Từ tái thiết đến hội nhập toàn cầu

Những thành tựu có được qua 50 năm thống nhất đất nước là nền tảng quan trọng phấn đấu đưa nước ta thành một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đứng trước thời cơ bước vào kỷ nguyên mới, cần phải đổi mới nhận thức và hành động theo đúng yêu cầu mới, phương châm mới.
Chiếc xe tăng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/04/1975. Ảnh Tư liệu
Chiếc xe tăng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập vào ngày 30/04/1975. Ảnh Tư liệu
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi mở ra một kỷ nguyên mới cho quá trình phát triển của dân tộc, hy vọng đáp ứng được sự hy sinh to lớn của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nhưng thực tế đã diễn ra không giống như mong muốn, chúng ta còn phải tiếp tục 20 năm để bảo vệ biên giới đất nước và chống lại sự phong tỏa kinh tế ngặt nghèo của các đối tượng thù địch. Chúng ta thật sự mới chỉ có 30 năm để phát triển kinh tế đất nước sau cả trăm năm nô lệ và đấu tranh giành độc lập.
Lựa chọn được mô hình phát triển phù hợp
Sau 50 năm thống nhất đất nước, Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình với một mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa năng động, hội nhập mạnh mẽ. Nền kinh tế duy trì được khả năng tăng trưởng khá cao, liên tục và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển của đất nước. Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi về tính chất cấu trúc địa chính trị, Việt Nam vẫn tiếp tục vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, sẵn sàng bước vào một chu kỳ phát triển mới.
Trên cơ sở nắm bắt tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế, những tư duy về chiến lược phát triển mới đã từng bước được cụ thể hóa trong quá trình đổi mới bao gồm: Chuyển nền kinh tế từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Chuyển từ mô hình kinh tế đơn thành phần sang nền kinh tế đa thành phần với quan điểm biện chứng kinh tế nhà nước cùng với kinh tế hợp tác dần trở thành chủ đạo, kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế FDI và các thành phần kinh tế khác là động lực cho phát triển; Chuyển từ một nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp sang nền kinh tế mở, chủ động hội nhập; Chuyển từ quản lý nhà nước tập trung sang phân cấp, phân quyền.
Tựu trung, thành công lớn nhất của nước ta về phát triển kinh tế là lựa chọn được mô hình phát triển phù hợp, không rập khuôn máy móc theo bất cứ mô hình nào. Mô hình phát triển của chúng ta hướng tới là sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sống, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Dinh Độc Lập, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Dinh Độc Lập, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới
Trong 50 năm qua, Việt Nam đã chuyển đổi thành công từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành một điểm sáng tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới với nhiều thành tựu được ghi nhận. Nền kinh tế không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng tăng trưởng cũng dần được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện đáng kể, thể hiện qua một số chỉ tiêu sau:
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Một là, tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ tương đối cao. Từ năm 1996 (sau khi Mỹ bỏ cấm vận), tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đều đạt ở mức cao (gần 7%). Mặc dù liên tục chịu tác động của các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (năm 1997–1998, 2008–2012, đại dịch Covid-19 năm 2020-2021), chúng ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân như trên là điều đáng tự hào. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, đến nay GDP của cả nước đã đạt trên 460 tỷ USD, tham gia vào nhóm các nước có thu nhập trung bình trên thế giới.
Công nhân lắp ráp các linh kiện điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử tại Công ty TNHH Khvatec Thái Nguyên (vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Yên Bình, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)
Công nhân lắp ráp các linh kiện điện tử phục vụ cho ngành công nghiệp điện tử tại Công ty TNHH Khvatec Thái Nguyên (vốn đầu tư của Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Yên Bình, thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Hai là, kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, các thị trường từng bước vận hành thông suốt, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh. Tỷ lệ lạm phát dần được kiểm soát từ mức 3 con số của thập niên 80 về mức mục tiêu trung bình 4% trong suốt giai đoạn 2000–2025. Các thị trường vốn và tiền tệ có bước phát triển mạnh mẽ, hoạt động thông suốt và dần ổn định hơn. Các tổ chức tín dụng với mô hình là công ty cổ phần không có sự tham gia góp vốn của Nhà nước dần chiếm lĩnh thị trường tiền tệ, bảo đảm tăng trưởng tín dụng và là một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế trong khi các thị trường vốn khác còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thị trường ngoại hối được quản lý linh hoạt, chấm dứt tình trạng đô-la hóa, quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước tăng cao, niềm tin của người dân vào đồng nội tệ được củng cố vững chắc.
Du khách xem trình diễn ánh sáng bằng drone tại Lễ hội Sông nước Thành phố năm 2024. (Ảnh CTV)
Du khách xem trình diễn ánh sáng bằng drone tại Lễ hội Sông nước Thành phố năm 2024. (Ảnh CTV)
Ba là, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, tỷ trọng khu vực nông nghiệp đã giảm dần xuống còn khoảng 12% trong khi khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ (bao gồm cả thuế sản phẩm trừ trợ cấp) tăng tương ứng lên khoảng 88%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp cao và ứng dụng công nghệ trong các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ có xu hướng tăng lên.
Bốn là, tiêu dùng nội địa và đầu tư tiếp tục trở thành hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Với đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, sức mua của thị trường nội địa phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng liên tục, đạt khoảng gần 13%/năm trong những năm của đầu thế kỷ 21. Thị trường bán lẻ thay đổi dần với việc áp dụng khoa học-công nghệ đã chuyển từ hình thức bán hàng truyền thống sang hình thức bán hàng hiện đại, thích ứng linh hoạt với hành vi mua hàng và thị hiếu của người tiêu dùng, trong đó hình thức bán hàng trực tuyến ngày càng phát triển.
Vốn đầu tư phát triển trong những năm gần đây liên tục tăng với tốc độ 2 con số. Vốn đầu tư từ ngân sách vẫn tiếp tục đầu tư cho các công trình kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, tạo động lực cho phát triển và thu hút các nguồn đầu tư ngoài Nhà nước. Thực hiện tốt phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” giữ vững được tỷ lệ huy động nguồn vốn FDI vào đầu tư phát triển. Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân đã tham gia đầu tư, hoàn thành nhiều công trình, sản phẩm có ý nghĩa to lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần đưa hàng hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Khách hàng tham quan sản phẩm sơn mài Hạ Thái, một sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín, Hà Nội.
Khách hàng tham quan sản phẩm sơn mài Hạ Thái, một sản phẩm OCOP của huyện Thường Tín, Hà Nội.

Năm là, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển. Đến nay, sau 50 năm thống nhất đất nước, chúng ta đã chủ động tham gia vào rất nhiều các Hiệp định đa phương và song phương trong hoạt động kinh tế. Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Đông Bắc Á.
Nút giao thông tại quận Long Biên-thành phố Hà Nội.
Nút giao thông tại quận Long Biên-thành phố Hà Nội.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế tiếp tục được đổi mới để vừa bảo đảm tôn trọng các quy luật kinh tế thị trường, vừa phát huy đầy đủ, vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc ban hành những Nghị quyết của Đảng là một tổng thể các vấn đề kinh tế-xã hội và chính trị có liên quan mật thiết với nhau. Vì vậy, đòi hỏi bộ máy triển khai hành động: Quốc hội và Chính phủ phải có những quyết sách sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ nhằm tạo ra động lực và nguồn lực mới cho sự phát triển của đất nước, hướng tới mục tiêu là một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, xứng đáng với sự hy sinh cho độc lập dân tộc của đồng bào, chiến sĩ cả nước và thực hiện tốt nhất mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời.
Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN
Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở lớn nhất trên thế giới với tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP xấp xỉ 200% vào năm 2020 và liên tục cân bằng được xuất nhập khẩu.
Trình bày: Vũ Anh Tuấn
Ảnh: Báo Nhân Dân và TTXVN