuất phát vang lên, đoàn leo núi thẳng tiến theo con đường gần như độc đạo. Chao ôi, biết trước đường leo Tà Chì Nhù nổi tiếng với những con dốc cao chót vót ngay từ chặng đầu, tôi vẫn phải tìm những ý nghĩ tích cực nhất để động viên mình không bỏ cuộc, đồng thời cũng rất nể phục những anh chị đi xăm xăm dẫn đoàn cứ như đi đường bằng vậy!

Đó chính là ca từ của bài hát “Tà Chì Nhù”, được nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc theo lời thơ của tác giả Myo. Giai điệu bắt tai hùng tráng và dồn dập, hòa với giọng hát vang ngân, ngắt nghỉ gợi liên tưởng đến từng quãng lấy hơi của người lữ khách. Lúc này, nghe bài hát thấy càng hợp cảnh hợp tình.

Tôi hỏi A Phang, anh bạn porter (người dẫn đường và gùi hàng) người H’Mông, về cái tên Tà Chì Nhù và được giải thích trong tiếng H’Mông nghĩa là “núi chân trâu”. Người H’Mông bản địa còn có một tên gọi khác cho đỉnh núi này là Chung Chua Nhà, còn với người Thái thì là Phu Song Sung.

Chỉ sau hơn 2 giờ bắt đầu, cuộc đua tài đã tìm được người chiến thắng là anh Phạm Minh Thành, nhà báo từ Đài Truyền hình Việt Nam.

Tôi cùng vài nữ đồng nghiệp phía sau “bắt sóng” nhau và cùng tự động viên, quyết lên được đỉnh. Chỉ 300m nữa là tới đích thì trời đổ mưa nặng hạt. Không khí loãng, gió lớn, mưa to, đất nhão nhoét khiến một con dốc ngắn trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Rồi trong màn mưa mù mịt ấy, tôi đã thấy một thảo nguyên hoa đủ màu: vàng, trắng, hồng, tím… tuy không rực rỡ như những bức ảnh ngày nắng nhưng vẫn đầy sức sống. Loài hoa chi pâu cũng ở ngay đây, từng bông bé xíu, mong manh nhưng mọc ken nhau thành một thảm dày.

Hoa chi pâu có tên khoa học là swertia - cỏ mật rồng hay đại tử đương dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn). Cái tên chi pâu bắt nguồn từ vài mẩu chuyện tếu táo lan truyền trên mạng, khi người Kinh hỏi người H’Mông đây là hoa gì, câu trả lời là "tsi pau" (phiên âm là chi pâu, có nghĩa là “không biết”). Cách gọi dân dã, đáng yêu cứ thế tự nhiên biến thành chính thức, mời gọi biết bao người tìm đến thưởng lãm mùa hoa.

Hoa chi pâu có tên khoa học là swertia - cỏ mật rồng hay đại tử đương dược (nghĩa là cây thảo dược có hạt lớn). Cái tên chi pâu bắt nguồn từ vài mẩu chuyện tếu táo lan truyền trên mạng, khi người Kinh hỏi người H’Mông đây là hoa gì, câu trả lời là "tsi pau" (phiên âm là chi pâu, có nghĩa là “không biết”). Cách gọi dân dã, đáng yêu cứ thế tự nhiên biến thành chính thức, mời gọi biết bao người tìm đến thưởng lãm mùa hoa.

Đỉnh Tà Chì Nhù chào đón chúng tôi, tốp vận động viên… gần cuối, với một chóp inox nhỏ giữa bốn bề mưa rơi gió táp. Các thành viên ban tổ chức vẫn ở đó kiên nhẫn chờ đợi và chúc mừng. Không có giải, cũng chẳng “check-in” được với hoa chi pâu trứ danh, song tới được đây nghĩa là tôi đã chiến thắng chính bản thân, đã vượt qua được nỗi sợ hãi và chán nản trước địa hình cùng thời tiết khắc nghiệt dọc đường.

Như được bù đắp cho chặng lên, chúng tôi xuống núi chỉ một chốc là mưa tạnh, bầu trời xanh ngắt hiện ra cùng biển mây trắng muốt, tinh khôi, bồng bềnh như tuôn trào trên các sườn núi, cảm tưởng với tay ra là chạm vào được.

Buổi tối, cả đoàn nghỉ tại lán ở độ cao 2.400m. Sau một ngày mệt nhoài, bữa cơm tối đậm đà hương vị núi rừng sao mà ngon đến thế! Quan trọng nữa là ở đây không sóng điện thoại, không internet, không áp lực công việc hay học hành. Trong không khí thân tình ấm áp, trăng sáng trên đầu, mây vờn dưới chân, chúng tôi rôm rả chuyện trò, chia sẻ với nhau bao điều thú vị vừa trải nghiệm.

Những bước chân hạnh phúc trên mây

Chuyến leo núi Tà Chì Nhù khiến tôi hiểu rằng hãy cứ lên đường, quăng mình vào một hành trình mới với ít kỳ vọng và không so sánh. Dù gặp phải bối cảnh không thuận lợi, bạn cũng vẫn sẽ nhận được những xúc cảm phong phú, ngay cả trước những bông hoa dại bị mưa rừng vùi dập.

Tà Chì Nhù không chỉ có mỗi mây hay hoa mà thực sự là một bức tranh đại ngàn thênh thang, hoang sơ trong từng khoảnh khắc, từ khi mặt trời đỏ rực ló rạng đến lúc màn đêm phủ lên tấm áo choàng đen thẫm dát đầy những ngôi sao bạc lấp lánh. Để cho đất bùn phủ kín đôi chân, để cho mưa làm ướt áo rồi nắng lại hong khô, để thiên nhiên nơi hoang dã trả lại cho tâm hồn cảm giác tự do và nguyên bản mà cuộc sống thị thành bấy lâu nay đã cuốn đi ít nhiều… Với mỗi người, đó chính là niềm hạnh phúc ở trên mây -  cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Hơn thế nữa, Tà Chì Nhù mang tới cơ hội gặp gỡ những người bạn cả cũ lẫn mới. Chúng tôi người nam kẻ bắc, người làm báo viết, người chuyên quay phim, có cô phóng viên mới ra trường và cũng có bác nhiếp ảnh gia đã trải qua tới hơn 60 mùa hoa chi pâu… Không chỉ là đồng nghiệp, chúng tôi còn có chung niềm đam mê, sự đồng lòng. Mặc dù là một cuộc thi, ai cũng nỗ lực hết mình để đạt thành tích tốt nhất, song tinh thần thể thao còn thể hiện ở những màn tương trợ vượt suối, leo dốc, chia nước, nhường thức ăn… Và tất nhiên, có cả giúp nhau chụp ảnh check-in, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Cùng với vài vận động viên có tốc độ tương đương, tôi vượt được đoạn dốc ngược, xuyên tán rừng, lội suối, băng qua sống núi “lưng khủng long”.

Sương dày đặc, mây xám xịt, song phong cảnh vẫn rất ngoạn mục.

Trận mưa rất to trên đỉnh núi cũng không làm giảm niềm hạnh phúc của những tốp vận động viên lên sau.

Nhà báo Phạm Trung Kiên đến từ Truyền hình Quốc hội đã cảm tác thành thơ: Lần đầu lên đỉnh thành tiên/ Đạp mây, rẽ gió trên miền núi cao/ "Bước chân trên mây" tuyệt sao/ Tà Chì Nhù ấy siết bao chân tình/ Trạm Tấu nho nhỏ xinh xinh Ẩn mình ấm đượm nặng tình Chi Pâu/ Đúng là lên đỉnh lần đầu/ Cùng trăm "báo thủ", quá ngầu, Giàng ơi/ Dù cho thân xác rã rời/ Mà tim ấm nóng trên trời bay bay/ Cảm ơn “Bước chân trên mây”/ Cảm ơn tất cả đời này không quên/ Để cho ta thấy yêu thêm/ Những giây phút ngọt êm đềm đã qua…

Hờ Sua, nữ hướng dẫn viên người H'Mông tích cực chia sẻ trên các mạng xã hội để thu hút du khách đến với mùa hoa chi pâu.

Hờ Sua, nữ hướng dẫn viên người H'Mông tích cực chia sẻ trên các mạng xã hội để thu hút du khách đến với mùa hoa chi pâu.

Còn đối với nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền (Báo Yên Bái), người ẵm giải “vận động viên nam cao tuổi nhất”: “Các năm 2018, 2019, 2021 và 2023 - 4 lần tôi chinh phục thành công đỉnh Tà Chì Nhù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Mỗi lần leo là một cảm xúc khác nhau và vô tận! Tuổi cũng đã cao mà vẫn không biết chán. Hứa hẹn năm sau lại leo núi tiếp!”.

Đâu chỉ các vận động viên, chính thành viên Ban tổ chức cũng góp những “bước chân trên mây”. Được biết, từ một lần trải nghiệm leo núi Tà Chì Nhù để săn mây và ngắm cánh rừng rêu phong cổ tích, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam Trần Ngọc Hà nảy ra ý tưởng tổ chức giải leo núi dành riêng cho người làm báo, nhận được sự ủng hộ của Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Khang A Chua để cùng ấp ủ kế hoạch.

Sau một quá trình chuẩn bị, giải “Bước chân trên mây” không chỉ trở thành hiện thực mà còn diễn ra an toàn, lập những kỷ lục chưa từng có: lần đầu tiên có một đoàn vận động viên gồm gần 100 nhà báo trên đỉnh Tà Chì Nhù, nhà vô địch về đích với thời gian 2 giờ 9 phút, số người tham gia đoàn leo núi đông nhất (gần 270 người bao gồm hướng dẫn viên, porter, lực lượng quân đội, công an, y tế...).

Thật vui và tự hào khi ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc Công ty thương mại và du lịch Hưng Việt thông báo với chúng tôi: “Sau khi giải leo núi “Bước chân trên mây” thành công, số lượng khách lên Trạm Tấu tăng vọt, đặc biệt là nhu cầu đi leo Tà Chì Nhù ngắm hoa chi pâu và săn mây. Để thuận tiện cho du khách đi lẻ hoặc đoàn nhỏ có nhu cầu đi du lịch Trạm Tấu hoặc leo núi với chi phí hợp lý và an toàn, công ty đã mở thêm tour ghép 2 ngày 2 đêm, xuất phát từ Hà Nội, khởi hành hằng tuần”.

Tôi nhớ đến những porter người H’Mông khoẻ mạnh, thân thiện, nhiệt tình mình đã gặp, hoặc nghe giới leo núi giới thiệu cho nhau khi chọn leo Tà Chì Nhù. Lù A Cu, A Sùng, A Súa, vợ chồng Hờ Sua… cùng hàng trăm người dân bản địa khác đã và đang thay đổi cuộc sống rất nhiều từ khi du lịch chạm đến vùng đất này.

Cộng đồng của họ nhiều đời cần mẫn trồng trọt, chăn nuôi dê, ngựa trên những ngọn núi cao ngút ngàn nơi lưng chừng trời. Họ giờ đây cũng rảo bước trên mây, nhưng với nguồn thu nhập tốt hơn rất nhiều từ việc giúp du khách Việt Nam và cả người nước ngoài tìm đến thiên nhiên, trải nghiệm cảnh quan tuyệt đẹp của quê hương Trạm Tấu.

Gia đình tôi làm trại chăn nuôi trên đỉnh Tà Chì Nhù gần 20 năm qua, am hiểu cung đường, đồng thời được tham gia nhiều lớp tập huấn về phát triển du lịch của huyện.

(Anh Thào A Páo, chủ lán nghỉ 2.400m)

Năm 2020, thấy nhu cầu chỗ ăn, ngủ của khách leo Tà Chì Nhù ngày càng lớn, tôi cùng vài người bà con xây dựng lán nghỉ này.

(Anh Thào A Páo, chủ lán nghỉ 2.400m)

Hiện, chúng tôi đã kết nối với hàng chục công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh.

(Anh Thào A Páo, chủ lán nghỉ 2.400m)

Tôi cũng bất giác mỉm cười khi nghĩ về cô bé porter người H’Mông thoáng gặp trên đường leo núi, chỉ một khoảng trò chuyện ngắn ngủi nhưng vui vẻ mà tôi biết em đang học lớp 12, không bị bố mẹ bắt lấy chồng sớm. Công việc dẫn đường, hỗ trợ du khách vào những dịp cuối tuần giúp em kiếm thêm thu nhập cho bản thân, phụ giúp gia đình và nuôi những dự định riêng…

Phát triển du lịch xanh: hướng đi bền vững

Huyện Trạm Tấu là một trong những địa phương xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái với địa hình đồi núi chia cắt, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống rải rác với nếp nghĩ, cách làm phần nào lạc hậu. Song, thời gian gần đây, những dãy núi trùng điệp, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những bản làng ẩn hiện trong mây phủ, những điệu múa, tiếng khèn đậm đà bản sắc dân tộc… lại trở thành lợi thế được người dân vùng cao tận dụng để phát triển các dịch vụ du lịch, thu hút du khách một cách bền vững, hài hoà giữa con người và thiên nhiên.

Năm 2013, tôi có dịp đi qua Trạm Tấu song không tìm được chỗ nghỉ nên đành di chuyển sang huyện bên cạnh. Đúng một thập kỷ sau trở lại, Trạm Tấu đã trở thành điểm đến hấp dẫn với hàng loạt sản phẩm du lịch phục vụ mọi đối tượng du khách.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu không kể đến trải nghiệm tắm suối khoáng nóng đã gần như phục hồi hoàn toàn sức khoẻ thể chất, tinh thần chúng tôi sau chặng leo núi Tà Chì Nhù. Với sự chu đáo của Ban tổ chức, đoàn được nghỉ ngơi tại Hợp tác xã du lịch Cường Hải, hay thường được gọi là homestay Suối khoáng nóng Cường Hải - vốn rất nổi tiếng trên mạng và thường xuyên kín phòng. Nguồn khoáng nóng tự nhiên được dẫn vào hai khu bể 38 độ C và 42 độ C ngoài trời, khách vừa ngâm mình thư giãn, vừa được ngắm nhìn ruộng bậc thang và bản làng thơ mộng.

Theo chủ nhà Vũ Mạnh Cường, vốn là một thầy giáo sinh ra và lớn lên ở Trạm Tấu, khu nghỉ dưỡng này được anh gây dựng từ năm 2017 với định hướng ngay từ đầu là kiến trúc mộc mạc nhưng phục vụ chuyên nghiệp, giữ bản sắc địa phương và tôn trọng môi trường.

Trạm Tấu còn có homestay Đồi chè, Xoè, Heaven Hill, Zoni Home… những cái tên cũng rất đặc sắc. Tất cả đều sạch đẹp và lấy cảm hứng từ nếp nhà của đồng bào dân tộc, tận dụng tre, gỗ, cọ, đá… với sắc màu đơn giản mà thân thiện, không phá vỡ khung cảnh chung quanh.

Sự chân chất và nhiệt tình của người dân… góp phần khiến du khách nhớ mãi không quên Trạm Tấu.

Sự chân chất và nhiệt tình của người dân… góp phần khiến du khách nhớ mãi không quên Trạm Tấu.

Chủ trương, chính sách của huyện là hướng dẫn, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh sửa chữa, cải tạo nhà, thiết lập dịch vụ, xây dựng danh sách món ăn truyền thống, duy trì các sinh hoạt văn nghệ dân gian.

Nếu như khách thanh niên, khách nước ngoài đến Trạm Tấu thường chọn đi trekking, leo núi; thì khách đoàn có người già, trẻ con cũng thoải mái trải nghiệm du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa…

Ẩm thực vùng cao khiến du khách nhớ mãi không quên Trạm Tấu.

Ẩm thực vùng cao khiến du khách nhớ mãi không quên Trạm Tấu.

Những bữa ăn lạ mắt và tươi ngon, những đêm văn nghệ rạo rực, đắm say trong tiếng khèn Mông hay điệu xòe Thái… là cái “chất” vùng cao hớp hồn du khách, là cách làm du lịch không bao giờ cũ.

Biển mây trắng đẹp như mơ - “phần thưởng” mà chặng leo núi dành cho những ai kiên gan bền chí.

Biển mây trắng đẹp như mơ - “phần thưởng” mà chặng leo núi dành cho những ai kiên gan bền chí.

Phó Chủ tịch huyện Khang A Chua cho biết, “Trạm Tấu ấm áp suối nguồn, bát ngát biển mây” là thương hiệu du lịch địa phương mà huyện đã và đang hướng tới xây dựng, định vị và hoàn thiện hệ sinh thái du lịch theo chuỗi giá trị, tạo nên hình ảnh và điểm đến đặc thù.

Hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc và dần theo hướng chuyên nghiệp, tạo sự hài lòng cho du khách, mang đến công ăn việc làm cho người dân.

Thử nhìn vào số liệu do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trạm Tấu cung cấp: Năm 2016, Trạm Tấu đón khoảng 7.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch, dịch vụ đạt trên 4 tỷ đồng.

Năm 2023, tính đến hết 9 tháng đầu năm, huyện đón 108.921 lượt khách du lịch (trong đó hơn 10.000 lượt khách quốc tế), doanh thu trên 70 tỷ đồng - đều vượt kế hoạch và tăng trưởng mạnh so cùng kỳ.

Để có được những thành quả bước đầu này, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trạm Tấu Dương Phương Thảo chia sẻ, huyện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến quảng bá, trong đó, có phối hợp tuyên truyền, giới thiệu, cập nhật thường xuyên các chương trình, sự kiện, hoạt động du lịch Trạm Tấu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của huyện, các xã, thị trấn nhất là trên các nền tảng mạng xã hội như: Youtube, Facebook, Tiktok; lập đường dây hỗ trợ khách du lịch để giới thiệu đến nhân dân, du khách…

Hơn 20 căn nhà gỗ (bungalow) nằm yên bình giữa đồi thông xanh mướt và trông ra ruộng bậc thang, trang trí tiểu cảnh bằng vật liệu tự nhiên và tránh bê-tông hóa… khiến Suối khoáng nóng Trạm Tấu thường được ví von với các resort sinh thái nổi tiếng khắp thế giới của hòn đảo du lịch Bali (Indonesia).

Hơn 20 căn nhà gỗ (bungalow) nằm yên bình giữa đồi thông xanh mướt và trông ra ruộng bậc thang, trang trí tiểu cảnh bằng vật liệu tự nhiên và tránh bê-tông hóa… khiến Suối khoáng nóng Trạm Tấu thường được ví von với các resort sinh thái nổi tiếng khắp thế giới của hòn đảo du lịch Bali (Indonesia).

Vào những ngày lễ, Tết hay dịp cuối tuần, cảnh tượng đã trở nên quen thuộc là hàng trăm, hàng nghìn du khách háo hức trên con đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên huyện Trạm Tấu. Họ đi nghỉ dưỡng ở Suối khoáng nóng Trạm Tấu, trekking khám phá các đỉnh núi Tà Chì Nhù hay Tà Xùa, thăm bản định cư mới Cu Vai đẹp như phím đàn trên đỉnh núi, check-in thác Háng Tề Chơ xã Làng Nhì, trải nghiệm bay dù lượn ở xã Phình Hồ…

Mục tiêu được huyện Trạm Tấu đặt ra là đến năm 2025 đón 120.000 lượt khách du lịch, trong đó 30.000 khách quốc tế - không hề xa vời mà ở trong tầm tay.

Nội dung: Mỹ Hạnh
Trình bày: Dương Dương
Ảnh: Mỹ Hạnh, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thanh Miền (Báo Yên Bái)