Hiện tượng chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, sinh hoạt, để xe cộ… ở Hà Nội thực ra chỉ mới phổ biến từ khoảng cuối thập niên 80 thế kỷ trước và rất khó để gọi đó là một kiểu “văn hóa”. Và “văn hóa vỉa hè” nếu có, thì cũng đã đến lúc phải thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý

Hơn một tháng kể từ khi Hà Nội bắt đầu Chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè với phương châm “giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, nhưng nhiều nơi trong thành phố vẫn tái diễn tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”. Mặc dù nhiều người đồng tình, nhưng cũng không ít nghi ngại, bởi vấn đề lập lại trật tự vỉa hè vấp phải rất nhiều khó khăn. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý, từ khía cạnh của văn hóa và lịch sử để mong có một góc nhìn về việc bảo tồn và phát triển của Hà Nội.

***

VỈA HÈ XƯA CỦA HÀ NỘI KHÔNG NHƯ BÂY GIỜ

Phóng viên: Theo anh, nếu gọi vỉa hè Hà Nội như hiện nay với những hàng quán, xe cộ, sinh hoạt... trên đó là một kiểu “văn hóa”, thì sự hình thành của “văn hóa vỉa hè” ấy có từ khi nào, thực chất ra sao và liệu chúng ta có cần tôn trọng lối sống đó như một đặc trưng văn hóa?

Nguyễn Trương Quý: Nhìn lại quá trình lịch sử phát triển, có thể thấy trước thời Pháp thuộc Hà Nội gần như không có vỉa hè. Điều này được mô tả trong nhiều văn bản ghi chép cũng như các bức tranh, ảnh chụp lại trước thời kỳ Pháp thuộc. Vào năm 1886, người Pháp bắt đầu làm đường trải nhựa. Phố Tràng Tiền hay các phố quanh Bờ Hồ là những con phố đầu tiên. Và nếu tôi không nhầm thì từ đấy Hà Nội mới có vỉa hè.

Dấu vết vỉa hè thời đó vẫn còn như ngày nay ta thấy rất rộng, thậm chí có mái che. Các cửa hàng được quy hoạch đúng kiểu có cửa kính trưng bày, thể hiện rõ ràng chức năng. Nhìn những bức ảnh tư liệu có thể thấy, Hà Nội xưa không có hiện tượng lấn chiếm vỉa hè.

Hiện nay, vỉa hè bị chiếm dụng bày hàng hóa rất nhiều.

Hiện nay, vỉa hè bị chiếm dụng bày hàng hóa rất nhiều.

Năm 1986, khi nền kinh tế thị trường mở cửa, lợi dụng việc Nhà nước tạo điều kiện, các hộ kinh doanh nhỏ mới bung ra, tràn lan trên vỉa hè. Có thể nói, 100 năm sau khi ra đời thì vỉa hè Hà Nội mới bị chiếm dụng, dùng sai mục đích như hiện nay. Vậy nên, viện câu chuyện về bản sắc văn hóa vỉa hè theo tôi là ‘võ đoán”, có vẻ không có căn cứ lắm.

Ngoài ra, nếu như thứ “văn hóa” đó được hình thành trong ba bốn thập niên gần đây, thì cũng đến lúc cần thay đổi. Không phải cái gì cổ truyền cũng đều phù hợp trong hiện tại. Suy cho cùng, cần nhắc lại một điều là: Văn hóa cũng cần thay đổi để theo kịp cuộc sống.

Phóng viên: Nhưng trong nhiều cuốn sách, bài viết, nhiều nhà văn, nhà thơ coi những sinh hoạt trên vỉa hè như một nét đẹp văn hóa. Đó cũng là lý do nhiều người đưa ra để phản bác lại phương châm của thành phố trong chiến dịch đang triển khai là “Giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Anh nghĩ sao về điều này?

Nguyễn Trương Quý: Ý kiến này cần thận trọng vì liên quan dữ liệu văn hóa. Chúng ta cần xem xét lại một cách rõ ràng. Bao nhiêu tác phẩm, bao nhiêu cuốn sách, bài viết như vậy và dữ liệu các tác giả đưa ra có chính xác? Quan trọng là bây giờ chúng ta cần xem bản chất của đô thị là gì?  Tôi cho rằng, câu chuyện vỉa hè trong văn chương sách vở đôi khi chỉ mang tính hoa mỹ, có khoảng cách với đời sống thực. Đó là những cảm xúc đẹp. Song việc quản lý xã hội, quản lý đô thị lại là vấn đề khác nên ta cần cân nhắc.

Chúng ta không phủ nhận một phương diện cuộc sống liên quan đến vỉa hè, nhưng đó không phải thước đo duy nhất. Bản thân tôi cũng là người tâm đắc với cái đẹp. Tuy nhiên câu chuyện vỉa hè hiện nay đang liên quan đến chuyện tư duy trục lợi, thói quen không tuân thủ quy chế, luật pháp nhiều hơn.

Chúng ta không phủ nhận một phương diện cuộc sống liên quan đến vỉa hè, nhưng đó không phải thước đo duy nhất.

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý -

Phóng viên: Nhưng cũng có khách phương Tây miêu tả Hà Nội là một thành phố tràn đầy sức sống thể hiện trên vỉa hè nhỉ.

Nguyễn Trương Quý: Tất nhiên, ta không phủ nhận sự khác lạ nào đó có thể quyến rũ những người khách phương xa. Hình ảnh Hà Nội này trong mắt du khách đơn giản chỉ là một dạng “yếu tố kỳ lạ” hấp dẫn mà thôi. Còn đối với người trong cuộc, đó lại là vấn đề quản lý xã hội – một vấn đề nan giải. Vỉa hè bị lấn chiếm, lộn xộn, nhếch nhác. Chưa kể xả rác bừa bãi, đồ ăn thức uống, xe cộ tràn lan…

Đó là bộ mặt không nên có của một đô thị hiện đại, thành phố thủ đô. Tôi nghĩ, đó cũng là lý do mà chính quyền Hà Nội đã luôn luôn đặt ra việc lập lại trật tự vỉa hè từ nhiều năm trước. Chỉ tiếc là nó không thành công và bây giờ lại đang nhắc lại.

Tại Paris, hàng quán bày bán gọn gàng trên vỉa hè.

Tại Paris, hàng quán bày bán gọn gàng trên vỉa hè.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

Ngoài phần đường dành cho người đi bộ trên vỉa hè, Paris có cả đường dành cho người đi xe đạp.

Ngoài phần đường dành cho người đi bộ trên vỉa hè, Paris có cả đường dành cho người đi xe đạp.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

Item 1 of 6

Tại Paris, hàng quán bày bán gọn gàng trên vỉa hè.

Tại Paris, hàng quán bày bán gọn gàng trên vỉa hè.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

Ngoài phần đường dành cho người đi bộ trên vỉa hè, Paris có cả đường dành cho người đi xe đạp.

Ngoài phần đường dành cho người đi bộ trên vỉa hè, Paris có cả đường dành cho người đi xe đạp.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

Một góc vỉa hè Paris.

ĐỒNG TÌNH NHƯNG CÒN NHIỀU NGHI NGẠI

Phóng viên: Vâng, Kế hoạch tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố đã được triển khai thực hiện hơn một tháng. Với sự quan sát của một nhà văn hóa, nghiên cứu và là một người Hà Nội, anh có suy nghĩ như thế nào?

Nguyễn Trương Quý: Cũng giống khá nhiều người Hà Nội khác, tôi có lẽ là HOÀI NGHI về chiến dịch này.

“Tôi cảm thấy còn Hoài nghi”

Dù rất đồng tình nhưng tôi cũng thấy nghi ngại. Câu chuyện vỉa hè không phải câu chuyện của riêng Hà Nội. Thành phố Hồ Chí Minh đã từng có một chiến dịch rất lớn, tương tự, cảm giác như sắp hoàn thành đến nơi nhưng cuối cùng vẫn không đạt được kết quả lâu dài. Câu hỏi đặt ra là, phải chăng biện pháp này đã thiếu căn cơ từ bản chất? Đó là giải quyết mối quan hệ giữa vỉa hè và các đối tượng, sự việc khác liên quan.

Vỉa hè có đủ tiêu chuẩn để áp dụng quy định không, đó lại là câu chuyện khác nữa.

Vỉa hè có đủ tiêu chuẩn để áp dụng quy định không, đó lại là câu chuyện khác nữa.

Thành phố Hà Nội có đặc trưng yếu tố không gian đô thị nhiều kiểu, vỉa hè có chỗ rộng chỗ hẹp,  chỗ khu vực thị dân buôn bán nhỏ lẻ và nơi cơ quan công sở thì lại có đặc điểm khác nhau. Chúng ta cần phải có nghiên cứu kỹ từng khu vực, đưa ra những giải pháp phù hợp, khả thi.

Theo tôi, cần phân chia từng khu vực nhỏ, không nên áp dụng kiểu đại trà được. Thí dụ việc áp dụng quy định vỉa hè trên phố cổ rất khác với các khu vực quận mới, hay các ngõ ngách lại càng khác.

Rồi còn vấn đề vỉa hè có đủ tiêu chuẩn để áp dụng quy định không, đó lại là câu chuyện khác nữa. Và cuối cùng là giải quyết các hình thái sinh hoạt trên vỉa hè ra sao. Quá nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có lời đáp cụ thể khiến ta không thể không hoài nghi. Chính là bởi đặt ra mục tiêu nhưng nếu không có giải pháp cụ thể thì e rằng lại lặp lại “vết xe đổ”…

Phóng viên: Vậy theo anh, đâu là khó khăn mấu chốt của chiến dịch lần này?

Nguyễn Trương Quý: Sau mấy tuần quan sát, tôi thấy, cũng như đã từng lặp lại với những lần trước, ở đâu đó, việc Hà Nội làm lần này cũng vẫn vấp phải sức ì về mặt lối sống của phần lớn cư dân đô thị. Lối sống này mới hình thành trong ba bốn chục năm trở lại đây thôi. Người ta đã quen sử dụng vỉa hè thành nơi bán hàng, sinh hoạt, dần dần vỉa hè bị lấn chiếm, trở nên lộn xộn, nhếch nhác.

Quá nhiều câu hỏi đặt ra mà chưa có lời đáp cụ thể khiến ta
KHÔNG THỂ KHÔNG hoài nghi.

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Q -

Người tiêu dùng cũng có thói quen tấp cái xe máy vào lề, mua từ mớ ra con cá cho đén những thứ hàng vật dụng khác. Họ ít có thói quen gửi xe ở một bãi xe nào đó, để đi bộ vào một cái chợ dân sinh, hay một khu thương mại, chỉ để mua vài thứ lặt vặt trong lúc cuộc sống thì bận rộn… Và sức ì còn nằm ở chỗ, vỉa hè gắn liền lợi ích của nhiều người khi mà người ta lấn chiếm để sinh lợi…

Phóng viên: Vậy theo anh,  để đi đến thành công, chiến dịch này cần phải làm như thế nào?

Nguyễn Trương Quý: Theo tôi, đây là một “chiến dịch”  không bao giờ chấm dứt.  Việc kiểm tra, giám sát phải làm liên tục, không bao giờ được dừng lại. Muốn thành nếp thì phải làm thường xuyên và lâu dài.Theo tôi, để thành công phải có sự phối hợp giữa công tác thực thi và việc truyền thông đại chúng.

Truyền thông rất quan trọng, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc tạo lập cho vỉa hè một bộ mặt phong quang sạch đẹp. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, trước hết chính quyền cần có những giải pháp để chia sẻ, bù đắp cho những người đang phải từ bỏ sự “hưởng lợi” từ vỉa hè.

Tôi lấy thí dụ, nhằm tránh tình trạng để xe máy bừa bãi trên vỉa hè, cần tạo ra những khu gửi xe tập trung, ưu đãi cho cư dân và minh bạch về mặt lợi ích. Và cuối cùng, người dân phải thấy rằng trong việc lập lại trật tự vỉa hè có nghĩa vụ của họ, vỉa hè thông thoáng họ cũng là người hưởng lợi, thì họ sẽ tham gia.  

TẠO ĐỐI TRỌNG ĐỂ GIẢM SỨC ÉP CHO PHỐ CỔ

Phóng viên: Những giải pháp lâu dài cho việc bảo đảm người dân sẽ không còn chiếm dụng vỉa hè, luôn luôn có lối đi dành cho người đi bộ, theo anh nên là gì?

Nguyễn Trương Quý: Một số nước trên thế giới họ xây dựng các khu chợ to, chuyên bán đồ ăn ngoài trời, ở đó có sức hút để các hàng quán tới. Hà Nội cũng cần tính tới việc xây các khu như thế để giảm tải cho phố cổ.

Hà Nội cần quy hoạch các trung tâm giải trí, thương mại, vui chơi. Thay vì cứ “tấn công” vào chỗ chiếm dụng vỉa hè, mình cần tạo ra các đối trọng. Như giới trẻ hiện nay, họ ăn trong các Cirle K hay các cửa hàng tiện dụng, trung tâm thương mại khá đông. Các cửa hàng tiện lợi được phân bổ đều các khu phố, khu dân cư, theo tôi, cũng sẽ thay thế dần việc mua bán vặt vãnh trên vỉa hè…

Ngoài ra, tôi nghĩ việc khó thì ta có thể làm từ từ. Ví dụ có thể làm thí điểm một vài khu phố, 1 vài đường phố trọng điểm trước. Tại khu vực thí điểm nên bố trí bãi trông xe hoặc phân nhiều khoảnh nhỏ để trông xe. Việc này lại liên quan tới vấn đề giảm tải xe máy chung của cả thành phố, đòi hỏi phải có lộ trình.

Hàng quán bày bán gọn gàng trên vỉa hè ở Paris.

Hàng quán bày bán gọn gàng trên vỉa hè ở Paris.

Thí dụ ta có thể đặt các mức giá trông xe khác nhau tuỳ khoảng cách tới trung tâm. Giá vé cách bờ Hồ 100m thì khác cách 200m. Đứng đâu thì giá vé sẽ có khác nhau. Ta có thể ứng dụng công nghệ số để xác định vị trí và tính phí tương ứng.

Cái quan trọng nhất là mọi người đang sợ không công bằng. Cụ thể như vì sao tôi phải bỏ khi ông bên cạnh vẫn được bán? Chuyện này liên quan nhiều đến hiệu quả của công tác quản lý.

Phóng viên: Trong câu chuyện về lập lại trật tự vỉa hè, có một đối tượng khá nhạy cảm, đó là người lao động nghèo – những người bán hàng rong. Theo anh giải pháp cho vấn đề này là gì?

Nguyễn Trương Quý: Mình cần phải trung vị các thu nhập thị dân. Trung vị nằm ở giới nào quan trọng nhất, xem giới nào có tính quyết định để làm quy hoạch xã hội, chứ không thể nào dàn trải được, không thể nhân danh nhóm này để đưa ra những lý lẽ giải quyết việc chung  được. Đây là vấn đề đau đầu của các cơ quan quản lý ở mọi nơi.

Một dãy quán bán đồ ăn đường phố ở khu vực Silom, Bangkok.

Một dãy quán bán đồ ăn đường phố ở khu vực Silom, Bangkok.

Nhìn ra thế giới ta thấy nhiều nước cũng có bán rong, như Indonesia họ vẫn có bán hàng rong, có hàng nước, nhưng tình trạng lấn chiếm không nghiêm trọng như Việt Nam. Hay ở Chiangmai, người dân bán hàng rong trên vỉa hè ở khu du lịch được quy hoạch rõ ràng. Họ bán vỉa hè nhưng có kiểm soát, có ý thức và biết nhường không gian cho người đi bộ, chứ không cản trở mọi hành vi của người khác.

Chúng ta cần có thông điệp và mục tiêu rõ ràng, cần làm gì đó mang tính kiên quyết để lập lại trật tự, vì lợi ích chung cho mọi người. Đừng lấy lý do nghèo, còn đầy nước, đầy địa phương nghèo hơn Hà Nội mà họ có chiếm dụng vỉa hè tràn lan vậy đâu. Tuy nhiên, chúng ta có thể lập ra một khu riêng cho những người này tập hợp lại bán hàng, tạo sức hút cho người mua.

Phóng viên: Theo anh, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ, lâu dài, chia sẻ với người dân, thì việc kiểm tra, giám sát, và xử phạt thường xuyên liệu có phải là biện pháp hữu hiệu?

Nguyễn Trương Quý: Như tôi đã nói ở trên, việc này cần lâu dài, bài bản, và tất nhiên nếu không có giám sát, kiểm tra, xử phạt thì khó có hiệu quả. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để mọi người đều hiểu và có sự cam kết thưởng phạt nghiêm minh thì mới đạt được kết quả.

Thực chất là Hà Nội đã để mặc tình trạng này quá lâu, mạnh ai nấy lấn rồi bây giờ lại ra quân dọn dẹp, làm vậy như làm phần ngọn thôi. Vì dù dân lấn chiếm là sai nhưng đùng cái yêu cầu họ tự bỏ là việc không dễ.

Khó nhất là giải quyết vấn đề mưu sinh của người dân. Những người kinh doanh trên mặt phố, họ không nghèo, thậm chí họ có thể thuê không gian với giá đắt, và thu lợi nhuận cao nên họ không dễ từ bỏ. Đó là vấn đề lòng tham và sự bất tuân luật pháp thôi. Không nên nhân danh người lao động nghèo và biện minh cho những hành vi vi phạm quy định hoặc bất tuân pháp luật.

Người dân cũng cần học cách để trở thành những công dân đô thị hiện đại, và tuân thủ mọi quy tắc, pháp luật, có như vậy thì mới có trật tự, quy củ. Phải làm cho mọi người hiểu sự tuân thủ cũng mang lại lợi ích cho chính họ. Khi vỉa hè đô thị gọn gàng, ngăn nắp, phong quang sạch sẽ thì đó mới là lợi ích lâu dài.

Tôi mong Hà Nội đã có nghiên cứu kỹ càng và rút được nhiều bài học, kinh nghiệm từ nơi khác cũng như những đợt trước đây để bây giờ sẽ thực hiện được thành công. Nhưng dù sao bây giờ tôi vẫn thấy nghi ngại…

Phóng viên: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.

Ngày xuất bản: 11/4/2023
Nội dung: HỒNG MINH - MINH THU
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: NAM ĐÔNG, NGỌC DUY, THU BÍCH