Tuệ Trí – Thấu –
Tâm Thơ

(Kỷ niệm sâu sắc với Tổng Biên tập Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Hữu Thọ và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ về thơ đăng
Báo Nhân Dân)

Sự thật nhiều người thấy, nhưng công nhận nó; mấy ai…

Đó là kỷ niệm về bài thơ “Hát về Đảng”  tôi viết vào đầu tháng Giêng năm 1982 (4 năm trước Đổi mới -1986). Viết xong, tôi đọc cho một số bạn thơ và người thân trong gia đình nghe. Nghe xong, nhiều người lắc đầu: “Nghe thế nào ấy…,”, “ không thể in được”, “chẳng ai dám duyệt cho in bài này đâu”, “khéo lại vạ tới thân…”!

Tôi cầm bài thơ đến ông chú họ, vốn là sĩ quan cao cấp trong quân đội xin ý kiến. Ông cầm bài thơ đọc, lát sau, ông nhìn tôi với vẻ mặt ái ngại, giọng nhỏ nhẹ: “Thôi, hãy gác bài thơ này lại, quên nó đi, tình hình bây giờ phức tạp lắm, cháu ạ!”.

Nghe những lời góp ý, tôi băn khoăn:  Đúng hay không đúng? Nội dung bài thơ có gì sai?

Là người lính chiến đầu không ngại hy sinh, gian khổ trở về, tôi thầm nghĩ: Mình viết bài thơ với cái tâm và động cơ trong sáng về Đảng, vì dân…thì sợ gì! Trước sau sẽ có người thấu hiểu…

Và, tôi mạnh dạn gửi bài thơ đến Báo Nhân Dân. Tôi đến tận Tòa báo số 71 Hàng Trống, gửi bài qua thường trực rồi về. Bẵng mấy tuần không có ai gọi, không ai hỏi.

Thật bất ngờ, ngày 4/4/1982, tôi được bạn bè báo, bài thơ “Hát về Đảng” được in trên báo Nhân Dân rồi!

Nhận báo, tôi như không thể tin ở mắt mình! Bài thơ được đăng  đầu trang 3, trong trang thơ chào mừng Đại hội Đảng V được đóng khung trang trọng.

Bài thơ được mở đầu bằng một câu khẳng định dứt khoát:

“Thế hệ chúng tôi không trẻ cũng chưa già
Tuổi ba mươi đã là chín chắn…”                 

Bài thơ gồm sáu mươi câu được giữ nguyện vẹn không bỏ một chữ nào, kể cả các dấu chấm, phẩy; chữ viết hoa và không viết hoa…(tức là Báo Nhân Dân và những cấp duyệt tôn trọng tuyệt đối không chỉ nội dung, quan điểm của tác giả mà còn tôn trọng cả hình thức thể hiện).

Tôi thực sự ngạc nhiên vì lãnh đạo báo Nhân Dân toàn những cây đa, cây đề nổi tiếng trong lĩnh vực báo chí và văn hóa văn nghệ như: Ông Hoàng Tùng - Tổng Biên tập; Thép Mới – Phó Tổng Biên tập..; Ban Văn hóa văn nghệ do Nhà văn Lê Minh, con gái nhà văn Nguyễn Công Hoan, làm Trưởng ban, trước đó là nhà văn Nguyễn Địch Dũng.

Đặc biệt ông Hoàng Tùng không chỉ là cây “Đại thụ” của làng báo Việt Nam; còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa V, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật, Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam các khóa: III, IV, V, VI, VII.

Trước đó, ông còn là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư Thành ủy Hà Nội (1945), Bí thư Thành ủy Hải Phòng (1946). Từ tháng 1/1948, ông làm phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương Đảng…năm 1951, ông Hoàng Tùng phụ trách Văn phòng Tổng bí thư Trường Chinh. Năm 1980 ông làm Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương.

Ông Hoàng Tùng có 30 năm làm Tổng biên tập báo Nhân Dân và 30 năm làm Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam.

Trong sự nghiệp làm báo của ông, Hoàng Tùng đã để lại hàng nghìn bài báo (xã luận, bình luận, chính luận) sắc sảo, đanh thép với ngôn từ giàu hình ảnh…

Nhờ vậy, ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huân chương Kháng chiến hạng nhất… Từ tháng 2/1954 đến năm 1982, ông làm Tổng Biên tập báo Nhân Dân; Chính trong thời gian này bài thơ “Hát về Đảng” của tôi đã được tuệ trí của ông thấu mọi lẽ và duyệt cho đăng bài làm xôn xao dư luận, mở ra cách nhìn mới “thấu lý, đạt tình”.

Bài thơ "Hát về Đảng" đăng trên Báo Nhân Dân.

Bài thơ "Hát về Đảng" đăng trên Báo Nhân Dân.

Trở lại bài thơ “Hát về Đảng”, gần một tháng sau, tôi nhận được giấy mời của Ban tổ chức Trung ương Đảng do chính đồng chí Lê Đức Thọ ký mời tôi lên gặp.

Lúc này, tôi thực sự hoang mang, cũng lo ngay ngáy: “Chắc có vấn đề gì nghiêm trọng nên Ban tổ chức Trung ương mới “mời” lên làm việc".

Cũng là người bản lĩnh, tôi luyện qua môi trường quân ngũ, nhưng khi cầm giấy mời của Ban tổ chức Trung ương, tay tôi vẫn run run.

Ngày 5/5/1982, tôi lên gặp Ban tổ chức Trung ương theo đúng hẹn. Hóa ra chuyện tôi được “mời”, cơ quan biết hết! Khi tôi bước ra cửa, nhiều anh em trong cơ quan nhìn theo với vẻ mặt ái ngại; có đồng chí lãnh đạo thấy tôi vội quay mặt đi làm như không quen biết…

Tới Văn phòng Ban tổ chức Trung ương Đảng, một đồng chí (thư ký hay trợ lý gì đó) dẫn tôi đến phòng làm việc của đồng chí Lê Đức Thọ.

Đến cửa phòng, nhìn vào trong thấy đồng chí Lê Đức Thọ đang chăm chú làm việc với một đống tài liệu trên bàn. Tôi đứng như chôn chân ở cửa, lặng lẽ nghĩ: “Không biết điều gì sẽ giáng xuống đầu mình đây?”. Khi ông Thọ ngẩng đầu nhìn ra cửa, tôi mới cất tiếng: “Chào chú! Cháu xin lỗi đến muộn theo giờ hẹn vì lỡ đang làm dở việc ở cơ quan”.

Ông ra hiệu bảo tôi vào. Ông đứng lên, rời bàn làm việc, tiến lại nơi đặt bộ bàn ghế tiếp khách cách khoảng ba, bốn mét. Ông mời tôi ngồi, khi đồng chí công vụ rót nước pha trà ra ngoài.

Ông cầm tách trà mời, tôi đưa hai bàn tay đón tách trà của ông, rồi đặt nhẹ xuống bàn. Giờ tôi mới có dịp ngắm ông; đó là người khoảng trên dưới 70, tóc đã điểm bạc với vầng trán cao, rộng. Khuôn mặt rất tươi…Với tôi, nom ông như nhà trí thức hơn là người lãnh đạo…

Ông nhìn tôi cười. Một không khí dễ chịu lan tỏa từ phía ông sau nụ cười ấy làm tôi bớt lo lắng về những lời đồn thổi trước đó…

Ông cất giọng ôn tồn: “Tôi mời đồng chí lên gặp, sao từ bấy đến giờ cứ ngồi im, không nói gì?”

Tôi đáp: “Thưa chú! Trước khi cháu vào đây, các đồng chí Văn phòng dặn: “Vào đây không được nói gì làm phiền tới chú”.

Ông Thọ bình thản nâng tách trà, chậm rãi nhấp vài ngụm rồi đặt xuống. Chợt ông nhìn thẳng vào tôi hỏi: “Đồng chí nghĩ gì khi viết bài thơ ấy?”.

Tôi đáp: “Dạ! Cháu nghĩ gì đã thể hiện hết trong bài thơ chú đã đọc”.

Ông hỏi tiếp, giọng nhẹ nhàng: “Trước cuộc sống hiện nay, đồng chí có hoang mang?”.

- Có ạ!

Nghe tiếng “có” dứt khoát của tôi, Trưởng Ban tổ chức Lê Đức Thọ, nét mặt vẫn bình thản như không nghe thấy.

Tôi chột dạ, nghĩ: “Sự bình thản kia chỉ có trong con người trí thức thực sự, được đào luyện tới tột cùng mới giữ được để đưa vạn vật về KHÔNG – BÌNH THẢN.

Thấy thái độ của ông, tôi vội giãi bày: “Thưa chú! Chú hỏi có sao, cháu nói vậy. Bởi cháu đã từng là lính trinh sát, một khi thủ trưởng hỏi phải trả lời dứt khoát, chính xác, chính xác tới từng phần…mới hiểu rõ tình hình địch, ta để trăm trận, trăm thắng.

Sự thật, chúng cháu có hoang mang; nhiều khi rất hoang mang, nhưng không bao giờ đổ bởi có hai bản lề vững chắc làm chỗ dựa giữ lại. Đó là hai cuộc kháng chiến của cha anh trong chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Hai cuộc kháng chiến ấy cũng là niềm tự hào của chúng cháu”.

Trang thơ chào mừng Đại hội Đảng V trên báo Nhân Dân, trang 3, ngày 4/4/1982.

Trang thơ chào mừng Đại hội Đảng V trên báo Nhân Dân, trang 3, ngày 4/4/1982.

Tôi tin ông Thọ đã suy nghĩ rất nhiều về những câu thơ tôi đã viết:

“Đất nước thống nhất rồi, chúng tôi vẫn chia xa
Hai vợ chồng mỗi người ở mỗi miền công tác…
Ấy là lúc thiếu gạo, thiếu dầu…”

Nghe tôi nói, ông lẳng lặng nhìn tôi rồi hỏi:

“Thế các anh có niềm tin?

Có! Tôi đáp như người lính đứng trong hàng quân. “Nhưng mong chú hiểu thêm: Chúng cháu tin, không có nghĩa là cả tin, khi người ta nói:

Ta nhất quyết đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao

(Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi _ Việt Phương)

Nghĩa là chúng cháu chỉ tin vào sự thật, tin vào cuộc sống của nhân dân đang hiện hữu.”

Biết mình hơi quá lời, nhưng tính tôi đã nói phải nói cho hết, cho dù trước mặt ông. Bài thơ tôi viết:

“Đảng là hoa là ánh sáng”
Là quy luật khách quan không thể tuyệt đối đến vô cùng”.

Và: “Lời hát chúng tôi không thể chung chung
Như kẻ làm công nói năng trước chủ
Như tên Giu-đa nói cười trước Chúa
Bởi Đảng là của chúng tôi – sự sống bản thân mình”.

Tôi định nói thêm, bỗng ông Thọ ngước lên cao như tìm một thứ gì đó trong mênh mông vũ trụ.

Tôi nghĩ: “Ông đã thấy, cái mà thế hệ chúng tôi đang thấy một quy luật khách quan, tất yếu:

“Hỡi những kẻ ẩn mình sau tượng Chúa.
Sự dối lừa chẳng tồn tại được đâu!...”

Gần đến giờ nghỉ trưa, ông Lê Đức Thọ quay lại phía tôi với một câu nhỏ nhẹ, chân tình: “Thế nguyện vọng của anh bây giờ muốn gì?”.

-“Dạ! Chúng cháu muốn được làm công việc mà Đảng và nhân dân đã đào tạo, nuôi dưỡng…”

Cuộc gặp của tôi với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nổi tiếng trong đàm phán hòa bình Paris năm nào, liên quan đến một bài thơ về Đảng trên báo Đảng,  đã để lại dấu ấn sâu sắc mãi trong tôi như thế!

Với tôi, sau ông Hoàng Tùng, tôi nhớ nhiều tới nhà báo Hữu Thọ. Ở đời đều do chữ "Duyên"; bạn bè, nam nữ thành tri kỷ hay nên vợ chồng, yêu ghét cũng vậy, phần nhiều đều ở chữ “Duyên”. Chẳng thế mà người xưa nói: Tu trăm năm mới ngồi cùng thuyền; nếu không chỉ là đồng sàng dị mộng!

Và chính cái “Duyên” thơ dẫn tôi đến với ông  Hữu Thọ. Ông Hữu Thọ chính thức làm báo từ tháng 8 năm 1953, đến nay có thể nói  là người viết phóng sự điều tra về nông thôn, nông nghiệp Việt Nam và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc.

Nhà thơ Ánh Hồng (thư 4 từ phải sang, đeo phù hiệu báo chí) trong một cuộc trò chuyện ngoài lê hành lang Quốc Hội với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nhà thơ Ánh Hồng (thư 4 từ phải sang, đeo phù hiệu báo chí) trong một cuộc trò chuyện ngoài lê hành lang Quốc Hội với Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (1996-2001), Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006), nhưng trong quan hệ với cộng tác viên, ông luôn coi tôi là người bạn chí cốt, chân tình, thẳng thắn. Ông chỉ xưng mình và gọi tên riêng của tôi. Giữa tôi và ông không có khoảng cách, chỉ có tình đồng nghiệp khi trao đổi các vấn đề.

Phải nói ông là người bám sát cuộc sống, phản ảnh một cách chân thực và kịp thời nhất là mảng viết về nông nghiệp, nông thôn. Ngoài viết báo ông để lại nhiều tác phẩm báo chí sâu sắc về cuộc sống, xã hội như: “99 chuyện đời”, “Người hay cãi”, “Sông đỏ sông đen”…Ngôn ngữ của ông mạch lạc, ngắn gọn với nhiều câu nói dí dỏm, hàm súc. Có thể nói mỗi tiểu phẩm của ông là một truyện ngắn mi ni rất khái quát nhưng lại đầy chi tiết sinh động.

Tôi trân trọng sự sắc sảo và cái “dũng” của ông đối với mọi vấn đề nếu thấy không lọt tai, cần phân tích, đào xới, phản biện,  và có lẽ bởi vậy nên ông tự nhận là “người hay cãi”.

Có lẽ ông và tôi, tuy hai thế hệ có khác nhau nhưng lại rất hợp về cái bệnh “hay cãi”. Có lần tranh luận về báo chí, tôi nói: “Mình lắm lúc chưa phải thật sự có báo chí, chỉ có tuyên truyền thôi”, ông vặn ngay: “Sao cậu nói vậy?” Tôi đáp: “Tự thân từ “News” là tin tức, mà đã là tin tức thì phải phản ảnh nhiều tin khác nhau, đa chiều. Nếu tin chỉ có một chiều gọi là tuyên truyền”.  Cũng là một kỷ niệm đáng nhớ về về cách lắng nghe đối thoại khác của ông. 

Ông Hữu Thọ đã khuyên chân tình các nhà báo trước khi đưa tin phải cân nhắc thông tin thật hay giả, lợi hay hại. Cái lợi ở đây là lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Và ông nhắc khéo các cơ quan truyền thông chính thống: “Tiếp tục phát triển như hiện nay sẽ thua mạng xã hội và chính mạng xã hội sẽ chi phối dư luận”. Hiện nay thông tin trên các mạng xã hội nhanh hơn, đa dạng hơn.

Sự chỉ ra của ông Hữu Thọ đúng hay sai? Người làm báo tự biết; và những người lãnh đạo các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhất là lĩnh vực báo chí phải rõ hơn.

Sau bài thơ “Hát về Đảng” đăng trên báo Nhân Dân hằng ngày năm 1982, mười mấy năm sau, tôi lại gửi bài thơ “Bài hát của những người không tên” tới Ban Biên tập báo Nhân Dân Chủ nhật- tờ tuần báo của Báo Nhân Dân (Sau đổi thành Nhân Dân cuối tuần). Báo ra số 31, (391) ngày 8/7/1996.

Sau tôi biết người duyệt bài thơ đó là ông Hữu Thọ, Tổng Biên tập báo Nhân Dân lúc bấy giờ.

Bài thơ của tôi cũng có nhiều ý kiến, người khen, kẻ chê khác nhau bởi trong bài có những câu thơ:

“Xin tất cả lặng im
Đừng rơi nước mắt
Kẻo cá sấu sẽ nở đầy mặt đất
Mùa mưa về, người sống ở nơi đâu”

Tôi được biết, bài thơ in ra, một cán bộ cấp vụ trong Báo Nhân Dân phàn nàn với ông Hữu Thọ: “Sao anh lại cho in bài ấy”. Ông Hữu Thọ gặp tôi khi tôi đến Tòa soạn lấy báo biếu, bảo tôi: “Hồng à, mình đi họp, có gặp người bạn cũng hỏi mình sao lại cho in bài thơ Bài hát của những người không tên”!

Tôi cảm ơn ông đã cho tôi biết những phản hồi đa chiều của bạn đọc. Điều đó cũng là bình thường!. Tôi cũng nhờ ông chuyển lời tới người bạn của ông rằng: “Tác giả Ánh Hồng cảm ơn và nói sao, nhiều bạn bè đồng nghiệp, cả các vị lãnh đạo có trách nhiệm không nói gì trong khi một số người khác phản ứng cứ như vận vào thân vậy?”

Sau này qua cộng tác công việc, trở thành người đồng nghiệp thân thiết của Tổng Biên tập Hữu Thọ, tôi càng hiểu thêm con người làm báo sắc sảo kia thấm đẫm chất nhân văn, tôn trọng cộng tác viên, cá tính sáng tạo của bạn viết, bạn văn.

Nhớ về về kỷ niệm cộng tác với Báo Nhân Dân thì nhiều.                                                                                         

Đó là câu chuyện đáng nhớ của người lính làm thơ và viết báo như tôi. Những bài thơ cũng có phần “gai góc” – những “đứa con tinh thần” ấy của tôi đã được những bạn bè, đồng nghiệp, những người có trách nhiệm của Báo Nhân Dân đọc, chia sẻ  và người lãnh đạo cao nhất là Tổng Biên tập Hoàng Tùng, Hữu Thọ  đã cho đăng trang trọng trên báo Đảng.  

Cũng là lý do tại sao tôi đặt đầu đề cho bài viết này là: “Tuệ trí – Thấu - Tâm thơ”.

Tận đáy lòng, tôi xin cảm ơn một thời đã sản sinh ra những con người: “Tuệ trí – Thấu – Tâm thơ”.

Làng Hai Vua, 22/2/2022


Trình bày: Nguyễn Trang 
Ảnh: Tác giả cung cấp